‘Tiếu đàm phong vân’: Tập 4 – Kinh văn vĩ vũ (Phần 2)
Chuyên Chư hành thích Ngô vương, Quý Trát treo kiếm
Kỳ trước: ‘Tiếu đàm phong vân’: Tập 4 – Kinh văn vĩ vũ [Phần 1]
Thời cơ để tiến hành đại sự cuối cùng đã đến, Công tử Quang cho gọi Chuyên Chư đến trước mặt. Không chờ Công tử Quang mở miệng nói, Chuyên Chư đã hiểu. Chuyên Chư nói: Hiện nay đã đến lúc tiến hành đại sự, lần này tôi đi hành thích, khẳng định khó giữ được tính mạng, tôi hy vọng có thể xin nghỉ mấy ngày về nhà thăm mẹ của tôi. Công tử Quang đồng ý.
Chuyên Chư trở về nhà thăm mẹ. Còn chưa bắt đầu nói chuyện, nước mắt Chuyên Chư đã chảy xuống. Người mẹ thấy Chuyên Chư khóc liền biết, cuối cùng cũng đã đến thời điểm báo đại ân cho công tử. Mẹ của Chuyên Chư bèn cười nói, ta thật vui mừng vì con có thể có được một cơ hội như vậy. Ân đức của công tử đối với chúng ta rất to lớn. Từ xưa đến nay trung hiếu không thể song toàn, mẹ hy vọng con có thể tận trung, hơn nữa nếu như một khi con thành công chuyện này, về sau con sẽ được ghi danh vào sử xanh, mẹ cũng sẽ vì con mà cảm thấy tự hào. Về phần mẹ, con không cần lo lắng, mẹ tin tưởng Công tử Quang nhất định sẽ chăm sóc mẹ vô cùng tốt.
Người mẹ nói, đầu tiên là phải báo ân, đây chính là đại nghĩa. Điểm thứ hai, trung hiếu không thể vẹn toàn cả hai, ta hy vọng con tận trung. Điểm thứ ba, về phần ta con không cần lo lắng, Công tử Quang có thể chăm lo rất tốt.
Chuyên Chư mặc dù cũng hiểu được đạo lý này, nhưng trong lòng vẫn lưu luyến không thôi, anh ta cứ nhìn mẹ của mình. Mẹ anh ta nói, ơ kìa, đừng lại khóc nữa, hiện giờ mẹ cảm thấy miệng rất khát, con có thể giúp mẹ đến bờ sông lấy một ít nước trong không? Chuyên Chư liền đến bờ sông múc nước, khi trở về nhà phát hiện cửa phòng ngủ của mẹ đã đóng lại rồi.
Chuyên Chư hỏi vợ rằng, mẹ tại sao không ở phòng lớn? Vợ anh ta nói vừa rồi mẹ có nói với tôi rằng mẹ có chút buồn ngủ, muốn ngủ một lát, nói chúng ta không nên quấy rầy. Chuyên Chư lúc ấy liền cảm giác không hay, đẩy cửa phòng ngủ của mẹ nhìn xem, mẹ đã thắt cổ tự vẫn rồi.
Người mẹ đã dùng cái chết của mình để kiên định quyết tâm của Chuyên Chư, một mặt có thể cắt đứt lo lắng của anh ta về mẹ, nếu như lòng còn vướng bận thì có thể khi ám sát sẽ không được quyết đoán. Mặt khác người mẹ muốn tiến thêm một bước nữa để kiên định quyết tâm của Chuyên Chư, bà vì chuyện này mà chết, cho nên Chuyên Chư nhất định phải hoàn thành sự việc này, như thế mới có thể tận hiếu đối với mẹ. Thế nên mẹ của anh ta chính là lấy cái chết của bản thân để tác thành cho con trai của mình lập nên công lao sự nghiệp lần này.
Sau khi mẹ chết, Chuyên Chư đau buồn khóc nức nở một hồi, lúc đi gặp Công tử Quang, nói: Trước đây thân thể của tôi còn phải chăm sóc mẹ, hiện nay mẹ của tôi đã qua đời, từ nay về sau thân thể của tôi đã hoàn toàn thuộc về công tử rồi. Công tử Quang nói chúng ta làm như thế này, khi vào triều ta sẽ mời Ngô Vương đến nhà của chúng ta dùng cơm, tiếp đó chúng ta bố trí một số tráng sĩ mặc giáp ở trong nhà, nhân cơ hội đó chúng ta liền đem Vương Liêu giải quyết.
Cho nên vào ngày hôm sau lúc thượng triều Công tử Quang bèn nói với Vương Liêu, thưa Đại Vương, trong nhà tôi có một đầu bếp nổi danh vô cùng, món cá nướng của người này vô cùng ngon, có thể mời Ngài đến nhà tôi không? Tôi mời Ngài dùng cơm. Vương Liêu trả lời, Vương huynh đã mời, đương nhiên ta phải đi rồi.
Thời điểm Vương Liêu trở về cung của mình, bèn kể với mẹ, nói rằng ngày mai con phải đến nhà của Vương huynh dùng cơm. Mẹ của ông nói, con không thể đi, Công tử Quang mỗi lần thượng triều, khi nhìn con thường mang hận ý. Nếu như con đến nhà hắn ăn cơm thì là một việc rất nguy hiểm, ta khuyên con đừng đi.
Ngô Vương Liêu nói con đã đồng ý hắn ta rồi, nếu không đi thì sẽ xảy ra hiềm khích giữa huynh đệ. Như vậy đi, vào ngày mai con sẽ tổ chức việc bảo vệ an toàn cho mình một cách nghiêm mật nhất.
Ngày hôm sau, Ngô Vương Liêu mặc trên thân ba tầng áo giáp, trái một tầng phải một tầng mặc lên người, bên ngoài lại khoác lên cẩm bào. Vệ binh của ông bắt đầu từ cửa cung, người này đứng kế bên người kia, liên tục đứng kéo dài cho đến nhà của Công tử Quang. Đồng thời Ngô Vương Liêu còn tuyển chọn thêm 100 vị lực sĩ, chính là dũng sĩ, đứng ở hai bên ông ta làm bảo vệ.
Mỗi một món ăn trước khi được đưa lên, thì 100 lực sĩ kia phải cởi hết quần áo của đầu bếp, tiếp đó lục soát trên thân, bảo đảm không có mang theo bất kỳ vũ khí sắc bén nào. Sau đó cho đầu bếp thay đổi một bộ quần áo, mới có thể để cho đầu bếp mang thức ăn lên, hơn nữa khi mang thức ăn lên chỉ có thể quỳ gối tiến lên, chính là quỳ trên mặt đất dùng đầu gối mà đi lên phía trước, hai bên còn có lực sĩ kèm chặt đi theo lên cùng. Sau đó đem thức ăn đặt ở trên bàn của Ngô Vương, lập tức phải quay người đi ngay, cũng không thể ngẩng đầu nhìn. Lúc đó việc bảo vệ an toàn nghiêm mật đến mức độ như thế.
Công tử Quang đang dùng cơm, đột nhiên nói với Vương Liêu rằng, ôi chao, hai ngày trước tôi bị trật chân, hiện giờ đau vô cùng. Vương Liêu nói, vậy huynh làm sao bây giờ? Công tử Quang nói, mỗi khi như vậy tôi đều phải lấy vải bố quấn lên chân, quấn cho chặt, như thế mới có thể ngừng đau. Vương Liêu nói, mời Vương huynh tự nhiên, huynh cứ đi quấn chân đi. Công tử Quang liền đi đến nội thất.
Lúc này Chuyên Chư bưng cá nướng đi lên. Cũng giống như lúc đầu vậy, trước hết phải cởi quần áo rồi soát người, thay quần áo, tiếp đó quỳ gối đi lên phía trước, lực sĩ liền kẹp lấy Chuyên Chư. Khi anh ta đem cá đặt trên bàn trước mặt Vương Liêu, món cá này được chế biến có hương vị quả thực vô cùng thơm ngon, Vương Liêu liền cúi đầu nhìn xem món cá, Chuyên Chư thừa dịp lúc Vương Liêu vừa cúi đầu xuống, đột nhiên xé bụng cá ra, từ bên trong rút ra một thanh kiếm, rồi một kiếm đâm đến trước ngực của Ngô Vương Liêu, từ trước ngực đâm xuyên qua ba tầng áo giáp xuyên ra sau lưng.
Lúc đó những lực sĩ kia trợn mắt há miệng, không ngờ rằng anh ta giấu thanh kiếm bên trong bụng cá. Thanh kiếm này gọi là Ngư trường kiếm (kiếm ruột cá), một thanh kiếm vô cùng sắc bén, có thể xuyên qua áo giáp sắt, vừa ra tay là có thể xuyên tới trong ngực của Vương Liêu, từ trước ngực xuyên ra sau lưng. Lúc ấy 100 lực sĩ rút kiếm xông lên, chém Chuyên Chư thành thịt nát xương tan. Công tử Quang ở nội thất nghe thấy bên ngoài hỗn loạn, biết Chuyên Chư đã thành công. Công tử Quang liền mang theo vệ binh của mình từ nội thất xông ra chém giết.
Một mặt, Ngô Vương Liêu đã chết rồi, cho nên uy thế phía bên này liền giảm đi; mặt khác, phía bên Công tử Quang bởi vì ám sát thành công, sĩ khí của họ chính là dâng cao, kết quả thoáng chốc liền đã đánh bại quân đội của Ngô Vương Liêu.
Công tử Quang lên xe, liền thẳng tiến vào trong cung của nước Ngô, tuyên bố Vương mệnh với đại thần, rằng lúc trước ông nội Thọ Mộng của mình đã giao phó như thế nào, vì sao mình nên làm Ngô Vương. Như vậy cũng coi như đã thuyết phục được những đại thần này, đồng thời nhanh chóng mở kho phát lương thực, giảm thuế, để cho dân chúng thu được lợi ích thiết thực, vì vậy tâm của dân chúng cũng dần dần được trấn an.
Vào lúc này Quý tử Diên Lăng quan sát động tĩnh từ nước Tấn, cũng về tới nước Ngô. Công tử Quang còn giả ý nhún nhường một chút, anh ta nói sở dĩ cháu giết Vương Liêu, là hy vọng thúc lên làm Quốc Quân, bởi vì lúc trước ông nội đã nói như thế. Quý tử Diên Lăng nói bản thân ngươi đã giết Ngô Vương, không phải là vì lên làm Vua sao, còn giả khách sáo gì với ta nữa?
Quý tử Diên Lăng là một người vô cùng hiền đức và sáng suốt, Khổng Tử cũng tán thưởng ông rất nhiều. Tại “Sử ký” cũng có ghi lại một số chuyện về ông. Ông vô cùng thông minh, khi đi sứ đến nước Tấn, lúc ấy nước Tấn còn có nhiều gia tộc đại phu, nhưng Quý tử Diên Lăng sau khi quan sát đã nói, nhân tài ưu tú nhất trong nước đều tập trung ở Hàn gia, Triệu gia và Ngụy gia, tương lai có một ngày nước Tấn sẽ bị ba gia tộc này phân chia. Ông nhìn nhận chuẩn xác vô cùng, 50 năm sau liền xảy ra “Tam gia phân Tấn”, nước Tấn liền bị chia ra thành Hàn, Triệu, Ngụy.
Quý tử Diên Lăng cũng là một người rất có đạo đức. Có một lần ông đi sứ đến nước Từ, Quốc quân nước Từ rất thích bảo kiếm của Quý tử Diên Lăng. Nhưng bởi vì Quý tử Diên Lăng còn phải đi sứ đến nước khác, không thể không có kiếm, cho nên ông không lên tiếng. Chờ đến khi tất cả các hoạt động ngoại giao đã hoàn thành, ông quay trở lại nước Từ, thế nhưng Quốc quân nước Từ đã chết mất rồi. Quý Trát liền đem bảo kiếm của mình gỡ xuống, treo ở trên mộ của Quốc Quân nước Từ.
Người khác liền hỏi, vì sao Ngài muốn đem kiếm treo ở nơi đó? Quý Trát nói bởi vì trong lòng tôi đã chuẩn bị đem thanh kiếm này tặng cho ông ấy, mặc dù tôi không có nói ra, vì phải đi sứ nên tôi không thể không mang theo thanh kiếm này. Hiện nay các hoạt động ngoại giao đã hoàn thành, tôi sẵn lòng đem thanh kiếm này treo ở nơi đây coi như thực hiện được lời hứa trong lòng tôi đến ông ấy lúc đó.
Lời bạch: Ngũ Tử Tư mượn cơ hội Sở Bình Vương bị bệnh chết, đã điều đi những trọng thần bên cạnh Vương Liêu. Công tử Quang mượn cơ hội mở tiệc chiêu đãi Vương Liêu, sai thích khách Chuyên Chư dùng Ngư trường kiếm đâm chết Vương Liêu. Dựa theo “Sử Ký – Nhị thập chư hầu niên biểu” ghi lại, thời gian Chuyên Chư hành thích Vương Liêu là vào ngày Bính Tý tháng Tư năm 515 TCN. Công tử Quang bước lên Vương vị, chính là Ngô Vương Hạp Lư nổi danh trong lịch sử.
Công tử Quang đã trở thành Ngô Vương, để báo đáp Chuyên Chư, liền phong cho con trai Chuyên Chư là Chuyên Nghị làm Thượng khanh. Chúng ta biết vào thời Đông Chu, tước vị của thời ấy là như thế này, phía dưới chư hầu được phân làm sáu cấp tước vị: Thượng khanh, Trung khanh, Hạ khanh, Thượng Đại phu, Trung Đại phu, Hạ Đại phu. Vì báo đáp Chuyên Chư, Công tử Quang đem tước vị cao nhất phong cho con trai của Chuyên Chư là Chuyên Nghị, đây cũng là một vị tướng quân rất nổi danh.
Khi Chuyên Chư đâm Vương Liêu là dùng bảo kiếm có tên Ngư trường kiếm. Hạp Lư cảm thấy Ngư trường kiếm là vật chẳng lành, bởi vì đã dùng để hành thích vua, liền đem Ngư trường kiếm chôn đi. Nhưng ông cũng hy vọng có thể có được bảo kiếm sắc bén như Ngư trường kiếm, vậy nên ông đã mời một đại sư đúc kiếm lúc bấy giờ có tên là Can Tướng đến nước Ngô.
Lời bạch: Can Tướng, Mạc Tà là danh kiếm trong lịch sử Trung Quốc. Trong lịch sử thì Can Tướng và Mạc Tà chính là phu thê. Trong “Đông Chu liệt quốc chí” có ghi lại hai phu thê họ chọn loại sắt tốt nhất và các kim loại khác, chọn ngày tốt, mời chư Thần chứng kiến, sai 300 đồng nam đồng nữ quạt gió đốt than, luyện chế ba tháng mà tinh sắt không nóng chảy. Thế là Mạc Tà tắm rửa trai giới, sau đó nhảy vào lò luyện. Trong khoảnh khắc kim loại nóng chảy, luyện thành hai thanh bảo kiếm Thư – Hùng. Hùng kiếm có tên là Can Tướng, Thư kiếm có tên là Mạc Tà. Đại sư luyện kiếm Can Tướng đem thanh Hùng kiếm giấu đi, và đem thanh Thư kiếm hiến cho Hạp Lư.
Nhiều người cảm thấy chuyện này rất huyền bí, trong chính sử xác thực không có ghi chép lại. Nhưng mọi người đều biết trong truyền thuyết, Can Tướng, Mạc Tà là một Vương một Hậu trong bảo kiếm. Vậy có chứng cứ gì khác không? Thật có hai thanh kiếm như thế hay không?
Có một số chứng cứ gián tiếp, một chứng cứ chính là lúc ấy sau khi Can Tướng đem kiếm hiến cho Ngô Vương Hạp Lư, Hạp Lư đã từng dùng thanh kiếm này chém vào tảng đá. Tảng đá theo đó mà tách ra, giống như cắt đậu hũ vậy. Tảng đá này được gọi là “Thí kiếm thạch” (đá thử kiếm), hiện nay vẫn còn. Ở vùng phụ cận Tô Châu có một nơi gọi là Hổ Khâu, di tích hiện nay vẫn còn ở đó, chính là tảng đá thí kiếm thạch ấy.
Còn có một chứng cứ gián tiếp nữa, chính là vào năm 1965 tại mộ số Một ở Vọng Sơn, Giang Lăng, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, đã khai quật được một thanh kiếm. Trên thanh kiếm này khắc tám văn tự hình điểu triện, ghi “Việt Vương Câu Tiễn tự tác chi kiếm” (nghĩa là Kiếm tự làm của Việt Vương Câu Tiễn). Thanh kiếm này là kiếm của Việt Vương Câu Tiễn lúc ấy, đã trải qua thời gian 2,500 năm. Thời điểm khai quật mở ra ngôi mộ ấy, thanh bảo kiếm tỏa sáng lấp lánh, không hề có chút gỉ sét nào, cứ giống như kiếm mới vậy.
Lúc ấy, khi mọi người kiểm tra, đã dùng 20 tờ giấy photo, cầm kiếm nhẹ nhàng vạch một cái, 20 tờ giấy thoáng chốc liền tách ra. Một thanh kiếm qua 2,500 năm không bị gỉ sét, hơn nữa vẫn còn sắc bén như thế, tỏa sáng lấp lánh. Điều này cho thấy lúc đó vào thời kỳ Xuân Thu, kỹ thuật đúc kiếm là vô cùng tiên tiến.
Nghe nói những người khai quật đã từng đào được một thanh kiếm trong đội quân đất nung của mộ Tần Thủy Hoàng, bởi vì sau khi bị đất lấp, thanh kiếm ấy đã bị đè cho cong đi, nhưng sau khi vừa dời đất đi, thanh kiếm ấy lập tức khôi phục lại hình dáng bảo kiếm ban đầu một cách thần kỳ. Chính là giống như ký ức của hợp kim vậy, nó có thể ghi nhớ hình dáng của mình, một việc rất kỳ diệu. Kỹ thuật đúc kiếm thời Xuân Thu của Trung Quốc quả thực là vô cùng tiên tiến.
(Còn tiếp)
Do Bi Hui thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: