Tin Việt Nam ngày 11/8: Gần 8,800 ca mắc mới, thêm 342 ca tử vong, tiếp nhận gần 218,000 liều vaccine Pfizer, số ca mắc mới tại Hà Nội giảm mạnh, Đà Nẵng phát hiện 5 F0 tại KCN Hoà Cầm, giá phân bón tăng ‘phi mã’
Nội dung sáng 11/8:
|
-
Hơn 4,800 ca mắc mới, có 1,135 ca cộng đồng
6h ngày 11/8, Việt Nam ghi nhận 4,802 ca mắc mới, trong đó 10 ca nhập cảng và 4,792 ca lây nhiễm tại 21 tỉnh/thành gồm: Tp HCM (2,128), Bình Dương (936), Long An (515), Đồng Nai (428), Tây Ninh (263), Tiền Giang (177), Bà Rịa – Vũng Tàu (102), Vĩnh Long (63), Khánh Hòa (41), Phú Yên (33), Bình Thuận (27), Sơn La (19), Đồng Tháp (15), Kiên Giang (12), Bình Định (10), Quảng Ngãi (9), Hà Tĩnh (7), Hà Nội (3), Nghệ An (2), Nam Định (1), Lạng Sơn (1). Trong đó có 1,135 ca trong cộng đồng.
Như vậy, đến sáng 11/8, Việt Nam có 232,937 ca COVID-19, trong đó, kể từ ngày 27/4 đến nay là 228,990 ca.
Về tình hình điều trị, hiện tổng số ca được điều trị khỏi là 80,348 ca, số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 491 ca, số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 20 ca.
-
Việt Nam chuẩn bị thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19 trên người
Đây là một loại thuốc do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu, chiết xuất từ thảo dược có tên là Vipdervir.
Những kết quả tiền lâm sàng được công bố hôm 10/8 cho thấy, thuốc có triển vọng trong điều trị bệnh COVID-19, sản phẩm an toàn và có tác dụng tăng cường miễn dịch trên các mô hình nghiên cứu thực nghiệm trên vật nuôi là thỏ.
Hiện chưa rõ các thành phần cụ thể của chế phẩm y học cổ truyền này, tuy nhiên nhóm tác giả cho biết, thuốc có khả năng ức chế được virus viêm phổi Vũ Hán, ngăn cản sự bám dính của virus, làm mất khả năng xâm nhập trong tế bào chủ, ức chế khả năng nhân lên của virus trong tế bào.
Theo PGS.TS Lê Quang Huấn, Chủ nhiệm đề tài, đây là cơ sở sở khoa học để nhóm nghiên cứu đề nghị thử nghiệm điều trị COVID-19 trên người bệnh.
Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ đào tạo thuộc Bộ Y tế, cho biết, thử nghiệm trên người sẽ mất khoảng 2-3 tháng, sau đó là đánh giá kết quả. Nếu tiến triển tốt, đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành nghiên cứu lâm sàng và có thể cấp phép lưu hành cho sản phẩm này.
-
Bình Thuận sẽ xét nghiệm tầm soát COVID-19 có thu phí
Từ hôm nay (11/8) đến 11/9, Bình Thuận sẽ xét nghiệm tầm soát COVID-19 trong cộng đồng có thu phí (trừ những trường hợp khó khăn, không có điều kiện chi trả), tần xuất định kỳ tối thiểu 5-7 ngày/lần với những nhóm nguy cơ và những người cung cấp dịch vụ thiết yếu.
Nhóm người thuộc diện xét nghiệm tầm soát COVID-19 tự nguyện có trả phí gồm: cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, người lao động trong các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh.
Cùng ngày, tỉnh Bình Thuận chấp thuận trích 10 tỷ đồng từ nguồn kinh phí để mua sắm sinh phẩm, vật tư, test nhanh phục vụ ứng phó dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Tính từ 23/6 đến sáng ngày 10/8, tỉnh Bình Thuận ghi nhận trên 1,250 ca mắc COVID-19.
-
Bộ GTVT yêu cầu hạn chế tối đa số lượng chuyến bay đến Nội Bài
Ngày 10/8, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam, trong đó yêu cầu hạn chế tối đa số lượng chuyến bay đến sân bay Nội Bài.
Bộ GTVT lưu ý, ưu tiên nhóm ứng phó với dịch bệnh. Riêng đường bay giữa Tp HCM – Hà Nội có thể giảm xuống dưới 2 chuyến khứ hồi/ngày.
Thực tế, kể từ ngày 24/7 đến nay, số lượng chuyến bay giữa Tp HCM – Hà Nội đã giảm nhiều.
-
Giá gạo Việt chịu ảnh hưởng kép vì COVID-19, thấp hơn cùng kỳ gần 100 USD/tấn
Ngày 10/8, giá lúa thu mua tại một số tỉnh khu vực ĐBSCL đi ngang sau thời gian giảm sâu do ảnh hưởng dịch COVID-19, hoạt động mua bán, sản xuất bị ngưng trệ hàng loạt. Cụ thể, giá lúa IR50404 từ 4,600-5,000 đồng/kg; lúa OM 9582 từ 4,600-4,900 đồng/kg; giá OM 6976 từ 5,100-5,200 đồng/kg, giá ST24 từ 6,100-6,200 đồng/kg… So cùng thời điểm vào mùa vụ này năm ngoái, giá lúa mua vào năm nay thấp hơn khoảng 1,000 đồng/kg.
Bộ Công thương cho biết, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 làm gián đoạn quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, việc thiếu container rỗng và giá cước vận chuyển tăng cao cũng là trở ngại cho hoạt động xuất nhập cảng hàng hóa trong những tháng cuối năm.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết, giá lúa mua vào giảm mạnh do giá gạo thế giới giảm. Lượng lúa tồn kho của các công ty chưa xuất khẩu được rất lớn nên nhiều doanh nghiệp không mặn mà mua vào. Ông Đôn cho hay, hiện Công ty Việt Hang đang tồn hơn 15,000 tấn lúa do giá thấp, không bán được.
Tại thị trường thế giới, theo thống kê từ Reuters ngày 10/8, giá gạo đồ 5% tấm tại nhà xuất cảng gạo hàng đầu là Ấn Độ giảm còn 354-358 USD/tấn vào tuần trước; giá gạo 5% tấm Thái Lan tăng nhẹ từ 385-408 USD/tấn trong tuần cuối tháng 7, mức thấp nhất kể từ 2 năm qua.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi, giữ ở mức 390 USD/tấn trong tuần trước (mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020).
So cùng thời điểm này năm ngoái với mức giá trung bình 485 USD/tấn, gạo xuất khẩu hiện tại thấp hơn gần 100 USD/tấn.
-
Giá vàng thế giới tiếp tục giảm, chênh so với SJC gần 10 triệu đồng
Trong phiên giao dịch sáng ngày 11/8, giá vàng thế giới giao ngay giảm 0.12% xuống 1,726.9 USD/ounce vào lúc 7h00 (giờ Việt Nam), theo kitco. Giá vàng giao tháng 12 cũng giảm 0.31% xuống 1,726.25 USD.
Tại Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 10/8, giá vàng đi ngang. Hiện, giá vàng SJC tại Hà Nội đang duy trì mức giá 56.25-56.97 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra); còn tại Tp HCM là 56.25-56.95 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Riêng vàng PNJ tăng nhẹ 50,000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào – bán ra.
Quy đổi tỷ giá USD/VNĐ của ngân hàng Vietcombank (23,000 đồng), giá vàng thế giới tương đương 47.85 triệu đồng/lượng, thấp hơn 9.8 triệu đồng/lượng so với mức vàng tại Việt Nam.
-
Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục mưa lớn, Trung Bộ nắng nóng gay gắt, UV ở mức gây hại cao
Hôm nay (11/8) đến sáng ngày 12/8, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông, khu vực vùng núi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa từ 50-100 mm, riêng Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu cục bộ trên 150 mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi.
Hà Nội từ hôm nay đến sáng 12/8, trời lúc có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to.
Ở Trung Bộ, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Nắng nóng còn kéo dài đến ngày 14/8, từ ngày 15/8 nắng nóng có khả năng giảm dần.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong ngày hôm nay, chỉ số UV cực đại tại các thành phố thuộc khu vực phía bắc phổ biến ở mức trung bình với nguy cơ gây hại trung bình. Trong khi đó, chỉ số UV tại các thành phố miền trung và phía nam có thể đạt giá trị 8-9 với nguy cơ gây hại ở mức cao đến rất cao khi tiếp xúc với cơ thể người.
Trong 3 ngày tiếp theo, chỉ số UV có thể tiếp tục duy trì ở nguy gây hại cao đến rất cao ở hầu hết các khu vực.
Xem thêm