Tin Việt Nam ngày 29/3: Nhiều mặt hàng lương thực ở Sài Gòn sẽ tăng giá từ tháng 4, EVN vay 80 triệu Euro làm dự án lưới điện miền Nam
Việt Nam ngày 29/3 ghi nhận tổng hơn 111,000 ca nhiễm mới, 52 ca tử vong, gần 1.68 triệu trường hợp khỏi bệnh.
Tổng hơn 111,000 ca nhiễm mới, số F0 khỏi bệnh cao kỷ lục
Tối 29/3, Bộ Y tế thông báo về 88,378 ca nhiễm mới, trong đó có hơn 61,258 F0 cộng đồng.
Ngoài ra, 2 tỉnh đăng ký bổ sung 23,262 ca nhiễm là Quảng Ninh (17,600 ca) và Bình Định (5,662 ca), nâng tổng số F0 trong ngày tại Việt Nam lên 111,640 ca.
Trong ngày, Việt Nam ghi nhận số ca khỏi bệnh cao kỷ lục với 1,679,138 trường hợp, 55 ca tử vong, số ca nặng đang điều trị là 3,639, trong đó có 392 ca thở máy và 5 ca ECMO.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 9.386 triệu ca nhiễm, 42,306 ca tử vong (chiếm 0.5% so với tổng số ca nhiễm), gần 7.154 triệu bệnh nhân khỏi bệnh.
Chủ tịch tập đoàn FLC bị bắt
Ngày 29/3, Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam với tội danh ‘Thao túng thị trường chứng khoán’, theo Điều 211 Bộ luật Hình sự.
Ông Quyết bị cáo buộc “thao túng” và “che giấu thông tin chứng khoán” trong sai phạm xảy ra ngày 10/1, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm với nhiều người liên quan cũng bị khám xét.
Tối cùng ngày, nhà chức trách tiếp tục khám trụ sở FLC ở số 265 phố Cầu Giấy và nhà riêng ông Quyết tại khu đô thị Mỹ Đình 2, Hà Nội. Những nơi này được phong tỏa với khoảng cách xa và đông người bảo vệ.
Phó chủ tịch Tp HCM qua đời do tai nạn giao thông
Trưa 29/3, ông Lê Hòa Bình (52 tuổi), Phó chủ tịch Tp HCM qua đời do tai nạn giao thông.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, trên đường đi Bến Tre dự lễ khởi công cầu Rạch Miễu 2, xe chở ông Bình gặp tai nạn ở cao tốc Tp HCM – Trung Lương, đoạn qua huyện Bến Lức (Long An).
Nguyên nhân vụ tai nạn được xác định là do lốp sau xe hơi bị nổ, tông vào dải phân cách. Tại hiện trường, xe hơi nằm lật ngang, đầu xe móp méo, biến dạng, cửa xe bị gãy, nhiều mảnh vỡ.
Vụ tai nạn khiến ông Bình bị thương nặng, được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Long An, cách địa điểm xảy ra tai nạn khoảng 15 km. Đến trưa 29/3 ông Bình qua đời. Tài xế và một người đi cùng bị thương nhẹ, tỉnh táo.
Máy bay bị chiếu laser khi chuẩn bị hạ cánh sân bay Chu Lai
Ngày 29/3, Cảng vụ hàng không Chu Lai gửi yêu cầu đến tỉnh Quảng Ngãi điều tra việc máy bay bị chiếu laser tại khu vực tiếp cận 32 (khu vực tiếp giáp huyện Bình Sơn) ảnh hưởng quá trình hạ cánh, gây nguy hiểm an toàn bay.
Theo Cảng vụ hàng không Chu Lai, khi đang tiếp cận hạ cánh, phía bên phải máy bay bị chiếu đèn màu xanh lá, cách điểm chạm bánh khoảng 9,260 m. Việc này gây ảnh hưởng đến thao tác của phi công trong cất và hạ cánh, gây nguy hiểm, có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với sức khỏe của phi công và hành khách trên các chuyến bay.
Ngoài yêu cầu trên, Cảng vụ hàng không Chu Lai còn đề nghị Quảng Ngãi kiểm tra bảng hiệu quảng cáo sử dụng đèn xoay, đèn laser gần sân bay, bảo đảm an toàn bay.
Trước đó, từ năm 2016 đến 2021, nhiều máy bay hạ cánh ở Tân Sơn Nhất (Tp HCM), Nội Bài (Hà Nội) cũng bị chiếu đèn, gây mất an toàn. Theo quy định, từ 15/1/2019, hành vi chiếu đèn laser lên máy bay có thể bị phạt đến 40 triệu đồng.
Trung Quốc lại thông báo tập trận ở Biển Đông
Hôm 28/3 Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) tiếp tục đăng 2 thông báo trên website về việc tập trận ở Biển Đông. Phía Trung Quốc không nói rõ quy mô tập trận, chỉ nói cấm tàu thuyền đi vào khu vực liên quan.
Trong thông báo thứ nhất, phía nước này cho biết cuộc tập trận diễn ra tại khu vực phía bắc Biển Đông, từ 8h ngày 30/3 đến 18h ngày 31/3.
Trong thông báo thứ hai, Trung Quốc cho hay cuộc tập trận sẽ diễn ra ở vùng biển gần bờ biển phía đông bắc đảo Hải Nam, từ 7h ngày 30/3 đến 19h ngày 1/4.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, tổng số cuộc tập trận ở Biển Đông mà Trung Quốc đã thực hiện hoặc lên kế hoạch là ít nhất 19 cuộc, trong đó có 5 lần ở Vịnh Bắc Bộ.
Vào năm 2021, số lần tập trận mà Trung Quốc thực hiện ở Biển Đông ít nhất là 51 trận, trong đó 20 trận ở Vịnh Bắc Bộ và ít nhất 1 trận trái phép ở quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam.
Nhiều mặt hàng lương thực ở Sài Gòn sẽ tăng giá từ tháng 4
Chiều 28/3 tại Sài Gòn, một lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, từ đầu tháng 4/2022 các mặt hàng lương thực sẽ được điều chỉnh giá tăng lên. Trong đó, thịt và trứng gia cầm đăng ký tăng giá cao, cao nhất với thịt gia cầm (từ 6-12%), thịt gia súc sẽ tăng từ 3-3,5% và tăng 6-8% với trứng gia cầm.
Với mức đăng ký của doanh nghiệp, Sở Tài chính sẽ điều chỉnh căn cứ vào chi phí đầu vào, chi phí nguyên vật liệu, và thống nhất khung giá chung với từng mặt hàng cụ thể. Giá cả hàng hóa có thể được điều chỉnh khi có sự thay đổi từ 2% đến 5% chi phí đầu vào.
Việt Nam lo trả hơn 1 triệu tỷ đồng nợ công
Mới đây, Bộ Tài chính vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng về Chương trình quản lý nợ công giai đoạn 2022-2024 và kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022.
Theo đó, chỉ tiêu điều động vốn vay của Chính phủ năm 2022 tối đa là gần 675,000 tỷ đồng gồm: vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc ngân sách quốc gia, huy động vốn vay ODA v.v.
Dự báo đến cuối năm 2022, nợ công chiếm khoảng 45-46% GDP, nợ Chính phủ khoảng 41-42% GDP. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, các chỉ tiêu nợ công bảo đảm nằm trong mức trần, ngưỡng nợ cho phép của Quốc hội.
Tuy nhiên, trong trường hợp thu ngân sách không đạt dự kiến, thị trường vốn biến động bất lợi, Chính phủ phải tăng lãi suất vay hoặc huy động công cụ nợ để đáp ứng Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025.
Về nghĩa vụ trả nợ, Bộ Tài chính cho biết, dự kiến tổng trả nợ của Chính phủ giai đoạn 2022-2024 khoảng 1.19 triệu tỷ đồng.
EVN vay 80 triệu Euro làm dự án lưới điện miền Nam
Ngày 28/3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký kết với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) vay số tiền trên cho Dự án lưới điện phân phối miền Nam.
Chủ tịch Hội đồng tư vấn EVN cho biết, khoản vay 80 triệu EUR giữa AFD và EVN nhằm tăng hệ thống lưới điện miền Nam, giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh tại các tỉnh Nam Bộ, góp phần vào việc chuyển dịch năng lượng và carbon thấp ở Việt Nam.
Dự án vay vốn AFD gồm 33 tiểu dự án, thuộc các tỉnh: Bến Tre, An Giang, Bình Thuận, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bình Phước, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Kiên Giang và Tp Cần Thơ.
Tổng mức đầu tư của các tiểu dự án tương đương với hơn 4,487 tỉ đồng, thực hiện trong 3 năm, từ 2022-2024.
Gần 350 tỷ đồng cho dự án tuyến metro đoạn ga Hà Nội-Hoàng Mai
Tại Hà Nội, ngày 28/3, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị (MRB) cho biết, Chính phủ đã chấp thuận đầu tư tuyến đường sắt số 3.2, đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai, sử dụng vốn ODA không hoàn lại, của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Liên minh châu Âu (EU).
Đoạn tuyến Hà Nội – Hoàng Mai dài 8.7 km đi ngầm toàn bộ theo hành lang Trần Hưng Đạo – Trần Thánh Tông – Kim Ngưu – Nguyễn Tam Trinh. Dự kiến Dự án khởi công năm 2023 với tổng mức đầu tư gần 15 triệu USD (khoảng hơn 343 tỷ đồng), trong đó nguồn vốn viện trợ không hoàn lại là 12.6 triệu USD, vốn đối ứng nội địa là hơn 2 triệu USD.
Theo quy hoạch đến năm 2030, toàn mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội có 10 tuyến với tổng chiều dài 417 km, trong đó 342 km trên cao và 75 km ngầm, trong đó tuyến Cát Linh – Hà Đông đã vận hành, tuyến Nhổn – ga Hà Nội dự kiến chạy đoạn trên cao vào cuối năm 2022 và tuyến số 3 đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai.
Hà Nội cũng đang chuẩn bị đầu tư tuyến số 5 (Văn Cao – Hòa Lạc) và tuyến số 1 (Yên Viên – Ngọc Hồi).
Trước đó, sau nhiều lần trễ hẹn, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông dài 13 km đã vận hành từ đầu năm 2022. Tuyến này có vốn vay ODA của nhà đầu tư Trung Quốc, tổng mức đầu tư ban đầu năm 2008 là hơn 9,000 tỷ đồng. Tuy nhiên đến thời điểm vận hành khai thác thương mại vào giữa tháng 1/2022, tuyến đội vốn gần 10,000 tỷ đồng, lên hơn 18,000 tỷ đồng.
Tin tức Việt Nam sẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật từng ngày, xin mời Quý độc giả cùng đón đọc.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm