Tin Việt Nam ngày 17/8: Hơn 9,600 ca mắc mới, 331 ca tử vong, nữ hộ sinh ở Bình Dương mang thai hơn 20 tuần mắc COVID-19 đã qua đời, Bộ Y tế xuất cấp 30,000 lọ thuốc Remdesivir
Nội dung sáng 17/8:
|
-
Kiến nghị Sách giáo khoa (SGK) là mặt hàng thiết yếu
Ngày 17/8, Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD) Việt Nam cho biết, đã đề nghị Bộ GD&ĐT, các cơ quan liên quan coi SGK là mặt hàng thiết yếu, được tạo điều kiện thuận lợi trong việc kinh doanh, lưu thông phân phối, kịp thời cho học sinh trước ngày khai giảng.
Theo NXBGD, thời điểm hiện tại, nhiều tỉnh/thành đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khiến việc vận chuyển SGK tới học sinh tại các địa phương gặp rất nhiều khó khăn.
Ngày 13/8, NXBGD đã gửi công văn tới các tỉnh/thành đề nghị tạo điều kiện cho việc lưu thông, vận chuyển SGK. Với khoảng 40 tỉnh/thành đã có thời gian khai giảng dự kiến, NXBGD đề nghị các nhà trường có phương án phù hợp để nhận SGK và kịp thời chuyển tới tay học sinh trước ngày khai giảng.
Theo thống kê, tính đến ngày 15/8, NXBGD đã phát phát hành được 94% SGK cung ứng về các địa phương với khối học từ lớp 3 đến lớp 12. Đối với SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6, cung ứng tới các địa phương gần 37 triệu bản, đạt tỷ lệ 85%.
Giá bán SGK từ lớp 3 đến lớp 12 vẫn được giữ như những năm học trước.
-
Tp HCM đề nghị xây dựng bài học trực tuyến, ghi hình tiết dạy trong 10 tuần đầu
Mới đây, Sở GD&ĐT Tp HCM gửi hướng dẫn tới các quận/huyện yêu cầu xây dựng bài học trực tuyến, ghi hình tiết dạy bậc tiểu học trong 10 tuần đầu năm học, chuẩn bị cho tình huống dịch bệnh phức tạp. Cụ thể như sau:
- Về nội dung ghi hình: áp dụng với tất cả các môn và hoạt động giáo dục, tập trung cho môn tiếng Việt và Toán. Thực hiện với tất cả các khối lớp, trong đó tập trung cho lớp 1, lớp 2.
- Về hình thức: bài được thiết kế dạng video gồm cả hình và tiếng; hình ảnh giáo viên (nếu có) sẽ đặt ở góc màn hình.
- Về thời lượng: mỗi video không quá 15 phút (đối với lớp 1, lớp 2), không quá 20 phút đối với các khối lớp còn lại.
Riêng đối với môn tiếng Việt lớp 1, giáo viên có thể thiết kế một số bài theo hình thức làm quen, lớp 2 thì thiết kế thêm một số bài ôn tập.
Sở GD&ĐT giao Phòng Giáo dục các quận/huyện chịu trách nhiệm kiểm duyệt nội dung các video do giáo viên thực hiện. Hiệu trưởng các trường tiểu học cập nhật các tiết học ghi hình lên cổng thông tin điện tử của trường.
Năm học 2021-2022, Tp HCM có hơn 1.7 triệu học sinh. Hiện thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tại các quận/huyện đang tuyển sinh đầu cấp theo hình thức trực tuyến, việc khai giảng năm học dự kiến sẽ tổ chức trực tuyến vào giữa tháng 9.
-
Thừa Thiên-Huế xử phạt, cách ly thu phí với người về từ vùng giãn cách theo Chỉ thị 16
Ngày 17/8, tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, bắt đầu từ hôm nay, tỉnh sẽ thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính và cách ly có thu phí đối với công dân trở về địa phương từ các tỉnh/thành đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị người dân thực hiện nghiêm giãn cách “Ai ở đâu ở đấy” cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Theo thông cáo báo chí tối 16/8, trong ngày tỉnh này phát hiện thêm 8 ca dương tính; nâng tổng số mắc COVID-19 của tỉnh tính từ ngày 28/4 đến nay là 327 ca, trong đó có 21 ca phát hiện ngoài cộng đồng, 5 ca chuyển từ tỉnh/thành khác đến, phát hiện tại chốt kiểm soát y tế 2 và tại khu cách ly 299.
-
Hà Nội thêm 58 ca dương tính, nhiều bệnh viện chuẩn bị phương án cho đợt dịch mới
Trưa 17/8, CDC Hà Nội thông tin về 41 ca nhiễm COVID-19, gồm 8 ca tại cộng đồng và 33 tại khu cách ly, đều thuộc chùm ho, sốt thứ phát.
Các quận/huyện có ca mắc mới gồm: Hà Đông (6), Thanh Trì (7), Đống Đa (6), Thạch Thất (5), Đông Anh (5), Thường Tín (4), Hoàn Kiếm (4), Hoàng Mai (2), Thanh Xuân (1), Ba Đình (1). 8 trường hợp phát hiện ngoài cộng đồng thuộc Đống Đa (5), Thanh Trì (2), Thanh Xuân (1).
Trước đó, sáng cùng ngày, Hà Nội ghi nhận 17 ca dương tính mới, trong đó có 3 ca tại cộng đồng và 14 ca tại khu cách ly; đều thuộc chùm ho, sốt thứ phát và phân bố tại 6 quận/huyện gồm: Thường Tín (11), Thanh Trì (2), Đống Đa (1), Hai Bà Trưng (1), Nam Từ Liêm (1), Hà Đông (1).
Như vậy từ sáng đến trưa 17/8, Hà Nội ghi nhận 58 ca dương tính, nâng tổng số mắc tính từ 29/4 đến nay lên 2,306 ca, trong đó, trong đó có 1,232 F0 phát hiện ngoài cộng đồng, 1,074 F0 thuộc nhóm đã được cách ly.
Sáng cùng ngày, đại diện Cục Quân y Hà Nội thông tin, thành phố đã triển khai tổng cộng 6 bệnh viện chuyên điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Trong đó, điều trị cho F0 ở mức độ nặng và nguy kịch có 3 bệnh viện là: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103 và Bệnh viện Bỏng quốc gia với sức chứa khoảng 300-500 giường/bệnh viện.
3 bệnh viện còn lại chuyên điều trị cho các F0 ở mức độ vừa và nặng gồm: Bệnh viện Quân y 354, 105 và Viện Y học Cổ truyền Quân đội, mỗi bệnh viện có quy mô 300-500 giường bệnh.
-
Đà Nẵng chỉ còn 3 vùng phong tỏa ‘cứng’ tại quận Sơn Trà
Ngày 17/8, giới chức quận Sơn Trà cho biết, vùng phong tỏa “cứng” (vùng cách ly y tế) trên địa bàn tiếp tục được thu hẹp, nhiều diện tích của các phường Nại Hiên Đông, Thọ Quang, Mân Thái đã được đưa ra khỏi khu vực phong tỏa.
Hiện trên địa bàn quận Sơn Trà chỉ còn lại 3 vùng phong tỏa “cứng”, gồm:
Vùng phong tỏa thứ nhất, nối các ngã ba: đường Hoàng Sa – đường Lê Đức Thọ, đường Lê Đức Thọ – đường Trần Quang Khải, đường Trần Quang Khải – đường Nguyễn Phan Vinh, đường Nguyễn Phan Vinh – đường Hoàng Sa, đường Hoàng Sa – đường Lê Đức Thọ.
Vùng phong tỏa thứ hai, nối các ngã ba: đường Hoàng Sa – đường Phan Bá Phiến, đường Phan Bá Phiến – đường Ngô Quyền, đường Ngô Quyền – đường Phó Đức Chính, đường Phó Đức Chính – đường Lê Văn Thứ, đường Lê Văn Thứ – đường Võ Nguyên Giáp, đường Hoàng Sa – đường Phan Bá Phiến…
Vùng phong tỏa thứ ba, bắt đầu từ ngã ba đường Nại Tú 4 – đường Trần Hưng Đạo đến các ngã ba: đường Lê Văn Duyệt – đường Hồ Hán Thương, đường Hồ Hán Thương – đường Chu Huy Mân, đường Chu Huy Mân – đường Ngô Quyền, đường Ngô Quyền – đường Khúc Hạo, đến ngã tư đường Khúc Hạo – đường Vân Đồn, vòng xoay đường Vân Đồn – đường Trần Thánh Tông; kế tiếp đến các ngã ba đường: Trần Thánh Tông – đường Hoàng Quốc Việt, đường Hoàng Quốc Việt – đường Nại Nghĩa 6, cắt thẳng đến ngã ba đường Nại Tú 4 – đường Trần Hưng Đạo.
Tuy được dỡ bỏ cách ly, các khu vực nằm ngoài ranh giới 3 vùng trên vẫn tiếp tục thực hiện phong tỏa theo quyết định phong tỏa toàn Tp Đà Nẵng trong 7 ngày (từ ngày 16/8), yêu cầu người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà.
Trước đó, từ ngày 13/8, quận Sơn Trà điều chỉnh lần 1 vùng cách ly, theo đó, nhiều khu vực thuộc P.Phước Mỹ và P.An Hải Bắc được đưa ra ngoài khu vực phong tỏa lớn đã được thiết lập từ ngày 1/8.
-
Trung Quốc tạm đóng 1 cửa khẩu, nông sản ùn tắc tại Lạng Sơn
Ngày 16/8, tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), Trung Quốc đóng cửa, không tiếp nhận thủ tục, hàng hóa xuất cảng của Việt Nam.
Sau khi hoạt động tại cửa khẩu Tân Thanh tạm dừng, nhiều doanh nghiệp đã đưa hàng hóa, trong đó có một lượng lớn xe chở trái cây tươi chuyển sang làm thủ tục tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị làm ùn ứ, ách tắc nghiêm trọng.
Về lý do đưa ra, phía Trung Quốc cho biết, việc dừng thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh là để sửa chữa máy móc thiết bị và kiểm tra điều kiện hàng hóa, tuy nhiên, giới chức nước này chưa thông báo thời hạn tạm dừng.
Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, trong thời gian gần đây, phía Trung Quốc kiểm tra và khử trùng phòng dịch đối với các loại hàng hóa nhập cảng vận chuyển bằng container lạnh và container thông thường dẫn đến kéo dài thời gian thông quan tại cửa khẩu, làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm