‘Tiếu đàm phong vân’ – Tập 9: Tam gia phân Tấn (Phần 1)
Trí Bá Dao dùng nước nhấn chìm thành Tấn Dương
Lời bạch: Ngô-Việt tranh bá là trận chiến quy mô lớn nhất vào cuối thời kỳ Xuân Thu, kết thúc bằng việc nước Việt tiêu diệt nước Ngô. Năm 494 TCN Việt Vương Câu Tiễn thua trận, đến nước Ngô dưỡng ngựa cho Phù Sai trong ba năm, nhận hết mọi khuất nhục; sau khi trở về nước nếm mật nằm gai trong 15 năm; lại trải qua ba năm chiến tranh, đến năm 473 TCN đã tiêu diệt được nước Ngô. Trong thời gian Việt Vương Câu Tiễn nếm mật nằm gai, vào năm 479 TCN, Khổng Tử đã đi hết một đời vĩ đại của ông, ông lâm bệnh và mất ở nước Lỗ.
Khổng Tử được xưng là “Vạn thế sư biểu” (Thầy của vạn đời), có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa và chính trị của Trung Quốc suốt 2,500 năm sau. Tác phẩm quan trọng và nổi tiếng của ông chính là “Xuân Thu”, được viết sau khi ông chu du khắp liệt quốc rồi trở về nước Lỗ. Cuốn “Xuân Thu” này lấy quốc sử của nước Lỗ làm cơ sở, dùng lập trường của Khổng Tử đối với những chuyện lịch sử để tiến hành bình phẩm thiện-ác, khen-chê, đặt định những chuẩn mực đạo đức và đạo trị quốc cho hậu thế.
Trong phần “Thái Sử Công tự tự” của Tư Mã Thiên đã khen ngợi “Xuân Thu” rằng: “Kinh ‘Xuân Thu’, trên làm sáng tỏ đạo của Tam vương, dưới phân biệt quy tắc của con người, phân biệt chuyện hiềm nghi, minh bạch đúng sai, quyết định điều còn do dự, khen điều hay, chê điều dở, tôn người hiền chê kẻ xấu, giữ được nước đáng ra bị diệt vong, nối lại điều đã bị thất truyền, sửa lại cái đã hư, dựng lại cái đã bị bỏ, đó là điều to lớn của vương đạo vậy.”
Chính vì “Xuân Thu” của Khổng Tử ghi chép lại lịch sử nước Lỗ từ những năm đầu tiên của thời vua Lỗ Ẩn Công (năm 722 TCN) đến năm thứ 14 thời vua Lỗ Ai Công (năm 481 TCN), do đó người đời sau gọi nửa đầu của thời kỳ Đông Chu liệt quốc, tức là từ năm 770 TCN đến năm 476 TCN, là thời kỳ Xuân Thu. Sau đó, Trung Quốc tiến vào thời kỳ Chiến Quốc.
Xin chào quý vị. Bắt đầu từ hôm nay, chúng ta đi vào thời kỳ Chiến Quốc. Thời Chiến Quốc được đánh dấu bởi sự kiện “Tam gia phân Tấn”. Tư Mã Quang cũng lấy chuyện này làm câu chuyện đầu tiên ghi lại trong bộ “Tư trị thông giám”. Các nho sinh thời Đại Tống nhìn nhận rằng, “Lễ” và “Danh” là thứ vô cùng quan trọng. Tam gia phân Tấn, không chỉ là các vị đại phu thuộc ba gia tộc của nước Tấn tranh giành quyền quản lý quốc chính, phân chia quốc thổ, hạ bệ Quốc quân, mà còn tự thành lập quốc gia cho riêng mình, hơn nữa còn được sự chấp thuận từ Chu Thiên Tử. Nói cách khác, đây là biến tướng của việc Chu Thiên Tử khuyến khích các đại phu của ba gia tộc này tạo phản, cũng là khởi đầu cho việc hỗn loạn về danh phận.
Vì sao Tư Mã Quang lại coi trọng “Lễ” như vậy? Ông cho rằng, một Quốc quân rất khó bảo đảm được rằng thực lực, trí lực, mưu lược, khả năng kinh thế tế dân cùng các phương diện khác của mình đều là bậc nhất trong một quốc gia. Sẽ luôn có những đại thần giỏi hơn Quốc quân. Nếu như đại thần giỏi hơn Quốc quân, tại sao đại thần không thể làm Quốc quân? Bởi vì giữa Quốc quân và đại thần còn có một ranh giới, cái ranh giới này chính là danh phận.
Cho dù một Quốc quân nào đó có thể bảo đảm rằng mình là người trí tuệ nhất ở quốc gia đó, nhưng cũng không thể bảo đảm rằng con cái, cháu chắt, thậm chí là các thế hệ về sau của mình, đều là người thông minh nhất, có năng lực nhất trong một nước. Dưới tình huống này, nếu như mọi người chỉ luận năng lực và thực lực, như thế Quốc quân sẽ đối mặt với mối nguy hiểm to lớn. Thực lực của đại thần mạnh, Quốc quân sẽ bị thay thế thậm chí bị giết chết. Để tránh cho đại thần và Quốc quân sát hại lẫn nhau, nhất định phải có một thứ gì đó để ước thúc họ, đó chính là “Lễ”.
Nếu như Quốc quân có thể giữ được lễ của một Quốc quân, vị đó chính là một Quốc quân tốt; đại thần có thể giữ được lễ của đại thần, đại thần sẽ không giết Quốc quân. Chính quyền của một quốc gia như thế mới có thể vững vàng truyền từ đời này qua đời khác. Khi ba gia tộc phân Tấn chính là thời kỳ hỗn loạn về danh phận, đã có một việc như vậy xảy ra làm tiền lệ, thì từ đó về sau, mọi người có thể không bàn đến đạo đức, mà chỉ nói về thực lực. Lúc này tiến nhập vào thời kỳ mạnh được yếu thua, đây chính là thời kỳ Chiến quốc.
Như thế việc “Tam gia phân Tấn” xảy ra như thế nào? Ban đầu nước Tấn có sáu gia tộc đại phu, về sau hai gia tộc đại phu họ Phạm và họ Trung Hành bị tiêu diệt. Lúc này còn lại bốn gia tộc đại phu có thực lực lớn mạnh, đó chính các gia tộc đại phu họ Trí, họ Hàn, họ Triệu và họ Ngụy.
Người đứng đầu Trí gia là đại phu Trí Bá Dao có thực lực lớn mạnh nhất trong bốn gia tộc. Trí Bá Dao có năm đặc điểm, một là ngoại hình tuấn tú, được gọi là “mỹ tu, trường đạt quá nhân [1]”; hai là kỹ thuật điều khiển xe ngựa và bắn cung cực kỳ giỏi, gọi là “thiện xạ ngự quá nhân”; ông ta có rất nhiều tài nghệ, được xem là “đa kỹ nghệ quá nhân”; ông ta mạnh mẽ, quả quyết và quả cảm, làm việc rất có tính quyết đoán; và tài ăn nói của ông đặc biệt tốt.
Nhưng Trí Bá Dao có một vấn đề rất lớn, chính là vừa tham lam vừa bất nhân. Khi ông ta ngấp nghé tước vị đại phu, có người đã từng khuyên phụ thân của ông ta, nói rằng người này có “năm tài hơn người”, có sở trường như vậy, nhưng ông ta lại bất nhân. Người dùng nhiều sở trường của mình để thực hiện những mục đích bất nhân nhất định sẽ mang đến mối họa cho Trí gia. Nhưng phụ thân của ông ta không nghe lời khuyên, lập Trí Bá Dao làm Thế tử. Cuối cùng Trí Bá Dao trở thành đại phu của Trí gia.
Thực lực của Hàn gia, Triệu gia và Ngụy gia so với Trí gia yếu hơn một chút. Năm 455 TCN, vì muốn làm suy yếu thực lực của ba gia tộc khác, Trí Bá Dao đã nghĩ ra một biện pháp. Ông nói, hiện nay nước Việt rất lớn mạnh, là một mối uy hiếp đối với nước Tấn chúng ta. Yêu cầu ba nhà đại phu, mỗi nhà bỏ ra 100 dặm đất đai để sung công. Như thế quỹ chung của quốc gia sẽ có thêm đất đai, có thêm nhân khẩu, thu thuế được nhiều hơn, và có tiền huấn luyện được càng nhiều binh sĩ hơn, nước Tấn sẽ càng an toàn hơn. Ông ta lấy một cái cớ như vậy để yêu cầu ba gia tộc khác cắt nhượng đất đai. Lúc ấy Hàn gia và Ngụy gia e ngại thanh thế của Trí Bá Dao nên đã nghe theo, cắt nhượng đất đai 100 dặm cho Trí Bá Dao.
Khi Trí Bá Dao muốn lấy phần đất Cao Lang (thuộc huyện Ly Thạch, tỉnh Sơn Tây ngày nay) của Triệu gia, đại phu của Triệu gia là Triệu Tương Tử không chịu. Triệu Tương Tử nói, mỗi một tấc đất của Triệu gia đều trải qua trăm trận chiến mới có được, máu của tổ tiên đã đổ trên mảnh đất ấy, một tấc ta cũng sẽ không giao cho ngài. Nếu như Hàn gia và Ngụy gia nguyện ý giao đất đai, thì đó là việc của bọn họ, còn ta tuyệt đối không giao đất.
Trí Bá Dao lúc ấy giận lắm, bèn ước hội với Hàn gia và Ngụy gia cùng nhau tấn công Triệu gia, ông ta còn nói, nếu như diệt được Triệu gia, đất đai của Triệu gia chia làm ba phần, mỗi một nhà đại phu này đều sẽ được chia một phần. Hàn gia và Ngụy gia một mặt e ngại thanh thế của Trí Báo Dao, mặt khác lại thèm muốn chiếm được đất đai của Triệu gia, vì vậy quân đội ba nhà liên kết tấn công Triệu gia.
