‘Tiếu đàm phong vân’ – Tập 9: Tam gia phân Tấn (Phần 3)
Kẻ sĩ chết vì người tri kỷ, luận bàn về người thường và quốc sĩ.
Dự Nhượng quét sơn lên thân, nuốt than đỏ để thay đổi hình dáng và giọng nói, đã trở thành một người ăn mày. Vừa đúng lúc đó Triệu Tương Tử muốn xây một cây cầu, Dự Nhượng giả trang thành một người chết, nằm ở dưới cầu. Khi khánh thành cây cầu, Triệu Tương Tử đi thị sát, đi đến bên cầu, ngựa đột nhiên dừng lại không đi nữa. Triệu Tương Tử làm thế nào ngựa cũng không chịu đi. Triệu Tương Tử nói, ta nghe nói “ngựa tốt không hại chủ”, ý là một con ngựa tốt sẽ không đưa chủ nhân đi đến nơi nguy hiểm, gần đây nhất định là có nguy hiểm, lục soát thử xem.
Binh sĩ báo, dưới cầu có một người chết. Triệu Tương Tử nói, cầu mới xây lấy đâu ra người chết? Nhất định là Dự Nhượng, bắt lại đây cho ta. Binh sĩ bắt Dự Nhượng lại. Lúc ấy Dự Nhượng ngửa mặt lên trời hét to, bởi vì ông ta thấy rằng không còn cơ hội nữa rồi, ông đã biến thành bộ dạng khác, vẫn không thể hoàn thành nhiệm vụ ám sát, sau này còn có thể làm gì được nữa? Cho nên ông ngửa mặt lên trời hét to.
Triệu Tương Tử rất lấy làm lạ, nói: Ta hỏi ngươi một vấn đề, ngươi khi vừa mới xuất sĩ cũng không phải là đến Trí gia làm gia thần, ngươi đã từng theo Phạm gia, lại từng theo Trung Hành gia. Khi Phạm gia và Trung Hành gia bị diệt, ngươi chưa từng nghĩ tới báo thù cho họ, vì sao khi Trí Bá Dao bị diệt, cái tâm báo thù của ngươi lại bức thiết như vậy? Dự Nhượng lúc ấy đã nói một câu, câu nói này về sau trong “Tam Quốc diễn nghĩa” khi Gia Cát Lượng khẩu chiến quần nho từng trích dẫn, đó chính là “Chúng nhân quốc sĩ chi luận” (Luận bàn về người thường và quốc sĩ).
Dự Nhượng nói, khi tôi làm việc ở nhà Phạm gia và Trung Hành gia, họ “đối đãi với tôi như một kẻ bình thường”, họ xem tôi như một người bình thường, nên tôi lấy tâm thái của người bình thường để đối đãi với họ. Ngươi không coi trọng ta, ta cũng không coi trọng ngươi. Nhưng khi tôi làm việc cho Trí gia, Trí Bá Dao “đối đãi với tôi như một quốc sĩ”, ngài ấy cho rằng tôi là một nhân tài xuất sắc nhất trong nước, đối đãi với tôi rất tốt. Nếu ngài ấy đối đãi với tôi như một quốc sĩ, thì tôi cũng dùng phong phạm của một quốc sĩ để báo đáp ngài ấy, cho nên tôi nhất định phải báo thù cho ngài ấy. Đây chính là “luận bàn về người thường và quốc sĩ” của Dự Nhượng.
Triệu Tương Tử nói lần trước ta thả ngươi, đã là “đặc xá sai luật”. Theo quốc pháp hẳn là nên giết ngươi, ta đã không theo luật mà khai ân rồi, lần này bắt ngươi, ta không thể tha ngươi lại nữa. Ta hỏi ngươi, ngươi có nguyện vọng gì, ta có thể giúp ngươi thực hiện?
Dự Nhượng nói, ngài hỏi tôi như thế, là ban ân huệ quá mức đối với tôi rồi. Tôi có một thỉnh cầu, tôi biết tôi không có khả năng giết ngài lần nữa, xin ngài có thể cởi bỏ y phục ngài đang mặc trên thân xuống, để cho tôi đâm ba nhát kiếm lên nó, coi như tôi vì chủ nhân của tôi mà báo thù, coi như đâm vào thân của ngài vậy.
Triệu Tương Tử nghe lời nói bi tráng của Dự Nhượng, cởi áo bào, cho người đưa tới. Dự Nhượng dùng hết sức nhảy lên đâm một kiếm vào áo bào kia, lại chửi mắng, lại nhảy lên đâm tiếp một kiếm, hết thảy đã đâm ba kiếm. Mỗi một lần kiếm đâm xuống, Triệu Tương Tử đều đánh một cái rùng mình. Sau đó lệnh giết chết Dự Nhượng. Triệu Tương Tử cầm áo bào bị kiếm đâm lên, ở mỗi vết rách do kiếm đâm đều có vết máu, đây là cảm ứng từ tấm lòng trung thành của Dự Nhượng mà nên. Chuyện này có ghi lại trong “Đông Chu liệt quốc chí”, trong “Tác Ẩn-Chiến Quốc sách” cũng có ghi lại.
Dự Nhượng là một thích khách rất nổi tiếng. Khi Tư Mã Thiên viết liệt truyện cho thích khách, lúc đó “Sử ký – Thích khách liệt truyện” cả thảy gồm năm vị thích khách, Dự Nhượng chính là thích khách xếp thứ ba, thích khách xếp thứ hai là Chuyên Chư mà chúng ta đã từng kể rồi.
Lời bạch: Dự Nhượng dùng cách thức mà người bình thường không thể nào tưởng tượng được, đó là sơn thân làm hủi, nuốt than đổi giọng, nhằm tiếp cận Triệu Tương Tử để ám sát ông, nhưng hai lần đều thất bại. Bị Dự Nhượng làm cho cảm động, lần thứ nhất, Triệu Tương Tử đã không theo quốc pháp mà khai ân tha cho Dự Nhượng, lần thứ hai cởi áo bào để cho Dự Nhượng đâm ba kiếm. Chuyện của Dự Nhượng đã lưu lại điển cố “Kẻ sĩ vì tri kỷ mà chết, nữ nhân trang điểm vì người mình yêu”, và luận bàn về “người thường và quốc sĩ”. Câu chuyện của Dự Nhượng được đưa vào trong chương “Thích khách liệt truyện” của Tư Mã Thiên.
Trí gia bị tiêu diệt, ba nhà Hàn-Triệu-Ngụy phân chia đất đai của Trí gia, đây chính là “Tam gia phân Tấn”. Vào năm 403 TCN, ba gia tộc này đã nhận được sách mệnh của Chu Thiên Tử, chính thức bước lên làm chư hầu.
Khi Tư Mã Quang nói tới thất bại của Trí gia, đã từng nói mấy lời rằng, người trên thế gian, Quân chủ thường không phân biệt được mối quan hệ giữa tài năng và đức hạnh. Tư Mã Quang cho rằng trên thế gian có bốn kiểu người, kiểu thứ nhất là người tài đức vẹn toàn, người này được gọi là Thánh nhân; còn có một kiểu người, đức hạnh của họ rất lớn, nhưng tài năng không đủ, kiểu người này được gọi là quân tử; còn có một loại người, tài năng và đức hạnh của họ đều kém, kiểu người này bị coi là người ngu; và một loại người, tài năng của họ rất lớn, nhưng đức hạnh lại cực kém, loại người này bị gọi là tiểu nhân.
Cai quản quốc gia, có được Thánh nhân và quân tử đương nhiên đó là tốt nhất, bởi vì đạo đức của họ vô cùng cao thượng, nhưng nếu như không có được Thánh nhân và quân tử, thà rằng tìm một người ngu, cũng không nên tìm một kẻ tiểu nhân. Vì sao vậy? Bởi vì năng lực của kiểu người này rất kém, nếu anh ta muốn làm một việc thì cũng không làm được. Tựa như một con chó con vừa mới ra đời, khi nó muốn cắn người, người ta vừa vung tay lên là có thể khống chế được nó. Nhưng nếu như một người mà đạo đức của người này cực kỳ tồi tệ, năng lực lại rất xuất sắc, thì giống như hổ dữ có thêm đôi cánh. Khi đó sẽ không có cách gì để chế ước anh ta.
Chúng ta đã từng chứng kiến trong lịch sử rất nhiều thần tử khiến cho quốc gia đi đến diệt vong, tỷ như Bá Bỉ. Bá Bỉ cũng không phải không có tài năng, ông ta là một người rất hiểu được tâm lý con người. Ông ta biết nên nói lời gì có thể làm cho Ngô vương Phù Sai vui vẻ; ông ta cũng biết làm thế nào có thể thuyết phục Ngô vương, ngôn từ của ông ta cực kỳ bén nhọn; ông ta nắm chắc tâm lý của Ngô vương một cách xảo diệu, người như vậy kỳ thực là một người tài hoa. Chẳng qua ông ta đem tài hoa của mình dùng không đúng chỗ.
Lời bạch: Tư Mã Quang nhìn nhận, thất bại của Trí Bá Dao chính là do ông ta là một kẻ tiểu nhân, năng lực của ông ta rất mạnh, nhưng đạo đức lại rất tồi tệ. Trí gia do đó gặp phải họa lớn diệt môn, đây chính là kết quả khi phụ thân của Trí Bá Dao tuyển chọn người kế thừa, chọn tài năng làm tiêu chuẩn thay vì phải là đức hạnh. Thất bại của Trí Bá Dao, là do tính tham lam, ngang ngược và kiêu ngạo của ông ta, vì vậy khiến một gia tộc bị diệt vong. Sau khi ba nhà phân Tấn, Chu Thiên Tử cũng đã đưa ra một quyết định sai lầm, đã mở ra họa loạn chiến tranh của Thời kỳ Chiến quốc. Tư Mã Quang cho rằng, sai lầm của Chu Thiên Tử ở chỗ đã coi nhẹ “Lễ”.
Khi Tư Mã Quang bàn về vấn đề “Lễ”, đã đưa ra một ví dụ. Ông nói Tấn Văn Công là một trong Xuân Thu Ngũ Bá, đã từng lập nhiều công lao rất to lớn cho Chu Thiên Tử. Chu Thiên Tử và Tấn Văn Công đều mang họ Cơ, là cùng họ, nên Chu Thiên Tử gọi Tấn Văn Công là thúc. Chu Thiên Tử hỏi Tấn Văn Công rằng, thưa thúc phụ, thúc vì nhà Chu đã lập công lao to lớn như thế, thúc muốn ban thưởng kiểu gì? Tấn Văn Công trả lời ta muốn “Toại táng”.
Toại táng là gì? Theo lễ tiết thời Xuân Thu, sau khi chư hầu chết thì đào một cái hố, đem quan tài trực tiếp đưa vào trong hố; còn nếu như Chu Thiên Tử chết, phải làm một mộ thất và một đường hầm thông trong mộ thất, đầu tiên phải đem quan tài đặt ở cửa vào của đường hầm, sau đó thông qua đường hầm đem quan tài bỏ vào mộ thất, quá trình này được gọi là toại táng.
Tấn Văn Công hy vọng sau khi chết, có thể hưởng thụ lễ nghi của Thiên tử. Chu Thiên Tử trả lời Tấn Văn Công rằng: Đây là một việc làm trái lễ nghi. Thúc đã xin ta để được đồng ý, là muốn tôn trọng Chu lễ, cũng tôn trọng quyền uy Chu Thiên Tử. Thế nhưng một mặt thúc tôn trọng Chu lễ, mặt khác lại muốn làm một việc vượt lễ. Nếu như đã muốn vượt lễ, thúc còn cần gì hỏi ta? Lãnh thổ của Tấn quốc rộng lớn như thế, thúc muốn chôn ở đâu thì chôn ở đó, thúc muốn dùng nghi thức gì thì dùng nghi thức đó, vì sao còn muốn phê chuẩn của ta? Tấn Văn Công nghe xong lời này, cũng không còn dám dùng hình thức toại táng nữa.
Trong “Tư trị thông giám” Tư Mã Quang từng giảng, trên thực tế “Lễ” đã mang lại tác dụng đặt định ra danh phận và ước thúc giữa quân thần. Còn có một người khác cũng đã lập nên công lao rất to lớn cho Quốc quân, ông ta nói với Quốc quân rằng, thần không mong ngài ban thưởng cho thần bất cứ đất đai hay là tiền bạc châu báu, thần hy vọng ngài có thể thưởng cho thần một đóa hồng anh.
Hồng anh là gì? Cái này là một tiêu chí chỉ giới quý tộc trước đây mới có thể sử dụng, nó được đeo trên cổ ngựa biểu thị địa vị xã hội, là một biểu tượng cho thân phận. Thời đó Khổng Tử giảng mang hàm ý rằng, cho một người bao nhiêu tiền đều có thể được, nhưng không thể ban cho anh ta đóa hồng anh này. Bởi vì sao? Bởi vì anh ta là một người dân thường, không thể sử dụng lễ nghi của quý tộc.
Tư Mã Quang rất xem trọng “Lễ”. Ông thậm chí cho rằng “Lễ” là một điều kiện cơ bản nhất để giữ gìn an định xã hội, chỉ cần lễ không bị phá hư, thì xã hội có thể tiếp tục phát triển như thế. Ông thậm chí còn có một cách nói rất cực đoan. Ông nói nếu như Quân vương của triều nhà Hạ, hoặc Quân vương của triều nhà Thương có thể giữ lễ, thì triều nhà Hạ và triều nhà Thương cũng sẽ không bị đánh đổ. Cách nói này, kỳ thực chúng ta bây giờ nhìn lại thấy rất có tính hạn chế. Trên thực tế lễ nhạc của Chu Công, cũng không phải chỉ vì muốn cho mọi người tuân thủ những quy phạm nhất định, trên bản chất là vì để ước thúc hành vi của người dân, hoặc có thể nói là ước thúc đạo đức con người.
Mọi người đều biết, thời Chiến quốc có Thất Hùng gồm bảy nước Tần, Hàn, Triệu, Ngụy, Yên, Tề, Sở. Trong số đó, khi nước Tấn bị chia ba, đã xuất hiện thêm ba quốc gia mới là Hàn, Triệu, Ngụy. Rất nhiều người cảm thấy rằng nước Tần là một quốc gia rất hùng mạnh, vì nhà Tần đã thống nhất Trung Nguyên. Tam gia phân Tấn, kỳ thực là điều kiện mở đầu để nước Tần thống nhất Trung Nguyên.
Chúng ta nhìn bản đồ sẽ biết, nước Tần nằm ở cuối phía tây, phía đông tiếp giáp với nước Tấn. Nếu như nước Tấn không bị phân chia, nước Tần vĩnh viễn không có khả năng thắng nước Tấn, bởi vì điều đó tương đương nước Tần đánh nhau với liên quân ba nước Hàn, Triệu, Ngụy của sau này, cơ bản là không cách nào đánh được. Sau khi ba nhà này phân chia nước Tấn, thực lực của mỗi một nhà cũng suy yếu đi, đã cho nước Tần cơ hội đánh bại từng nhà một.
Vào thời điểm năm 403 TCN, nước Tần cũng không phải là một quốc gia lớn mạnh. Quốc gia lớn mạnh nhất vào lúc ấy là nước Ngụy, vậy thì nước Ngụy trở nên lớn mạnh như thế nào, về sau làm sao mà suy yếu vậy? Mời quý vị theo dõi tập tiếp theo “Tri nhân thiện nhậm”.
(Còn nữa)
Do Bi Hui biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: