Tin Việt Nam ngày 22/9: Hơn 11,500 ca mắc mới, 236 ca tử vong, hàng nghìn người trở lại Hà Nội làm việc, Áp thấp nhiệt đới giật cấp 8 hướng Thừa Thiên Huế-Bình Định
Nội dung sáng 22/9
Vượt 707,000 ca nhiễm, hơn 17,500 ca tử vong
Tính đến sáng 22/9, Việt Nam có 707,436 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số mắc là 702,972 ca. Có 475,343 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
5 tỉnh/thành ghi nhận số mắc tích lũy cao trong đợt dịch này là Tp HCM (348,220), Bình Dương (183,314), Đồng Nai (41,432), Long An (30,850), Tiền Giang (13,375).
Tổng số ca tử vong liên quan đến COVID-19 tại Việt Nam tính đến sáng cùng ngày là 17,545 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số mắc.
Trong ngày 21/9, Việt Nam ghi nhận 11,692 ca mắc mới, có 6,835 ca cộng đồng; tăng 3,019 ca so với ngày 20/9, trong đó, Bình Dương tăng 2,199 ca, Tp HCM tăng 1,350 ca, Tây Ninh tăng 27 ca, Đồng Nai giảm 279 ca, Tiền Giang giảm 106 ca, Đắk Lắk giảm 103 ca.
Ngày 21/9, Việt Nam có 240 ca tử vong tại 11 tỉnh/thành, tập trung chủ yếu tại Tp HCM (184), tiếp đến là Bình Dương (41)… Trong số 5,133 bệnh nhân nặng đang điều trị, có 4,102 ca thở oxy, 1,131 ca thở máy và ECMO.
Tiếp nhận vaccine và vật tư y tế do Hunggary hỗ trợ
Tối 21/9, lễ trao tặng tượng trưng 100,000 liều vaccine AstraZeneca và 100,000 bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên của Chính phủ Hungary hỗ trợ Việt Nam đã diễn ra tại trụ sở Bộ Ngoại giao và Kinh tế Đối ngoại Hungary ở Budapest.
Tại buổi lễ, Phó Quốc Vụ khanh István Joó đã bàn giao lô vaccine và bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho Việt Nam.
Theo kế hoạch, vào sáng mai (23/9), lô hàng này sẽ về đến Hà Nội dưới sự hỗ trợ của công ty chuyển phát nhanh FedEx Express và tổ chức PATH. Viện Vệ sinh dịch tễ là đơn vị tiếp nhận, bảo quản, cấp phát vaccine và bộ xét nghiệm nhanh cho các đơn vị, địa phương.
Cũng trong tối 21/9, Chính phủ Hungary đã công bố quyết định nhượng lại 400,000 liều vaccine AstraZeneca dôi dư cho Việt Nam theo cơ chế phi lợi nhuận. Hiện hai nước đang giải quyết các thủ tục liên quan để sớm vận chuyển lô vaccine này về Việt Nam.
Tp HCM đề nghị chích vaccine cho người nước ngoài
Ngày 21/9, Sở Y tế Tp HCM đã gửi văn bản yêu cầu Tp Thủ Đức và các quận/huyện chỉ thị các cơ sở y tế chích vaccine COVID-19 cho công dân nước ngoài sinh sống trên địa bàn theo danh sách do Sở Ngoại vụ cung cấp.
Theo yêu cầu, các địa phương sử dụng nguồn vaccine đã được phân bổ để thực hiện chích ngừa. Nếu có nhu cầu bổ sung vaccine, các ttrung tâm y tế lập dự trù nhu cầu, gửi về HCDC để được cung ứng theo quy trình.
Về phía HCDC, Sở Y tế yêu cầu căn cứ nguồn vaccine hiện có của thành phố, cung ứng số lượng và loại vaccine phù hợp theo dự trù gửi lên từ các cơ sở y tế địa phương. Sở Ngoại vụ cung cấp danh sách người nước ngoài cần chích vaccine cho Tp Thủ Đức và các quận, huyện.
Bà Rịa – Vũng Tàu ‘mở cửa’ theo 4 giai đoạn
Tối 21/9, tại buổi họp diễn ra trong bối cảnh số mắc ở địa phương có chiều hướng giảm sâu, tỷ lệ ca nhiễm ở khu vực phong tỏa và cộng đồng đều giảm so với trước, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã quyết định sẽ ‘mở cửa’ theo lộ trình 4 giai đoạn để khôi phục sản xuất, kinh doanh gồm:
- Giai đoạn 1 (đến cuối tháng 9): các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và Bà Rịa nới lỏng kiểm soát đi lại trong phường, xã ‘vùng xanh’, cho phép mở siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ bán hàng thiết yếu; chợ truyền thống; nhà hàng, dịch vụ ăn uống được bán mang đi; sản xuất nông, lâm ngư bao gồm cảng cá và đánh bắt.
- Giai đoạn 2 (từ 1-31/10): các huyện/thành không có ca mắc mới được thí điểm tổ chức hoạt động du lịch tại các khách sạn có dịch vụ khép kín; nới lỏng đi lại; nới lỏng lưu thông chuỗi cung ứng hàng hóa, thiết bị, nguyên liệu, chuyên gia, người làm việc giữa Bà Rịa – Vũng Tàu và các địa phương; chích vaccine liều 1 cho ít nhất 70% người của các doanh nghiệp…
- Giai đoạn 3 (từ 1/11 đến 31/12): nếu kiểm soát dịch bệnh tốt và trở về trạng thái “bình thường mới”, các cơ sở du lịch nghỉ dưỡng được đón khách đã chích 2 liều vaccine; cơ sở công chứng, bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm; vận tải hành khách công cộng nội tỉnh được hoạt động với 50% công suất; dịch vụ giáo dục, đào tạo không tập trung quá 20 người; các hoạt động thể thao tại khu luyện tập thể thao ngoài trời và trong nhà không quá 20 người.
- Giai đoạn 4 (từ đầu năm 2022): mở cửa tất cả hoạt động kinh tế.
Bắc Giang hoạt động trở lại một số loại hình kinh doanh dịch vụ
Từ hôm nay (22/9), tỉnh Bắc Giang cho phép một số loại hình kinh doanh dịch vụ và hoạt động xã hội hoạt động trở lại gồm:
- Dịch vụ spa, massage, xông hơi được phép hoạt động.
- Các cơ sở kinh doanh, hàng quán vụ ăn, uống trong nhà được phép phục vụ tại chỗ với 50% sức chứa và phải đóng cửa trước 22h hàng ngày.
- Các hoạt động tư vấn du học, các cơ sở dạy thêm, học thêm, trung tâm ngoại ngữ cũng được phép hoạt động.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang yêu cầu người đến hoặc về từ các địa phương, nhất là nơi đang có dịch phải xét nghiệm và cách ly tập trung có trả phí (trừ lý do công vụ, lý do đặc biệt khác).
Trước đó, từ ngày 11/9, Bắc Giang cho phép các hoạt động thể dục, thể thao trong nhà và ngoài trời được hoạt động trở lại.
Từ ngày 2/9 đến nay, tỉnh Bắc Giang không ghi nhận thêm F0. Hiện có 3 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 1 bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.
Học sinh Bắc Ninh được trở lại trường học
Ngày 21/9, tỉnh Bắc Ninh đã chấp thuận cho học sinh, học viên trên địa bàn tỉnh đến trường học từ ngày 24/9.
Theo đó, học sinh khối lớp 1, 2, 5 học vào buổi sáng trong khi khối lớp 3 và lớp 4 học buổi chiều. Đối với cấp THCS, các lớp 6, 9 học sáng còn lớp 7 và lớp 8 học chiều. Cấp THPT, GDTX cho lớp 10, lớp 12 học sáng và lớp 11 học chiều.
Theo kế hoạch trước đó, từ 15/9, học sinh tỉnh Bắc Ninh học theo 2 phương án trực tiếp và trực tuyến. Cấp học tiểu học (lớp 1, lớp 2 và lớp 5), cấp THCS (lớp 6 và lớp 9), cấp THPT và GDTX (lớp 10 và lớp 12) được đến trường học trực tiếp và chia lớp thành 2 ca, một ca học buổi sáng, một ca lớp học buổi chiều.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm