‘Tiếu đàm phong vân’: Tập 5 – Binh gia Tôn Vũ (Phần 3)
Nước Sở bị cô lập, quân Ngô dốc binh diệt Sở
Đường Hầu ba năm không thể về nước, Thế tử nước Đường lấy làm kỳ lạ, nói: sao phụ thân đến nước Sở thời gian lâu như vậy mà không thấy trở về, bèn phái một quan đại phu đến nước Sở xem có chuyện gì đã xảy ra. Vị quan đại phu kia vừa nhìn thấy vua nước mình liền tâu, ‘Thưa đức Vua, sao ngài không suy nghĩ một chút, rốt cuộc là quốc gia quan trọng, hay là ngựa quan trọng đây?’
Đường Hầu nói, quốc gia mặc dù quan trọng, thế nhưng thể diện của ta cũng rất quan trọng. Ngựa kia nếu như phải đưa cho hắn, thứ nhất, ta đã mất đi một thứ tốt; thứ hai, dưới sự uy hiếp vũ lực, ta đã hèn nhát mà hiến ngựa vậy.
Vị quan Đại phu nghe thế, biết là thuyết phục không được. Vào nửa đêm ông trộm lấy một ít rượu, chuốc say người chăm ngựa. Sau khi đã chuốc say, ông liền trộm ngựa dắt ra ngoài, đem giao cho lệnh doãn nước Sở là Nang Ngõa.
Sau khi Nang Ngõa có được ngựa quý, ông ta chạy đến thưa với Sở Vương, Đường Hầu đã ở bên này ba năm rồi, nước Đường là một quốc gia nhỏ như vậy, cho dù ông ta đến cậy nhờ nước Ngô, xem ra cũng chẳng làm được chuyện gì, dứt khoát thả về cho xong. Sở Chiêu Vương cũng đồng ý, cứ như thế Đường Hầu được thả đi.
Thái Hầu thấy Đường Hầu giao xong ngựa liền được đi về, bèn cởi áo khoác trên người mình giao cho Nang Ngõa. Sau đó Nang Ngõa lại chạy đến trước mặt Sở Vương tâu, Đường Hầu và Thái Hầu cùng là một nhóm, Đường Hầu đã đi rồi, Thái Hầu không nên ở lại một mình, rồi cho thả Thái Hầu về.
Cứ như vậy, Thái Hầu cũng đã được thả về nước Thái. Quay trở về, Thái Hầu phải vượt qua sông Hán Thủy. Đô thành của nước Thái ở vùng phụ cận huyện Tân Thái, tỉnh Hà Nam ngày nay, ông nhất định phải đi qua sông Hán Thủy. Khi qua sông Hán Thủy, Thái Hầu lấy ra một khối ngọc dìm xuống sông, ông nói quả nhân nếu như không thể diệt được nước Sở, đời này kiếp này cũng không qua sông Hán Thủy nữa.
Sau khi trở về quốc gia của mình, Đường Hầu và Thái Hầu lập tức đến tố cáo với Chu Thiên Tử, yêu cầu Chu Thiên Tử xuất binh tiến đánh nước Sở. Nước duy nhất có thể đối kháng với Sở, chính là nhà Tấn. Chu Thiên Tử liền lệnh nước Tấn dẫn đầu, hạ lệnh một tiếng, 18 lộ chư hầu tập hợp đầy đủ, tiến đánh nước Sở.
Lúc đó, hai tướng quân lãnh binh của nước Tấn, một người gọi là Sĩ Ưởng, một người gọi là Tuân Dần, Chu Thiên Tử lại phong một vị tướng quân làm tổng nguyên soái của 18 lộ chư hầu, gọi là Lưu Quyển.
Sĩ Ưởng và Tuân Dần cũng cực kỳ tham lam. Hai người họ tìm đến Đường Hầu và Thái Hầu nói, con ngựa kia ông còn giữ hay không, cái áo kia ông còn giữ hay không, có thể cho chúng ta một bộ, hoặc cho chúng ta hai con ngựa chăng?
Đường Hầu và Thái Hầu không ngờ hai người họ tham lam như thế, bèn nói toàn bộ đồ tốt đều đã bị nước Sở lấy hết rồi. Nếu như ngươi muốn có áo khoác da lông, muốn có ngựa quý, chỉ cần đánh vào đô thành nước Sở, mấy thứ kia chính là của ngươi. Sĩ Ưởng và Tuân Dần nghe xong câu trả lời của hai người cảm thấy rất mất mặt, vì bị người ta cự tuyệt mà.
Sau khi đại quân xuất chinh không lâu, gặp phải mưa xuân nước sông dâng cao đột ngột, tổng nguyên soái Lưu Quyển do Chu Thiên Tử phái đi mắc bệnh sốt rét. Xuất binh được 10 ngày, mưa suốt 10 ngày, bệnh sốt rét của Lưu Quyển cũng không bớt. Sĩ Ưởng và Tuân Dần mượn cớ này, một cớ là chủ tướng sinh bệnh, thêm một cớ nữa là thiên thời không tốt, dứt khoát lui quân cho xong. Kết quả sau khi bọn họ vừa đề nghị, 18 lộ chư hầu lập tức giải tán.
Đường Hầu và Thái Hầu vô cùng thất vọng. Sau khi hoạt động quân sự bị giải tán, hai người họ liền đi tới nước Ngô, thỉnh cầu nước Ngô xuất binh diệt Sở. Ngô Vương Hạp Lư nghe nói Đường Hầu và Thái Hầu đến, vô cùng vui mừng, cảm thấy cuối cùng đã chờ được các nước phụ thuộc nước Sở lục đục với nước Sở. Trong 18 lộ chư hầu gồm có rất nhiều nước trước kia phụ thuộc nước Sở như nước Đốn, nước Hứa, nước Trần, nước Thái đều ở trong đó. Tôn Vũ vốn đang luyện binh ở bên ngoài, lúc này cũng trở về đô thành. Ông nói với Ngô Vương, hiện nay đã đến lúc tiến quân rồi. Có thể nói anh hùng tư tưởng giống nhau.
Năm 506 TCN, nước Ngô huy động tất cả đại quân, tổng cộng 6 vạn, xưng là 10 vạn, đường thủy và đường bộ cùng tiến, quyết chiến với nước Sở. Nguyên soái lãnh binh của nước Ngô là Tôn Vũ, phó soái là Ngũ Tử Tư và Bá Bỉ, tiên phong là Phù Khái, em trai của Ngô Vương. Mà người lãnh binh bên phía nước Sở là Nang Ngõa. Nang Ngõa này ép người lấy tài vật rất lợi hại, nhưng đánh trận thì rất tệ. Trận đầu tiên Nang Ngõa liền bị đánh bại, sau đó quân Sở liên tục rút lui đến bên cạnh dãy núi Đại Biệt Sơn, quân nước Ngô cũng truy kích đến.
Thủ hạ của Nang Ngõa là đại tướng Sử Hoàng hiến kế với Nang Ngõa rằng, tối hôm nay thừa dịp quân Ngô vừa mới dựng trại, chúng ta đi cướp trại, biết đâu có thể chiếm được vài phần lợi thế.
Trong đại doanh trại của nước Ngô, Tôn Vũ cũng đang bố trí. Ông nói Nang Ngõa này là “hạng người tài hèn sức mọn”, chính là khí lượng (bụng dạ) cực kỳ hẹp hòi, vì đã thất bại, nên hắn ta rất hy vọng lấy lại được thể diện, có khả năng rất lớn tối hôm nay đến tập kích doanh trại.
Tôn Vũ bố trí, di chuyển toàn bộ quân lính trong quân đội ra khỏi đại doanh, chỉ để lại những binh lính bị thương và già yếu, giả dựng cờ xí; sau đó chia quân đội thành hai nhánh, một nhánh mai phục ở ngoài quân doanh của chính mình, chờ khi Nang Ngõa đến cướp trại, sẽ quay bọc hậu đánh Nang Ngõa; một nhánh quân khác do Ngũ Tử Tư dẫn đầu, trực tiếp đến đánh cướp doanh trại của Nang Ngõa. Bởi vì Nang Ngõa nếu như đến tập kích doanh trại, thì đại doanh của Nang Ngõa khẳng định là trống rỗng.
Kết quả lần này Nang Ngõa lại bị đánh bại, liên tục bại đến bên sông Hán Thủy. Trong quá trình tháo chạy Nang Ngõa gặp Đường Hầu và Thái Hầu. Đường Hầu nói trả ta ngựa Túc Sương, ta tha chết cho ngươi một lần. Thái Hầu nói đem áo trả cho ta, ta tha ngươi một mạng. Nang Ngõa vừa thẹn vừa giận.
Khi Nang Ngõa thua chạy đang lúc nguy hiểm, Sở Vương phái tướng quân Vĩ Xạ đến tiếp viện, quân đội nước Sở rốt cuộc lại có thể dựng trại ổn định lần nữa. Tướng quân Vĩ Xạ hỏi Nang Ngõa giao tranh như thế nào? Nang Ngõa nói, tướng quân lãnh binh của nước Ngô đánh trận rất lợi hại, ta đã bị đánh bại hai lần rồi.
Vĩ Xạ quyết định cùng Nang Ngõa dựng hai đại doanh, tạo thành thế ỷ giốc, chính là bảo vệ lẫn nhau. Nhưng Nang Ngõa cảm thấy tước vị của mình rất cao, nếu đi thương lượng với Vĩ Xạ, quả là mất mặt. Vĩ Xạ lại cảm thấy Nang Ngõa là hạng người vô năng, cũng không muốn thương lượng cùng hắn. Cho nên mặc dù nói dựng doanh trại theo thế ỷ giốc, nhưng quân đội hai bên căn bản không có qua lại gì với nhau.
Tôn Vũ biết hai vị chủ soái quân đội bất hòa, bèn phái tiên phong Phù Khái, chính là em trai của Ngô Vương Hạp Lư, đánh thẳng vào đại doanh của Nang Ngõa.
Đại doanh của Nang Ngõa là nơi yếu nhất, vừa thấy Phù Khái xông tới, Nang Ngõa vội lên ngựa bỏ chạy. Lần này chạy một mạch đến nước Trịnh, còn một số người trong đại doanh của Nang Ngõa thì chạy tới quân doanh của Vĩ Xạ. Lúc đó Vĩ Xạ phái quân lính của mình đứng bên ngoài đại doanh, dùng cung tên bảo vệ doanh trại, nói cho binh sĩ bên dưới rằng, kẻ nào rối loạn liền chém. Kết quả quân Ngô mặc dù cố gắng xông vào đại doanh, nhưng không thành công.
Vĩ Xạ kiểm lại nhân số quân lính của mình, đại khái chỉ có một vạn người, mà quân nước Ngô hiện tại có sáu vạn người, binh lực lại vô cùng hùng mạnh, cho nên Vĩ Xạ cảm thấy không thể quyết chiến với nước Ngô được nữa. Kế trước mắt chỉ có thể rút lui. Cứ như thế Vĩ Xạ liền chuẩn bị mang binh vượt qua sông Hán Thủy.
Nước Ngô chuẩn bị toàn lực truy kích. Khi sắp đuổi kịp quân Sở, tiên phong Phù Khái đột nhiên nói với Ngô Vương, chúng ta trước tiên không cần truy đuổi nữa. Vì sao Phù Khái nói như vậy đây? Nếu như đuổi quân Sở đến bên sông Hán Thủy, thì bọn họ sẽ tử chiến đến cùng. Vì nếu như bọn họ lại lui nữa, thì rơi xuống sông chết đuối, cho nên bọn họ nhất định phải liều mạng. Chó cùng rứt giậu, huống chi quân địch hơn một vạn.
Phù Khái nói kế sách trước mắt, chúng ta lui về sau một chút. Quân Sở nhất định phải qua sông Hán Thủy, chúng ta chờ đến khi họ qua được một nửa lại đi truy kích. Lúc này những binh lính đã vượt sông Hán Thủy không thể quay trở lại nữa, những binh lính chưa qua được sông muốn tranh thủ cơ hội vượt qua, có thuyền mà. Như vậy khi người khác đang giao chiến, người phía sau khẳng định muốn lên thuyền chạy thoát thân. Lúc ấy quân không còn tâm tư chiến đấu, là một thời cơ tốt nhất đánh bại bọn họ.
Hạp Lư nghe theo kiến nghị của Phù Khái, quả nhiên khi quân Sở qua được một nửa thì bị công kích. Quân nước Sở không có chút lực chiến đấu nào, kết quả cũng không giữ được Hán Thủy, còn quân Ngô lập tức vượt sông Hán Thủy, bao vây Dĩnh Đô.
Ngô Vương Hạp Lư nói, ta có em trai Phù Khái tài ba như vậy, chẳng những dũng cảm vô cùng, mà còn mưu lược như thế, lo gì ta không xưng bá thiên hạ?
Ngũ Tử Tư nói với Hạp Lư, ngài biết không, thần tướng Bị Ly (chính là người đã xem tướng cho Ngũ Tử Tư) đã từng xem tướng cho Phù Khái, nói Phù Khái “lông tơ mọc ngược, tất có việc bội quốc phản chủ”, tương lai hắn ta nhất định muốn làm phản. Hạp Lư căn bản không để ý việc này.
Lời bạch: năm 506 TCN, nước Ngô dưới sự chỉ huy của Tôn Vũ, huy động toàn bộ quân đội sáu vạn binh sĩ tấn công nước Sở. Nước Sở khi đó đã bị cô lập, Nang Ngõa lãnh binh lại là hạng người vô năng. Gặp trận chiến đầu tiên, quân Sở thua trận; trận thứ hai tập kích doanh trại, đã trúng kế của Tôn Vũ; trận thứ ba nước Ngô đánh cho Nang Ngõa tan tác tả tơi, bản thân Nang Ngõa phải chạy tới nước Trịnh; trận thứ tư, Hạp Lư tiếp thu sách lược của em trai Phù Khái đợi quân địch qua sông một nửa rồi tấn công, lần nữa đánh bại nước Sở, vượt qua sông Hán Thuỷ. Ngay khi Hạp Lư tán dương mưu lược của Phù Khái, Ngũ Tử Tư cảnh báo Hạp Lư rằng, Phù Khái “lông tơ mọc ngược, tất có việc bội quốc phản chủ”. Quân Ngô lúc này cách đô thành của nước Sở chỉ còn một bước, như vậy Tôn Vũ công chiếm Dĩnh Đô như thế nào đây?
Đại quân của nước Ngô vây quanh Dĩnh Đô nước Sở. Lúc ấy ngoài thành Dĩnh Đô còn có hai thành nhỏ bảo vệ, một thành là Kỷ Nam, còn lại có tên thành Mạch. Ngũ Tử Tư phụng mệnh tấn công thành Mạch, Tôn Vũ phụng mệnh đánh chiếm thành Kỷ Nam, còn Ngô Vương Hạp Lư đích thân mang binh vây đánh Dĩnh Đô. Lúc ấy Ngũ Tử Tư đã dùng một kế, rất giống với ngựa gỗ thành Troy trong “Sử thi Homer”, phái một số người đi vào bên trong thành Mạch để mở cổng thành, rất nhanh đã công phá được thành Mạch.
Tôn Vũ là một người rất không thích công thành. Chúng ta xem “Mưu công thiên – Tôn Tử binh pháp” sẽ thấy được, Tôn Vũ cảm thấy công thành là một phương án kém nhất, bất đắc dĩ mới lựa chọn. Ông căn bản cũng không công thành. Lúc ấy ông quan sát địa thế. Bên cạnh thành Kỷ Nam có một con sông, gọi là sông Chương Giang. Tôn Vũ đào nước sông Chương Giang dẫn vào thành Kỷ Nam, rất nhanh nước đã ngập qua tường thành. Tôn Vũ căn bản cũng không dùng cách trèo tường, mà trực tiếp chèo thuyền vào trong thành Kỷ Nam. Đồng thời nước cũng đã ngập đến bên tường thành Dĩnh Đô.
Sở Chiêu Vương nhìn thấy tình huống này, cảm thấy không giữ được Dĩnh Đô. Chiêu Vương chạy khỏi nước Sở. Trải qua năm lần tranh đấu như thế, dưới sự chỉ huy của Tôn Vũ, nước Ngô đã tấn công vào Dĩnh Đô, có thể nói là “quân đi không nghỉ, đánh thẳng một mạch.”
Tiếp sau đó, Ngô Vương Hạp Lư mở đại yến đãi quần thần ở Chương Hoa đài, bởi vì đây là một thắng lợi quân sự vô cùng trọng đại. Nước Sở từ xưa đến nay chưa từng thất bại thảm hại đến như vậy, nước Ngô từ trước đến nay cũng chưa từng giành được thắng lợi huy hoàng như thế.
Thế nhưng ngay tại yến hội, Ngũ Tử Tư cất tiếng khóc lớn. Vì sao vậy? Bởi vì kẻ thù của Ngũ Tử Tư là Sở Bình Vương đã chết rồi, mà Sở Chiêu Vương, con trai của Sở Bình Vương cũng không thấy tung tích. Kẻ nói lời sàm ngôn giết hại cha và anh trai của Ngũ Tử Tư là Phí Vô Kỵ kia cũng đã bị Sở Chiêu Vương giết chết rồi. Cho nên Ngũ Tử Tư muốn báo thù, nhưng tựa hồ đã mất đi đối tượng. Ngũ Tử Tư bèn thỉnh cầu với Ngô Vương rằng, tôi hy vọng có thể tìm được thi thể của Sở Bình Vương. Cho dù chỉ có thể tìm được thi thể của ông ta, tôi cũng phải báo thù.
Ngũ Tử Tư không những nhớ kỹ ai đã từng hại ông, phải báo thù; ông cũng nhớ rõ trên đường chạy trốn, gặp rất nhiều người đã từng cho ông ân nghĩa, ông cũng phải báo ân. Như vậy Ngũ Tử Tư báo thù như thế nào, lại báo ân ra làm sao? Mời quý vị xem tập tiếp theo “Khoái ý ân cừu”. Xin cảm ơn.
(Còn tiếp)
Do Bi Hui biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: