Tin Việt Nam ngày 11/9: Gần 12,000 ca mắc mới, 273 ca tử vong, tiếp nhận 8 tấn thiết bị y tế, 100,000 liều AstraZeneca, Phú Yên còn 3 xã/phường áp dụng Chỉ thị 16, bão Conson đổ bộ khu vực Thừa Thiên Huế – Quảng Ngãi
Nội dung tối 11/9:
|
-
Gần 12,000 ca mắc mới, Tp HCM giảm gần 2,000 ca
17h ngày 11/9, Bộ Y tế thông báo về 11,932 ca mắc mới gồm 5 ca nhập cảng và 11,927 ca ghi nhận tại 36 tỉnh/thành, trong đó có 5,169 ca cộng đồng.
Cụ thể, 11,927 ca mắc mới phân bố chủ yếu tại Tp HCM (5,629), Bình Dương (3,971), Đồng Nai (960), Long An (337), Kiên Giang (165), Tiền Giang (147), Tây Ninh (137), An Giang (107)…
So với ngày 10/9, số mắc tại Việt Nam ngày 11/9 giảm 1,379 ca, trong đó Tp HCM giảm 1,910 ca, Bình Dương tăng 408 ca, Đồng Nai tăng 137 ca, Long An tăng 16 ca, Kiên Giang tăng 79 ca.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có tổng cộng 601,349 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số nhiễm là 596,980 ca. Có 363,462 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
-
Thêm 273 ca tử vong, 1,117 bệnh nhân COVID-19 thở máy và ECMO
Trong ngày 11/9, Việt Nam ghi nhận thêm 217 ca tử vong tại 13 tỉnh/thành, trong đó nhiều nhất là Tp HCM (188), tiếp đến là Bình Dương (10), Đồng Nai (4)… Ngoài ra, Bộ Y tế bổ sung thêm 56 ca tử vong tại Đồng Nai ghi nhận từ trước.
Tổng số ca tử vong liên quan đến COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 15,018 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số mắc. Hiện trong 6,232 ca bệnh nặng đang điều trị, có 5,115 ca thở oxy, 1,117 ca thở máy và ECMO.
-
Tiếp nhận 8 tấn thiết bị y tế về từ Ba Lan, 100,000 liều AstraZeneca về từ Slovakia
Chiều 11/9, lô 8 tấn thiết bị và vật tư y tế trị giá 3.7 triệu USD do Chính phủ Ba Lan tặng Việt Nam đã về Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (Tp HCM).
Lô hàng lần này gồm 100 chiếc bơm chích điện, 267 bơm khối Biolight, 20 máy thở Flight 60T, 50 máy thở MTV, 30 máy theo dõi nhịp tim, 10,000 kính chắn giọt bắn, 5,000 khẩu trang FFP2, 5,000 bộ đồ bảo hộ, 400,000 găng tay.
Trước đó, hôm 17/8, Ba Lan công bố tặng Việt Nam 501,600 liều vaccine Astra Zeneca, viện trợ nhiều thiết bị y tế trị giá 4 triệu USD. Lô vaccine này đã về đến Việt Nam vào ngày 23/8.
Cũng trong ngày 11/9, Việt Nam tiếp nhận 100,000 liều vaccine AstraZeneca do Slovakia tặng, 1 triệu kit test nhanh kháng nguyên trị giá 5 triệu euro do Tập đoàn NG Biotech tặng; 1 triệu bộ kit xét nghiệm PCR trị giá 6 triệu euro do Tập đoàn T&T tặng.
-
Phú Yên kéo dài giãn cách toàn tỉnh, còn 3 xã/phường áp dụng Chỉ thị 16
Chiều 11/9, tỉnh Phú Yên tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội trên toàn tỉnh từ 0h ngày 13/9. Cụ thể:
- Áp dụng Chỉ thị 16 đối với 3 khu vực gồm: phường 6, phường Phú Thạnh (Tp Tuy Hòa) và xã An Chấn (huyện Tuy An).
- Áp dụng Chỉ thị 15 đối với 7 huyện/thị (gồm Phú Hòa, Tây Hòa, Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân và 2 thị xã Sông Cầu, Đông Hòa) và các xã, phường, thị trấn còn lại của huyện Tuy An và Tp Tuy Hòa.
Quyết định trên được áp dụng trong bối cảnh tỉnh này cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, tuy nhiên vẫn còn nhiều nguy cơ dịch bùng phát, lây nhiễm trong cộng đồng.
Đến sáng cùng ngày, tỉnh Phú Yên có 2,854 ca mắc mới, trong đó có 32 bệnh nhân tử vong. Tp Tuy Hòa là địa phương có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất với 1,586 ca.
-
Mưa lớn liên tục, Hội An di tản khẩn cấp 40 gia đình
Chiều 11/9, bà Phạm Thị Mỹ Hương, Chủ tịch xã Tân Hiệp (Tp Hội An, tỉnh Quảng Nam) cho biết, trong 2 ngày 10-11/9, mưa lớn diễn ra liên tục trên biển và đảo Cù Lao Chàm.
Đến chiều 11/9, tại khu vực có gần 40 gia đình, nước mưa từ núi cao đổ xuống rất mạnh, nguy cơ sụt lún và vùi lấp rất cao.
Chính quyền xã Tân Hiệp và bộ đội biên phòng đảo Cù Lao Chàm đã di dời số gia đình trên đến nơi an toàn. Xã cũng đã lên phương án di dời với các gia đình khác trong trường hợp tiếp tục có mưa lớn.
Trước đó vào sáng cùng ngày, học sinh mầm non và tiểu học của thành phố đã nghỉ buổi sáng để tránh bão Conson. Từ chiều, học sinh cấp THCS cũng được cho nghỉ cho đến khi có thông báo.
Tính đến cuối ngày 11/9, tại Quảng Nam, huyện Nam Trà My đã di tản khẩn cấp 21 gia đình, với 84 người ra khỏi những nơi nguy cơ sạt lở, đến nơi trú ẩn an toàn. Tất cả 21 gia đình này đều tập trung tại thôn 1, xã Trà Vân.
Tương tự trong ngày, huyện Đại Lộc cũng di dời khẩn cấp nhiều gia đình tại 2 xã Đại Hồng, Đại Đồng đến nơi an toàn trước khi bão Conson đổ bộ.
-
Bão Conson vào đất liền khu vực Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi
Hồi 19h ngày 11/9, vị trí tâm bão ở trên vùng biển Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi với sức gió mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 5km/h, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, trên vùng biển Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.
Trong 12 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5-10km, vào đất liền khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Đến 7h ngày 12/9, áp thấp nhiệt đới có sức gió mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Hiện vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm) có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 4.0-5.0m; biển động rất mạnh. Đêm nay và sáng ngày mai (12/9), vùng ven biển khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; khu vực sâu trong đất liền các tỉnh trên có gió giật cấp 7.
Trên đất liền, đêm nay và ngày mai (12/9) ở các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Kon Tum có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm.
Từ ngày 12-14/9 ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt.
Từ nay đến ngày 12/9, các tỉnh Bình Định và Gia Lai có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-80mm, có nơi trên 100mm.
Nội dung chiều 11/9:
|
-
Đêm nay bão Conson vào Quảng Trị – Quảng Ngãi gây mưa lớn
Trong bản tin phát lúc 14h ngày 11/9 Trung tâm Khí tượng Quốc gia cho biết, hồi 13h cùng ngày, vị trí tâm bão cách bờ biển Quảng Trị-Quảng Ngãi khoảng 140 km về phía Đông với sức gió mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 1h ngày 12/9, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi với sức gió mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.
Trong 12-24 giờ tới, bão giữ nguyên tốc độ tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 13h ngày 12/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi với sức gió mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Từ nay đến ngày 13/9, tại các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa ở Quảng Trị đến Quảng Nam phổ biến 200-300 mm, có nơi trên 350 mm, Quảng Ngãi phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 200 mm.
Từ ngày 12-14/9 ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt.
Từ nay đến ngày 12/9, các tỉnh Bình Định, Kon Tum và Gia Lai có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-80mm/24h, có nơi trên 100mm/24h.
-
Học sinh Hội An nghỉ học tránh bão Conson
Sáng nay (11/9), ông Nguyễn Văn Dương, Trường phòng GD&ĐT Tp Hội An cho biết, học sinh mầm non và tiểu học của thành phố đã nghỉ buổi sáng để tránh bão Conson. Từ chiều nay, học sinh cấp THCS cũng được cho nghỉ.
Về thời gian đi học trở lại, ông Dương cho hay, còn tùy vào diễn biến của cơn bão, sẽ có thông báo cụ thể đến phụ huynh và các em học sinh.
Theo một lãnh đạo khác của Tp Hội An, trong điều kiện bão chồng dịch, phương án di tản người dân phải bảo đảm an toàn phòng dịch.
Tỉnh Quảng Nam cho biết, từ đêm qua đến sáng 11/9, trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, phổ biến trên 60 mm, có nơi mưa to đến rất to với lượng 100-122 mm.
-
Bình Dương áp tiêu chuẩn mới về thu dung và điều kiện F0 được xuất viện
Với số bệnh nhân COVID-19 hiện đã vượt quá khả năng của hệ thống xét nghiệm (RT-PCR) (gần 150,000 ca mắc), tỉnh Bình Dương đang nghiên cứu áp tiêu chuẩn mới về thu dung và điều kiện F0 được xuất viện.
Cụ thể, Sở Y tế Bình Dương đã đồng thuận ý kiến của các chuyên gia, cho phép bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng, không có yếu tố nguy cơ, không bệnh nền đang điều trị được cách ly tại nhà nếu sau 7 ngày điều trị có kết quả test nhanh kháng nguyên âm tính.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, cần sử dụng test nhanh có độ tin cậy và địa phương cần giám sát chặt chẽ cũng như hỗ trợ y tế cho bệnh nhân tại nhà.
Tính hết ngày 10/9, tỉnh Bình Dương ghi nhận 3,563 ca mắc mới, nâng tổng số mắc lên gần 150,000 ca. Việc số ca mắc tăng cao đã vượt quá khả năng xét nghiệm RT-PCR của hệ thống xét nghiệm tỉnh Bình Dương.
-
Hà Nội phong tỏa thôn 1,300 người, chích vaccine cho 1,000 thai phụ
Ngày 11/9, ông Mạc Đình Được, Chủ tịch xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho hay, trên địa bàn xã mới ghi nhận 4 trường hợp nghi F0 có địa chỉ tại thôn Tân Mỹ.
Trước đó, ngày 10/9, các trường hợp trên có biểu hiện ho, sốt, được lấy mẫu test nhanh cho kết quả dương tính. Tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm PCR vào tối cùng ngày cũng cho kết quả khẳng định dương tính.
Hiện toàn bộ thôn Tân Mỹ với 1,300 người trong 304 gia đình đã bị phong tỏa để lấy mẫu xét nghiệm.
Chính quyền địa phương đã yêu cầu 46 gia đình liên quan trong thôn ở yên trong nhà, đợi lấy mẫu xét nghiệm. Hiện toàn khu vực xã Thụy Hương đã áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16.
Cũng tại Hà Nội, trong hôm nay và ngày mai (12/9), Bệnh viện Thanh Nhàn dự kiến chích vaccine COVID-19 cho 1,020 thai phụ mang thai trên 13 tuần tại địa bàn quận Hoàng Mai.
Bác sĩ Trần Quyết Thắng, Trưởng Khoa sản 1 Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay, trong ngày 11/9 Bệnh viện sẽ chích vaccine cho 520 sản phụ, 500 người còn lại sẽ chích trong ngày mai (12/9).
Theo bác sĩ Thắng, đối với sản phụ dưới 13 tuần thì sẽ chưa chích ngừa vì dễ sảy thai, di tật thai do tác dụng phụ của thuốc.
Thai phụ Đào Thị Thắm (ở Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) đang mang thai 30 tuần cho biết, sáng cùng ngày khi đến Bệnh viện Thanh Nhàn chị mới biết mình chích vaccine Pfizer.
Trưa cùng ngày 11/9, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận 28 ca dương tính mới, cùng với 2 ca phát hiện buổi sáng, nâng tổng số mắc từ sáng đến trưa lên 30 ca.
Theo CDC Hà Nội, tính đến trưa cùng ngày, một số chùm bệnh trên địa bàn thành phố đang tiếp tục lây nhiễm, trong đó, chùm lây tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân có 546 ca; chùm lây tại Văn Chương, quận Đống Đa có 95 ca.
Tổng số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4, từ ngày 27/4 đến nay là 3,755 ca, trong đó có 1,591 ca cộng đồng.
-
Tp Vũng Tàu xét nghiệm trên 35,000 gia đình tại 5 phường ‘vùng đỏ’
Sáng 11/9, Tp Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) lấy mẫu xét nghiệm diện rộng cho trên 35,000 gia đình tại 5 phường ‘vùng đỏ’ gồm: phường 8, 10, Nguyễn An Ninh, Thắng Nhất, Thắng Nhì.
Trong đợt này, tất cả người dân tại 5 phường trên đều phải lấy mẫu xét nghiệm và không giới hạn tuổi (trừ người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh).
Theo thống kê, tổng số mẫu dự kiến lấy tại 5 phường ‘vùng đỏ’ này khoảng 132,000 người, thực hiện trong 2 đợt. Đợt 1 trong hôm nay (11/9) và đợt 2 vào ngày 13/9.
Tiến sĩ Huỳnh Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng Quy Nhơn cho biết, tình hình dịch bệnh tại Bà Rịa-Vũng Tàu đang có xu hướng bình ổn, một số huyện đã trở thành ‘vùng xanh’ và đang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15.
Hiện, một số địa phương gồm Tp Vũng Tàu, Bà Rịa, huyện Long Điền, thị xã Phú Mỹ vẫn còn các ‘vùng cam’, ‘vùng vàng’ nên việc lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để tìm F0 để điều trị và F1 cách ly tập trung là rất cần thiết.
Từ 18h ngày 9/9 đến 18h ngày 10/9, kết quả xét nghiệm PCR tại Tp Vũng Tàu có 20 mẫu dương tính, gồm 7 mẫu ngoài cộng đồng tại phường 10 (4 mẫu) và phường Thắng Nhì (3 mẫu) và 13 mẫu trong khu phong tỏa, cách ly tập trung.
Nội dung sáng 11/9:
|
-
Gần chạm mốc 590,000 ca nhiễm, hơn 14,700 ca tử vong
Tính đến sáng 11/9, Việt Nam có 589,417 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số mắc là 585,051 ca. Có 348,147 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tổng số ca tử vong liên quan đến COVID-19 tại Việt Nam tính đến sáng cùng ngày là 14,745 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số mắc.
Trong ngày hôm qua (10/9), Việt Nam ghi nhận 13,306 ca mắc mới tại 35 tỉnh/thành, trong đó có tới 8,680 ca cộng đồng; tăng 907 ca so với ngày 9/9, riêng Tp HCM tăng 1,990 ca, Bình Dương giảm 968 ca, Đồng Nai giảm 57 ca, Long An giảm 91 ca, Tây Ninh tăng 87 ca. Ngày 10/9 Việt Nam có 275 bệnh nhân COVID-19 tử vong
Trong số 5,970 bệnh nhân nặng đang điều trị, có 4,899 ca thở oxy và 1,071 ca thở máy và ECMO.
-
Sài Gòn thí điểm thẻ xanh, thẻ vàng COVID-19
Chiều 10/9, Chủ tịch Tp HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, triển khai thí điểm thẻ xanh, thẻ vàng COVID-19, thí điểm ưu tiên mở cửa một số lĩnh vực theo lộ trình tại quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ. Trên thẻ sẽ có mã QR cấp từ hệ thống cơ sở dữ liệu của Sở Y tế.
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội phù hợp với tình hình kiểm soát dịch tại từng địa bàn/khu vực. Tùy tình hình từng địa bàn/khu vực mà mở cửa lại nền kinh tế tương ứng.
-
Hà Nội đề nghị mở 4 điểm test nhanh kháng nguyên cho lái xe chở hàng
Mới đây tại Hà Nội, Sở GTVT vừa kiến nghị mở thêm điểm xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 cho người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa tại 4 khu vực gồm: khu vực đường đua F1 Sân vận động Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), bến xe Gia Lâm (quận Long Biên), nhà thi đấu Gia Lâm (huyện Gia Lâm) và nhà thi đấu Tây Hồ (quận Tây Hồ).
Các quận/huyện nơi có những địa điểm được kiến nghị được yêu cầu phối hợp với Sở Y tế Hà Nội rà soát để tổ chức xét nghiệm; tổ chức phân luồng giao thông thông suốt, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các vị trí trên.
Trước đó, từ ngày 5/8, Hà Nội đã có 2 điểm test nhanh kháng nguyên cho người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa đặt tại Bến xe Nước Ngầm (quận Hoàng Mai) và Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông).
Tuy nhiên, hiện đang có một lượng lớn đơn vị, cá nhân tham gia vận chuyển hàng hóa bằng xe ôtô, xe môtô, xe hai bánh có nhu cầu đăng ký test nhanh kháng nguyên trên địa bàn thành phố.
Hơn nữa trong thời gian tới, lực lượng shipper vận chuyển hàng hóa, bưu gửi bằng xe 2 bánh được phép hoạt động một phần, do đó nhu cầu xét nghiệm sẽ tăng.
Sáng nay (11/9), Hà Nội ghi nhận 2 ca nhiễm mới đều trong khu cách ly, phong toả, nâng tổng số mắc trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4) lên 3,727 ca, trong đó có 1,588 ca cộng đồng.
-
Đà Nẵng hướng dẫn đổi giấy đi đường hết hiệu lực
Ngày 10/9, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng đã áp dụng văn bản về việc Hướng dẫn tiếp tục triển khai Giấy đi đường QRCode.
Theo Hướng dẫn, với giấy đi đường đã cấp trước đây sẽ hết hiệu lực sử dụng từ 8h00 ngày 12/9, các đơn vị, doanh nghiệp đã được chấp thuận cấp giấy và thông tin không thay đổi thì sử dụng tài khoản đã cấp, đăng nhập vào Ứng dụng để lấy Giấy đi đường mới có hiệu lực từ ngày 12/9 đến ngày 18/9, in và phát cho nhân viên sử dụng.
Đối với các đơn vị, doanh nghiệp đã được chấp thuận cấp giấy nhưng có thay đổi thông tin, nhân viên, thì sử dụng tài khoản đã cấp, đăng nhập Ứng dụng trên để thu hồi Giấy đi đường cũ. Sau khi được xác nhận hủy, các đơn vị, doanh nghiệp cập nhật danh sách mới lên hệ thống theo đúng số lượng được cấp; in, phát hành cho nhân viên sử dụng.
Tại cuộc họp chiều 10/9, Tp Đà Nẵng cho biết, quận Ngũ Hành Sơn đã qua nhiều ngày không có trường hợp mắc mới ngoài cộng đồng. Trong vài ngày tới nếu tiếp tục không ghi nhận ca mắc cộng đồng, thành phố sẽ xem xét để người dân của quận được lưu thông giữa các phường.
Trước đó từ chiều 4/9, Đà Nẵng bắt đầu cấp giấy đi đường có mã QR Code bằng hình thức trực tuyến.
Ngày 5/9, Tp Đà Nẵng chuyển sang trạng thái ứng phó dịch mới với 3 vùng mức độ nguy cơ gồm: vùng đỏ, vùng vàng và vùng xanh. Trong đó, ở vùng vàng, người dân được đi lại trong tổ dân phố, thôn để mua thuốc, mua tạp hóa. Ở vùng xanh, người dân được đi chợ với tần suất 5 ngày/1 lần, tập thể dục ngoài trời vào khung giờ cố định, dịch vụ ăn uống hoạt động dưới hình thức mang về.
-
Phú Quốc thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 10
Ngày 10/9, Chính Phủ đã đồng ý đề nghị của Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc từ tháng 10.
Theo kế hoạch này, Phú Quốc sẽ đón khách quốc tế thuộc các nhóm người đảm bảo điều kiện sau:
- Có chứng nhận chích ngừa vaccine COVID-19 đủ liều, và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảng;
- Hoặc bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong vòng 12 tháng trước nhập cảng.
- Trẻ em dưới 12 tuổi được phép đi cùng cha mẹ hoặc người giám hộ đã được chích đầy đủ theo quy định. Ngoài ra phải có thêm xét nghiệm PCR/LAMP âm tính trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảng được chứng nhận bởi quốc gia thực hiện xét nghiệm (bằng tiếng Anh).
-
Ninh Bình, Bắc Giang, Lạng Sơn nới lỏng một số hoạt động
Từ 0h ngày 11/9, tỉnh Ninh Bình cho phép mở cửa trở lại các hoạt động, kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu. Cụ thể như sau:
- Các sân Golf được đón người dân đang sinh sống trên địa bàn tỉnh đến chơi. Với người ngoài tỉnh, chỉ được đón người về từ khu vực không có ca nhiễm cộng đồng, đã chích đủ 2 liều vaccine, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ hoặc có kết quả test nhanh kháng nguyên tại chỗ âm tính.
- Các dịch vụ phục vụ ăn, uống, giải khát, được đón số lượng khách không quá 50% số bàn;
Các dịch vụ cắt tóc, gội đầu, gym, spa, thẩm mỹ được phục vụ số lượng khách không quá 50% công suất; không phục vụ khách trên các xe đường dài về từ những tỉnh/thành có ca nhiễm cộng đồng. - Các hoạt động chở khách, xe hợp đồng từ Ninh Bình đi các tỉnh có ca nhiễm cộng đồng và ngược lại được hoạt động. Xe khách đường dài dừng đón, trả khách tại Ninh Bình. Đối với lái xe đến giao hàng hóa, vận chuyển tại Ninh Bình phải test nhanh kháng nguyên.
Tuy nhiên, tỉnh này vẫn dừng các hoạt động tại khu du lịch, điểm du lịch, di tích; Các hoạt động nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng trên 20 người. Đặc biệt, tiếp tục hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người không cần thiết (trên 20 người).
Tại Bắc Giang, cũng từ hôm nay (11/9), tỉnh mở cửa trở lại đối với các hoạt động thể dục, thể thao trong nhà và ngoài trời. Tuy nhiên, các giải thi đấu thể thao chưa được tổ chức. Trước mắt, sân golf dịch vụ Yên Dũng chỉ được nhận khách là người đang cư trú tại tỉnh.
Trong 2 ngày qua, tỉnh Bắc Giang không ghi nhận F0. Trước đó có 1 F0 là bệnh nhân ở huyện Hiệp Hòa, được đón về từ Tp HCM vào ngày 5/9 trên chuyến bay số hiệu QH 9202. Ca bệnh này đã được đưa đi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Trên địa bàn Lạng Sơn, từ 0h ngày 11/9, tỉnh này cho phép các cơ sở dịch vụ ăn, uống trong nhà, nhà hàng; điểm truy cập Internet, trò chơi điện tử, các phòng tập gym, phòng thể dục, yoga, cơ sở spa, phòng tập và các môn thể dục thể thao khác trên địa bàn Tp Lạng Sơn được mở cửa hoạt động đến 22h30 hàng ngày nhưng phải bảo đảm yêu cầu phòng dịch.
Một số dịch vụ không thiết yếu như karaoke, quán bar, xông hơi, quán ăn và quán nước kinh doanh trên vỉa hè… tiếp tục dừng hoạt động đến khi có thông báo mới.
Đến thời điểm hiện tại, thành phố Lạng Sơn chưa phát hiện trường hợp mắc COVID-19.
-
Sóc Trăng miễn học phí đến cuối năm 2021
Tối 10/9, tỉnh Sóc Trăng cho biết, đã đồng thuận không thu học phí có thời hạn đối với trẻ mầm non, học sinh phổ thông và học viên tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông trong toàn tỉnh.
Theo đó, việc miễn học phí được thực hiện đến hết năm 2021, dự kiến sử dụng 30 tỷ đồng từ ngân sách quốc gia.
Từ ngày 15/9 tới đây, Sóc Trăng bắt đầu dạy trực tuyến cho học sinh cấp THPT. Trước ngày 27/9, nếu dịch được kiểm soát, Sóc Trăng sẽ tổ chức dạy học trực tiếp cho tất cả các cấp học (kể cả mẫu giáo). Vào ngày 18/10, trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ sẽ đến trường.
-
Bão Conson giật cấp 11 trên vùng biển Quảng Trị-Quảng Nam
Trung tâm Dự báo Khí tượng quốc gia cho biết, hồi 7h ngày 11/9, vị trí tâm bão cách bờ biển Quảng Trị-Quảng Ngãi khoảng 210 km về phía Đông với sức gió mạnh cấp 9-10 (75-100 km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo: Trong 24 giờ tới, bão di chuyển chậm theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 7h ngày 12/9, vị trí tâm bão ở trên vùng biển khu vực từ Quảng Trị-Quảng Nam với sức gió mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11.
Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5-10km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền. Đến 7h ngày 13/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực biên giới Việt-Lào với sức gió mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Trên biển: Ngày và đêm nay (11/9), ở vùng biển phía Tây khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió xoáy mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, giật cấp 12; sóng biển cao từ 4.0-6.0m; biển động rất mạnh.
Ở vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4.0-5.0m; biển động rất mạnh.
Trên đất liền: Từ ngày hôm nay (11/9), vùng ven biển khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10; khu vực sâu trong đất liền có gió giật cấp 7-8.
Cũng từ nay đến 13/9 ở các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa ở Quảng Trị đến Quảng Nam phổ biến 200-300mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt, Quảng Ngãi phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt.
Từ ngày 12-14/9 ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, riêng Quảng Bình và Hà Tĩnh có nơi trên 250mm/đợt.
Từ nay đến 12/9, các tỉnh Bình Định, Kon Tum và Gia Lai có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-80mm/đợt, có nơi trên 100mm/đợt.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm