Tin Việt Nam ngày 21/7: Bộ Y tế gia hạn gần 3,600 loại thuốc, vaccine, sinh phẩm; Cà Mau công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở đê biển
Bình Dương bị yêu cầu thu hồi hơn 6 tỷ đồng chi sai tiền trợ cấp thất nghiệp
Trong kết luận Thanh tra tại Bình Dương về việc thực hiện quy định về bảo hiểm thất nghiệp, Bộ Lao động thương binh và xã hội yêu cầu tỉnh này thu hồi 6.1 tỉ đồng tiền trợ cấp thất nghiệp của hơn 1,000 trường hợp hưởng không đúng quy định.
Đây là số tiền chưa thu hồi trong hơn 21 tỷ đồng trong thời gian thanh tra (trước đó Sở đã thu hơn 15 tỷ đồng).
Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, nguyên nhân thu hồi tiền trợ cấp trên là do người lao động đã tìm được việc làm nhưng không thông báo theo quy định.
Theo số liệu thống kê, Bình Dương là tỉnh có tỉ lệ người trong độ tuổi lao động và tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ở mức rất cao.
Mỗi năm có từ hàng chục ngàn tới trên 100,000 lượt người nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, số tiền thu lên tới trên 1,000 tỷ đồng mỗi năm.
Vĩnh Phúc kỷ luật toàn bộ Ban Giám đốc Sở Tư pháp
Chiều 20/7 tại Vĩnh Phúc, Ban Thường vụ tỉnh đã kỷ luật ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Sở Tư pháp.
Ông Bắc bị cáo buộc đã buông lỏng quản lý, để xảy ra vi phạm trong chuyên môn nghiệp vụ và vi phạm nghiêm trọng việc quản lý tài chính ngân sách.
Trước đó, hôm 8/6, ông Nguyễn Văn Bắc bị cách chức Giám đốc Sở Tư pháp. Ngoài ra, 3 Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh này cũng bị kỷ luật, trong đó, 2 trong người bị buộc thôi việc, người còn lại bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Tính từ tháng 6/2022 đến nay, Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc đang khuyết chức danh giám đốc.
Bộ Y tế gia hạn gần 3,600 loại thuốc, vaccine, sinh phẩm
Danh mục thuốc trên vừa được Cục Quản lý Dược ban hành ngày 20/7. Đây là đợt công bố thứ 2, nâng tổng số thuốc được bổ sung gia hạn lên gần 10,000.
Trước đó, ngày 2/6, Cục Quản lý Dược đã công bố danh sách hơn 6,200 thuốc được tiếp tục sử dụng Giấy đăng ký lưu hành đến hết ngày 31/12.
Số liệu thống kê từ 57 Sở Y tế và các bệnh viện tuyến quốc gia, bệnh viện trực thuộc trường Đại học cho thấy, có 40 Sở và bệnh viện quốc gia thông báo về tình trạng thiếu thuốc.
Trong đó, các thuốc thiếu gồm: một số thuốc kháng sinh dành cho bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, thuốc huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền…
Về nguyên nhân, Bộ Y tế cho rằng, do việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm.
Cục Hàng không yêu cầu kiểm tra kế hoạch bay hàng ngày
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị liên quan lập kế hoạch bay hàng ngày phù hợp với giờ cất, hạ cánh được xác nhận bay.
Theo đó, Trung tâm Quản lý luồng không lưu, thuộc Tổng công ty Quản lý bay (VATM) có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu kế hoạch bay ngày, từ chối cung cấp dịch vụ đối với các chuyến không đúng kế hoạch.
Với kế hoạch bay ngày kế tiếp, Cục yêu cầu hãng gửi kế hoạch vào lúc 10h hàng ngày. Trung tâm Quản lý luồng không lưu rà soát, đối chiếu giữa kế hoạch bay ngày với giờ được xác nhận và được cấp phép bay.
Việc thực hiện được áp dụng từ ngày 1/8 đối với các hãng tại cảng Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất. Với các cảng khác, việc thực hiện sẽ có hiệu lực khi có thông báo tiếp theo.
Theo nhận định từ các chuyên gia, động thái trên nhằm hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Dừng dịch vụ ưu tiên làm thủ tục tại sân bay
Cũng liên quan đến các giải pháp khắc phục tình trạng quá tải, chậm, hủy chuyến, sáng 20/7, Cục Hàng không yêu cầu các hãng dừng việc triển khai dịch vụ ưu tiên làm thủ tục check-in nhanh có thu phí.
Đơn vị này cho rằng, việc áp dụng dịch vụ trên ở thời điểm này là chưa hợp lý, gây dư luận không tốt.
Trước đó tại sân bay Tân Sơn Nhất, một số hãng mở dịch vụ thu thêm 100,000-140,000 đồng/chuyến đối với hành khách muốn làm thủ tục nhanh.
Khi thực hiện, dịch vụ này áp dụng tại khu vực làm thủ tục của hãng. Tuy nhiên sau khi triển khai, dịch vụ này đã gây tranh cãi vì nhiều người cho rằng không công bằng với khách hàng bởi cùng một loại vé, những lúc đông khách, một bên phải chờ cả giờ, trong khi một bên được ưu tiên phục vụ sau khi đóng thêm phí.
Vietjet tiếp tục thỏa thuận đặt mua 200 tàu bay của Boeing
Thoả thuận được ký kết tại triển lãm hàng không quốc tế Farnborough 2022 với lịch giao hàng phù hợp kế hoạch kinh doanh của Vietjet.
Theo đó, 50 tàu bay đầu tiên của đơn hàng sẽ giao cho Thai Vietjet, hãng hàng không Thái Lan mang thương hiệu Việt.
Giám đốc điều hành Vietjet cho biết, thoả thuận này là một dấu mốc tích cực quan hệ lâu dài của Vietjet và Boeing, cũng như quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Đơn đặt hàng của Vietjet dự kiến mang tới 200,000 việc làm cho người dân Hoa Kỳ, đồng thời sẽ thu hút đầu tư, mang lại hàng trăm ngàn việc làm tại Việt Nam trong lĩnh vực này.
Trước đó, Vietjet và Boeing đã ký thoả thuận đặt hàng 200 tàu bay B737 Max. Đơn hàng đầu tiên với 100 tàu bay được công bố năm 2016. Năm 2019, hai bên tiếp tục nâng tổng đơn hàng lên 200 tàu, đánh dấu mức đặt hàng kỷ lục cho dòng 737 Max.
Đề nghị mở rộng cao tốc Sài Gòn – Trung Lương lên 8 làn xe
Đề nghị trên được Sở Giao thông vận tải gửi chính quyền thành phố vào chiều 20/7 để báo cáo Chính phủ cùng các bộ, ngành chấp thuận phương án đầu tư mở rộng cao tốc theo phương thức đối tác công tư, giao một tỉnh liên quan chủ trì thực hiện.
Cao tốc Sài Gòn – Trung Lương dài 62 km nối Sài Gòn với Long An, và Tiền Giang hiện có 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ 100 km/h.
Theo Sở Giao thông vận tải, sau hơn 10 năm hoạt động, tuyến đường bị quá tải do lưu lượng xe tăng cao, thường ùn tắc các dịp cuối tuần, lễ Tết. Khi được mở rộng, tuyến sẽ có 8 làn xe hơi, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc dự kiến 120 km/h.
Do mặt bằng đã được giải phóng từ giai đoạn trước nên việc mở rộng cao tốc này được đánh giá là sẽ thuận lợi.
Cà Mau công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở đê biển Tây
Tình huống khẩn cấp về thiên tai được tỉnh Cà Mau công bố vào chiều 20/7 đối với tình trạng sạt lở đê biển Tây, đoạn từ bờ Nam cống Kênh Mới đến bờ Bắc cống Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời) và khu vực Vàm Tiểu Dừa (huyện U Minh).
Theo công bố, tại các khu vực trên có 5 vị trí sạt lở rất nguy hiểm với tổng chiều dài gần 3,200m. Trong đó, nghiêm trọng nhất là khu vực từ bờ Nam cống Kênh Mới đến bờ Bắc cống Đá Bạc, tổng chiều dài hơn 2,600m.
Nhiều đoạn không còn đai rừng phòng hộ, kè rọ đá áp sát mái đê bị hư hỏng do sạt lở, uy hiếp đê biển và có thể gây vỡ đê bất cứ lúc nào.
Trong 7 năm qua, đây là lần thứ 5 tỉnh Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp liên quan đến tình trạng sạt lở đê biển Tây. Theo đó, kinh phí dự kiến để khắc phục cho lần công bố này là gần 37 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách quốc gia.
Tại tỉnh Cà Mau, đê biển Tây dài khoảng 108 km, thuộc 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh, góp phần bảo vệ hơn 90,000 hecta đất sản xuất nông nghiệp và hàng ngàn gia đình…
Theo thống kê, từ đầu tháng 7/2022 đến nay, giông lốc đã làm sập và tốc mái gần 1,500 căn nhà, gần 2,000 hecta lúa bị ảnh hưởng, gần 300 hecta vuông tôm, ao nuôi cá bị ngập.
Tin tức Việt Nam sẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật từng ngày, xin mời Quý độc giả cùng đón đọc.