TikTok Shop chiếm thị phần thương mại điện tử của các SME Indonesia, có thể làm tăng tâm lý bài Hoa ở nước này
Sự phát triển nhanh chóng của nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop sau khi gia nhập Indonesia có thể khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại địa phương gặp rủi ro.
Indonesia có một lịch sử lâu dài về phân biệt chủng tộc và thù địch đối với người Hoa từ thời còn là thuộc địa của Hà Lan. Một chuyên gia về Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại rằng lợi thế cạnh tranh của TikTok Shop có thể khiến vấn đề bài xích người Hoa tại quốc gia Đông Nam Á này thêm nghiêm trọng.
Ông Izzudin Al Farras Adha, một kinh tế gia đến từ Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (INDEF), cho rằng lao động giá rẻ, dữ liệu về thị hiếu của người dùng, và bán hàng trực tiếp là những nguyên nhân chính cho những mức giá cạnh tranh của TikTok.
Ông Farras cho biết trong một cuộc thảo luận trực tuyến hôm 24/07: “Giá hàng hóa [bán trên TikTok Shop] rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, và vừa (MSME) địa phương, đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến các sản phẩm chăm sóc da, vì các mặt hàng này được bán trực tiếp từ người bán Trung Quốc.”
Ông cũng chỉ ra rằng với tư cách là một nền tảng truyền thông xã hội, TikTok đã thu thập một lượng lớn dữ liệu để giúp họ hiểu được thị hiếu của người dùng, đây là một lợi thế vô song.
Ông Farras nói, “Những nền tảng thương mại xã hội này sử dụng dữ liệu để tự sản xuất. Đây là những gì được thực hiện tại TikTok Shop.”
Hơn nữa, TikTok vẫn đang trong giai đoạn đốt tiền của nhà đầu tư. “Nhờ vậy, chi phí sản xuất rẻ, chi phí vận chuyển thường miễn phí, cộng với không có quy định cụ thể nào ở Indonesia,” ông cho biết thêm.
Nói với Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA), ông Farras cho biết Indonesia là quốc gia có số người dùng TikTok lớn thứ hai sau Hoa Kỳ.
Ông hy vọng chính phủ Indonesia sẽ chú ý nhiều hơn đến hoạt động và tầm ảnh hưởng của TikTok tại quốc gia này — nơi có khoảng 113 triệu người dân sử dụng ứng dụng video dạng ngắn thuộc sở hữu của đại công ty Internet Trung Quốc ByteDance này. Indonesia là quốc gia đông dân nhất ở Đông Nam Á, với 52% dân số thuộc giới trẻ.
Theo một nghiên cứu gần đây của công ty đầu tư mạo hiểm Momentum Works có trụ sở tại Singapore, TikTok Shop được ra mắt tại Indonesia hơn hai năm trước và cuối năm ngoái (2022) đã trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ năm của Indonesia.
Ông Farras cũng cho biết việc thiếu các quy định về thương mại điện tử ở Indonesia có thể dẫn đến tình trạng hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào, làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, vốn đóng góp hơn 60% GDP của Indonesia và sử dụng hơn 90% nguồn nhân lực của quốc gia này.
Ông Farras không phải là người duy nhất có nhận định như vậy. Một số nhà kinh tế học và quan chức chính phủ cũng chia sẻ mối lo ngại tương tự với The Jakarta Post.
Ông Bhima Yudhistira, giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật (CELIOS), nói với The Epoch Times rằng những người làm kinh doanh buôn bán qua nền tảng thương mại điện tử ở Indonesia đã trở nên không hài lòng với TikTok.
Ông Yudhistira cho biết những người bán bị TikTok Shop gây thiệt hại nhiều nhất là những chủ cửa hàng trực tuyến tập trung vào các giao dịch mua bán dưới 1 triệu rupiah (66.82 USD), chẳng hạn như ngành thời trang và phụ kiện, vì TikTok Shop đang nhắm đến phân khúc thị trường đó.
Ông Trần Duy Hãn (Chen Weihan), trưởng nhóm nghiên cứu chuyên sâu tại Momentum Works, cho biết TikTok Shop đã cho thấy mức tăng trưởng doanh số bán hàng ấn tượng trong hai năm qua, với khoảng một nửa trong số đó đến từ riêng Indonesia.
Ông Trần nói với The Jakarta Post rằng khả năng tận dụng lưu lượng truy cập lớn của TikTok ở Indonesia đã mang lại lợi thế cho TikTok so với các nền tảng thương mại điện tử truyền thống và do đó đã trở thành một đối thủ mà các doanh nghiệp trực tuyến khác không thể bỏ qua.
Chính phủ Indonesia đã thông báo hôm 27/07 rằng họ dự định đánh thuế các sản phẩm xuyên biên giới mua từ các nền tảng truyền thông xã hội, trong đó có TikTok. Đáp lại, TikTok Indonesia cho biết họ sẽ tuân thủ các quy định mới.
Tâm lý bài Hoa
Ông Thạch Sơn (Shi Shan), một chuyên gia về Trung Quốc và là nhà bình luận kỳ cựu, đã nêu lên những mối lo ngại về sự phát triển nhanh chóng của TikTok Shop ở Indonesia từ một góc độ khác.
Ông nói với The Epoch Times hôm 30/07 rằng nền tảng mua sắm của TikTok đang cạnh tranh mạnh mẽ và lấy đi thị phần của các doanh nghiệp khác. Ở các quốc gia phương Tây thì đây có lẽ không phải là vấn đề lớn, nhưng tình hình lại rất khác ở Indonesia, nơi từ lâu đã có tâm lý bài Hoa.
Đặc biệt, TikTok Shop không đe dọa nhiều đến các doanh nghiệp lớn nhưng lại gây ra nhiều đe dọa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này có thể dẫn đến một tình huống nguy hiểm.
Trước khi giành được độc lập vào những năm 1940, Indonesia đã bị thực dân Hà Lan cai trị trong hơn 300 năm. Khi người Hà Lan áp dụng chính sách chia để trị, họ đã mang lại cho người Hoa tại địa phương nhiều lợi thế. Ví dụ, người Hà Lan đã bầu ra giai tầng người Hoa thượng lưu có thế lực và trao cho họ một số quyền quản lý nội bộ, thậm chí còn cho phép những người Trung Quốc này quản lý một phần doanh thu thuế.
Người Indonesia bản địa chỉ có thể sống dưới đáy của hệ thống phân cấp này và bị áp bức trong một thời gian dài, vì vậy họ đã luôn có ác cảm với cộng đồng người Hoa địa phương.
Ngoài ra, nhiều người Hoa di cư đến Indonesia đã tiến hành kinh doanh, và sức mạnh kinh tế của họ lớn hơn đáng kể so với người Indonesia bản địa, những người trở nên nghèo hơn và sau đó càng trở nên phẫn uất hơn với người Hoa.
Từ tháng 09/1945 đến tháng 09/1949, trong Chiến tranh giành Độc lập của Indonesia xảy ra giữa các lực lượng Hà Lan và Indonesia, nhiều đám đông đã nhân cơ hội này để đốt phá nhà cửa của người Hoa, cướp bóc tài sản của họ, buộc họ phải rời khỏi nhà mình, và thậm chí đôi khi còn tàn sát họ. Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 3,500 người Indonesia gốc Hoa đã thiệt mạng hoặc bị thương, và 1,631 người bị mất tích trong bốn năm đó.
Sự xuất hiện và trỗi dậy của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á đã làm gia tăng đáng kể sự thù địch của Indonesia đối với người Hoa.
Hôm 30/09/1965, chỉ huy tiểu đoàn của Lực lượng Bảo vệ Tổng thống Indonesia, người được cho là một đảng viên cộng sản, đã tổ chức một cuộc đảo chính. Sau cuộc đảo chính này, Thiếu tướng Suharto đã tiến hành một cuộc thanh trừng chống lại cộng sản và một cuộc đàn áp trên toàn quốc đối với những người cộng sản ở Indonesia.
Thành viên của Đảng Cộng sản Indonesia chủ yếu là người Hoa, nhưng nhiều người Hoa không phải là cộng sản cũng bị liên đới, và các vụ thảm sát đã xảy ra. Theo thống kê của các học giả, khoảng 500,000 người đã thiệt mạng trong các cuộc tàn sát chống cộng sản này.
Khi ông Suharto nhậm chức, ông đã chống cộng sản một cách kiên quyết. Trong 30 năm ông nắm quyền, chính phủ Indonesia đã hạn chế việc sử dụng tên tiếng Hoa cũng như thành lập các trường học của người Hoa và các hãng thông tấn Hoa ngữ, đồng thời buộc người Hoa phải từ bỏ ngôn ngữ, văn hóa, tín ngưỡng, và phong tục của họ.
Người Hoa bị loại khỏi các lĩnh vực chính trị, quân sự, và văn hóa của Indonesia. Họ cũng không thể làm việc trong chính phủ, quân đội, hoặc trong các trường công lập, điều này làm tăng thêm bầu không khí bài Hoa trong xã hội.
Văn hóa bài xích này cũng đã được chính phủ sử dụng để chuyển hướng các xung đột xã hội.
Bạo loạn tháng Năm đen
Hồi tháng 05/1998, người Indonesia gốc Hoa một lần nữa trở thành mục tiêu bị ngược đãi và sát hại có tổ chức; các cơ sở kinh doanh và nhà của người Hoa bị đập phá và cướp bóc, còn phụ nữ người Hoa bị cưỡng hiếp tập thể. Được người Hoa trên toàn cầu gọi là “Bạo loạn tháng Năm đen”, các cuộc bạo loạn này đã khiến thế giới chấn động.
Trong ba ngày từ 13 đến 15/05/1998, hơn 5,000 cơ sở kinh doanh và nhà ở của người Hoa đã bị phóng hỏa ở Jakarta, gần 1,200 người thiệt mạng trong khi 468 phụ nữ và trẻ em gái, người trẻ nhất mới 9 tuổi, bị cưỡng bức tình dục.
Trong các cuộc bạo loạn, bạo lực chống lại người Hoa đã xảy ra ở hàng chục thành phố ở Indonesia. Quân đội và cảnh sát, những người có mặt trong khu vực, đã làm ngơ trước những tiếng kêu cứu.
Người ta thường tin rằng các cuộc bạo loạn đã được tổ chức và lên kế hoạch từ trước, và rằng ông Suharto đã xúi giục bạo loạn thông qua tình báo quân sự để chuyển hướng áp lực khỏi cuộc khủng hoảng tài chính và xoa dịu sự bất mãn của công chúng.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times