Phụ thân của Triệu Tương Tử trước khi chết đã nói với Triệu Tương Tử rằng, nếu như Triệu gia chúng ta gặp phải biến cố gì, nơi an toàn nhất chính là Tấn Dương. Tấn Dương chính là thành phố Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây ngày nay. Thời ấy quốc đô của nước Tấn ở Khúc Ốc, là huyện Khúc Ốc, tỉnh Hà Nam bây giờ, khoảng cách giữa Tấn Dương và Khúc Ốc gần 300km, quãng đường rất xa. Lúc ấy Triệu Tương Tử thấy rằng liên quân ba nhà đã đến tấn công, Triệu Tương Tử liền chuẩn bị bỏ chạy.
Triệu Tương Tử hỏi đại thần dưới trướng của mình rằng, chúng ta chạy đến nơi nào thì thích hợp? Đại thần đề cử cho ông ta một nơi có tên gọi là Trưởng Tử, là huyện Trưởng Tử, tỉnh Sơn Tây ngày nay, bởi vì thành lũy ở nơi đó vừa mới xây xong, vừa cao vừa dày.
Triệu Tương Tử nói rằng không thể đi đến đó, xây thành lũy đã khiến cho dân chúng rất cực nhọc rồi, họ đã rất mệt mỏi rồi, ngươi lại bắt họ đánh giặc giúp ngươi, điều này thật không công bằng với họ, không thể đến Trưởng Tử.
Lại có người khuyên rằng, chúng ta nên đến Hàm Đan. Kho ở phủ Hàm Đan rất dồi dào.
Triệu Tương Tử nói, trong kho phủ có rất nhiều tiền, nên chúng ta không thể đến đó, bởi rằng những số tiền kia đều là vơ vét từ dân chúng ở nơi ấy mà có, vẫn là nghe theo lời của phụ thân ta, đi Tấn Dương. Bọn họ vội vã rời Khúc Ốc gấp rút chạy đến Tấn Dương.
Thành Tấn Dương là một thành kiên cố. Trong những người xây dựng tòa thành này năm đó, một người có tên là Doãn Đạc, một người nữa có tên là Đổng An Vu. Trước khi khởi công xây dựng thành trì, hai người họ đã từng hỏi phụ thân của Triệu Tương Tử rằng: Ngài muốn chúng tôi làm cho ngài một con đường lui, là một căn cứ địa, hay là muốn để chúng tôi vơ vét một lượng tiền tài, để cho ngài giàu có hơn?
Lúc đó phụ thân của Triệu Tương Tử nói, nhất định phải làm một căn cứ địa. Cho nên hai người Đổng An Vu và Doãn Đạc đối với bách tính của Tấn Dương cực kỳ tốt, thu thuế rất ít, dân chúng cũng rất trung thành với họ. Vì vậy Triệu Tương Tử liền chạy tới Tấn Dương.
Triệu Tương Tử ở Tấn Dương trấn thủ thành trì, liên quân của ba nhà công kích, đã tấn công suốt hai năm cũng không đánh hạ được thành. Tấn công liên tục từ năm 455 TCN đến năm 453 TCN, quân đội chỉ dừng lại dưới tòa thành kiên cố. Trí Bá Dao cũng đã có chút sốt ruột.
Có một hôm, Trí Bá Dao đi tuần tra ở vùng phụ cận, đột nhiên nhìn thấy có một ngọn núi, nước từ trên ngọn núi ngàn luồng vạn nhánh, cuồn cuộn chảy về đông. Ông ta hỏi người dân ở đó đây là núi gì, sông gì. Người dân nói, sông này có tên là Tấn Thủy, là một con sông rất lớn.
Trí Bá Dao bỗng nghĩ ra một biện pháp. Ông muốn ngăn một con đập ở phía hạ du của con sông, chặn nước sông lại, rồi dẫn nước đến dưới thành tấn công Tấn Dương. Quân đội ba nhà bắt đầu theo kế hoạch mà thi hành. Khi đó vừa đúng vào mùa xuân, mưa xuân rất nhiều, nước sông dâng cao, nước kia nhanh chóng đã ngập đến dưới thành Tấn Dương. Nước ngập chỉ cách tường thành chưa đến 3 bản. (“Bản” là một loại đơn vị đo lường của cổ đại, 3 bản thì tương đương khoảng chưa tới 1m của hiện tại).
Chúng ta biết tường thành là một bức tường được xây dựng trên thế đất bằng phẳng. Nhà của dân chúng không có chiều cao giống nhau nên bị ngập hết. Không có chỗ để nấu cơm, người dân chỉ còn cách ở trên nóc nhà đem nồi treo lên để nấu cơm, hơn nữa lúc ấy trời vẫn còn mưa. Ở trong tình huống khó khăn gian khổ như thế, nhưng không hề có một người dân nào của thành Tấn Dương chịu đầu hàng.
- [1] quá nhân: hơn người, vượt lên trên người khác
(Còn tiếp)
Do Bi Hui biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: