Tin Việt Nam ngày 1/10: Sài Gòn chốt phương án đón người dân trở lại làm việc, 3 tỉnh ghi nhận 6 F0 liên quan đến bệnh viện Việt Đức
Nội dung sáng 1/10
Vượt 790,700 ca nhiễm, hơn 608,800 ca đã khỏi bệnh
Tính đến sáng 1/10, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 790,755 ca nhiễm, 608,831 ca đã khỏi bệnh, 6,815 ca nặng đang điều trị và 19,301 ca tử vong. Tính riêng đợt dịch thứ 4 (kể từ 27/4) đến nay, số ca nhiễm là 786,208 ca.
Hôm qua 30/9, Bộ Y tế thông báo về 7,940 ca mắc mới ghi nhận trong ngày và cập nhật bổ sung mã cùng thông tin cho 3,417 ca dương tính tại Tp HCM phát hiện qua test nhanh kháng nguyên ngày 28/9.
Cũng trong ngày 30/9, Việt Nam có 25,322 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, số ca tử vong là 203 ca, trong đó, 159 ca ghi nhận tại 11 tỉnh/thành trong ngày và bổ sung 44 ca ghi nhận thời gian trước đó tại Bình Dương (28), Long An (14), Quảng Bình (2).
Chi tiếp hơn 3,200 tỉ đồng mua thêm vaccine Trung Quốc
Liên quan đến việc mua thêm 20 triệu liều Vero Cell của công ty Sinopharm, trong ngày 30/9, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã quyết định bổ sung hơn 3,200 tỉ đồng cho Bộ Y tế mua và tiếp nhận 20 triệu liều vaccine COVID-19 Trung Quốc này.
Để mua 20 triệu liều vaccine Vero Cell, Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện bất hợp lý như:
- Chấp thuận điều khoản miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh hoặc liên quan đến vaccine hoặc việc sử dụng vaccine;
- Chấp nhận phương thức thanh toán theo các điều khoản trong hợp đồng;
- Chấp nhận không có nội dung về bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng.
Cùng ngày, Thủ tướng cũng quyết định sử dụng hơn 742,62 tỷ đồng từ Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam để mua, vận chuyển và tiếp nhận 5 triệu liều Abdala, do Trung tâm kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba sản xuất.
Không xét nghiệm với người đã chích vaccine qua 14 ngày
Ngày 30/9, Bộ Y tế áp dụng việc không thực hiện xét nghiệm đối với người đã chích đủ liều vaccine (liều cuối cùng chích trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng), hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.
Với nhóm người chưa đủ điều kiện này sẽ phải thực hiện xét nghiệm PCR hoặc test nhanh kháng nguyên theo tần suất quy định với từng vùng.
Đối với lái xe vận chuyển hàng hóa liên tỉnh/thành nếu di chuyển từ khu vực đang thực hiện giãn Chỉ thị 16 sang khu vực đang áp dụng cấp độ nguy cơ thấp hơn thì việc xét nghiệm phải do cơ sở y tế thực hiện.
Hà Nội kiến nghị cho taxi được hoạt động trở lại
Trong ngày 30/9, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã đề nghị thành phố cho phép taxi được hoạt động trở lại.
Về lý do nêu ra, Sở GTVT cho biết, so với xe buýt, taxi là loại phương tiện nhỏ, cơ động, được quản lý từ doanh nghiệp, và chỉ hoạt động khi có khách. Hơn nữa, thành phố không phải chi kinh phí cho hoạt động này.
Theo Sở GTVT, trong bối cảnh hiện nay, việc cho taxi vào hoạt động sẽ phù hợp hơn. Điều kiện để taxi có thể hoạt động trở lại gồm: tài xế đã chích vaccine COVID-19, mỗi doanh nghiệp taxi khi hoạt động chỉ huy động tối đa 50% số lượng xe hiện có ra đường.
Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk tiếp tục ghi nhận ca mắc cộng đồng
Ngày 30/9, Đà Nẵng ghi nhận thêm 3 ca dương tính mới, trong đó có 1 ca cộng đồng 44 tuổi, là tài xế nhà xe Phú Nhung.
Nhà chức trách đã khoanh vùng nơi tài xế trên cư trú tại đường Trường Chinh gồm 23 gia đình với 91 người. Ngoài ra, số 209 Trường Chinh nơi tài xế hay lui tới cũng được phong toả để lấy mẫu xét nghiệm cho 27 người. Qua test nhanh cho 4 F1 đều cho kết quả âm tính.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 30/9, CDC tỉnh này ghi nhận 17 ca dương tính mới, trong đó có tới 15 ca cộng đồng tại thị xã Phú Mỹ (13), huyện Châu Đức (2) là tài xế và phụ xe chở hàng. Những người này chưa được Bộ y tế cấp mã số bệnh nhân. Hiện Bà Rịa-Vũng Tàu có 4,298 ca nhiễm và 47 ca tử vong.
Cũng trong ngày 30/9, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk công bố thêm 18 ca nhiễm cộng đồng chưa rõ nguồn lây ghi nhận ở thôn Cao Thắng và buôn Tơng Ju, xã Ea Kao, Tp Buôn Ma Thuột.
Chính quyền địa phương đã phong toả khu vực trên và lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp liên quan.
Trước đó Tp Buôn Ma Thuột cũng phát hiện thêm một cụm dịch trong cộng đồng. Như vậy, chỉ trong 3 ngày, thành phố này có 2 cụm dịch lớn chưa rõ nguồn lây. Hiện Đắk Lắk có 1,738 ca nhiễm và 7 ca tử vong.
Chuẩn bị phóng vệ tinh NanoDragon của Việt Nam tại Nhật Bản
Hôm nay (1/10), vào lúc 7h51 (giờ Hà Nội), vệ tinh NanoDragon sẽ phóng lên vũ trụ từ tên lửa Epsilon số 5 tại Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima (Nhật Bản) cùng 8 vệ tinh khác của Nhật Bản.
Theo kế hoạch phóng, sau khoảng 52 phút, tên lửa bắt đầu thả 9 vệ tinh này vào quỹ đạo, NanoDragon sẽ là vệ tinh thứ 9 (cuối cùng) được thả vào không gian, sau khi rời khỏi mặt đất 1 giờ 11 phút 38 giây.
NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat lớp nano nặng khoảng 4 kg, có kích thước 3U (100x100x340.5mm), được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát triển.
Hôm 17/8, vệ tinh NanoDragon được gửi sang Nhật Bản, bàn giao để chuyển đến bãi phóng, kiểm tra các khâu cuối cùng, sẵn sàng vào bệ phóng.
PGS. TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, vệ tinh NanoDragon được phát triển với mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển bằng công nghệ chùm vệ tinh siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System – AIS).
Vệ tinh NanoDragon dự kiến sẽ hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao khoảng 560 km.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm