Tin Việt Nam ngày 6/5: Tiếp tục chống bán phá giá với thép từ Hàn Quốc và Trung Quốc, thuốc Molnupiravir giả ở Thụy Sĩ ghi ‘sản xuất tại Bình Dương’
Tiếp tục áp dụng chống bán phá giá với thép từ Hàn Quốc và Trung Quốc
Theo Bộ Công Thương, do các bên liên quan không đề nghị rà soát định kỳ, nên việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với thép sơn, cán phẳng xuất xứ từ Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ được giữ nguyên
Thời gian áp dụng: trong 60 ngày trước khi kết thúc 1 năm kể từ ngày có quyết định này.
Chính thức bỏ quy định khai báo y tế nội địa
Chiều 5/5, Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế đăng tải thông tin về việc dừng áp dụng khai báo y tế nội địa như: di chuyển nội địa, nơi công cộng, nhà hàng. Việc áp dụng sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn quốc kể từ 0h ngày 30/4.
Theo đó, các tỉnh thành sẽ vẫn duy trì việc quản lý và phát hiện các ca nhiễm sớm trong điều trị COVID-19.
Trước đó, từ hôm 27/4, Việt Nam cũng bỏ áp dụng khai báo y tế đối với hành khách nhập cảnh tại tất cả các cửa khẩu.
Xuất hiện thuốc Molnupiravir giả ở Thụy Sĩ ghi ‘sản xuất tại Bình Dương’
Tối 5/5, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) thông báo, vừa nhận được cảnh báo từ Văn phòng đại diện của WHO ở Việt Nam liên quan đến thuốc Molnupiravir giả phát hiện tại Thụy Sĩ.
Cụ thể, Hải quan Thụy Sĩ đã phát hiện thuốc giả Molnupiravir 400mg, dạng bào chế nang cứng, đóng gói lọ 20 viên, trên nhãn ở phần nơi sản xuất có ghi dòng chữ không dấu: “Manufactured by Công ty TNHH, Chi nhanh 1 so 40 dai, P. An Phu, Tx. Thuan An, Tinh Binh Duong, Vietnam”.
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, thuốc không chứa hoạt chất như ghi trên nhãn, xác định là thuốc giả. Cục Quản lý dược đề nghị các cơ sở y tế thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng về thuốc giả Molnupiravir 400mg có các dấu hiệu nêu trên.
Ở Việt Nam, Molnupiravir là một trong những loại thuốc kháng virus được đưa vào phác đồ điều trị COVID-19 ở bệnh nhân mức độ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, không được sử dụng Molnupiravir quá 5 ngày liên tiếp, không sử dụng Molnupiravir để dự phòng trước hay sau phơi nhiễm, không sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai… và không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn.
3 đơn vị ở Hậu Giang chi hơn 11 tỷ đồng mua kit test Việt Á
Hôm 5/5, tỉnh Hậu Giang có kết luận thanh tra về việc mua sắm thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit test, vaccine, thuốc phòng dịch COVID-19.
Kết luận nêu, trong 2 năm 2020 và năm 2021, 3 đơn vị của tỉnh là Sở Y tế, CDC và Bệnh viện Đa khoa Tp Ngã Bảy đã ký 7 hợp đồng để mua gần 32,000 kit test của Công ty Việt Á với số tiền hơn 11.4 tỷ đồng.
Hiện, các đơn vị này đã thanh toán 11 tỷ đồng cho Việt Á, trong đó, Sở Y tế và CDC đã thanh toán 100% hợp đồng với lần lượt hơn 7.2 tỉ đồng và gần 3.4 tỉ đồng.
Riêng Bệnh viện Đa khoa Tp Ngã Bảy còn nợ, phải thanh toán thêm hơn 500 triệu đồng.
CDC Hà Giang nhận hoa hồng 770 triệu đồng từ Việt Á
Cũng liên đến kit test COVID-19 của Việt Á, theo kết luận thanh tra của tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Trần Tuấn, Giám đốc CDC tỉnh, bà Phan Thị Nga (Trưởng Khoa xét nghiệm) và bà Tô Minh Huệ (kế toán trưởng) thừa nhận có nhận 770 triệu đồng tiền mặt của Công ty này. Số tiền này đã bị thu giữ vào ngày 6/4/2022.
Kết luận của Thanh tra Hà Giang cũng xác định, trên địa bàn tỉnh không có Văn phòng đại diện kinh doanh các sản phẩm của Việt Á và Công ty không cung ứng, kinh doanh các sản phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19.
2 DN trúng đấu giá đất Thủ Thiêm sẽ bị cưỡng chế dù có nộp 100 tỉ hay không
Theo kế hoạch, vào hôm nay 6/5, Chi cục Thuế Tp Thủ Đức sẽ cưỡng chế tài khoản để thu nợ thuế đợt 1 với 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Đức do chậm đóng tiền trúng đấu giá 90 ngày.
Trước đó trong tháng 4, 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm là Công ty Dream Republic và Công ty Sheen Mega hứa sẽ nộp 100 tỉ đồng trước ngày 30/4 để ‘thể hiện thiện chí’ thực hiện dự án. Tuy nhiên, đến ngày 5/5, 2 doanh nghiệp này vẫn chưa nộp do chưa lo được tiền.
Đại diện Chi cục Thuế Tp Thủ Đức cho biết, dù 2 doanh nghiệp có chuyển 100 tỉ đồng vào ngân sách hay không mà đến ngày 6/5 vẫn chưa đóng toàn bộ số tiền thuế phải nộp (gần 7,900 tỉ đồng) thì cơ quan thuế vẫn sẽ thực hiện cưỡng chế thuế.
Theo Chi cục Thuế, biện pháp cưỡng chế đầu tiên là cưỡng chế tài khoản ngân hàng trong vòng 1 tháng, tiếp đến là hóa đơn.
Tin tức Việt Nam sẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật từng ngày, xin mời Quý độc giả cùng đón đọc.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm