Tin Việt Nam ngày 6/6: Giá cám gạo tăng cao kỷ lục, giá xăng còn bao nhiêu nếu bỏ thuế, phí? Đề nghị mức thuế 5% với phân bón
Giá cám gạo tăng cao kỷ lục, vượt cả giá gạo tấm
Tại An Giang, một chủ doanh nghiệp xuất cảng gạo lớn cho biết, hiện giá cám gạo khoảng 8,800 đồng/kg. Mức giá này đang tương đương với giá gạo thành phẩm và cao hơn giá một số loại gạo nguyên liệu, thậm chí cao hơn cả giá gạo tấm (8,600 đồng/kg). Đây là mức giá cao chưa từng có trong lịch sử ngành gạo.
Một số doanh nghiệp cho rằng, thời gian qua giá cám gạo liên tục tăng và neo ở mức cao là do tâm lý gom hàng của các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi.
Một chuyên gia trong ngành chăn nuôi cho hay, giá thức ăn chăn nuôi mới tăng thêm 300-400 đồng/kg, trong đó, giá cám cho heo thịt dao động 15,000-18,000 đồng/kg.
Chuyên gia này dự báo, chiến sự chưa hạ nhiệt giữa Nga và Ukraine sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung, khiến giá cám gạo và các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có thể còn tăng.
Đề nghị mức thuế xuất cảng 5% với tất cả các mặt hàng phân bón
Mới đây, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đề nghị một mức thuế xuất cảng 5% đối với tất cả các mặt hàng phân bón (trừ phân hữu cơ), không phân biệt tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong các sản phẩm.
Đơn vị này cho biết, hiện Luật Thuế xuất nhập cảng quy định, mặt hàng phân bón có khung thuế suất giao động từ 0% đến 40%.
Trong Biểu thuế xuất nhập ưu đãi, mặt hàng phân bón nếu có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm thì sẽ được áp mức thuế 0%. Mức thuế này là 5% với mặt hàng phân bón có giá trị trên 51%.
Theo Bộ Tài chính, chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong khi nhu cầu sử dụng cao khiến giá cả các nguyên liệu sản xuất phân bón trên thế giới liên tục tăng mạnh. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đã hạn chế việc xuất cảng để giữ lại nguồn cung cho thị trường nội địa. Trong khi đó, giá phân bón tại Việt Nam thời gian qua cũng liên tục tăng cao.
Giá xăng Việt Nam còn bao nhiêu nếu bỏ thuế, phí?
Trong kỳ điều hành ngày ⅙ vừa qua, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã điều chỉnh tăng giá xăng, dầu. Theo đó, sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON92 lên 30,235 đồng/lít, giá xăng RON95 tăng lên 31,578 đồng/lít.
Đây tiếp tục là mức giá kỷ lục mới được thiết lập tại thị trường nội địa.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương cho biết, trong cơ cấu giá xăng của Việt Nam, các loại thuế, phí chiếm khoảng 30-32%, tương đương 10,000 đến 11,000 đồng/lít.
Như vậy, nếu không có thuế phí, giá xăng tại Việt Nam sẽ khoảng 20,000 đồng/lít.
Cổ phiếu FLC nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc
Từ đầu tháng 6, do chậm nộp báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 quá 45 ngày so với quy định, ba loại cổ phiếu là FLC của Tập đoàn FLC, ROS của FLC Faros và HAI của Nông Dược HAI đã bị đưa từ diện “kiểm soát” sang “hạn chế giao dịch”.
FLC và ROS giải trình, việc chậm này là do doanh nghiệp chưa tìm được đơn vị kiểm toán phù hợp nên chưa thể nộp và công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.
Điểm h, Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020 quy định, cổ phiếu công ty đại chúng bị huỷ bỏ niêm yết khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Đơn vị kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán;
- Đơn vị kiểm toán có ý kiến trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết;
- Đơn vị kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính trong 3 năm liên tiếp.
Theo đó, nếu không tìm được tổ chức kiểm toán chấp nhận thực hiện kiểm toán, FLC và ROS đối diện nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc.
Về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức nhận định, rủi ro về việc hủy niêm yết là có, tuy nhiên tùy trường hợp sẽ có độ trễ khác nhau. Doanh nghiệp sẽ được giải trình, đánh giá thông tin. Trong trường hợp không đưa ra được biện pháp khắc phục hợp lý, doanh nghiệp sẽ bị hủy niêm yết.
Về nhóm cổ phiếu FLC, theo luật sư Đức, nếu bị hủy niêm yết, tác động của nó cũng sẽ không lớn do thời gian qua, nhóm này đã liên tục tạo đáy, các nhà đầu tư cũng đã xác định được rủi ro và tính đến kịch bản trên.
Phúc thẩm vụ bán rẻ 9 triệu cổ phần SADECO
Hôm nay ngày 6/6 tại Sài Gòn, Tòa án nhân dân cấp cao xử phúc thẩm vụ bán rẻ 9 triệu cổ phần Công ty Nam Sài Gòn (SADECO) do có kháng cáo của 10 bị can và những bên liên quan.
Cụ thể, ông Tất Thành Cang kháng cáo các nội dung trong bản án sơ thẩm, không đồng ý cáo buộc ông 10 năm tù tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Kháng cáo của 10 bị cáo xoay quanh nội dung xin giảm nhẹ hình phạt, hoặc đổi tội danh, xin hưởng án treo.
Về phía bị hại là SADECO, công ty này kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm buộc các bị cáo bồi thường 2.8 tỉ đồng thay vì 1.3 tỷ đồng như án sơ thẩm. Phiên phúc thẩm vụ án dự kiến diễn ra trong 12 ngày.
Trước đó, ngày 5/5, phiên tòa phúc thẩm vụ án được mở nhưng bị hoãn do 1 bị cáo nhiễm COVID-19.
Tin tức Việt Namsẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật từng ngày, xin mời Quý độc giả cùng đón đọc.
Xem thêm