Tin Việt Nam ngày 23/9: Gần 9,500 ca mắc mới, 236 ca tử vong, hơn 7,500 người dân Sài Gòn đăng ký cấp giấy đi đường, Hà Nội đồng thuận thu 75% học phí trực tuyến
Nội dung sáng 23/9
Chạm mốc 719,000 ca nhiễm, số ca thở máy và ECMO giảm
Tính đến sáng 23/9, Việt Nam có 718,963 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số mắc là 714,497 ca. Có 487,262 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
5 tỉnh/thành có số ca nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch thứ 4 là Tp HCM (353,655), Bình Dương (187,493), Đồng Nai (42,362), Long An (31,041), Tiền Giang (13,464).
Tổng số ca tử vong liên quan đến COVID-19 tại Việt Nam tính đến sáng cùng ngày là 17,781 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số mắc.
Trong ngày 22/9, Việt Nam ghi nhận 11,527 ca mắc mới gồm 2 ca nhập cảng và 11,525 ca ghi nhận tại 35 tỉnh/thành, trong đó có 5,870 ca cộng đồng. Cao Bằng là tỉnh duy nhất tại Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 tính từ đầu dịch đến nay.
Ngày 22/9, Việt Nam có 236 ca tử vong tại 12 tỉnh/thành, nhiều nhất là Tp HCM (181), Bình Dương (37)… Trong số 4,991 bệnh nhân nặng đang điều trị, có 4,022 ca thở oxy, 969 ca thở máy và ECMO.
Bộ Y tế chưa có kế hoạch rút chi viện ra khỏi Tp HCM
Ngày 22/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Tp HCM để triển khai thêm một đợt xét nghiệm đến ngày 30/9, nên chưa có kế hoạch rút lực lượng chi viện mà thực hiện ‘đảo quân’.
Theo ông Sơn, kế hoạch rút các lực lượng chi viện sẽ căn cứ hoàn toàn vào tình hình dịch của thành phố; một số ít sẽ rút trước do tình hình địa phương phức tạp, một số khác vẫn đang thực hiện nguyên tắc ‘đảo quân’, tức là người cũ về để người mới vào thay thế chứ không rút toàn bộ.
Đến nay, đã có hơn 17,000 nhân viên y tế từ miền Bắc và miền Trung vào các tỉnh phía Nam hỗ trợ ứng phó dịch bệnh. Đến ngày hôm qua 22/9, tiếp tục có khoảng 300 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Quân đội 108…
Thứ trưởng Sơn nhận định, thành phố ‘đã bắt đầu thấy ánh sáng cuối đường hầm’ khi số ca mắc giảm, số bệnh nhân nặng được kiểm soát và số ca tử vong có xu hướng đi xuống.
Tp HCM đang điều trị hơn 40,000 F0, trong đó 7,200 người nặng cần hỗ trợ hô hấp, chiếm tỷ lệ 17.6% so với tổng ca đang nằm viện và 7% so với tổng số ca đang điều trị. Ngoài ra, hơn 39,000 người đang cách ly điều trị tại nhà cùng hơn 22,000 cách ly tại các cơ sở tập trung. Đến nay, hơn 174,000 người hồi phục xuất viện, hơn 13,800 người tử vong.
Tp HCM phân bổ 100,000 liều vaccine chích cho thai phụ
Tại họp báo chiều 22/9, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế Tp HCM cho hay, Sở đã phân bổ 100,000 liều vaccine đến các bệnh viện có khoa sản trên địa bàn để chích cho phụ nữ mang thai trên 13 tuần. Hiện chưa có số liệu phụ nữ mang thai đã chích vaccine.
Theo yêu cầu của Bộ Y tế, các địa phương lập danh sách nhóm người này, lập kế hoạch và tổ chức chích vaccine tại các cơ sở có khả năng cấp cứu sản khoa. Trước khi chích phải khám sàng lọc, không chờ đợi, lựa chọn vaccine; phụ nữ mang thai và cho con bú chỉ chống chỉ định với vaccine Sputnik V.
Số mắc tăng nhanh ở ‘vùng xanh’, Bình Dương yêu cầu hoàn thành xét nghiệm trong 5 ngày
CDC Bình Dương cho biết, hiện số ca mắc mới được ghi nhận tại những ‘vùng xanh’ đang gia tăng đáng kể. Trong ngày 22/9, 6/9 huyện thị ‘vùng xanh’ trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 1,214 ca mắc mới trong tổng số 3,599 mắc toàn tỉnh, trong đó, các ‘vùng xanh’ gồm thị xã Bến Cát (552 ca), huyện Bàu Bàng (367), Tp Thủ Dầu Một (214 ca)…
Trong khi đó, một số ‘vùng đỏ’ thuộc thị xã Tân Uyên ghi nhận 1,029 ca, Tp Dĩ An 727 ca.
Tính từ đợt dịch thứ 4, Bình Dương ghi nhận 186,913 ca mắc COVID-19; 1,761 bệnh nhân tử vong.
Tại cuộc họp tỉnh diễn ra ngày 22/9, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi yêu cầu các địa phương thực hiện xét nghiệm để phát hiện sớm F0 trong cộng đồng và hoàn thành trong 5 ngày, đến ngày 30/9 đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới và không còn ‘vùng đỏ’.
Các địa phương được yêu cầu thực hiện phong tỏa hẹp ở những ‘điểm đỏ vùng đỏ’; đồng thời mở rộng ‘vùng xanh’ an toàn.
Hà Nội phạt 4 người tập thể dục quanh Hồ Gươm 8 triệu đồng
Ngày 22/9, phường Tràng Tiền cùng cảnh sát quận Hoàn Kiếm đã xửa phạt 4 phụ nữ tập thể dục và dắt chó đi dạo ở khu vực Hồ Gươm với số tiền 8 triệu đồng vì vi phạm quy định phòng dịch, mỗi người nộp 2 triệu đồng.
Theo Chỉ thị 22, Hà Nội vẫn cấm các hoạt động thể thao tại nơi công cộng, tuy nhiên vào khoảng 6h cùng ngày, 4 phụ nữ trên đi thể dục và dắt chó đi dạo từ phố Đinh Tiên Hoàng, vườn hoa Lý Thái Tổ ra Hồ Gươm.
Tại phường Tràng Tiền, 4 người này cho biết đi tập thể dục cho vui, khoẻ sau nhiều ngày giãn cách vì nghĩ thành phố đã nới lỏng do dịch bệnh được kiểm soát.
Người Việt đầu tiên chinh phục 7 ngọn núi cao nhất các châu lục
Lên đỉnh Everest tháng 5 vừa qua, anh Khải Nguyễn (sinh ra và lớn lên tại Tp HCM, sinh sống và làm việc tại bang California, Hoa Kỳ) trở thành người Việt đầu tiên chinh phục 7 ngọn núi cao tại các châu lục.
7 ngọn núi được sắp xếp theo độ cao giảm dần, lần lượt là:
- Everest (8,849 m) nằm giữa biên giới Trung Quốc và Nepal (châu Á);
- Aconcagua (6,961 m) ở Argentina (Nam Mỹ);
- Denali (6,190 m) ở bang Alaska, Hoa Kỳ (Bắc Mỹ);
- Kilimanjaro (5,895 m) ở Tanzania (châu Phi);
- Elbrus (5,642 m) ở Nga (châu Âu);
- Vinson (4,892m) ở châu Nam Cực;
- Puncak Jaya (4,884 m) tại đảo Carstensz Pyramid nằm tại đảo Papua, lãnh thổ của Indonesia ở châu Đại Dương.
Trong hơn 10 năm, Khải Nguyễn đã leo thành công toàn bộ các ngọn núi trên.
Theo Khải Nguyễn, để leo núi, đặc biệt là Everest thì cần sức khoẻ, sức bền tốt và không có vấn đề về đường hô hấp hay tim mạch, tuy nhiên với anh, điều quan trọng của một người leo núi là ý chí quyết tâm lớn, chỉ có sự quyết tâm mới đẩy cơ thể lên một giới hạn mới mà bình thường bạn nghĩ không bao giờ đạt được.
Anh cho biết, trong thời gian tới khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt, anh sẽ trở về Việt Nam và trong dự định cũng sẽ có nhiều điểm muốn được đặt chân như Sơn Đoòng hay Trường Sa, Hoàng Sa.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm