Tin Việt Nam ngày 15/3: Vietnam Airlines đề nghị tăng giá trần vé máy bay, giá thép vượt 19 triệu đồng/tấn, Hà Nội liệu đã qua đỉnh dịch?
Việt Nam ngày 15/3 ghi nhận hơn 175,000 ca nhiễm mới, 68 ca tử vong, hơn 111,000 trường hợp khỏi bệnh.
Hơn 175,000 ca nhiễm, giảm gần 90,000 F0 so với hôm 14/3
Tối 15/3, Bộ Y tế thông báo về 175,480 ca nhiễm mới gồm 12 ca nhập cảnh và 175,468 ca ghi nhận tại 63 tỉnh/thành, trong đó có 128,256 ca nhiễm cộng đồng.
Trong ngày, Việt Nam có 111,164 bệnh nhân khỏi bệnh, 68 ca tử vong, số ca nặng đang điều trị là 4,269 trường hợp, trong đó có 451 ca thở máy và 5 ca ECMO.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có gần 6.553 triệu ca nhiễm, 41,477 ca tử vong, hơn 3.383 triệu bệnh nhân khỏi bệnh.
Hơn 26,700 ca nhiễm trong ngày, Hà Nội liệu đã qua đỉnh dịch?
Ngày 15/3, Hà Nội ghi nhận 26,708 ca nhiễm mới, trong đó có 9,095 F0 cộng đồng, nâng tổng số nhiễm trong đợt dịch thứ 4 lên hơn 866,000 ca.
Liệu Hà Nội đã qua đỉnh dịch và bắt đầu hạ nhiệt?. Trao đổi về câu hỏi này, một lãnh đạo ngành y tế cho hay, trong khoảng 10 ngày qua dịch bệnh tại thủ đô đã hạ nhiệt. Theo dự đoán, có thể vào cuối tháng 3, dịch COVID-19 tại Hà Nội sẽ hạ nhiệt về mức như trước Tết Nguyên Đán 2022.
Hà Nội mở lại phố đi bộ Hồ Gươm, dịch vụ ăn uống được hoạt động đến 24h
Tại Hà Nội, từ ngày 18/3, quận Hoàn Kiếm sẽ khôi phục không gian đi bộ Hồ Gươm và một số tuyến phố sau gần một năm dừng hoạt động:
Các không gian đi bộ quận Hoàn Kiếm gồm: Tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm và vùng phụ cận; tuyến phố đi bộ thương mại dịch vụ Hàng Đào đến Hàng Giấy; không gian đi bộ mở rộng sang khu bảo tồn cấp 1 – khu phố cổ; không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ.
Theo đó, không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận được hoạt động từ 19h thứ 6 đến 24h Chủ nhật hàng tuần. Các phố đi bộ còn lại sẽ hoạt động từ 19h đến 24h vào 3 ngày cuối tuần, ban ngày phương tiện qua lại bình thường.
Cũng từ hôm nay, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn, uống tại Hà Nội được hoạt động đến 24h, không phải đóng cửa trước 21h như trước.
Các hoạt động tập trung đông người như đám cưới, đám tang vẫn được khuyến cáo hạn chế. Hiện thành phố đã mở lại hầu hết hoạt động kinh doanh, dịch vụ, chỉ còn vũ trường, karaoke, massage, quán bar… chưa được hoạt động.
Vietnam Airlines đề nghị tăng giá trần vé máy bay
Mới đây, Vietnam Airlines vừa kiến nghị các Bộ điều chỉnh tăng giá trần vé máy bay từ 1/4.
Cùng với đó, Vietnam Airlines kiến nghị miễn 100% thuế môi trường với nhiên liệu hàng không trong năm 2022. Hãng cũng đề nghị bổ sung quy định cho phép triển khai phụ thu nhiên liệu trên các đường bay nội địa.
Theo hãng, đây là các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh giá nhiên liệu bay tăng mạnh.
Giá thép lại tăng, vượt 19 triệu đồng/tấn
Ngày 15/3, Công ty cổ phần Sản xuất thép Việt Đức thông báo, sẽ tăng thêm 600,000 đồng/tấn (chưa gồm thuế VAT). Tương tự, Công ty Thép Hoà Phát Hưng Yên, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên… cũng tăng giá bán thêm 600,000 đồng/tấn với lý do giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng.
Như vậy, đây là lần tăng giá thứ hai trong một tuần qua, với mức tăng phổ biến từ 1.2-1.4 triệu đồng/tấn, đưa giá thép tại một số doanh nghiệp vượt 19 triệu đồng/tấn.
Ngoài thép, hiện hàng loạt nguyên vật liệu xây dựng khác như xi măng, cát, bê tông… giá cũng tăng chóng mặt. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá mỗi mét bê tông tăng gấp đôi.
Hiện, nguồn nguyên liệu nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu sản xuất, nên giá thép tại Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào giá thế giới.
Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép cho rằng, giá thép nội địa sẽ khó hạ nhiệt trong ngắn hạn và có thể duy trì mức cao, thậm chí vượt 20 triệu đồng/tấn cho đến khi những bất ổn về nguồn cung, chuỗi cung ứng trên thế giới ổn định trở lại.
Bộ Y tế lý giải quy định ‘F0 có thể ra khỏi nơi cách ly’
Trong hướng dẫn mới quản lý ca nhiễm tại nhà, Bộ Y tế quy định, nếu F0 cần ra khỏi nơi cách ly thì đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người khác. Ngoài ra, người chăm sóc, ở cùng nhà luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc với F0.
Sau khi có quy định trên, có nhiều cách hiểu khác nhau từ dư luận, trong đó nhiều ý kiến cho rằng, quy định “F0 hạn chế ra khỏi nơi cách ly” nghĩa là “F0 được ra khỏi nhà”.
Nhiều nhiều băn khoăn cho rằng nếu F0 ra khỏi nhà sẽ khó giữ khoảng cách để phòng dịch, có thể dẫn tới lây lan COVID-19.
Tối 14/3, Bộ Y tế đã “đính chính”, cho rằng cách hiểu cho F0 ra khỏi nhà là “hiểu nhầm”. Theo Bộ này, “nơi cách ly” trong hướng dẫn này cần hiểu là “phòng cách ly” trong nhà, F0 được rời khỏi phòng cách ly và đi lại trong nhà, với điều kiện đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách với người trong nhà, F0 không được ra khỏi nhà.
Hà Nội số ca nhiễm giảm, 0.8% F0 nhập viện
Trong tổng hơn 265,000 ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày 14/3, Hà Nội nhiều nhất, tuy nhiên số F0 đã giảm 1,500 ca so với ngày 13/3, xuống dưới ngưỡng 30,000 ca. Đây là ngày thứ 3, Hà Nội ghi nhận số F0 giảm.
Theo Sở Y tế Hà Nội, số ca nhiễm COVID-19 phải nhập viện chiếm 0.8% tổng số ca đang điều trị, theo dõi. Tổng số lượt bệnh nhân điều trị khỏi là hơn 1.1 triệu người.
Tính đến hết ngày 13/3, Hà Nội có gần 4,000 trường hợp đang điều trị tại các bệnh viện tầng 2-3, có 360 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Sài Gòn cần thêm thuốc Molnupiravir
Chiều 14/3 tại Sài Gòn, liên quan đến thuốc Molnupiravir điều trị F0, một lãnh đạo Sở Y tế cho hay, hiện thành phố có hơn 102,000 F0 theo dõi tại nhà, nhu cầu sử dụng thuốc Molnupiravir gia tăng. Tuy nhiên, số lượng thuốc miễn phí do Bộ Y tế cấp sắp hết.
Do đó, Sở Y tế đã đề nghị thành phố cấp phép mua thuốc Molnupiravir để cung cấp miễn phí tới bệnh nhân COVID-19.
Giá xăng tăng, nhiều người dân Sài Gòn chuyển sang đi xe buýt
Những ngày qua tại Sài Gòn, số lượng người dân sử dụng xe buýt đi lại tăng mạnh, hơn 181,000 lượt/ngày, tăng 43% so với tháng trước. Sau khi giá xăng dầu nội địa tăng kỷ lục, nhiều người chuyển sang đi xe buýt để tiết kiệm chi phí.
Một tài xế xe buýt chạy tuyến Đại học Quốc gia – Bến xe Miền Tây cho hay, cách đây một tháng, trước khi xăng dầu tăng giá, trung bình mỗi chuyến có khoảng 7-8 hành khách, nhưng mấy ngày nay, lượng khách tăng lên 15-20 khách/chuyến.
Một lãnh đạo Trung tâm quản lý giao thông công cộng cho biết, xe buýt tại thành phố tăng gần 4,000 chuyến so với tháng trước, hiện hoạt động khoảng 12,000 chuyến/ngày. Trung bình có khoảng 16 hành khách trên chuyến.
Tin tức Việt Nam sẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật từng ngày, xin mời Quý độc giả cùng đón đọc.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm