TikTok chuẩn bị cho cuộc tranh chấp pháp lý đối với luật mới của Hoa Kỳ
Trong một thời điểm quyết định đối với luật pháp Hoa Kỳ, mới đây Tổng thống (TT) Joe Biden đã ký một dự luật nhằm hạn chế ảnh hưởng của TikTok bằng cách yêu cầu công ty mẹ Trung Quốc của TikTok là ByteDance bán nền tảng này hoặc ngừng hoạt động tại Hoa Kỳ. Hành động này là một phần trong những nỗ lực lớn hơn nhằm loại bỏ điều được xem là mạng lưới tuyên truyền rộng khắp của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ngay sau khi dự luật được ban hành, TikTok đã công bố kế hoạch thách thức luật này trước tòa, báo hiệu sự khởi đầu của một cuộc đối đầu pháp lý gay gắt.
Dự luật được nhanh chóng thông qua và Tổng thống Biden đã ký vào cùng ngày hôm 20/04. Diễn biến này khiến TikTok chỉ trích dự luật là “vi hiến” và khẳng định sẽ tìm kiếm sự bồi thường pháp lý.
Tổng Giám đốc TikTok, Châu Thụ Tư (Shou Zi Chew), đã khẳng định lập trường này trong một video, bày tỏ quyết tâm của công ty chiến đấu cho quyền lợi của mình trước tòa và cam kết sẽ ở lại thị trường Hoa Kỳ — “Chúng tôi sẽ không đi đâu cả.”
Quốc hội chuẩn bị cho vụ kiện
Lường trước được những thách thức pháp lý nên Quốc hội đã chủ động. Trước cuộc bỏ phiếu cuối cùng của Thượng viện, Thượng nghị sĩ Maria Cantwell (Dân chủ-Washington) và Thượng nghị sĩ Mark Warner (Dân chủ-Virginia) đã tham gia vào một phiên chất vấn chi tiết theo kịch bản kéo dài 17 phút để củng cố quan điểm của họ trước những phản đối tiềm ẩn từ TikTok. Phiên chất vấn này nêu bật mức độ nghiêm trọng mà Quốc hội nhìn nhận về mối lo ngại an ninh quốc gia do TikTok đặt ra.
TikTok sử dụng Tu chính án Thứ nhất như một biện pháp chính để bào chữa trước tòa. Tu chính án này bảo vệ tự do ngôn luận và trước đây thậm chí đã bảo vệ các doanh nghiệp ngoại quốc khỏi các lệnh cấm giao tiếp hoàn toàn.
Quyết định của Tối cao Pháp viện vào năm 1965 trong vụ Lamont kiện Bộ trưởng Bưu chính đã đảo ngược một luật liên bang vốn buộc những người tiếp nhận “tuyên truyền chính trị cộng sản” phải gửi một yêu cầu bằng văn bản đến Bưu điện trước khi những bức thư này có thể được gửi đi. Phán quyết đã thiết lập một tiền lệ rằng chính phủ không thể cản trở việc phân phối các tài liệu được cho là “tuyên truyền chính trị cộng sản,” đồng thời khẳng định sự bảo hộ cho quyền tự do ngôn luận cũng như quyền tiếp nhận thông tin mà không bị chính phủ can thiệp.
Bất chấp những cáo buộc cho rằng TikTok là một phương tiện tuyên truyền của ĐCSTQ, khung pháp lý do Tối cao Pháp viện thiết lập cho thấy rằng việc chỉ phổ biến tuyên truyền đơn thuần có thể không đủ biện minh cho lệnh cấm TikTok. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý đã lập luận rằng nếu có thể chứng minh rằng TikTok gây ra mối đe dọa thực sự cho an ninh quốc gia, thì tình huống này có thể sẽ đạt được một kết quả pháp lý khác.
Chuyên gia: Cấm TikTok là một biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia
Ông Alan Z. Rozenshtein, phó giáo sư luật tại trường Đại học Minnesota, lập luận rằng lệnh cấm TikTok được chính phủ Hoa Kỳ đề nghị là cần thiết cho an ninh quốc gia. Ông nhấn mạnh mối đe dọa tiềm tàng từ ĐCSTQ vốn có thể lợi dụng quyền kiểm soát của họ đối với các nền tảng như TikTok nhằm gây ảnh hưởng đến chính trị Hoa Kỳ.
Theo ông Rozenshtein, việc Quốc hội cấp bách can thiệp là do ĐCSTQ có thể tiến hành những tác động đáng kể thông qua các mạng truyền thông như vậy.
Đối với ĐCSTQ, TikTok thực sự có một tầm quan trọng chiến lược trong việc giúp đảng này tuyên truyền các quan điểm của họ. Kể từ khi ra mắt tại Hoa Kỳ vào năm 2018, TikTok đã nhanh chóng trở nên nổi bật, trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất ở Hoa Kỳ và trên toàn cầu trong ba năm liên tiếp — 2020, 2021 và 2022. Với khoảng 170 triệu người dùng ở Hoa Kỳ, TikTok tiếp cận khoảng một nửa dân số Hoa Kỳ, gây tác động mạnh mẽ đến các khía cạnh khác nhau của văn hóa Mỹ.
Thông qua TikTok, ĐCSTQ có khả năng ảnh hưởng đến một loạt các sở thích và nhận thức của người dân Mỹ — từ sở thích về âm nhạc và phim ảnh đến các thuyết âm mưu cũng như thói quen của người tiêu dùng. Ngay cả những người nổi tiếng ở Hoa Kỳ và mức độ nổi tiếng của họ cũng có thể được nền tảng này định hình.
Đáng chú ý, ngay cả nhóm vận động tranh cử của Tổng thống Biden cũng đã gia nhập TikTok hồi tháng Hai, sau khi nhận ra sức ảnh hưởng của nền tảng này.
ĐCSTQ bị cáo buộc sử dụng TikTok để gây ảnh hưởng đến chính trị Hoa Kỳ
Ý kiến cho rằng TikTok là một công cụ gây ảnh hưởng chính trị đã được minh họa sinh động bằng các sự kiện trong các chiến dịch chính trị ở Hoa Kỳ. Vào ngày 20/06/2020, trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Donald Trump, một tình huống bất ngờ đã diễn ra tại Tulsa, Oklahoma, và đã làm rõ khả năng gây ảnh hưởng của TikTok.
Mặc dù nhóm vận động tranh cử của TT Trump đã dự đoán rằng có khoảng 1 triệu người tham dự, nhưng chỉ có khoảng 6,200 người xuất hiện. Sự cách biệt này được cho là do người dùng TikTok đã ghi danh hàng trăm ngàn vé nhưng không hề có ý định đến tham dự.
Đến năm 2022, vai trò của TikTok trong nền chính trị Hoa Kỳ đã phát triển hơn nữa với việc giới thiệu tính năng “Trung tâm Bầu cử.” Sáng kiến này nhằm tạo thuận tiện cho sự tham gia của cử tri bằng cách cung cấp thông tin cho việc ghi danh, bỏ phiếu qua đường bưu điện, và các địa điểm bỏ phiếu ở nhiều tiểu bang khác nhau.
TikTok đã hợp tác với các tổ chức như Hiệp hội Quốc gia các Đổng lý Tiểu bang (NASS) và Ballotpedia, cùng nhiều tổ chức khác, cung cấp tài nguyên bằng hơn 45 ngôn ngữ, gồm cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Phạm vi và khả năng tiếp cận cử tri của tính năng này đã thu hút sự chú ý và lo ngại sâu sắc về việc tính năng này có thể ảnh hưởng đến hành vi của cử tri.
Các nhà phê bình, trong đó có Dân biểu Jim Banks (Dân chủ-Indiana) và Dân biểu Michael Waltz (Dân chủ-Florida), đã bày tỏ lo ngại về khả năng can thiệp bầu cử của TikTok.
Họ nhấn mạnh rằng TikTok, dưới sự giám sát của các thành viên ĐCSTQ, sẽ gây ra rủi ro đáng kể. Họ cho rằng tính năng Trung tâm Bầu cử này có thể bị sử dụng như một công cụ để giám sát và can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, một mối lo ngại mà Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ cũng đã cảnh báo.
Trong báo cáo đánh giá mối đe dọa thường niên của mình, văn phòng này cảnh báo rằng TikTok đã được sử dụng để nhắm mục tiêu vào các ứng cử viên trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 của Hoa Kỳ và có thể gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử năm 2024, nhằm mục đích “làm tăng sự chia rẽ xã hội Hoa Kỳ” và “loại bỏ những người chỉ trích Trung Quốc.”
Hơn nữa, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ghi chép lại các chiến lược rộng hơn của ĐCSTQ trong việc sử dụng thông tin giả và các phương pháp áp đặt để “thay đổi lại bối cảnh thông tin toàn cầu, tạo ra những thành kiến và sự ngăn cách mà thậm chí có thể khiến các quốc gia đưa ra những quyết định đặt lợi ích kinh tế và an ninh của họ dưới lợi ích của Bắc Kinh.”
Ông Rozenshtein tin rằng trong số tất cả các lập luận mà chính phủ có thể đưa ra để bảo vệ dự luật TikTok, thì “an ninh quốc gia” có thể sẽ là lý do hợp lý nhất với Tối cao Pháp viện.
Ông Gus Hurwitz, giảng viên cao cấp tại Khoa Luật của trường Đại học Carey tại Pennsylvania, cho rằng dựa trên các thành viên hiện tại của Tối cao Pháp viện, lập luận xoay quanh an ninh quốc gia này có thể mang tính quyết định.
Ông Hurwitz nói với AP: “Một trong những điều không may và thực sự làm nản lòng về luật an ninh quốc gia [đó là] luật này có vẻ sẽ trở thành con át chủ bài.”
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times