‘Tiếu đàm phong vân’ – Tập 8: Ngô-Việt tranh bá (Phần 1)
Lời đầu lưỡi khua cơn sóng gió – Mưu kế tung ra Bắc Đẩu dời
Lời bạch: Năm 496 TCN, Ngô Vương Hạp Lư đem quân đánh chiếm nước Việt bị binh bại thân vong. Sau khi Phù Sai lên ngôi kế vị, trải qua ba năm chuẩn bị, cuối cùng đánh bại được nước Việt, báo thù rửa nhục. Việt Vương Câu Tiễn và quan đại phu Phạm Lãi ở nước Ngô chăn ngựa ba năm, được đặc xá về nước. Câu Tiễn nếm mật nằm gai, khổ tâm nghĩ mưu kế, chuẩn bị quân sự để tiêu diệt nước Ngô. Ông hối lộ Thái tế Bá Bỉ làm cho ngô Vương mất cảnh giác; cống nạp gỗ to để Ngô Vương xây cung điện, làm hao tốn tiền tài của nước Ngô; dâng hiến mỹ nữ Tây Thi, để mê hoặc tâm trí Ngô Vương. Trong nước, ông cho tích lũy tiền bạc và luyện binh, đợi chờ thời cơ. Nhưng khi Câu Tiễn huấn luyện quân đội, dẫn đến sự nghi ngờ của Ngô Vương. Vào lúc Ngô Vương chuẩn bị chinh phạt nước Việt, thì phát sinh một sự kiện.
Phía bắc của nước Ngô là nước Tề, kinh đô tại Lâm Tri, gần thành phố Tri Bác tỉnh Sơn Đông ngày nay. Phía tây nam nước Tề là nước Lỗ, kinh đô tại Khúc Phụ, là quê hương của Khổng Tử. Năm 485 TCN, nước Ngô liên minh với nước Lỗ phạt Tề, năm 484 TCN nước Tề chuẩn bị chinh phạt nước Lỗ. Đương nhiên nói trả thù cho năm trước liên quân hai nước Ngô-Lỗ phạt Tề chỉ là một cái cớ. Nguyên nhân quan trọng hơn là, ở nước Tề có một đại phu gọi là Điền Thường, rất giỏi về chính sự. Trong nước còn có rất nhiều các đại phu khác, thực lực cũng rất cường thịnh, như Cao gia, Quốc gia, Bào gia, Án gia. Đại phu Điền Thường muốn nhân cơ hội phạt Lỗ, làm suy yếu thực lực của mấy nhà đại phu kia.
Đại quân đã xuất phát từ nước Tề, lúc đó Khổng Tử vừa mới chu du các nước, về đến nước Lỗ. Ông nghe nói quốc tổ sẽ bị đánh, nhất định phải cứu. Ông hỏi trong các đệ tử ai muốn đi sứ nước Tề để ngăn cản cuộc chiến tranh này. Các đệ tử Tử Lộ, Tử Trương, Tử Thạch đều đứng dậy thỉnh cầu được đi, nhưng Không Tử vẫn chưa chấp nhận. Lúc đó Tử Cống đứng lên hỏi Khổng Tử rằng “Phu Tử, Tứ có thể đi được không?” Tử Cống tên là Đoan Mộc Tứ, ý tứ của ông ta là con có thể đi được không, Khổng Tử đồng ý.
Tử Cống là một trong 72 cao đồ của Khổng Tử, sự tích của ông được ghi chép trong “Sử ký-Trọng Ni đệ tử liệt truyện”. Trong chương này của “Sử ký”, ghi chép về Tử Cống là dài nhất. Khổng Tử đánh giá Tử Cống rằng con người Tử Cống rất giỏi về du thuyết.
Tử Cống được ghi trong sử sách là một nho thương, ông không chỉ là một nho sinh, mà ông còn kinh doanh. Công việc của ông giống như buôn bán giao hàng theo hẹn, ông rất nhanh chóng tích lũy được sản nghiệp nghìn vàng, rất giàu có. Tử Cống thường xuyên ngồi xe ngựa tứ mã đi chu du các nơi, giao du với các nước trong liệt quốc, rất nhiều Quốc Quân của các nước liệt quốc đều kính trọng ông.
Nếu như chúng ta so sánh Tử Cống và Nhan Hồi, chúng ta sẽ thấy, Nhan Hồi và Tử Cống khá tương phản. Nhan Hồi rất nghèo. Trong “Luận ngữ” Khổng Tử có một câu nói “một ống cơm, một bầu nước, ở trong ngõ hẻm, người ta không chịu nổi nỗi khổ đó, Nhan Hồi cũng không thay đổi niềm vui của ông, giỏi thay Nhan Hồi”! Ý của Khổng Tử là, một ống cơm, một bầu nước, sinh sống ở khu dân nghèo, đa số người ta không chịu đựng nổi sự buồn lo như vậy, thế nhưng Nhan Hồi lại cho đó là niềm vui. Khổng Tử nói, Nhan Hồi thật là một người hiền minh, đây gọi là người quân tử sống thanh bần đạo hạnh.
Nhưng Tử Cống không như thế, trong “Luận ngữ-Tiên tiến” có ghi chép lời Khổng Tử nói về ông: Nhan Hồi thường thiếu ăn, nhưng còn Tử Cống thì sao. Ông thường đoán đúng được tình hình thị trường, mỗi lần đoán đều trúng. Chúng ta đều biết, để dự đoán đúng cần phải có một điều kiện tiên quyết, chính là ông phải hiểu được tâm lý của đại chúng, cũng chính là nói tâm lý học của ông phải rất giỏi. Như vậy người mà hiểu được tâm lý của con người như thế, dưới sự dạy dỗ của Khổng Tử, ngôn từ lại vô cùng sắc bén, về mặt du thuyết, Tử Cống đương nhiên là rất xuất sắc.
Tử Cống liền vâng mệnh Phu Tử từ nước Lỗ đến nước Tề trước. Điền Thường nghe nói Tử Cống từ nước Lỗ đến, thể hiện ra dáng vẻ ngạo mạn, hỏi Tử Cống rằng, ông là vì nước Lỗ mà đến làm thuyết khách chăng?
Tử Cống nói không phải, lần này tôi đến là vì nước Tề, không phải vì nước Lỗ. Đại Phu nghĩ muốn tấn công nước Lỗ, tôi muốn nói với ngài là nước Lỗ rất khó đánh. Tại vì sao? Bởi vì tường thành nước Lỗ vừa thấp vừa mỏng, đại thần yếu kém, Quốc Quân vô năng, binh sĩ không quen trận mạc, vũ khí không tốt, thành hào bảo vệ vừa nông vừa hẹp, cho nên rất khó đánh; Tôi kiến nghị ngài chi bằng đi đánh nước Ngô, tường thành nước Ngô vừa cao vừa dày, Quốc Quân giỏi đánh trận, vũ khí rất tốt, binh sĩ quen trận mạc, thành hào bảo vệ vừa rộng vừa sâu, cho nên nước Ngô rất dễ đánh.
Điền Thường nói, ngươi nói lung tung cái gì vậy? Bởi vì những điều Tử Cống nói là khó, người bình thường lại cho là dễ, nhưng điều ông ta cho là dễ, thì người bình thường lại cho là khó. Tử Cống đã dùng phương pháp như vậy, lập tức nắm bắt được tâm hiếu kỳ của Điền Thường.
Tử Cống nói với Điền Thường, chẳng có gì khó lý giải, nếu như ngài có thể cho tả hữu lui ra, để tôi giải thích kỹ cho ngài. Điền Thường cũng biết Tử Cống là học trò giỏi của Khổng Tử, trong lòng nghĩ ông ta nhất định có cách giải thích đặc biệt, bèn cho tả hữu lui ra, ngồi trước chiếu xin thỉnh giáo. Chúng ta đã biết, cổ nhân trước kia đều quỳ trên đất, quỳ trên chiếu. Ở Trung Quốc thực tế từ triều Tống trở đi mới bắt đầu có đồ dùng, có ghế băng, ghế dựa, còn trước đó mọi người đều quỳ trên chiếu. Cũng chính là nói, Điền Thường xê dịch chiếc chiếu của mình tiến lại gần chỗ Tử Cống, đề nghị Tử Cống nói cho mình nghe tỉ mỉ một chút.
Tử Cống nói, tôi nghe nói một quốc gia có nỗi lo ở bên trong thì nên kiếm một nước lớn mà đánh, còn một quốc gia có nỗi lo bên ngoài, thì đối ngoại tác chiến cần chọn một nước yếu. Hiện tại nước Lỗ rất yếu, nếu như ngài để mấy đại phu đi đánh nước Lỗ, sẽ rất nhanh chóng đánh xong, hơn nữa mấy đại phu này nhờ thế mà lập được công. Bọn họ nhất định đánh thắng, danh vọng của bọn họ càng nổi lên, tôi thấy ngài đây là không muốn cùng làm việc chung với họ. Nhưng nước Ngô lại rất mạnh, mấy đại phu kia đi đánh nước Ngô, bọn họ nhất định đánh không được, cho dù có đánh được, thì thực lực của bọn họ cũng bị tổn thất rất lớn. Như vậy, thực lực của ngài ở nước Tề sẽ không ngừng tăng thêm, mấy đai phu kia cũng bằng như bị suy yếu. Điền Thường lập tức hiểu ra câu nói này của ông.
Điền Thường liền hỏi Tử Cống, nếu như bây giờ ta muốn đánh nước Ngô, không có cớ gì thì làm thế nào? Tử Cống nói không sao, bây giờ xin ngài hãy án binh bất động, tôi bây giờ đi du thuyết nước Ngô, khiến bọn họ đi cứu nước Lỗ, như vậy ông khai chiến nước Ngô không phải là có lý do rồi sao?
Tử Cống rời khỏi nước Tề, trong đêm đến được nước Ngô đi yết kiến Phù Sai. Ông lợi dụng tâm muốn tranh bá của Phù Sai và nói, hiện nay nước Tề đang đánh nước Lỗ, sau khi đánh xong nước Lỗ sẽ đánh nước Ngô, tại sao không nhân lúc nước Tề chưa đưa quân sang mà đi cứu nước Lỗ? Như vậy Đại Vương ngài đã đánh được một nước Tề có vạn cỗ xe, lại thu phục được nước Lỗ có ngàn cỗ xe, công lao sự nghiệp như vậy thì nước Tấn cũng không làm nổi, Đại Vương liền có thể xưng bá ở Trung Nguyên.
Phù Sai nói, người nói cũng có đạo lý, ta vẫn luôn căm hận nước Tề, chính là phải đánh, nhưng ta có một mối lo nước Việt ở đằng sau. Nếu như ta đi cứu nước Lỗ, nước Việt sẽ tập kích hậu phương của ta, tình thế của ta sẽ khá phiền phức. Cho nên, ta hiện nay muốn tiêu diệt nước Việt trước, sau đó quay lại đánh nước Tề.
Tử Cống thưa rằng, nếu như Đại Vương lo về nước Việt, vấn đề rất dễ giải quyết. Bây giờ tôi sẽ đến nước Việt, để cho Việt Vương Câu Tiễn mang toàn bộ binh lực của nước họ, bao gồm cả bản thân Việt Vương Câu Tiễn đích thân dắt ngựa, mang theo cung tên làm quân tiên phong cho Đại Vương, như vậy Đại Vương sẽ không phải lo nghĩ gì nữa. Ngô Vương nói, nếu như Việt Vương có thể điều binh cùng ta đánh nước Tề, ta đương nhiên yên tâm rồi.
Tử Cống lại rời khỏi nước Ngô đến nước Việt. Việt Vương Câu Tiễn nghe nói Tử Cống đến, đi ra ngoài rất xa để đón Tử Cống. Câu Tiễn hỏi, tiên sinh đến nước ta, chắc có điều chi dạy bảo? Tử Cống nói, nếu như Đại Vương không có lòng muốn đánh nước Ngô, trái lại bị Ngô Vương nghi ngờ, là do Đại Vương làm việc quá ngu muội; nếu như Đại Vương có lòng muốn đánh nước Ngô, trái lại nếu để Ngô Vương biết được, chứng tỏ rằng Đại Vương làm việc không cẩn thận. Bất luận là như thế nào, đối với nước Việt đều rất nguy hiểm. Tôi vừa từ nước Ngô đến đây, Ngô Vương hiện đang muốn tấn công nước Tề, nhưng ông ta lo lắng Đại Vương từ sau lưng mà chiếm đường lui của ông ta, cho nên tôi mới đề nghị với ông ta, hy vọng nước Việt đem quân đến cùng với ông ta liên quân đánh trận, Ngô Vương đã đồng ý rồi.
Việt Vương nghe những lời nói của Tử Cống, cũng rất lo lắng Phù Sai đến đánh nước mình, liền đồng ý đề nghị của Tử Cống. Tử Cống sau khi được sự đồng ý của Việt Vương, lại quay về gặp Ngô Vương Phù Sai tâu rằng, Việt Vương đã đồng ý tự mình dẫn quân đến làm quân tiên phong cho Đại Vương.
Phù Sai hỏi, như vậy có thích hợp không? Tử Cống đáp, dùng quân đội của họ đã là hơi quá rồi, không thể lại dùng vua của nước họ, xin đem quân đội của nước họ đến, nhưng Câu Tiễn không cần đến. Phù Sai đã nghe theo đề nghị của Tử Cống.
Tử Cống rời khỏi nước Ngô đi sang nước Tấn. Ông nói với Quốc Quân nước Tấn, hiện giờ nước Tề sẽ nhanh chóng có chiến tranh với nước Ngô. Nước Ngô một khi đánh thắng được nước Tề chắc chắn sẽ cùng nước Tấn tranh bá, hy vọng nước Tấn có chuẩn bị tốt. Sau đó liền trở về nước Lỗ.
Chuyến du thuyết lần này của Tử Cống, đã cải biến vận mệnh của năm nước. Trong “Sử ký-Trọng Ni đệ tử liệt truyện” có nói “Do Tử Cống nhất xuất, tồn Lỗ, loạn Tề, phá Ngô, cường Tấn nhi bá Việt. Tử Cống nhất sứ, sử thế tương phá, thập niên chi trung ngũ quốc các hữu biến.” Nói cách khác, Tử Cống lần này đi sứ, bảo toàn Lỗ quốc, nhiễu loạn Tề quốc, diệt vong Ngô quốc, cường đại Tấn quốc, lại làm Việt quốc xưng bá. Tử cống lần này đi sứ, khiến cho năm nước trong thời gian mười năm, hình thế chính trị cùng thực lực quân sự đều phát sinh biến đổi. Nếu như chúng ta dùng một câu trong «Tam Quốc Diễn Nghĩa » miêu tả chuyến đi sứ lần này cùng những kỹ xảo du thuyết của ông ta, có thể nói là “Tung hoành thiệt thượng cổ phong lôi, đàm tiếu hung trung hoán tinh đẩu.” (Tạm dịch: Một lời đầu lưỡi khua cơn sóng gió, mưu kế tung ra Bắc Đẩu rời).
(Còn tiếp)
Bi Hui
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: