‘Tiếu đàm phong vân’: Tập 6 – Khoái ý ân cừu (Phần 1)
Ngũ Tử Tư đào mộ quất roi, người trong bụi lau trả ơn Ngư đại phu
Lời bạch: Từ năm 522 TCN, sau khi cha và anh trai của Ngũ Tử Tư bị Sở Bình Vương giết chết, Ngũ Tử Tư đã ở nước Trịnh ba năm, có thể nói là không hoàn thành được việc gì. Thái tử Kiến còn bị Trịnh Định Công giết chết. Về sau Ngũ Tử Tư vượt qua Chiêu Quan, chạy tới nước Ngô, trên đường đã nhận được sự giúp đỡ của Đông Cao Công và ông lão đánh cá. Sau khi đến được nước Ngô, Ngũ Tử Tư không người thân quen, thổi tiêu khất thực, gặp được thần tướng Bị Ly, nhờ đó mà gặp được Ngô Vương Liêu. Lại vì Vương Liêu không chịu xuất binh phạt Sở, Ngũ Tử Tư lui về làm ruộng. Từ năm 519 TCN đến năm 515 TCN, ông đã làm ruộng suốt bốn năm. Tiếp đó ông tiến cử Chuyên Chư, giúp Công tử Quang giết chết Vương Liêu, bước lên vương vị. Ông tiếp tục tiến cử Yêu Ly hành thích Khánh Kỵ, con trai của Vương Liêu. Ông đã quy hoạch xây dựng thành Cô Tô, trợ giúp Ngô Vương làm cho nước giàu binh mạnh. Ông lại tiến cử Tôn Vũ, tác giả của Binh pháp Tôn Tử, soái lĩnh quân đội cho Ngô Vương. Cuối cùng, năm trận chiến tiến vào Dĩnh Đô, lấy một nước Ngô nhỏ yếu đánh bại nước Sở lớn mạnh. Đó là năm 506 TCN, cũng chính là nói, Ngũ Tử Tư mang đại thù của cha và anh suốt 16 năm, cuối cùng đã đợi được đến ngày tiêu diệt xong nước Sở.
Kẻ thù của Ngũ Tử Tư là ai đây? Kỳ thực kẻ thù lớn nhất của ông là Phí Vô Kỵ. Nhưng Phí Vô Kỵ vào lúc Sở Chiêu Vương vừa mới lên kế vị đã bị giết chết rồi. Mà Sở Bình Vương cũng bị bệnh chết vào năm 515 TCN, cho nên Ngũ Tử Tư coi như đã mất đi đối tượng báo thù. Ông cũng không biết tung tích Sở Chiêu Vương ở đâu. Ngũ Tử Tư liền đi khắp nơi tìm kiếm thi thể của Sở Bình Vương. Về sau có người nói cho Ngũ Tử Tư biết thi thể của Sở Bình Vương được chôn dưới đáy một hồ nước. Ngũ Tử Tư đến bên hồ, lúc ấy đã vào mùa đông rồi, chỉ thấy đồng bằng cỏ cây thưa thớt, nước hồ mênh mông, đi nơi đâu để tìm mộ phần của Sở Bình Vương đây? Ngũ Tử Tư dậm chân đấm ngực, ngửa mặt lên trời khóc lớn, “Trời ơi, trời ơi, không để tôi báo hận cho cha và anh ư?”
Đúng lúc này, quân lính mang tới một ông lão. Người này nói với Ngũ Tử Tư, Tướng quân ngài muốn tìm mộ phần của Bình Vương sao? Ta biết. Ngũ Tử Tư hỏi ở đâu? Ông lão nói ngài đem nước hồ rút cạn, phần mộ ở trung tâm của hồ. Ngũ Tử Tư lệnh cho binh sĩ đào xuống bên dưới, đào lên được một quách đá. Thời xưa khi mai táng, người có tiền của hoặc người có địa vị cao được xây mộ phần với quan tài gồm có hai lớp, lớp bên trong làm bằng gỗ, gọi là quan, lớp bên ngoài gọi là quách. Quách mà binh sĩ đào lên có hai tầng, có quan có quách gọi là hậu táng. Bởi vì Sở Bình Vương là tước Vương, cho nên có quan có quách.
Ngũ Tử Tư cho mở quách đá, liền thấy quan tài, lại mở nắp quan tài, phát hiện bên trong chỉ có mấy trăm cân sắt. Ngũ Tử Tư nghĩ thi thể của Sở Bình Vương không ở nơi này rồi. Ông lão nói đây là quan tài giả, quan tài thật nằm ở bên dưới quách đá. Ngũ Tử Tư ra lệnh cho binh sĩ, khiêng quách đá lên, quả nhiên phát hiện phía dưới quách đá có thêm một quan tài. Sau khi mở ra xem, thực sự là thi thể của Sở Bình Vương.
Đến lúc này, Sở Bình Vương đã chết được chín năm, nhưng thi thể của ông là dùng thủy ngân khâm liệm, vẫn còn nguyên vẹn. Ngũ Tử Tư nhìn thấy thi thể, nộ khí ngút trời, ông đem thi thể từ trong quan tài ra, dùng cây roi đồng chín khúc quất hơn 300 roi, đánh cho thi thể thịt nát xương tan. Cuối cùng Ngũ Tử Tư đem thi thể Bình Vương vứt bỏ giữa vùng đồng trống. Đây chính là một điển cố vô cùng nổi tiếng, gọi là Ngũ Tử Tư “quật mộ tiên thi” (đào mộ quất xác).
Ngũ Tử Tư muốn tạ ơn ông lão thật trọng hậu, ông lão nói không cần. Năm đó khi Sở Bình Vương chọn địa điểm để chôn quan tài của mình, ông ta đã chọn nơi này, sau đó lệnh cho mấy chục người thợ đá giúp ông ta tạo mộ phần. Sau khi chế tạo xong, ông ta sợ người khác đào mộ, nên đã đem mấy chục người thợ đá giết hết. Ông lão nói, tôi là người duy nhất may mắn còn sống sót, hôm nay tôi tới đây, không chỉ là giúp tướng quân báo thù, cũng là vì trả thù cho mấy chục người bạn thợ đá kia của tôi. Ông lão không cần Ngũ Tử Tư đền ơn, nói rồi liền rời đi.
Tại các chương mục khác nhau trong “Sử ký”, chuyện này được ghi chép không giống nhau lắm. Tại phần “Sử Ký – Ngũ Tử Tư liệt truyện” viết là “Ký bất đắc, nãi quật Sở Bình Vương mộ, xuất kỳ thi, tiên chi tam bách, nhiên hậu dĩ”. Câu này nghĩa là Ngũ Tử Tư đào mộ quất thi thể. “Ký bất đắc” là chỉ việc Ngũ Tử Tư không tìm được Sở Chiêu Vương, liền đào mộ phần của Sở Bình Vương, lấy roi quất thi thể 300 cái. Trong “Sử ký – Ngô Thái Bá thế gia” ghi lại là, “Tử Tư Bá Bỉ đánh roi vào thi thể Bình Vương, để báo thù cho cha”, nghĩa là việc lấy roi đánh thi thể, ngoài Ngũ Tử Tư còn có Bá Bỉ.
Chuyện Ngũ Tử Tư lấy roi quất thi thể này rất nhanh được truyền ra khắp các nước chư hầu, bởi vì đây quả thực là việc khó bề tưởng tượng. Lúc này Sở Chiêu Vương đã chạy đến nước Tùy. Nước Tùy ở vùng phụ cận thành phố Tùy Châu, tỉnh Hồ Bắc ngày nay. Ngũ Tử Tư đòi Quốc quân nước Tùy trả Sở Chiêu Vương, ông muốn đem Sở Chiêu Vương trở về rồi sau đó giết chết để báo thù. Quốc quân nước Tùy không biết là có nên đem Sở Chiêu Vương giao ra hay không, bèn thỉnh mời người gieo một quẻ bói. Quẻ bói có hào đề rằng, “Tây lân vi hổ, đông lân vi nhục” (gần kề phía tây là hổ, gần kề phía đông là thịt). Khi đó Tùy hầu cũng không biết ý nghĩa là gì, nhưng cảm thấy đem Sở Chiêu Vương giao ra là điềm xấu, cho nên ông nói với Ngũ Tử Tư rằng, Sở Chiêu Vương không đến quốc gia chúng tôi.
Ngũ Tử Tư tìm không thấy tung tích Sở Chiêu Vương. Như thế mục tiêu báo thù tiếp theo của ông chính là nước Trịnh. Ngũ Tử Tư điều binh đi chinh phạt nước Trịnh. Một mặt, Lệnh doãn Nang Ngõa của nước Sở đã trốn đến nước Trịnh; mặt khác, Ngũ Tử Tư cảm thấy Sở Chiêu Vương cũng có khả năng chạy đến nước Trịnh; quan trọng hơn là vào năm 519 TCN, Thái tử Kiến ở nước Trịnh đã bị Trịnh Định Công giết chết. Quân đội của Ngũ Tử Tư liền bao vây nước Trịnh.
Lúc ấy, Trịnh Định Công đã qua đời rồi, Quốc quân hiện đang tại vị là Trịnh Hiến Công. Trịnh Hiến Công cùng các đại thần thương lượng, đầu tiên là vấn đề liên quan đến Nang Ngõa, vì Nang Ngõa hiện đang trốn ở nước Trịnh. Trịnh Hiến Công chuẩn bị đem Nang Ngõa giao ra, cùng nước Ngô giảng hòa. Sau khi Nang Ngõa nghe được tin lập tức tự sát.
Chúng ta bây giờ rất khó biết tâm thái của Nang Ngõa khi tự sát vào lúc ấy. Ông ta làm lệnh doãn ở nước Sở, dưới một người, trên vạn người, giàu có xa hoa, phú quý vô tận, nhưng ông ta lại vô cùng tham lam, muốn chiếm ngựa của Đường Hầu, muốn lấy áo khoác lông của Thái Hầu, kết quả dẫn đến việc nước Sở phải giao tranh với liên quân rất nhiều nước chư hầu, khiến cho xã tắc của nước Sở suy bại, mà chính bản thân ông ta cũng mất đi chức vị lệnh doãn, lưu vong nơi xứ người, cuối cùng không thể không tự sát. Có thể thấy được lòng tham sẽ mang đến tổn hại to lớn cho cá nhân và quốc gia.
Tôi nhớ rằng trong “Đạo Đức Kinh” Lão Tử đã từng giảng một câu, gọi là “Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi” (biết đủ thì không bị nhục, biết dừng thì không gặp nguy). Nếu như một người có tâm biết đủ, thì người đó sẽ không bị nhục; nếu như một người biết được điểm dừng, người đó liền sẽ không gặp phải nguy hiểm. “Đãi” chính là mang ý nghĩa nguy hiểm. “Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi”, Nang Ngõa chính bởi vì không hiểu được đạo lý này, đã tạo thành mối họa mất nước diệt thân.
Lời bạch: Ngũ Tử Tư được sự giúp đỡ của một người thợ đá, đã tìm được nơi chôn cất của Sở Bình Vương. Ông đào mộ Sở Bình Vương lên, lấy roi quất thi thể, để báo thù cho cha và anh. Về sau, Ngũ Tử Tư đòi nước Tùy giao nộp Sở Chiêu Vương, nhưng không có kết quả. Ông lại manh binh đi phạt nước Trịnh, đòi lệnh doãn Nang Ngõa. Nang Ngõa này là tên tiểu nhân tham lam mà còn ngu xuẩn không hiểu được đạo lý biết đủ thì không nhục, biết dừng thì không nguy, quân đội bị thua mà nước lại chuốc lấy nhục, cuối cùng tự sát. Như vậy cái chết của Nang Ngõa liệu sẽ làm cho Ngũ Tử Tư rút quân?
Sau khi Trịnh Hiến Công đem thi thể của Nang Ngõa trả cho Ngũ Tử Tư, Ngũ Tử Tư vẫn không rút quân. Trịnh Hiến Công hiểu được rằng, quốc gia của bọn họ nhỏ bé như thế, binh lực ít như thế, nếu giao tranh với nước Ngô, có thể sẽ bị diệt giống như nước Sở vậy. Cho nên Quốc quân nước Trịnh cho dán bố cáo nói rằng, ai có thể đẩy lùi được quân đội nước Ngô, ta sẵn lòng đem một phần lãnh thổ quốc gia phân chia cho người đó cùng nhau cai quản. Bố cáo rất nhanh bị một người kéo xuống, người này nói với Trịnh Hiến Công, thần không cần dùng bất kỳ đồng tiền nào, thần cũng không cần dùng một binh một lính nào, mái chèo trong tay của thần đây liền có thể khiến cho quân Ngô rút lui. Xem ra rất khó có thể tưởng tượng được lại có chuyện như vậy.
Người này đến bên ngoài doanh trại nước Ngô, vỗ vào mái chèo của mình và bắt đầu hát, hát rằng “Người trong bụi lau, người trong bụi lau, lưng đeo bảo kiếm hoa văn bảy ngôi sao, còn nhớ tới cơm tẻ canh cá hay không?” Ngay lúc đó quân lính mai phục ở bên đường liền bắt người này lại rồi đưa đến trước mặt Ngũ Tử Tư, báo người này có thể là gian tế.
Người này lúc nhìn thấy Ngũ Tử Tư, vẫn cứ vỗ vào mái chèo hát giống như lúc đầu, “Người trong bụi lau, người trong bụi lau, lưng đeo bảo kiếm hoa văn bảy ngôi sao”. Ngũ Tử Tư khi nghe anh ta hát “người trong bụi lau” thì vô cùng bất ngờ, bởi vì đây là cái tên mà ông lão đánh cá đã gọi ông khi ông xin qua sông.
Ngũ Tử Tư liền hỏi ngươi là ai? Người này giơ mái chèo lên nói, ngài không nhớ được cái mái chèo này ư? Năm đó cha của ta đã từng đưa ngài qua sông, còn đem cơm tẻ canh cá cho ngài ăn, còn gọi ngài là người trong bụi lau.
Ngũ Tử Tư hỏi mục đích đến đây của anh ta, anh ta nói, Quốc quân nước Trịnh có dán bố cáo nói, ai có thể làm cho quân nước Ngô rút lui, sẵn lòng đem một phần lãnh thổ quốc gia chia cho người đó, ta đây hôm nay đến, thứ nhất là muốn ngài lui binh; thứ hai là muốn dựa vào việc buộc ngài rút quân để đạt được một phen phú quý.
Ngũ Tử Tư nói, ta làm sao có thể quên ân đức cha của ngươi được? Nếu như không có ông ấy đưa ta qua sông, ta có thể đã chết từ lâu rồi, lại càng không có chuyện ngày hôm nay báo thù. Thế là Ngũ Tử Tư bèn rút quân. Quốc quân nước Trịnh đem đất đai trăm dặm chia cho con trai ông lão đánh cá, người này về sau được gọi là “Ngư đại phu”.
Sau khi Ngũ Tử Tư rút quân từ nước Trịnh, liền quay lại nước Sở. Lúc này ông nhận được một phong thư. Người viết thư tên là Thân Bao Tư. Mọi người có còn nhớ, khi Ngũ Tử Tư chạy trốn, người thứ nhất ông gặp chính là Thân Bao Tư. Giữa Ngũ Tử Tư và ông ta có một ước định. Thân Bao Tư nói vì để thành toàn cho hiếu đạo của anh, tôi cho phép anh tiêu diệt nước Sở; nhưng để thành toàn cho lòng trung thành của chính tôi đối với Quân vương, đợi sau khi anh diệt Sở xong, tôi muốn khôi phục lại nước Sở.
Trong phong thư mà Thân Bao Tư viết cho Ngũ Tử Tư có nói, anh đào mộ lấy roi quất thi thể ấy, là đã làm một việc rất quá đáng rồi, tôi nghe nói “Nhân chúng giả thắng thiên, thiên định diệc năng thắng nhân” (người đông thì thắng trời, trời định lại có thể thắng người), tại sao bây giờ anh không nhanh rút quân đi? Anh đã diệt xong nước Sở, tôi cũng muốn thực hiện lời hứa phục hưng nước Sở của tôi.
(Còn tiếp)
Do Bi Hui biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: