‘Tiếu đàm phong vân’: Tập 7 – Nuôi ngựa ở Thạch Ốc (Phần 2)
Văn Chủng cầu hòa, Phù Sai đồng ý
Lời bạch: Năm 496 TCN, Ngô Vương Hạp Lư thừa dịp nước Việt đang trong thời gian quốc tang đã tấn công họ, bị Việt Vương Câu Tiễn vừa lên ngôi đánh bại, đồng thời bản thân bị trọng thương mà chết. Con trai của ông là Phù Sai để tang ba năm, mỗi ngày đều trả lời một câu hỏi giống nhau: “Phù Sai, ngươi đã quên Việt Vương Câu Tiễn giết chết cha ngươi rồi sao?” Phù Sai với tâm thái phục thù như vậy đã chuẩn bị trong ba năm. Vào năm 494 TCN lần thứ hai dấy binh đánh phạt nước Việt. Việt Vương Câu Tiễn bại trận, không đường xoay xở. Quan đại phu nước Việt là Văn Chủng đứng ra đảm nhận việc đi đến nước Ngô cầu hòa. Văn Chủng phải thuyết phục như thế nào để Ngô Vương bỏ qua mối thù giết cha, đồng ý nghị hòa đây?
Văn Chủng tuyển tám mỹ nữ, và mang theo vàng bạc tơ lụa đến gặp Bá Bỉ. Chuyện này đương nhiên Văn Chủng đã làm thành công, đây xem là một việc rất thuận lợi nhưng thật ra là một việc cực kỳ khó khăn. Lúc ấy Bá Bỉ nghe nói Văn Chủng đến cầu hòa, ông ta bày ra một bộ dáng kiêu căng ngạo mạn, triệu kiến Văn Chủng ngay trong đại doanh. Sau khi Bá Bỉ cầm danh mục quà tặng xem xong, câu đầu tiên nói với Văn Chủng rằng, nước Ngô chúng tôi lập tức sẽ diệt nước Việt, đến khi đó tất cả trân bảo của quý quốc chẳng phải đều thuộc về của chúng tôi, ông mang đến một chút đồ vật thế này liền muốn lấy lòng ta sao?
Mọi người lưu ý nhé, Bá Bỉ không nói là không thể cầu hòa, điều ông ta nói chính là lễ vật ngươi cho ta quá ít. Là một người bình thường có thể sẽ nghĩ, a, lễ vật quá ít, vậy chúng tôi lại cho nhiều thêm chút nữa, nhưng Văn Chủng không có nói như thế. Văn Chủng là một người ăn nói cực kỳ khéo léo. Lúc đó ông đã một phen nói rằng: Nước Việt tuy thất bại chỉ còn lại năm ngàn quân, nhưng năm ngàn quân này đều là những chiến sĩ cảm tử, còn có thể đánh một trận; nếu như đánh không thắng, nước Việt sẽ đem toàn bộ lương thực trong kho chứa thiêu hủy hết, đem tất cả tiền bạc ném xuống sông, một xu cũng không để lại cho các vị; hơn nữa Việt Vương của chúng tôi sẽ lánh sang nước khác, tựa như Sở Chiêu Vương năm đó, sau này lại mưu tính khôi phục lại quốc gia của mình. Đây rõ ràng là uy hiếp.
Tầng ý thứ hai, Văn Chủng còn nói, nếu như nước Việt đầu hàng nước Ngô, hết thảy trân bảo trong phủ khố (kho bạc quốc gia) đều thuộc về Ngô Vương. Ngô Vương bất quá chỉ lấy ra một phần nhỏ trong đó tặng cho Thái Tể ngài mà thôi; nếu như Thái Tể có thể chủ trì hòa đàm, nước Việt tựa như đầu hàng nước Ngô, nhưng thực ra là đã đầu hàng Thái Tể, như thế Thái Tể một người “một mình chiếm toàn bộ lợi lộc của nước Việt, chư tướng chẳng thể chia chác được gì.” Tất cả chỗ tốt của nước Việt chúng tôi toàn bộ thuộc về ngài, người khác không thể được như ngài. Đây là lấy lợi để dụ dỗ.
Tầng ý thứ ba, Văn Chủng lại nói, huống chi khi năm ngàn chiến sĩ cảm tử đánh trận, nói không chừng còn có thể phát sinh chuyện gì? Ngộ nhỡ có chuyện gì không lường được phát sinh thì sao? Đây lại là uy hiếp.
Cuối cùng Văn Chủng cầm danh mục quà tặng kia rồi nói, tám vị mỹ nữ này là người đẹp nhất trong cung nước Việt mà chúng tôi chọn tìm. Nếu như trong dân gian còn có người đẹp hơn thế, chúng tôi sẽ còn dâng những mỹ nữ ấy tặng đến trong phủ Thái Tể để ngài “dùng làm mấy việc vẩy nước quét nhà”, đây cũng là tầng ý lấy lợi dụ dỗ.
Cho nên mọi người thấy Văn Chủng trước là uy hiếp, tiếp đến là lấy lợi để dụ dỗ, lại uy hiếp, rồi lại lấy lợi ích ra dụ dỗ, nắm giữ được tiết tấu vô cùng tốt. Nói một phen làm cho Bá Bỉ vuốt râu mà cười, tối hôm đó ông ta lưu Văn Chủng lại trong đại doanh. Bá Bỉ nói sáng ngày mai, ta dẫn ông đi gặp Ngô Vương cầu hòa.
Văn Chủng đầu tiên đã giải quyết xong Bá Bỉ, nhưng thuyết phục Ngô Vương là một việc rất khó, bởi vì Phù Sai đã lập lời thề trong sân. Trong suốt ba năm mỗi ngày người ta hỏi ông rằng, ngươi có quên Việt Vương Câu Tiễn giết chết cha ngươi không, Ngô Vương đã rơi lệ trả lời không dưới một ngàn lần rằng “Dụy, bất cảm vong!” (Vâng, không dám quên). Vậy Bá Bỉ làm thế nào để thuyết phục Ngô Vương?
Ngày hôm sau Bá Bỉ mang theo Văn Chủng gặp Phù Sai. Phù Sai bèn hỏi Bá Bỉ rằng, Quả Nhân có thù không đội trời chung với nước Việt, làm sao có thể đồng ý cho nước Việt cầu hòa đây? Bá Bỉ trước làm Ngô Vương nguôi giận, ông ta thưa, khuất nhục thì Việt Vương đã chịu cũng đủ nhiều rồi, ông ta bằng lòng muốn tới nước Ngô chúng ta để làm tôi tớ, hiền thê của ông ta có thể đến nước Ngô làm người hầu, chính là “Vương của họ cầu xin làm bề tôi của nước Ngô, thê của ông ta cầu xin làm người hầu của nước Ngô”, giết người chẳng qua là đầu rơi xuống đất, còn việc sang làm tôi tớ đối với bọn họ mà nói đây đã là một loại khuất nhục lớn lao. Điều bọn họ mong muốn đạt được chẳng qua cũng để duy trì tông miếu của họ mà thôi, chính là bảo toàn tính mạng và tông miếu của bọn họ.
Tiếp đó Bá Bỉ lại lấy lợi ích để dụ dỗ Ngô Vương rằng, nếu như ngài bỏ qua cho nước Việt, ngài sẽ có được lợi ích, đồng thời ngài cũng sẽ có được một danh tiếng tốt. Đã có danh tiếng lại có lợi ích thiết thực, tương lai nước Ngô hẳn có thể xưng bá thiên hạ.
Tiếp nữa Bá Bỉ lại cố ý uy hiếp rằng, nếu như chúng ta nhất định phải cùng nước Việt giao đấu, “Câu Tiễn kia sẽ đốt tông miếu, giết thê tử, ném vàng ngọc xuống sông, dẫn năm ngàn tử sĩ quyết chiến với nước Ngô, e rằng chúng ta cũng tổn thất nhiều chiến sĩ dũng cảm”.
Cuối cùng Bá Bỉ lại lợi dụ Ngô Vương rằng, thay vì giết Câu Tiễn, sao không lấy hết thảy chỗ tốt của quốc gia hắn ta đây? Thay vì giết họ để thực hiện nghiêm pháp luật của quân vương ngài, chi bằng tha cho họ để trở thành vị vua nhân từ?
Kết quả Ngô Vương Phù Sai đã bị Bá Bỉ thuyết phục, ông ta bèn hỏi sứ giả của Việt Vương đang ở đâu? Văn Chủng được đưa tới trước mặt phù Sai. Phù Sai liền hỏi Văn Chủng rằng, Quốc quân nước Việt có thể đến nước ta làm tôi tớ không, thê của ông ta cũng có thể đến không? Văn Chủng nói có thể.
Ngay khi Phù Sai chuẩn bị đồng ý giảng hòa thì Ngũ Tử Tư đến. Ngũ Tử Tư nghe nói Văn Chủng đến cầu hòa, lo rằng Phù Sai có thể sẽ đồng ý, vội vàng đi đến đại trướng của Phù Sai, nói với Phù Sai nhất định không thể đồng ý. Ông nói hai nước Ngô-Việt không thể cùng tồn tại, không phải Việt đánh chiếm Ngô thì chính là Ngô thâu tóm Việt. Nếu nước Ngô đánh chiếm nước Việt, xe của họ, chúng ta có thể cưỡi; thuyền của họ, chúng ta có thể dùng. Nếu như nước Ngô tha cho nước Việt, sẽ là một uy hiếp cực lớn cho nước Ngô trong tương lai, nước Ngô có thể gặp nguy hiểm bị thôn tính. Đây là lấy lý để thuyết phục.
Tiếp đó Ngũ Tử Tư lại lấy tình để đả động, ông hỏi Ngô Vương Phù Sai rằng, nếu như bây giờ ngài tha cho nước Việt, thì đối diện với lời thề trong sân suốt ba năm kia của ngài như thế nào, làm sao ngài đi gặp người cha đã khuất của ngài đây?
Lúc ấy trong lòng Phù Sai đã chấp nhận giảng hòa rồi, cũng muốn đồng ý với Văn Chủng, nhưng ông ta cũng không biết trả lời vấn đề của Ngũ Tử Tư như thế nào, bèn đưa mắt nhìn Bá Bỉ.
Bá Bỉ đứng ra nói “Tướng quốc sai rồi”, Ngũ Tử Tư à! ngài sai rồi, theo như lời ngài nói tình hình nước Ngô và nước Việt là như thế, thế thì Tần, Tấn, Lỗ, Vệ, những quốc gia này đều là những nước liền kề nhau, lẽ nào giữa những quốc gia này đều không thể bao dung cho nhau, cuối cùng hợp lại thành một nước sao?
Thứ hai, nếu như nói mối thù tiên vương của chúng ta rất lớn, thì cũng không bằng mối thù của Tướng quốc ngài đối với nước Sở, ấy vậy mà ông để Sở Chiêu Vương phục quốc, mà chỉ xin cho công tử Thắng trở về làm Bạch Công. Chúng ta hiện giờ thì sao, là phu thê Việt Vương muốn đến nước Ngô làm tôi tớ, làm người hầu. Cớ sao bản thân ông đã làm một việc khoan dung rộng lượng như vậy, đồng ý cho Sở Chiêu Vương phục quốc, lại muốn Đại Vương chúng ta giết chết Việt Vương, để nhận lấy cái danh khắc nghiệt đây? Trung thần sẽ không làm việc như thế.
Lúc ấy Ngũ Tử Tư tức giận vô cùng.
Lời lẽ của Bá Bỉ kỳ thực rất không có đạo lý, bởi vì tình huống không giống nhau. Ngũ Tử Tư đồng ý cho Sở Chiêu Vương phục quốc là có ba nguyên nhân. Thứ nhất, chiếm không được; thứ hai, đánh không thắng; thứ ba, trong nước [Ngô] có nội loạn. “Chiếm không được” ý nói nước Ngô lúc ấy không thể lấy một nước nhỏ để chiếm lấy toàn bộ nước Sở; nguyên nhân thứ hai, “đánh không thắng” là vì lúc ấy quân đội hai nước Tần-Sở đang liên kết với nhau, nước Ngô căn bản đánh không thắng được; nguyên nhân thứ ba, chính là trong nước có Phù Khái làm phản. Cho nên Hạp Lư không thể không từ bỏ nước Sở để quay về nước Ngô, chứ không phải bởi vì Ngũ Tử Tư khoan dung độ lượng thực sự, muốn tha cho nước Sở, muốn Sở Chiêu Vương khôi phục địa vị, lúc này chuyện không phải như thế.
Bá Bỉ nói ngang ngược càn quấy như vậy, Ngũ Tử Tư rất tức giận. Cuối cùng Bá Bỉ còn nói một câu kích động ông: “Tướng quốc ngài làm việc trung hậu, nhưng lại muốn Đại Vương của chúng ta mang danh khắc nghiệt, trung thần không làm như thế”. Câu này của Bá Bỉ vừa nói ra, Ngũ Tử Tư bị làm cho tức giận đến xám mặt, căm tức xoay người ra khỏi trướng rời đi.
Câu nói này của Bá Bỉ không chỉ làm cho Ngũ Tử Tư tức giận rời đi, đồng thời cũng đã kiên định quyết tâm giảng hòa của Ngô Vương Phù Sai. Vì sao lại như vậy? Ông ta nói “Tướng quốc ngài làm việc trung hậu”, hàm ý chính là nói tha tội cho nước Việt mới là thể hiện trung hậu; nếu như không tha tội cho nước Việt, chẳng phải là muốn mang danh khắc nghiệt sao? Cho nên Phù Sai đã đồng ý lời cầu hòa của Việt Vương như thế.
Sau khi Ngũ Tử Tư rời khỏi đại trướng gặp quan đại phu là Vương Tôn Hùng, ông nói một câu với Vương Tôn Hùng. Ông nói “Nước Việt mười năm phát triển và tích lũy, mười năm huấn luyện, hai mươi năm sau, cung điện nước Ngô sẽ biến thành đầm lầy”. Khi ông nói câu này là vào năm 494 TCN, mọi người hãy nhớ thời gian này, xem 20 năm sau chuyện gì xảy ra nhé.
(Còn tiếp)
Bi Hui biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: