Tiếu đàm phong vân – Tập 22: Trộm phù cứu Triệu [P.3]
Cam La 12 tuổi bái tướng
Trong “Sử Ký”, Tư Mã Thiên đã tập hợp viết về Phạm Thư và Thái Trạch vào cùng một truyện. Thái Trạch là người nước Yên, khi ở nước Ngụy đã hỏi thầy tướng số Đường Cử về số mệnh của mình. Đường Cử cười giễu tướng mạo Thái Trạch khó coi, nhưng nói rằng ông sẽ có 43 năm phú quý, và sẽ phát tài ở nước Tần. Thế là Thái Trạch đi đến kinh đô nước Tần.
Sau khi Thái Trạch đến kinh đô nước Tần, ông chọn một tửu quán tốt nhất, rồi nói với chủ quán: “Mỗi ngày ông hãy phục vụ tôi cho tốt, cơm gạo phải trắng, thịt phải béo ngọt, nhất định phải cho tôi ăn cơm dẻo canh ngọt.” Chủ quán hỏi, “Bởi vì lẽ gì chứ?” Thái Trạch nói, “Bởi vì chẳng mấy chốc nữa tôi sẽ làm Thừa tướng nước Tần.”
Tửu quán này cũng là chỗ lưu trú của sứ giả các nước chư hầu, những lời nói có vẻ ngông cuồng của Thái Trạch nhanh chóng được truyền đi, cuối cùng truyền đến tai Phạm Thư. Phạm Thư lập tức cho người triệu Thái Trạch đến, vì vậy Thái Trạch liền đến gặp Phạm Thư. Khi đó Phạm Thư rất tức giận. Phạm Thư cảm thấy mình là người có tài tranh biện, “Nói về Tam Hoàng Ngũ Đế, cái gì mà ta không biết, cả trăm người tranh biện, gặp ta cũng phải khuất phục. Thái Trạch ngươi có bản sự gì mà có thể thuyết phục được ta, muốn đoạt tướng vị của ta.”
Khi đó giữa Phạm Thư và Thái Trạch có một cuộc tranh luận, biện luận của Thái Trạch, nếu như tổng kết lại thì có 4 chữ, chính là khuyên Phạm Thư “công thành thân thoái.”
Ông ta dẫn ra ba vị đại thần vô cùng nổi tiếng: một người là giúp nước Tần thực hiện binh cường quốc mạnh, Thương Ưởng; Một người là trợ giúp Sở Điệu Vương thực hiện binh cường quốc mạnh, Ngô Khởi. Khi đó Ngô Khởi phò tá Sở Điệu Vương, phía Bắc đánh bại Tam Tấn (Hàn, Triệu, Ngụy), phía Nam đánh bại nước Ngô và nước Việt; Còn một người là Văn Chủng, giúp cho nước Việt nhỏ yếu đánh bại nước Ngô. Nhưng cả ba người này đều chết không yên lành, vì sao vậy? Bởi vì ba người họ tuy công thành, nhưng không biết “thân thoái”, tức lui thân, cuối cùng đều phải chết thảm.
Thái Trạch nói với Phạm Thư:
“Ông trước đây là một kẻ thất phu, một người bình thường, nhưng sau đó được Tần Vương sủng hạnh, thời gian mấy chục năm, những gì ông muốn báo thù đã báo rồi, muốn trả ân đã trả rồi, sự nghiệp của ông bây giờ đã đến đỉnh điểm. Nếu như ông không biết đường tiến thoái, thì kết cục cuối cùng có thể sẽ rất thảm.”
“Năm đó Tô Tần và Trí Bá, trí lực của hai người họ không phải là không đủ để che chở cho bản thân, nhưng họ vẫn phải chết. Chính là bởi vì bọn họ ham quyền vị, ham lợi ích, không biết rút lui. Cũng giống như tê giác và voi, khu rừng chúng ở không phải không đủ xa con người, nhưng tại sao chúng lại bị người ta giết, chính là có thứ gì đó cám dỗ chúng, khiến chúng bỏ rừng mà chạy đến trước mặt con người, và kết quả là bị con người giết.”
“Cho nên ông nhất định phải biết, lúc nào tiến, lúc nào thoái, cũng giống như mặt trời sau khi đến giữa trưa, nó liền ngả về Tây, trăng tròn rồi trăng phải khuyết, đây chính là gọi ‘nguyệt trung tất di, nguyệt mãn tắc khuy’. Ông hiện tại đã đến lúc nên nghỉ ngơi rồi, nếu như ông kịp thời lui xuống và tiến cử một người thay thế, thì người này sẽ vô cùng cảm kích ông. Người đó sẽ dùng quyền thế che chở ông, như thế sự phú quý của con cháu ông có thể đời đời kiếp kiếp được bảo tồn.”
Kết quả, Phạm Thư này đã bị thuyết phục. Phạm Thư đi gặp Tần Vương, nói với Tần Vương rằng có một vị khách đến từ Sơn Đông, khi đó Sơn Đông là chỉ phía Đông của Hào Sơn, vị khách này rất giỏi tranh luận, “Thần nghĩ tài năng của ông ta giỏi hơn thần, nếu ông ta có thể làm tể tướng, sẽ giúp ích cho Tần quốc rất nhiều. Vì vậy thần xin tiến cử ông ta.”
Phạm Thư từ chức Tể tướng và về quê dưỡng lão, cuối cùng có được kết cục tốt đẹp.
Thái Trạch tiếp nhận chức Tể tướng không lâu thì Tần Chiêu Tương Vương băng hà, con trai của ông là An Quốc Quân lên kế vị, An Quốc Quân lên kế vị được ba ngày thì mất, con trai An Quốc Quân là Tử Sở, cũng chính là Dị Nhân mà chúng ta nói đến lên kế vị, chính là Tần Trang Tương Vương.
Sau khi Tần Trang Tương Vương lên kế vị, ông ta vô cùng cảm kích đối với Lã Bất Vi, bởi vì Lã Bất Vi đã đưa ông ta từ một con tin, một tù nhân trở thành vua một nước giàu mạnh nhất thiên hạ.
Thái Trạch cũng biết điểm này, liền đem Tướng vị giao lại cho Lã Bất Vi. Lã Bất Vi từ đây bắt đầu làm Thừa tướng ở nước Tần, Tần Vương còn phong Lã Bất Vi làm Văn Tín Hầu, thực ấp mười vạn hộ tại Lạc Dương Hà Nam. Thời xưa, phong ấp vạn hộ chính là cao tột cùng, Lã Bất Vi được phong ấp mười vạn hộ, cho nên ông là người có quyền thế vô cùng lớn ở nước Tần. Trang Tương Vương còn tôn xưng Lã Bất Vi là trọng phụ, tương đương với thúc thúc.
Sau khi đem Tướng vị giao cho Lã Bất Vi, Thái Trạch rời nước Tần đến nước Yên. Ba năm sau, ông thuyết phục thành công quốc quân nước Yên đem Thái tử của mình đưa đến nước Tần làm con tin, chính là thái tử Đan, cũng chính là người về sau để Kinh Kha thích khách vua Tần. Bởi vậy, quan hệ giữa nước Tần và nước Yên trở nên tương đối tốt.
Nước Yên đưa Thái tử đến nước Tần làm con tin, còn nước Tần muốn phái một người đến nước Yên làm quốc tướng. Thái Sử sau khi bốc quẻ, nói rằng Trương Đường đi sẽ rất may mắn.
Trương Đường không chịu đi, bởi vì từ nước Tần đến nước Yên, giữa đường nhất định phải đi qua nước Triệu, mà Trương Đường trước kia từng cùng Tần Vương tiến đánh nước Triệu, nước Triệu hận Trương Đường thấu xương. Triệu Vương đã từng hạ lệnh, người nước Triệu ai có thể bắt được Trương Đường thì sẽ ban thưởng đất đai một trăm dặm.
Trương Đường sống chết cũng không chịu đến nước Yên. Lã Bất Vi không có cách nào, ông bèn đích thân đến nhà Trương Đường nói chuyện, nhưng Trương Đường vẫn kiên quyết nhất định không đi. Lã Bất Vi về nhà, trong lòng rất buồn bực, ngồi giữa nhà trầm ngâm suy nghĩ. Lúc đó có một cậu bé đi qua đó, cậu bé này tên là Cam La, mới có 12 tuổi. Cậu hỏi Lã Bất Vi, “Chủ nhân, rốt cuộc có chuyện gì khiến ngài buồn phiền như vậy?”
Lã Bất Vi ngẩng đầu nhìn thì thấy hóa ra là một cậu bé 12 tuổi, bèn nói “Đi đi, ta đang nghĩ chuyện quốc gia đại sự.” Cam La nói, “Chủ nhân, sở dĩ ngài nuôi dưỡng kẻ sĩ, là bởi vì kẻ sĩ có thể chia sẻ với ngài, Cam La cũng là một kẻ sĩ vậy. Năm xưa có một người gọi là Hạng Thác, lúc 7 tuổi được Khổng Tử bái làm thầy, tôi nay đã 12 tuổi rồi, còn lớn hơn Hạng Thác 5 tuổi. Sao ngài có thể vì tuổi tác tôi còn nhỏ mà coi thường tôi như thế.”
Lã Bất Vi cảm thấy cậu bé này nói chuyện rất không bình thường, liền hỏi Cam La: “Bây giờ Thái tử Đan của nước Yên đã đến nước ta làm con tin rồi, ta muốn cử Trương Đường đến nước Yên làm Thừa tướng, nhưng Trương Đường không chịu đi. Ngươi có cách gì không?”
Cam La nói, “Chuyện này dễ thôi, nếu như ngài nói với tôi sớm hơn thì đã sớm giải quyết được rồi.” Lã Bất Vi nói, “Vậy thì ta cử ngươi đi đấy.”
Thế là Cam La liền đến trước phủ nhà Trương Đường. Trương Đường nghe nói có một cậu bé đến gặp, cũng lấy làm lạ, liền đích thân ra tiếp đón. Ông hỏi Cam La, “Này cậu bé, có gì chỉ giáo đây?” Cam La nói, “Tôi đặc biệt tới phúng điếu ông đây. Nghe nói nhà ông sắp có tang sự, cho nên tôi đến chia buồn một chút.”
Trương Đường hỏi, “Ta có tang sự gì?” Cam La nói, “Tôi hỏi ông hai vấn đề: Thứ nhất, ông thấy ông công lao của ông với nước Tần so với Vũ An Quân Bạch Khởi, ai có công cao hơn?” Trương Đường nói, “Ta làm sao có thể so sánh với Vũ An Quân Bạch Khởi chứ, ông ta vì nước Tần đánh hạ được 75 thành trì, công lao đệ nhất, không ai có thể so sánh được.”
Cam La nói, “Vậy thì tốt, tôi lại hỏi ông vấn đề thứ hai, ông cảm thấy Lã Bất Vi và Ứng Hầu Phạm Thư, trong hai người họ ai được Tần Vương sủng tín hơn?” Lã Bất Vi được Tần Vương gọi là Trọng Phụ, giống như là chú của mình vậy, Phạm Thư chỉ là bằng hữu của Tần Vương, bởi vậy xét về mối quan hệ thì chắc chắn là Lã Bất Vi gần gũi hơn. Cho nên Trương Đường nói, “Đương nhiên Ứng Hầu quyền lực không to bằng Văn Tín Hầu rồi.”
Cam La nói, “Năm đó khi Ứng Hầu phái Bạch Khởi đi tấn công nước Triệu, Bạch Khởi không nghe theo Ứng Hầu, cuối cùng tự vẫn tại Đỗ Bưu. Nay ông công lao không bằng Bạch Khởi, quyền lực của Ứng Hầu không lớn bằng Văn Tín Hầu. Bây giờ Văn Tín Hầu phái ông đến nước Yên, ông không đi, kết cục của ông e rằng còn thảm hơn cả Bạch Khởi.” Kết quả Trương Đường vừa nghe xong liền sợ quá, ông ta nói, “Bây giờ ta lập tức thu xếp hành lý đến nước Yên.”
Cam La về đến phủ Lã Bất Vi, nói: “Chuyện này giải quyết xong rồi. Nhưng mà, tuy nói Trương Đường đồng ý đi đến nước Yên, tôi cảm thấy Trương Đường là không muốn đi, cho nên tôi còn có kế sách thứ hai, xin ngài cấp cho tôi một số xe mã, một số tùy tùng và một số tiền, và bây giờ tôi sẽ đến nước Triệu.”
Sau khi đến nước Triệu, Cam La đi gặp Triệu Vương, cậu nói với Triệu Vương, “Ngài nghe nói chưa, Tần Vương lập tức đưa Trương Đường đến nước Yên làm quốc tướng rồi, nước Yên cũng đã đưa Thái tử đến nước Tần làm con tin. Nếu như nước Yên và nước Tần liên minh, thì nước Triệu ở giữa gặp xui xẻo rồi, đông tây giáp công lại. Vì sao nước Yên và nước Tần muốn đánh nước ngài, bởi vì họ muốn cướp năm tòa thành ở giữa Chương Hà và Hoàng Hà. Thần đã nghĩ ra cho ngài một biện pháp: Ngài nhanh chóng tạo quan hệ với nước Tần, đem năm tòa thành khu vực giữa hai con sông tình nguyện tặng cho nước Tần, như vậy quan hệ của ngài với nước Tần chẳng phải rất tốt sao. Sau đó ngài đi đánh nước Yên, nước Yên nhỏ yếu, lập tức sẽ chiếm được rất nhiều thành, như vậy ngài bị tổn thất cho nước Tần, nhưng có thể lấy từ nước Yên bù đắp lại, đây chẳng phải là một kế hay sao?”
Triệu Vương nghe theo kế hoạch của Cam La, thật sự cắt nhượng năm tòa thành cho nước Tần, sau đó đi tấn công nước Yên, đánh được 30 tòa thành, 11 thành tặng cho nước Tần, giữ lại cho mình 19 thành. Khi Cam La quay về nước Tần, Lã Bất Vi phong cho Cam La làm Thượng Khanh, Thượng Khanh có chút tương đương với Thừa tướng, cho nên trước đây có câu nói rằng “Cam La 12 tuổi bái tướng.”
Mặc dù quốc lực của nước Tần khi đó hùng mạnh đến mức không có bất kỳ nước chư hầu nào dám đơn độc đối địch, nhưng sáu nước vẫn không biết liên hợp lại, vẫn còn vì lợi ích trước mắt mà đánh chiếm lẫn nhau. Giữa nước Triệu và nước Yên thường xuyên giao chiến, các nước khác cũng đánh tới đánh lui, đây cũng là cơ hội cho nước Tần đánh bại từng nước một, lúc này nước Tần lại xảy ra một trận nội loạn.
Tần Vương Doanh Chính khi kế vị mới có 13 tuổi, quyền bính đều nằm trong tay Lã Bất Vi. Tần Vương dần dần trưởng thành, cương nghị quả cảm, anh dũng phi thường. Năm 238 trước Công Nguyên, khi Tần Vương làm quan lễ, tức lễ trưởng thành, có một người gọi là Lao Ái phát động phản loạn, sau khi thất bại thì bị phanh thây, chuyện này có liên quan đến Lã Bất Vi.
Tần Vương vô cùng tức giận, liền lập tức hạ lệnh trục xuất trong cả nước tất cả những người đến từ nước khác, gọi là trục khách, “khách” này là chỉ những người từ các quốc gia khác đến nước Tần. Lệnh trục khách vừa ban ra, rất nhiều người đến từ các nước khác lần lượt rời khỏi nước Tần.
Thuộc hạ của Lã Bất Vi có một môn khách rất nổi tiếng, người này sau này là Thừa tướng nước Tần, gọi là Lý Tư. Lý Tư cũng là một trong những người bị trục xuất, nhưng Lý Tư trước khi đi, đã viết cho Tần Vương một bức thư. Bức thư này sau này được ghi lưu trong “Sử Ký”, cũng được ghi vào trong “Cổ văn lục chỉ”, gọi là “Gián trục khách thư”, ngăn cản mệnh lệnh trục khách của Tần Vương.
Nhờ có bức thư này, Tần Vương cũng biết được Lý Tư là một người như vậy, ông ta liền cho triệu Lý Tư vào cung. Lý Tư là người có năng lực rất lớn, ông ta hiến kế sách thống nhất thiên hạ một cách hệ thống cho Tần Vương. Vậy thì kế mà Lý Tư đưa ra là kế sách gì? Xin mời đón xem tập sau – “Thống nhất thiên hạ.”
(Còn tiếp)
Bi Hui biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