Tìm thấy dư lượng phóng xạ từ các vụ thử bom hàng chục năm trước trong mật ong
Hoa Kỳ đã tiến hành nhiều vụ thử hạt nhân trong những năm 1950 và 1960. Gần đây, người ta phát hiện di sản của những thử nghiệm này có thể tồn tại hàng thập kỷ trong mật ong Mỹ, theo một báo cáo trên sciencemag.org.
Sau Thế chiến thứ hai, Hoa Kỳ và các nước khác, bao gồm cả Trung Quốc và Liên Xô cũ, đã thực hiện hàng trăm vụ thử hạt nhân trên mặt đất. Những quả bom này đã giải phóng nguyên tố hóa học gọi là radiocesium (một dạng phóng xạ của nguyên tố cesium) vào bầu khí quyển.
Sau đó, những cơn gió lan truyền chất này ra khắp thế giới cho đến khi nó rơi ra khỏi không khí dưới dạng các hạt cực nhỏ.
Báo cáo cho biết do các hình thái gió và mưa trong khu vực, sự lan truyền không đồng đều. Ví dụ, bờ biển phía đông Hoa Kỳ bị ô nhiễm nhiều hơn nhiều so với một số nơi khác.
Nghiên cứu gần đây bắt đầu với một nhiệm vụ cho kỳ nghỉ xuân. James Kaste, một nhà địa chất học tại Đại học William & Mary ở Williamsburg, Virginia, đã yêu cầu các sinh viên đại học mang các loại thực phẩm địa phương tại điểm mà họ đến trong kỳ nghỉ xuân để kiểm tra chất phóng xạ.
Một sinh viên trở về với mật ong từ Raleigh, North Carolina. Trước sự ngạc nhiên của Kaste, nó chứa cesium ở mức cao hơn 100 lần so với các mẫu còn lại.
Chất phóng xạ có thể hòa tan trong nước, và các thực vật đôi khi nhầm nó với kali, một chất dinh dưỡng có đặc tính hóa học tương tự. Kaste và các sinh viên của ông đã bắt đầu dự án tìm hiểu xem liệu cây trồng có còn tiếp nhận chất gây ô nhiễm hạt nhân này hay không.
Sau khi tìm thấy cesium trong mật ong, Kaste và các đồng nghiệp của ông đã thu thập 122 mẫu mật ong thô sản xuất tại địa phương từ nhiều vùng khác nhau ở miền đông Hoa Kỳ và kiểm tra chúng để tìm chất phóng xạ.
Daniel Richter, một nhà khoa học về đất tại Đại học Duke không tham gia vào nghiên cứu, cho biết trong báo cáo: “Nó thực sự khá là khó tin.
Ông nói thêm rằng nghiên cứu đã cho thấy rằng bụi phóng xạ hạt nhân “vẫn ở ngoài đó và ngụy trang thành một chất dinh dưỡng chính.”
Kết quả cho thấy có chất phóng xạ trong 68 mẫu, ở mức trên 0.03 becquerels/kg, hay khoảng 870,000 nguyên tử radiocesium trên một muỗng canh. Một mẫu ở Florida có mức phóng xạ cao nhất là 19.1 becquerels/kg.
Kết quả chỉ ra rằng ngay cả sau năm thập kỷ, dư lượng phóng xạ vẫn đang lưu chuyển trong cây trồng và vật nuôi cách hàng ngàn dặm so với điểm thử hạt nhân gần nhất.
Tuy nhiên, mức độ nguyên tố phóng xạ như vậy không được cho là gây nguy hiểm.
Báo cáo trích dẫn theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) rằng mức độ phóng xạ được phát hiện trong nghiên cứu mới thấp hơn nhiều so với ngưỡng an toàn thực phẩm là 1200 becquerels/kg.
Kaste nói trong một bản báo cáo “Tôi không cố gắng nói với mọi người rằng họ không nên ăn mật ong. Tôi vẫn cho các con của tôi ăn mật ong,” “Bây giờ tôi ăn nhiều mật ong hơn so với khi tôi bắt đầu dự án này.”
Tuy nhiên, có thể mật ong trong quá khứ chứa nhiều radiocesium hơn, do nguyên tố phóng xạ bị phân hủy theo thời gian.
Nhóm của Kaste đã tìm kiếm trong các hồ sơ về thử nghiệm cesium trong sữa, và họ đã phân tích các mẫu thực vật được lưu trữ. Họ phát hiện rằng mức độ phóng xạ đã giảm mạnh từ những năm 1960.
Kaste nói trong bản báo cáo, “Những gì chúng ta thấy ngày nay là một phần nhỏ của bức xạ những năm 1960 và 1970”. “Và chúng tôi không thể nói chắc chắn rằng cesium-137 có tác động đến sự suy giảm đàn ong hay sự sụt giảm dân số.”
Theo bản báo cáo, nhà sinh hóa học Justin Richardson cho biết, những phát hiện mới đặt ra câu hỏi về sự tác động của cesium đến loài ong trong 50 năm qua.
Ông nói thêm, “Chúng đang bị xóa sổ bởi thuốc trừ sâu, nhưng có những tác động độc hại khác ít được biết đến từ con người, như bụi phóng xạ, có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại của chúng”.
Nhà địa chất học Thure Cerling cho biết những phát hiện mới không phải là lý do đáng báo động về mật ong ngày nay, nhưng hiểu được cách luân chuyển chất ô nhiễm hạt nhân là điều quan trọng để đo lường sức khỏe của hệ sinh thái và nông nghiệp.
Ông Cerling nói thêm, “Chúng tôi cần chú ý đến những điều này”.
Nghiên cứu mới đã được mô tả trong một bài báo trên tạp chí Nature Communications.
Tác giả: Lu Xiao
Tú Linh biên dịch
Xem thêm: