Tin Covid-19 ngày 16/8 tại Thế giới: Hơn 50% bác sĩ Nga ‘không sẵn sàng’ để tiêm vaccine Sputnik V
Toàn thế giới ghi nhận tổng số hơn 21,5 triệu ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán, trong đó có hơn 767.000 ca tử vong. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận tổng số hơn 5,5 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 172.000 ca tử vong.
Mỹ kéo dài lệnh hạn chế đi lại qua biên giới Mexico và Canada
Quyền Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ, ông Chad Wolf cho biết vào ngày 14/8, Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Mexico và Canada về việc kéo dài việc hạn chế đi lại qua các biên giới chung, các hạn chế sẽ kéo dài đến ngày 21/9.
“Chúng tôi tiếp tục làm việc với các đối tác Canada và Mexico để làm chậm sự lây lan của # COVID19. Theo đó, chúng tôi đã đồng ý kéo dài hạn chế việc đi lại không thiết yếu qua các cửa khẩu nhập cảnh đất liền chung đến ngày 21 tháng 9,” ông Chad Wolf viết trên twitter.
Các hạn chế bắt đầu được áp đặt vào tháng 3, ngay sau khi dịch COVID-19 được xác định là đại dịch.
Cơ quan nhập cư Hoa Kỳ cũng không còn giam giữ những người nhập cư bất hợp pháp, thay vào đó, trả họ ngay lập tức về quốc gia mà từ đó họ nhập cảnh vào Mỹ. Nếu không thực hiện được việc đó, người nhập cảnh bất hợp pháp sẽ được trả về quốc gia xuất xứ của họ. Cho đến giờ, lệnh hạn chế đã được gia hạn năm lần.
Hơn 50% bác sĩ Nga ‘không sẵn sàng’ để tiêm vaccine Sputnik V
Theo StraitsTimes, kết quả của một cuộc khảo sát được báo cáo hôm 14/8, thực hiện bởi ứng dụng “Doctor Handbook“, có hơn 3.000 nhân viên y tế tham gia cho thấy, 52% trong số họ chưa sẵn sàng tiêm chủng, 24,5% đồng ý sử dụng vaccine Sputnik V do chính nước này điều chế. Chỉ 1/5 số người được hỏi chấp nhận giới thiệu vaccine Sputnik V cho các bệnh nhân, đồng nghiệp hoặc bạn bè.
Mới đây, bác sĩ chuyên khoa hô hấp hàng đầu của Nga, giáo sư Alexander Chuchalin đã rời khỏi Hội đồng Y đức tại Bộ Y tế, với lý do vaccine Sputnik V “vi phạm nghiêm trọng đạo đức y khoa“.
Trước đó, hôm 11/8, Nga thông báo đã phê duyệt loại vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Nước này dự kiến cho sản phẩm ra mắt thị trường vào cuối tháng 8, đối tượng ưu tiên sử dụng là bác sĩ, trên cơ sở tự nguyện.
Pháp, Đan Mạch bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen hôm 15/8 cho biết, nước này sẽ bắt buộc đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng từ ngày 22/8 nhằm ngăn Covid-19 lây lan.
Tại Pháp, giới chức nước này đề xuất đeo khẩu trang trong các không gian làm việc chung khi đất nước này đang vật lộn với sự bùng phát trở lại của Covid-19.
Hiện Pháp ghi nhận hơn 3.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 215.500 ca với hơn 30.000 ca tử vong.
Còn Đan Mạch ghi nhận tổng số hơn 15.400 ca nhiễm, trong đó có 621 ca tử vong.
Cũng tại Châu Âu, nước Áo đang hối thúc các công dân đi nghỉ ở Croatia cần nhanh chóng về nước trước khi các biện pháp tăng cường phòng dịch có hiệu lực từ ngày 17/8. Từ hồi đầu tháng 6 Croatia đã mở cửa biên giới, khách du lịch đến đây không cần có giấy chứng nhận âm tính với virus corona. Tuy nhiên số ca nhiễm mới của nước này đã tăng vọt hôm vừa qua, ghi nhận hơn 160 ca nhiễm và 2 ca tử vong.
Seoul, Hàn Quốc tiếp tục siết chặt biện pháp chống Covid-19
Giới chức Hàn Quốc hôm 15/8 quyết định nâng cấp các quy tắc cách biệt cộng đồng lên mức độ 2 tại thủ đô Seoul và tỉnh Gyeonggi lân cận khi số ca nhiễm Covid-19 mới tại nước này tăng cao.
Cấp độ 2 sẽ giới hạn các hoạt động tụ tập trong nhà dưới 50 người và ngoài trời dưới 100 người, cấm khán giả đến sân theo dõi những trận đấu thể thao. Điều này đã gây thất vọng cho những người hâm mộ khi vừa mới được quay trở lại sân bóng chày và bóng đá sau 5 tuần mùa giải bị trì hoãn.
Hàn Quốc đã ghi nhận 166 ca nhiễm mới trong ngày qua, mức tăng một ngày cao nhất kể từ đầu tháng 3, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 15.039, trong đó 305 trường hợp đã tử vong.
Tại Indonesia, nước này sẽ tiếp tục đóng cửa đối với du khách nước ngoài cho đến khi có vaccine phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Bộ trưởng Doanh nghiệp nhà nước, ông Erick Thohir cho biết, việc mở cửa trở lại biên giới cho du khách nước ngoài cần phải đi đôi với việc tạo ra khả năng miễn dịch để không phải bắt đầu chống dịch lại từ đầu.
Ấn Độ sẵn sàng sản xuất hàng loạt vaccine Covid-19
Tờ CNA dẫn lời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 15/8 cho biết nước này sẵn sàng sản xuất hàng loạt vaccine Covid-19, chỉ chờ các nhà khoa học thông qua.
Thủ tướng Modi cho biết, bên cạnh sản xuất hàng loạt, lộ trình phân phối vaccine tới từng người dân Ấn Độ trong thời gian ngắn nhất có thể cũng đã sẵn sàng.