Tin Việt Nam ngày 10/9: Hơn 13,300 ca mắc mới, 275 ca tử vong, Chính phủ yêu cầu 3 tỉnh/thành tổ chức cho công dân về quê, shipper Sài Gòn được lưu thông tới 21h30, Vũng Tàu bỏ quy định ‘xe luồng xanh phải đi ban đêm’, Nghệ An đề nghị di dời chợ đầu mối, bão Conson giật cấp 13, cách Quảng Trị – Quảng Nam 160 km
Nội dung tối 10/9:
|
-
Hơn 13,300 ca mắc mới, có 8,680 ca cộng đồng
Ngày 10/9, Bộ Y tế thông báo về 13,321 ca mắc mới gồm 15 ca nhập cảng và 13,306 ca ghi nhận tại 35 tỉnh/thành, trong đó có 8,680 ca cộng đồng.
Cụ thể 13,306 ca phân bố chủ yếu tại Tp HCM (7,539), Bình Dương (3,563), Đồng Nai (823), Long An (321), Tây Ninh (248), Tiền Giang (156), Kiên Giang (86), Bình Phước (58), Đồng Tháp (58)…
So với ngày 9/9, số mắc tại Việt Nam trong ngày 10/9 tăng 907 ca, trong đó, Tp HCM tăng 1,990 ca, Bình Dương giảm 968 ca, Đồng Nai giảm 57 ca, Long An giảm 91 ca, Tây Ninh tăng 87 ca.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có 589,417 ca COVID-19, trong đó riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số mắc mới là 585,051 ca. Có 348,147 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
-
Thêm 275 bệnh nhân COVID-19 tử vong, có 1,071 ca thở máy và ECMO
Trong ngày 10/9, Việt Nam ghi nhận thêm 275 bệnh nhân COVID-19 tử vong, trong đó 21 ca tử vong từ trước tại Bình Dương (14), Bình Thuận (4), Nghệ An (3) và 254 ca tử vong trong ngày tại 13 tỉnh/thành gồm: Tp HCM 195 ca (giảm so với ngày 9/9), Bình Dương (41); Tiền Giang), Đà Nẵng và Đồng Nai đều 3 ca…
Đến nay, tổng số ca tử vong liên quan COVID-19 tại Việt Nam là 14,745 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số mắc.
Trong ngày có 12,751 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số được điều trị khỏi lên 350,921 ca. Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5,970 ca, trong đó, 4,899 ca thở oxy và 1,071 ca thở máy và ECMO.
-
Chính phủ yêu cầu 3 tỉnh/thành tổ chức cho công dân về quê
Chính phủ vừa có văn bản gửi 3 tỉnh/thành gồm: Hà Nội, Tp HCM và Bình Dương về việc rà soát; bảo đảm yêu cầu giãn cách, cách ly theo quy định.
Theo đó, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương trên nghiên cứu phương án, tổ chức cho người ở khu vực đông dân cư không bảo đảm yêu cầu giãn cách, cách ly được đăng ký về quê theo nguyện vọng.
Trước đó, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khiến nhiều lao động bị mất việc, bị mắc kẹt lại thành phố. Có nhiều lao động tự ý về quê bằng xe máy, hay thậm chí bằng cách đi bộ nhưng không thể qua được các chốt kiểm soát dịch bệnh nên đã bị mắc kẹt.
Ngày 29/8, phát biểu kết luận tại cuộc họp với 20 tỉnh/thành thực hiện Chỉ thị 16, Thủ tướng yêu cầu các địa phương di dời dân ở những nơi có mật độ dân số quá cao, nguy cơ lây lan dịch bệnh lớn đến nơi thông thoáng, an toàn, hạn chế lây nhiễm chéo.
Tại Tp HCM, thời gian qua đã phối hợp với hơn 30 tỉnh, thành đưa 28,000 người dân về quê theo nguyện vọng.
-
Nhân viên siêu thị, shipper Sài Gòn được lưu thông tới 21h30
Ngày 10/9, Cảnh sát Tp HCM yêu cầu các địa phương áp dụng thực hiện các biện pháp kiểm soát trong thời gian thành phố giãn cách xã hội.
Theo đó, từ ngày mai (11/9), nhân viên siêu thị, cửa hàng thực phẩm, nhân viên cơ sở sản xuất kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế “được lưu thông” từ 5h đến 21h30 hàng ngày (thay vì 6h-18h). Riêng với shipper, vẫn chỉ di chuyển trong phạm vi một quận/huyện hoặc Tp Thủ Đức.
Về việc đi chợ, người dân quận 7 và huyện Củ Chi được phép đi chợ một lần/tuần. Riêng với nhóm dịch vụ bán đồ ăn mang đi, bưu chính viễn thông, thiết bị văn phòng, đồ dùng học tập sẽ cần giấy đi đường và phải bảo đảm điều kiện “tối thiếu, cần thiết”.
Bên cạnh đó, thành phố cho phép mở 2 điểm tập kết, trung chuyển hàng nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn; tiếp tục duy trì hoạt động của điểm tập kết, trung chuyển tại chợ đầu mối Thủ Đức để cung ứng hàng hóa.
Trước đó, ngày 6/9, Sở Công Thương Tp HCM kiến nghị thành phố chấp thuận cho hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm được mở cửa trở lại từ 6h-21h. Cùng với đó, cho phép shipper hoạt động theo phạm vi nội quận đến 21h tương ứng để hỗ trợ phân phối hàng hóa.
Tp HCM thực hiện siết chặt giãn cách theo Chỉ thị 16 từ ngày 26/7. Theo đó, người dân thành phố được yêu cầu không ra đường từ 18h đến 6h hôm sau, trừ lực lượng thiết yếu được sự cấp phép của chính quyền.
-
Vũng Tàu bỏ quy định ‘xe luồng xanh phải đi ban đêm’
Tối 10/9, chính quyền Tp Vũng Tàu đã thu hồi văn bản quy định ôtô vận chuyển hàng đã đăng ký, xe luồng xanh, xe vận chuyển hàng tại các cảng cá… chỉ được lưu thông trong khoảng thời gian từ 18h đến 6h sáng.
Theo đó, việc kiểm soát vận tải hàng hóa luồng xanh ra vào thành phố cũng như nhóm người lưu thông trên đường và qua các chốt kiểm soát trở lại áp dụng các quy định trước đó.
Trước đó, từ 0h ngày 10/9, Vũng Tàu bắt đầu áp dụng quy định trên. Tại chốt cửa ngõ thành phố, hàng trăm ôtô phải quay đầu, nhiều tài xế đậu xe san sát, chờ được giải quyết. Trước tình trạng trên, thành phố đã mở các chốt, chấp thuận cho ôtô được chở hàng vào Tp Vũng Tàu.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng quy định của Tp Vũng Tàu không đúng quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ GTVT, ảnh hưởng lưu thông hàng hóa. Đơn vị này đã đề nghị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu rà soát, bãi bỏ các văn bản do địa phương đã ban hành có nội dung chưa thống nhất với chỉ đạo của Chính phủ.
Về phía Bà Rịa – Vũng Tàu, Sở GTVT tỉnh nhận định, quy định có hiệu lực quá gấp làm ảnh hưởng đến kế hoạch cung ứng hàng hóa, kế hoạch vận chuyển của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoại tỉnh do chưa cập nhật kịp.
Ngoài ra, việc phân chia thời gian vận chuyển hàng hóa lệch với thời gian được phép di chuyển của người làm việc, nhân viên, gây khó khăn cho việc giải quyết các thủ tục, tác nghiệp giao, nhận hàng.
-
Tp Vinh đề nghị di dời chợ đầu mối ra ngoại thành
Chiều 10/9, tỉnh Nghệ An cho biết, Tp Vinh vừa có công văn về việc xem xét chuyển chợ đầu mối về Bến xe Nam Vinh tại xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên.
Dự án Bến xe Nam Vinh tại xã Hưng Lợi được tỉnh Nghệ An chấp thuận xây dựng tỷ lệ 1/500 gồm khu vực Bến xe 29,350 m2; khu thương mại dịch vụ 16,830 m2; cho thuê đất diện tích 42,310 m2.
Chủ tịch thành phố Vinh cho hay, hiện Dự án này mới chỉ san lấp mặt bằng, xây dựng hàng rào; chưa đầu tư xây dựng theo quy hoạch được chấp thuận nên sẽ thuận lợi khi điều chỉnh quy hoạch xây dựng và chức năng sử dụng sang đất thương mại dịch vụ để đầu tư xây dựng chợ.
Còn chợ đầu mối Tp Vinh hiện được bố trí tại phường Hồng Sơn, quy mô khoảng một hecta; nằm tiếp giáp với khu dân cư. Dịch bệnh bùng phát tại Tp Vinh và Chợ đầu mối những ngày qua trở thành chùm lây nhiễm nguy hiểm, Đã có hàng trăm F0, hàng ngàn F1 liên quan đến chùm lây này. Hiện, chợ đầu mối này vẫn bị phong tỏa.
-
Bão Conson giật cấp 13, cách Quảng Trị – Quảng Nam 160 km trong 24 giờ tới
Trung tâm Dự báo Khí tượng Quốc gia cho biết, hồi 19h ngày 10/9, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển phía Tây Nam khu vực quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Quảng Trị-Quảng Nam khoảng 340km về phía Đông với sức gió mạnh cấp 10 (90-100 km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 19h ngày 11/9, vị trí tâm bão cách bờ biển Quảng Trị-Quảng Nam khoảng 160 km về phía Đông với sức gió mạnh cấp 10-11 (90-115 km/giờ), giật cấp 13.
Đến 19h ngày 12/9, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển khu vực từ Quảng Trị-Quảng Nam với sức gió mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11.
Trong 48-72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10 km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền. Đến 19h ngày 13/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên đất liền khu vực biên giới Việt Nam-Lào với sức gió mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi sâu vào đất liền suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.
Trên biển: Ở vùng biển phía Tây khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió xoáy mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, sau tăng lên cấp 11, giật cấp 13; sóng biển cao từ 4.0-6.0m; biển động dữ dội. Từ đêm nay (10/9), ở vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4.0-5.0m; biển động rất mạnh.
Trên đất liền: Từ gần sáng 12/9, vùng ven biển khu vực từ Nam Quảng Bình đến Quảng Nam gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10, khu vực sâu trong đất liền có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Từ đêm 10/9 đến 13/9, ở các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa ở Quảng Trị đến Đà Nẵng phổ biến 200-300mm/đợt, ở Quảng Nam-Quảng Ngãi phổ biến 100-200mm/đợt.
Từ ngày 12-14/9, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, riêng Quảng Bình và Hà Tĩnh có nơi trên 250mm/đợt.
Từ ngày 11-12/9, các tỉnh Kon Tum và Gia Lai có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-80mm/đợt.
Nội dung chiều 10/9:
|
-
Bộ GD&ĐT công bố bài giảng minh họa lớp 1, 2 và hướng dẫn dạy học trực tuyến
Để hỗ trợ học sinh, giáo viên học trực tuyến, mới đây, Bộ GD&ĐT đã công bố địa chỉ các nguồn tài nguyên số gồm:
- Các bài giảng minh họa dành học sinh lớp 1, lớp 2;
- Hướng dẫn dạy học trực tuyến gồm: tài liệu, video giới thiệu và hướng dẫn kỹ thuật sử dụng một số phần mềm dạy học trực tuyến, công cụ số hỗ trợ dạy học, kinh nghiệm sử dụng…
- Kho học liệu số gồm: bài giảng e-learning, bài giảng đã dạy trên truyền hình và các tài nguyên số khác.
Tuy nhiên theo Bộ GD&ĐT, hiện kho học liệu đang được xây dựng nên một số tài nguyên chưa được cập nhật.
Bộ GD&ĐT cho biết, trong 48 tỉnh/thành tổ chức khai giảng năm học mới 2021-2022, đã có 14,010 trường học trực tiếp, 11,419 trường học trực tuyến, 8,719 trường chưa tổ chức dạy học. Hầu hết các địa phương tập trung ưu tiên dạy học cho các lớp cuối cấp (lớp 9 và lớp 12).
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, hiện dạy học trực tuyến là phương thức chính, dạy học trên truyền hình là phương thức bổ trợ quan trọng nhất.
Đối với “lớp 1, lớp 2 thì dạy học trên truyền hình sẽ là trọng tâm” và trước mắt giáo viên không kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học trực tuyến hoặc trên truyền hình đối với học sinh 2 lớp này.
-
Bộ Công thương khuyến cáo người dân cẩn trọng về bánh trung thu
Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương vừa có cảnh báo người dân cẩn trọng khi mua các mặt hàng bánh trung thu được rao bán trên các trang mạng xã hội, ứng dụng thương mại điện tử.
Theo khuyến cáo của Cục này, người dân nên chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng: có tên nhà sản xuất, địa chỉ sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản…
Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng, không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.
Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người dân nên tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, tuyệt đối không nên mua ở những fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng…
Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho biết, nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại bánh trung thu có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng; sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép; thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm; thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm…
-
Sài Gòn thu giữ 9,600 hộp thuốc được quảng cáo điều trị COVID-19
Ngày 10/9, Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cho biết, vừa thu giữ 9,600 hộp thuốc được quảng cáo là có tác dụng điều trị COVID-19.
Cụ thể, ngày 9/9, khi khám xét một xe tải mang BKS:51D-483.90, do Trần Văn Hoàng (sinh năm 1993, ngụ tỉnh Kiên Giang) điều khiển, cảnh sát phát hiện 400 hộp thuốc nhãn hiệu Trung Quốc.
Lái xe Hoàng khai, lấy hàng từ kho của Công ty Thương mại và sản xuất Toyo (có địa chỉ tại số 40 Đường số 3, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, Tp HCM), do Tham Vĩ Điệp làm Giám đốc.
Qua lời khai của lái xe Hoàng, cảnh sát tiếp tục khám xét kho hàng của Công ty Toyo tại KCN Bình Đăng, đường Tạ Quang Bửu (Phường 6, Quận 8, Tp HCM) thì phát hiện thêm 9,200 hộp thuốc cùng loại, tất cả đều không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ và chưa được đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Số thuốc trên có nhãn hiệu chữ Trung Quốc, có tên gọi là “Liên hoa thanh ôn”, được quảng cáo là có tác dụng điều trị COVID-19. Cảnh sát đã lập biên bản, tạm giữ số hàng để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.
-
Hơn 3,700 ca nhiễm, Hà Nội bắt đầu chích ngừa vaccine Sinopharm
Trưa nay (10/9), Sở Y tế Hà Nội ghi nhận 9 ca dương tính mới, cùng với 9 ca ghi nhận vào sáng cùng ngày, nâng tổng số ca từ sáng đến trưa lên 18 ca, trong đó có 8 ca cộng đồng.
Theo thống kê từ CDC Hà Nội, tính đến trưa 10/9, Hà Nội có 6 chùm lây đang tiếp tục lây nhiễm, trong đó, nhiều nhất là chùm lây tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân có 535 ca; tiếp đến là chùm lây tại quận Đống Đa, gồm phường Văn Miếu 117 ca, Văn Chương 94 ca; phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai 48 ca; xã Tân Lập, huyện Đan Phượng 20 ca; chợ Ngọc Hà, quận Ba Đình 22 ca.
Hiện tổng số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 3,714 ca, trong đó, số mắc cộng đồng là 1,586 ca.
Cũng trong sáng nay (10/9), Hà Nội bắt đầu triển khai chích vaccine Sinopharm cho người dân tại điểm chích Trường THCS Nguyễn Trãi trên đường Giang Văn Minh của phường Kim Mã (quận Ba Đình). Tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội cũng triển khai chích vaccine Sinopharm vào sáng cùng ngày.
Trước đó, ngày 9/9, Sở Y tế Hà Nội đã có kế hoạch chi tiết phân bổ 999,600 liều vaccine Sinopharm tới các quận, huyện để chích liều 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn. Chích liều 2 cho những người đã chích liều 1 đủ thời gian theo quy định.
-
Quảng Ninh huy động 500 cán bộ, nhân viên y tế hỗ trợ Hà Nội
Sáng nay (10/9), tỉnh Quảng Ninh đã huy động 500 cán bộ, nhân viên y tế đến Hà Nội, tham gia việc lấy mẫu xét nghiệm và chích vaccine COVID-19 diện rộng.
Những người này đều đã chích vaccine phòng COVID-19 và được tập huấn về chích ngừa, lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính.
Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, dự kiến đoàn sẽ hỗ trợ Hà Nội khoảng 10 ngày để tham gia 3 đợt xét nghiệm kết hợp với chích ngừa.
Trước đó, tỉnh Quảng Ninh đã 5 lần cử cán bộ, nhân viên y tế đến các tâm dịch để hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19.
-
Gần 4,300 F0 trong vùng nguy hiểm của bão Conson phải di tản
Sáng nay (10/9), Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về thiên tai cho biết, tại các địa phương dự kiến nằm trong vùng ảnh hưởng bão Conson, có 4,280 F0 ở 29 huyện/thị thuộc 6 tỉnh/thành nằm trong diện phải di tản đến các khu vực an toàn. Cụ thể:
- Thanh Hóa có 215 F0 tại Tp Thanh Hoá, TX.Nghi Sơn và 3 huyện gồm: Nga Sơn, Như Thanh và Nông Cống;
- Nghệ An có 1,105 F0 tại Tp Vinh và 5 huyện gồm: Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Cửa Lò và Nam Đàn;
- Quảng Bình có 928 F0 tại 3 huyện: Đồng Hới, Bố Trạch và Tuyên Hóa;
- Tp Đà Nẵng có 1,524 F0 tại 7 quận: Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn và Hòa Vang;
- Thừa Thiên – Huế có 322 F0 tại 6 huyện: Phong Điền, Nam Đông, Phú Lộc, Tp Huế, Quảng Điền và Phú Vang;
- Quãng Ngãi có 185 F0 tại huyện Bình Sơn và Tp Quãng Ngãi.
Trước đó, trong ngày 9/9, Bộ Y tế đã áp dụng hướng dẫn các địa phương quy trình phòng dịch COVID-19 khi buộc phải di tản người dân tránh bão Conson.
Theo hướng dẫn, tại các khu vực có nguy cơ cao nhiễm dịch COVID-19, cơ quan y tế phải làm xét nghiệm sàng lọc để tách F0 ra khỏi cộng đồng trước khi đưa người dân đến nơi di tản tập trung.
Đến sáng nay, bão Conson tại Philippines đã khiến 14 người chết, 31 người mất tích. Cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến 20,777 gia đình; khiến 20 tỉnh/thành mất điện. Thiệt hại do bão Conson gây ra tại Philippines ước tính 6.1 triệu USD.
-
2 cơn bão trên Biển Đông không có khả năng ‘bão chồng bão’
Hiện trên Biển Đông xuất hiện đồng thời 2 cơn bão có tên quốc tế là Conson và Chanthu.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Quốc gia, sau khi bão Conson đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 5, vào 10h ngày 10/9, vị trí tâm bão số 5 ngay trên vùng biển phía nam khu vực quần đảo Hoàng Sa với sức gió mạnh cấp 10 (90-100 km/giờ), giật cấp 12.
Ngoài ra, trên vùng biển Thái Bình Dương, phía Đông đảo Lu-dông của Philippines, cơn bão Chanthu cũng đang hoạt động mạnh.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng quốc gia cho biết, theo lý thuyết về hiệu ứng Fujiwara, khi 2 cơn bão trong khoảng cách 1,500km sẽ có tương tác. Trong thời điểm bão Conson đang trên Biển Đông ở kinh tuyến 120 độ thì bão Chanthu ở kinh tuyến 130 độ, tức là cách nhau 1,100km, tuy nhiên bão Chanthu có hoàn lưu tương đối nhỏ dù cường độ rất mạnh nên cơ bản không có tương tác với bão Conson.
Theo ông Lâm, thực tế, trong những giờ qua, khi bão Chanthu có xu hướng yếu đi và hoàn lưu bão mở rộng ra thì bão Conson lại bắt đầu tăng cấp khiến kích thước và cường độ 2 cơn bão xấp xỉ nhau và bắt đầu có dấu hiệu tương tác nhưng tương đối yếu.
Phó Giám đốc Trung tâm khí tượng cho biết thêm, bão Chanthu sẽ di chuyển theo hướng tây tây bắc, sau đó di chuyển theo hướng bắc nên khả năng vào Biển Đông trở thành cơn bão số 6 là rất ít, chủ yếu là di chuyển về phía Đài Loan, sau đó đổi hướng đi ra phía ngoài.
Nội dung sáng 10/9:
|
-
Vượt 576,000 ca nhiễm, hơn 6,400 bệnh nhân nặng/nguy kịch
Tính đến sáng 10/9, Việt Nam có 576,096 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số mắc là 571,746 ca. Có 338,170 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tổng số ca tử vong liên quan đến COVID-19 tại Việt Nam tính đến sáng cùng ngày là 14,470 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số mắc.
Trong ngày hôm qua (9/9), Việt Nam ghi nhận 12,420 ca mắc mới tại 36 tỉnh/thành, trong đó có tới 6,138 ca cộng đồng; giảm 264 ca so với ngày 8/9, riêng Tp HCM giảm 1,759 ca, Bình Dương tăng 1,359 ca, Đồng Nai tăng 66 ca, Long An tăng 40 ca, Tây Ninh giảm 10 ca. Ngày 9/9 Việt Nam có 272 bệnh nhân COVID-19 tử vong tại 12 tỉnh/thành.
Trong số 6,417 bệnh nhân COVID-19 nặng đang được điều trị, có 5,293 ca thở oxy; 1,124 ca thở máy và ECMO.
-
Sài Gòn tiếp tục giãn cách gắn liền với ‘thẻ xanh COVID-19’
Ngày 9/9, Sở Y tế Tp HCM đã đề nghị 7 giải pháp sẽ được áp dụng sau 15/9, trong đó, có giải pháp thực hiện giãn cách gắn liền với “thẻ xanh COVID-19”.
Cụ thể, Sở Y tế thành phố kiến nghị sử dụng “thẻ xanh COVID-19”, chấp thuận để người dân tham gia các hoạt động sản xuất và sinh hoạt xã hội, tùy theo mức độ dịch bệnh.
Điều kiện để người dân được cấp thẻ này gồm: Đã chích đủ, đúng số liều vaccine và trong khoảng thời gian quy định.
Về các hoạt động mà người dân được phép tham gia sẽ dựa trên cơ sở thành phố thực hiện giãn cách theo chỉ thị nào. Người làm việc thuộc nhóm trên 65 tuổi hay dưới 65 tuổi sẽ có những hoạt động phù hợp.
-
Hà Nội vượt 3,700 ca mắc, thêm gần 4,000 nhân viên y tế hỗ trợ
Sau kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về việc hỗ trợ cho Hà Nội ứng phó với dịch bệnh, trong 2 ngày 8 và 9/9, hơn 3,800 nhân viên y tế của 11 tỉnh/thành đã tới thành phố, tham gia việc xét nghiệm và chích ngừa vaccine.
11 tỉnh/thành hỗ trợ Hà Nội trong việc xét nghiệm và chích ngừa gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng.
Sáng nay (10/9), Hà Nội ghi nhận thêm 9 ca mắc mới, trong đó có 6 ca cộng đồng, nâng tổng số mắc trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay lên 3,705 ca, trong đó, số mắc cộng đồng là 1,584 ca.
-
Bình Dương yêu cầu người chưa chích vaccine không ra đường
Ngày 9/9, tỉnh Bình Dương yêu cầu người chưa chích vaccine hoặc chích liều 1 chưa đủ 14 ngày không được ra đường khi các địa phương trở lại trạng thái “bình thường mới” sau ngày 15/9.
Theo đó, những người được phép lưu thông là người đã chích vaccine đủ thời gian, và phải có giấy chứng minh. Người đi làm, sản xuất phải có giấy đi đường của đơn vị, công ty cấp.
Tính đến nay, Bình Dương ghi nhận 146,296 ca mắc, tương đương với trên 5.6% dân số Bình Dương nhiễm COVID-19. Đây là tỉ lệ cao nhất toàn quốc, vượt qua cả Tp HCM.
-
Cần Thơ sẽ xét nghiệm PCR cộng đồng trong 9 ngày
Ngày 9/9, tại cuộc họp trực tuyến với các quận/huyện, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch Cần Thơ cho biết, thành phố sẽ lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng cho toàn bộ người dân bằng phương pháp PCR trong 3 đợt, tổng cộng 9 ngày. Cụ thể, đợt 1 ngày từ 9-12/9, đợt 2 từ ngày 12-14/9, đợt 3 từ ngày 15-17/9.
Hiện, Cần Thơ có 7 đơn vị xét nghiệm khẳng định và 2 xe xét nghiệm lưu động tại 2 quận Ninh Kiều và Bình Thủy trên tinh thần tự chủ lấy mẫu, tự xét nghiệm từ nguồn chi của địa phương.
Ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Tp Cần Thơ cho biết, đợt xét nghiệm lần này dự kiến sẽ có 977 nhóm lấy mẫu. Trung bình thực hiện 20,000 mẫu PCR/ngày, gồm mẫu gộp 10 theo gia đình và 23,800 test nhanh (gộp 2).
-
Hỗ trợ 1 triệu đồng với trẻ sơ sinh có mẹ là F0
Mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, những em bé sinh từ 27/4-31/12 năm nay (2021), có mẹ nhiễm COVID-19 sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng.
Đối với các em bé có cha, mẹ là F0 đã tử vong, các em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi liên quan đến dịch COVID-19 sẽ nhận mức hỗ trợ 2 triệu đồng/bé.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, các tỉnh/thành nhanh chóng giải ngân các chính sách hỗ trợ trẻ em trong gói 26,000 tỷ đồng.
Theo thống kê, tính đến đầu tháng 9, Việt Nam xác nhận hơn 11,800 trẻ em nhiễm COVID-19, hơn 27,300 trẻ là F1, trong đó, Tp HCM có số nhiễm cao nhất khoảng 3,000 em; gần 250 em mồ côi, cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ. Còn tại Hà Nội, 5% ca mắc trong tháng 7 là trẻ em từ 0-5 tuổi.
-
EuroCham khẳng định: ‘Chưa doanh nghiệp châu Âu nào rời Việt Nam’
Tại buổi họp báo trực tuyến tối 9/9 diễn ra tại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, ông Alain Cany cho biết, hiện 18% doanh nghiệp EU đã chuyển đơn hàng sang nước khác, 16% đang được cân nhắc. Đây đa phần là các đơn đặt hàng và là quyết định tạm thời của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Alain Cany khẳng định, hiện chưa có doanh nghiệp nào rời khỏi Việt Nam.
Dù vậy, theo cảnh báo của Chủ tịch EuroCham, nếu giãn cách tiếp tục kéo dài 2-3 tháng nữa hoặc lâu hơn, cùng với việc thiếu vaccine cho người làm việc, chuỗi cung ứng đứt đoạn và dịch bệnh không được kiểm soát…, việc các doanh nghiệp nước ngoài rời đi là hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo đó, các kiến nghị mà Eurocham gửi tới Chính phủ Việt Nam là: đẩy nhanh chích vaccine cho người làm việc tại các doanh nghiệp, điều chỉnh mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”; chính sách cởi mở về giấy phép cho chuyên gia nước ngoài…
-
Giá vàng bật tăng trở lại khi đồng USD suy yếu
Khoảng 6h ngày 10/9 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch tại 1,795 USD/ounce, ghi nhận một phiên tăng 7 USD/ounce.
Đêm qua, khi USD đảo chiều suy yếu so với euro, giá vàng thế giới có lúc vọt lên chạm ngưỡng 1,800 USD/ounce.
Tại Việt Nam, giá vàng biến động trái chiều trong phiên giao dịch sáng 10/9, mức điều chỉnh 50,000-150,000 đồng/lượng. Hiện, giá trần của vàng SJC đạt mốc 56.80 triệu đồng/lượng chiều mua vào và bán ra có ngưỡng 57.75 triệu đồng/lượng.
-
Cập nhật thông tin về cơn bão Conson
Trung tâm Dự báo Khí tượng Quốc gia cho hay, hồi 7h sáng nay ngày 10/9, tâm bão Conson cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 170 km về phía Đông Đông Nam với sức gió mạnh cấp 10 (90-100 km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 07h ngày 11/9, tâm bão ở ngay trên khu vực quần đảo Hoàng Sa với sức gió mạnh cấp 11 (100-115 km/giờ), giật cấp 13.
Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão giảm tốc, di chuyển chậm theo hướng Tây. Đến 07h ngày 12/9, tâm bão ở ngay phía Tây quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng khoảng 220 km về phía Đông với sức gió mạnh cấp 11 (100-115 km/giờ), giật cấp 13.
Đến 7h ngày 13/9, tâm bão ở ngay trên vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi với sức gió mạnh cấp 10 (90-100 km/giờ), giật cấp 12. Trong 72-120 giờ tiếp, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc với cường độ giảm xuống cấp 8-9 và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi.
Trên biển: Ở khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió xoáy mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, sau tăng lên cấp 10-11, giật cấp 13; sóng biển cao từ 4.0-6.0 m; biển động dữ dội. Từ sáng mai (11/9), ở vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ) có gió mạnh dần lên cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12; sóng biển cao từ 4.0-5.0 m; biển động rất mạnh.
Trên đất liền: Từ ngày 11-13/9 ở các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa ở Quảng Trị đến Đà Nẵng phổ biến 200-300 mm/đợt, ở Quảng Nam-Quảng Ngãi phổ biến 100-200 mm/đợt. Từ ngày 12-14/9 ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200 mm/đợt, riêng Quảng Bình và Hà Tĩnh có nơi trên 250 mm/đợt.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm