‘Tiếu đàm phong vân’ – Tập 8: Ngô-Việt tranh bá (Phần 4)
Thỏ khôn chết, chó săn bị làm thịt; Nước địch diệt, mưu thần bị giết hại.
Lời bạch: Việt Vương Câu Tiễn ở phòng đá nuôi ngựa ba năm, nếm mật nằm gai 15 năm, lại trải qua ba năm chiến tranh, cuối cùng tiêu diệt được nước Ngô. Ngô Vương Phù Sai rút kiếm tự sát. Trước khi chết, ông nói mình không còn mặt mũi nào gặp Ngũ Tử Tư và ông cũng cảnh tỉnh Phạm Lãi và Văn Chủng về tương lai của các mưu thần khi nước địch đã diệt vong. Sau khi nước Ngô bị tiêu diệt, hai vị đại phu Phạm Lãi và Văn Chủng ở vào tình cảnh cũng rất nguy hiểm. Vậy thì Câu Tiễn đã đối xử như thế nào đối với hai công thần đã có công giúp ông phục thù?
Sau khi Phù Sai chết, Việt Vương Câu Tiễn vào ở trong cung điện của nước Ngô. Khi đó Bá Bỉ ỷ vào bản thân đã từng trước mặt Ngô Vương nói lời tốt cho Việt Vương Câu Tiễn suốt 20 năm qua, ông ta cho rằng mình có đại ân đối với Việt Vương nên đã mang vẻ mặt tự đắc đến bái kiến Việt Vương.
Việt Vương thấy Bá Bỉ đã nói, Quốc Quân của ngươi đã tự sát ở núi Dương Sơn rồi, sao ngươi không đến đó tìm Quốc Quân của mình. Bá Bỉ mặt biến sắc, ông ta không ngờ rằng Câu Tiễn lại nói những lời này liền đứng lên rời khỏi cung điện. Câu Tiễn cho người đuổi theo Bá Bỉ, giết chết ông ta. Kỳ thực con người Bá Bỉ thật đáng chết, nhưng tôi cảm thấy Việt Vương Câu Tiễn cũng quá vô tình rồi.
Việt Vương ở trong cung mở tiệc thiết đãi các đại thần, mọi người đều rất vui mừng, nhưng trái lại nét mặt Câu Tiễn không hề vui chút nào. Phạm Lãi nhìn thấy, ngày hôm sau đến trước mặt Câu Tiễn thưa: Bẩm Đại Vương, thần nghe nói, “Chủ ưu thần nhục, chủ nhục thần tử”, một vị Quốc Quân nếu có ưu lo, đối với đại thần, đó chính là một sự sỉ nhục; một Quốc Quân phải chịu nhục, thì đại thần chính là phải chịu tội chết. Năm đó Đại Vương thất bại ở Hội Kê, đến nước Ngô chăm ngựa ba năm, khi Đại Vương chịu sự sỉ nhục, lẽ ra thần phải chết lúc đó rồi. Nhưng sở dĩ thần chưa chết, vì thần hy vọng tương lai có thể báo thù cho Đại Vương. Bây giờ đã báo thù xong, hy vọng Đại Vương có thể miễn tội chết năm đó của thần, gọi là “xin hài cốt”, để cho thần quay về cố hương, không làm quan nữa. Câu Tiễn lập tức thể hiện bộ mặt hung ác nói, nếu như khanh đi, ta sẽ giết thê tử của khanh. Phạm Lãi thưa, giết hay không giết bọn họ đều trong tay Đại Vương, dẫu sao thần cũng phải đi. Phạm Lãi nhẹ nhàng một mình rời đi, không đem theo thê tử đi cùng.
Câu Tiễn quay lại hỏi Văn Chủng, Phạm đại phu có thể tìm về được không? Văn Chủng thưa đuổi theo cũng không quay về, ông ta đã hạ quyết tâm rồi. Văn Chủng trở về nhà, nhìn thấy một bức thư của Phạm Lãi gửi cho ông, trong thư viết thế này, ông còn nhớ lời của Ngô Vương năm đó chứ, “Giảo thỏ tử, tẩu cẩu phanh; địch quốc phá, mưu thần vong”, con người Việt Vương, cổ dài mỏ chim, chính là cổ rất dài, miệng giống như mỏ chim nhô ra, người có tướng mạo như thế, tính cách có đặc điểm là nhẫn nhục và đố kỵ công lao. Người khác có thể cùng ông ta chung hoạn nạn, nhưng ông ta sẽ tuyệt đối không để người khác cùng hưởng an lạc đâu. Bây giờ tôi phải đi, hy vọng ông cùng đi với tôi, nếu không e rằng đại họa sẽ lập tức giáng xuống người ông. Văn Chủng cảm thấy Phạm Lãi quá lo xa, nên không đi.
Câu Tiễn sau khi chiến thắng được nước Ngô, quan hệ với các đại thần càng ngày càng lạnh nhạt. Văn Chủng cũng thấy Câu Tiễn dù gì cũng không thưởng công cho mình, nên cũng sa sút tinh thần, thường xuyên cáo bệnh không vào triều.
Một ngày vào buổi tối Câu Tiễn quả nhiên đến phủ của Văn Chủng. Nghe nói Đại Vương đến phủ của mình, ông liền giả bộ dáng vẻ bệnh rất nặng, vì ông thường xuyên cáo bệnh mà, miễn cưỡng ra ngoài bái kiến Việt Vương.
Việt Vương ngồi xuống nói, năm đó khanh từng hiến cho ta “diệt Ngô thất sách”, chính là bảy kế sách tấn công tiêu diệt nước Ngô, ta chỉ dùng có ba kế sách đã diệt xong nước Ngô rồi, nay còn bốn kế sách thì nên như thế nào? Văn Chủng khi đó quá ngạc nhiên chưa biết nói gì cho phải, Câu Tiễn lại nói tiếp, vì sao không dùng bốn kế sách “vì ta mà tham mưu cho tiên nhân của nước Ngô ở dưới đất kia”, chính là đến âm gian đối phó với những người đã chết của nước Ngô.
Văn Chủng chưa biết rốt cuộc Việt Vương có ý gì, nhưng cũng cảm thấy nguy hiểm đã giáng xuống rồi. Nói xong câu đó, Câu Tiễn cũng đứng lên rồi về luôn. Văn Chủng, sau khi tiễn Việt Vương, quay vào phát hiện trên bàn còn có một thanh kiếm. Đây chính là thanh kiếm ‘Thuộc Lũ” năm đó Phù Sai ban cho Ngũ Tử Tư. Văn Chủng rút kiếm ra, ông biết là Việt Vương không muốn giữ lại mình nữa rồi, liền tự sát.
Phạm Lãi là người thoáng một cái hiểu ngay, hơn nữa ông còn biết được khi sự việc thành công nên rút lui ngay. Hoàn thành đại nghiệp diệt Ngô xong, ông liền rời khỏi nước Việt, đến nước Tề. Ông mở kinh doanh kiếm được rất nhiều tiền, nhanh chóng tích lũy được sản nghiệp nghìn vàng. Nghe nói Phạm Lãi là người hiền minh, Quốc Quân nước Tề liền mời ông về làm tướng quốc.
Phạm Lãi sau một đoạn thời gian làm tướng quốc cho nước Tề, đã nói một câu thế này, “Ở nhà làm ra nghìn lượng vàng, tại quan trường làm đến tướng quốc, cũng là cực điểm của kẻ áo vải rồi, ở lâu địa vị tôn quý, bất tường”. Ông cho rằng hưởng thụ công danh và tiền tài như vậy là không tốt lành, gánh vác không nổi phúc phận đó. Ông đã từ bỏ ấn tướng, cũng đem hết tiền bạc trong nhà ra phân phát cho bách tính.
Ông đến một nơi gọi là Đào. Có thể Phạm Lãi biết xem phong thủy, cảm thấy nơi này là chỗ giao thông quan trọng trong thiên hạ. Ông ở lại đó định cư, bắt đầu mở kinh doanh, rất nhanh chóng lại tích lũy được sản nghiệp nghìn vàng. Sau này những người giỏi kinh doanh, được coi là có bí kíp của Đào Chu Công. Phạm Lãi sau này được gọi là Đào Chu Công.
Câu chuyện Ngô-Việt tranh bá đã kết thúc rồi. Trong câu chuyện này chúng ta nhìn thấy được tính cách của mỗi người rất riêng biệt. Rất nhiều người cảm thấy Ngũ Tử Tư là người bảo thủ, rõ ràng biết Phù Sai không thể can gián, nhưng ông nhất định phải đi can gián. Mọi người cho rằng ông không biết nhìn người, nhưng chúng ta đều biết, Ngũ Tử Tư năm đó tiến cử Chuyên Chư hành thích Vua, tiến cử Yêu Ly mưu sát Khánh Kỵ, tiến cử binh gia Tôn Vũ giúp nước Ngô huấn luyện quân đội của họ. Ông nhìn người kỳ thực rất chuẩn xác. Ông lẽ nào không biết Ngô Vương không thể can gián? Đương nhiên biết. Nếu không, ông đã không đem con trai của mình đưa đến nước Tề. Ông biết nước Ngô chắc chắn sẽ diệt vong.
Vậy tại sao ông nhất định phải can gián cho dù có mất mạng? Chúng ta biết, nói đến nhà Thương, nhà Trụ năm đó, Khổng Tử có bình luận một câu thế này “Ân hữu tam nhân”, chính là triều đại Ân Thương, có ba người có thể xưng là “nhân” thượng (ở mức cao nhất), trong đó có Tỷ Can. Tỷ Can bị Trụ Vương moi tim, ông chết vì can gián. Tiếp đến là Cơ Tử bị buộc làm nô lệ, ông bị Trụ Vương giam vào trong ngục, sau đó ông phải giả điên. Còn có một Vi Tử được coi là ân, Vi Tử rời xa Trụ Vương. Khổng Tử nói ba vị này đều là người nhân. Họ có đặc điểm gì giống nhau? Đó là tuyệt đối không hợp tác với tà ác. Ta có thể khuyên ngăn ông, hoặc ta giả điên, hoặc ta rời xa ông, nhưng ta tuyệt đối sẽ không trợ Trụ vi ngược.
Nếu như lấy tiêu chuẩn đó để nhìn nhận về Ngũ Tử Tư, cái chết vì can gián của Ngũ Tử Tư cũng giống như cái chết của Tỷ Can thời đó. Nếu như nói Tỷ Can là một người nhân, vậy đương nhiên Ngũ Tử Tư cũng là một người nhân. Còn con người Phù Sai thì sao, chúng ta nhận thấy, ông ta là người luôn bỏ dở giữa chừng. Năm đó để báo thù, ông đã lập lời thề ở sân đình, trong thời gian ba năm mỗi ngày đều nói, ta không bao giờ quên Việt Vương Câu Tiễn đã hại chết phụ thân. Thế nhưng thật sự đợi đến lúc có thể giết chết Câu Tiễn, ông ta lại không giết, làm việc bỏ dở giữa chừng, khiến nghiệp bá của ông ta cũng bị bỏ dở. Kết quả của bỏ dở giữa chừng thì sao, chính là quốc gia cũng bị mất, sự việc cũng không hoàn thành. Ở đây lại khiến tôi nhớ đến một câu nói của Lão Tử, “Thận chung như thủy, tắc vô bại sự”, là nói nếu anh làm một sự việc từ đầu đến cuối đều thận trọng, thì sự việc đó sẽ không thể thất bại.
Câu chuyện Ngô-Việt tranh bá, chúng ta chỉ nói đến đây thôi. Phù Sai chết vào năm 473 TCN. Đông Chu phân thành hai giai đoạn. Từ năm 770 TCN đến 475 TCN, được gọi là thời kỳ Xuân Thu. Từ sau năm 475 TCN, được gọi là thời kỳ Chiến Quốc. Sau cuộc chiến tranh bá Ngô-Việt, lịch sử Trung Quốc bước sang thời đại Chiến Quốc.
Đường ranh giới giữa Xuân Thu và Chiến Quốc lấy sự kiện gì làm cột mốc? Đã có một trận chiến xảy ra vào đầu thời kỳ Chiến Quốc. Sự việc này đối với hậu thế có ảnh hưởng to lớn như thế nào và dẫn đến việc Tư Mã Quang đem chuyện này mở đầu cho “Tư trị thông giám”. Đây lại là một sự việc gì? Mời quý vị xem tập sau “Tam gia phân Tấn”. Cảm ơn.
(Còn tiếp)
Bi Hui
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: