‘Tiếu đàm phong vân’: Tập 2 – Tai họa bất ngờ (Phần 2)
Lời bạch: Tổ tiên của nước Sở là một trong Ngũ đế (năm vị hoàng đế đầu tiên), Chuyên Húc đế, vào thời đế Cốc ông được ban danh hiệu Chúc Dung. Trong các hậu duệ của ông có một vị gọi là Hùng Dịch, vì có công phò tá Chu Văn Vương và Chu Vũ Vương, được Chu Thành Vương phong cho đất Sở, ban cho tử tước. Cuối thời Tây Chu, quân chủ của nước Sở là Hùng Cừ rất được lòng dân chúng ở một dải Trường giang và Hán thủy, nên ông xưng Vương, đây là lần đầu tiên một chư hầu dám coi thường Chu thiên tử tự mình xưng tước vương. Thời Xuân Thu, có năm quốc gia lần lượt xưng bá, sử gọi là Xuân Thu ngũ bá, vị bá chủ cuối cùng gọi là Sở Trang Vương. Năm 529 TCN, cháu nội Sở Trang Vương là Khí Tật, dùng thủ đoạn lừa dối để kế vị ngôi vương, xưng là Sở Bình Vương, lập con trai tên Kiến làm thái tử và chỉ định hai người là Ngũ Xa và Phí Vô Kỵ làm thầy của Thái tử.
Xem lại: “Tiếu đàm phong vân”: Tập 2 – Tai họa bất ngờ (Phần 1)
Chức quan của Ngũ Xa (phụ thân của Ngũ Tử Tư) là đại phó, chính là đại lão sư; chức quan của Phí Vô Kỵ là thiếu phó, chính là nhị lão sư. Hai vị thầy này có tính cách vô cùng khác nhau. Ngũ Xa là người rất cương trực, rất trung thực, mà cũng rất thẳng thắn. Phí Vô Kỵ là một người xu nịnh, một kẻ tiểu nhân.
Đương nhiên quan hệ giữa hai người thầy này không tốt, Ngũ Xa rất không thích Phí Vô Kỵ. Không chỉ Ngũ Xa không thích Phí Vô Kỵ mà Thái tử Kiến cũng không thích Phí Vô Kỵ. Phí Vô Kỵ rất xấu tính, liền nghĩ Thái tử không thích ta, có một ngày mà lên kế vị thì ta làm thế nào đây, ta phải nghĩ cách, hoặc phải phế bỏ hoặc phải giết Thái tử. Ông ta liền nghĩ ra một ý xấu. Một ngày năm thứ hai Sở Bình Vương tại vị, ông ta thưa với Sở Bình Vương: Thái tử tuổi không còn nhỏ nữa, vì sao không nạp phi cho Thái tử?
Khi đó Thái tử bao nhiêu tuổi? Mới có 15 tuổi. Cảm giác dường như Phí Vô Kỵ đối với Thái tử quá tốt, nói là muốn Thái tử lấy vợ. Sở Bình Vương hỏi: Khanh nghĩ xem công chúa của nước nào có thể thích hợp liên hôn với nước Sở?
Giữa thời Xuân Thu, liên hôn thường xuyên xảy ra giữa các nước chư hầu, nước này lấy công chúa của nước kia, hoặc là nước này gả công chúa cho thái tử nước kia. Ngày xưa chúng ta coi chuyện kết hôn là “kết duyên Tần Tấn” phải không? Bởi vì Tần và Tấn là hai nước lớn thời Xuân Thu, quan hệ giữa hai bên thường là liên hôn.
Phí Vô Kỵ liền đáp: Thần xem thì Tần quốc rất tốt. Nước Tần là một nước lớn, khi đó đô thành tại Ung, chính là gần Bửu Kê tỉnh Thiểm Tây ngày nay, không phải tại Hàm Dương. Hàm Dương là sau khi Thương Ưởng biến pháp mới dời đô về Hàm Dương.
Phí Vô Kỵ đáp: Nước Tần là một nước rất lớn, nước Tấn cũng là một nước rất lớn, nhưng quan hệ giữa nước Tấn và nước Sở vẫn luôn không tốt lắm, thường xuyên giao tranh. Nếu như nước Sở có thể liên hợp được với nước Tần, nước Tấn sẽ không còn là mối lo. Sở Bình Vương liền đồng ý. Ông liền phái Phí Vô Kỵ làm sứ giả đến nước Tần cầu thân. Khi đó vua nước Tần là Tần Ai Công, ông liền đem muội muội là Mạnh Doanh gả cho Thái tử Kiến.
Phí Vô Kỵ vừa nhìn thấy Mạnh Doanh liền nảy sinh một ý xấu. Vì sao? Bởi vì Mạnh Doanh vô cùng xinh đẹp. Phí Vô Kỵ đưa Mạnh Doanh về nước Sở. Khi đến ngoại ô đô thành, ông ta nói với Mạnh Doanh: Cô hãy đợi ở đây, theo quy tắc của nước Sở chúng tôi, là phải bái kiến người nhà của Thái tử, sau đó mới có thể thành thân. Phí Vô Kỵ ngay đêm đó vào thành gặp Sở Bình Vương. Câu đầu tiên Sở Bình Vương hỏi Phí Vô Kỵ: ‘Dung mạo của người con gái nước Tần đó thế nào?’
Thông thường khi nói về nạp phi cho Thái tử, trước tiên đều sẽ hỏi sứ giả về tình hình đi sứ, quân vương đối phương có thích hay không thích, có trao đổi gì hay không v.v., đều hỏi về việc công. Sở Bình Vương câu đầu tiên lại hỏi về dung mạo con gái nước Tần, có thể thấy ông ta là một người háo sắc. Phí Vô Kỵ liền được thể mà nói: Ôi chao, cả đời thần đã nhìn thấy không biết bao nhiêu con gái, nhưng chưa từng nhìn thấy ai xinh đẹp như thế, những gì như Muội Hỷ, Đát Kỷ, Bao Tự mà trong truyền thuyết nói, thần thấy không thể bằng một phần của Mạnh Doanh.
Sở Bình Vương nghe xong đỏ hết cả mặt, nói: Quả nhân làm quân vương của một nước lớn như thế này, mà không thể lấy được một mỹ nữ tuyệt sắc như vậy, quả thực là chuyện đáng tiếc của đời người. Phí Vô Kỵ thưa: Vậy ngài lấy đi. Sở Bình Vương nói: E ngại chuyện luân lý con người. Phí Vô Kỵ đáp: Bọn họ chưa có thành thân, đã về đến đô thành rồi, ngài tự mình lấy đi. Sở Bình Vương hỏi: Thế còn Thái tử thì làm thế nào? Phí Vô Kỵ đáp: Trong những người đi kèm làm của hồi môn, có một cô gái nước Tề, dung mạo cũng rất đẹp, mà hành vi cử chỉ cũng rất hợp lễ nghi, thôi đem cô gái nước Tề gả cho Thái tử, bản thân ngài lấy Mạnh Doanh là xong. Hai kẻ bại hoại bàn bạc, rồi làm ra cái chuyện thương thiên hại lý như vậy.
Lời bạch: Dựa theo ghi chép về “Niên biểu của 12 chư hầu” trong “Sử ký,” năm 527 TCN, Phí Vô Kỵ đi sứ sang Tần để nạp phi cho Thái tử Kiến. Tần Ai Công đem em gái Mạnh Doanh gả cho Thái tử nước Sở. Mạnh Doanh là một mỹ nữ tuyệt sắc, mà Sở Bình Vương là kẻ háo sắc. Phí Vô Kỵ đang muốn tìm cơ hội ly gián quan hệ giữa Sở Vương và Thái Tử, liền xúi giục Sở Bình Vương lấy Thái tử phi, đem một cô gái nước Tề trong của hồi môn đi kèm cưới cho Thái tử Kiến. Đây là kế đánh tráo, gieo xuống cho nước Sở mầm tai họa mất nước sau này.
Mạnh Doanh sau khi gả cho Sở Bình Vương, năm thứ hai thì có mang, sinh được một con trai. Sở Bình Vương yêu quý như trân bảo, liền đặt tên là Trân, đây chính là Sở Chiêu Vương sau này. Đến năm 523 TCN, Sở Bình Vương lấy Mạnh Doanh đã bốn năm, quan hệ giữa hai cha con Sở Bình Vương đã hơi xa cách rồi. Phí Vô Kỵ liền nghĩ: Ta phải nhân cơ hội khiến cho họ xa lánh nhau thêm chút nữa.
Có một hôm ông ta thưa với Sở Bình Vương: Thần thấy vùng đất Thành Phụ rất là trọng yếu. Thành Phụ hiện nay chính là gần huyện Bắc tỉnh An Huy, chính tại vùng đất giao nhau giữa An Huy và Hà Nam, cũng chính là biên giới nước Sở. Ông ta nói: Tại sao không đưa Thái tử ra đó trấn thủ? Sở Bình Vương hỏi nhất định là phải Thái tử đi sao? Phí Vô Kỵ liền chạy đến bên tai Sở Bình Vương đáp: Bệ hạ lấy vợ của Thái tử, Thái tử lại ngày ngày ở trước mặt bệ hạ, thì sự tình sớm muộn gì cũng bị bại lộ. Nhanh chóng nhân cơ hội này đưa Thái tử đi càng xa càng tốt.
Sở Bình Vương liền hiểu ra, quyết định đưa Thái tử cùng thầy của mình là Ngũ Xa đến Thành Phụ. Đồng thời cử đi còn có võ tướng Phấn Dương, cho ông ta làm Tư Mã của Thành Phụ. Tư Mã chính là người nắm giữ binh quyền, tư mã Thành Phụ chính là trưởng quan quân sự cao nhất Thành Phụ.
Trước khi tư mã Phấn Dương đi, Sở Bình Vương nói với ông ta một câu, “đãi Kiến như đãi dư,” chính là nói ngươi đối đãi với Thái tử Kiến phải trung thành giống như đối với ta, “đãi Thái tử như đãi quả nhân.” Như vậy Thái tử Kiến đem theo Ngũ Xa và tư mã Phấn Dương đến Thành Phụ.
Năm thứ hai, có một hôm Phí Vô Kỵ chạy đến bên cạnh Sở Bình Vương thưa: Bẩm Đại Vương, nghe nói Thái tử ở Thành Phụ chiêu binh mãi mã, tích trữ lương thực, kết giao với chư hầu, xem ra như muốn tạo phản. Sở Bình Vương nói: Không thể nào, con trai ta một mực nhu thuận, làm sao có thể tạo phản? Phí Vô Kỵ đáp: Đại Vương không biết rồi, việc Đại Vương lấy Thái tử phi bị Thái tử biết rồi, Thái tử rất giận dữ, hậu quả rất nghiêm trọng.
Sở Bình Vương lúc đó không tin thì cũng phải tin rồi. Phí Vô Kỵ nói: Bây giờ không thể bắt Thái tử, không thể đánh cỏ động xà. Vì Ngũ Xa, thầy của Thái tử là nhân vật rất lợi hại, Đại Vương triệu gấp Ngũ Xa từ Thành Phụ về đây, hỏi xem là chuyện gì.
Sở Bình Vương liền gọi Ngũ Xa về đô thành, Sở Bình Vương nói Thái tử muốn mưu phản, khanh có biết hay không. Ngũ Xa vừa nghe liền biết ngay là Phí Vô Kỵ bày trò ở đằng sau. Ngũ Xa nói, Đại Vương lấy vợ của con đã là quá đáng rồi, ngài làm sao có thể nghe lời của kẻ tiểu nhân, đi hoài nghi cốt nhục thân thiết của mình.
Sở Bình Vương vừa thẹn vừa giận. Phí Vô Kỵ bên cạnh cũng nghe thấy, Phí Vô Kỵ nói: Người xem, ông ta hiện nay đã rất bất mãn với Đại Vương, cứ phát triển như vậy thì còn đi đến đâu nữa, hãy bắt nhốt ngay lại. Thế là Sở Bình Vương đem Ngũ Xa bắt nhốt vào ngục. Sau đó Sở Bình Vương bàn bạc với Phí Vô Kỵ: Con trai ta thì làm thế nào? Phí Vô Kỵ nói: Đại Vương đừng kêu Thái tử trở về. Đại Vương bây giờ hãy viết một mật lệnh cho tư mã Phấn Dương ở Thành Phụ, bảo ông ta ở Thành phụ giải quyết Thái tử đi.
Sở Bình Vương liền viết một bản mật lệnh, giao cho tư mã Phấn Dương của Thành Phụ, có 11 chữ “Giết Thái tử, có trọng thưởng, thả Thái tử, phải chết.” Tư mã Phấn Dương sau khi xem xong mật lệnh, lập tức thông báo cho Thái tử nhanh chóng chạy trốn. Sau đó Phấn Dương làm một cái xe tù, tự mình ngồi vào trong xe tù trở về đô thành gặp Sở Bình Vương.
Sau khi Sở Bình Vương gặp Phấn Dương liền hỏi ông ta: Thái tử đâu? Phấn Dương đáp: Trốn rồi. Bình Vương nói: Mật lệnh là ta viết, chỉ có một mình nhà ngươi xem, rốt cuộc là ai làm lộ tin tức? Phấn Dương đáp: thần. Bình Vương nói: Có gì giải thích không? Phấn Dương đáp: Trước khi thần đi, Đại Vương đã từng nói với thần, đối đãi với Thái tử như đối đãi với quả nhân, chính là nói thần phải trung thành với Thái tử như với Đại Vương. Ông ta nói khi xem mật thư lúc đó, thì không giống như khi lời Đại Vương nói ban đầu, hơn nữa Thái tử chưa có chứng cứ mưu phản rõ ràng. Đại Vương giết Thái tử như vậy, dân trong nước sẽ nghị luận Đại Vương, hơn nữa đây là cốt nhục của Đại Vương, cho nên hạ thần quyết định cho Thái tử đi. Thả rồi sau đó thần nghĩ, vi phạm mật lệnh của Đại Vương, như vậy là tội chết, nếu như thần muốn chạy trốn cùng Thái tử, là thêm một tội chết nữa. Nên hạ thần bèn đến đây gặp Đại Vương.
Sau khi Sở Bình Vương nghe xong câu đó cũng rất cảm động. Ông liền nói với Phấn Dương: “quy” chính là nói ngươi về đi, ngươi hãy tiếp tục làm tư mã ở Thành Phụ, ngươi không nghe theo mệnh lệnh của ta, nhưng lòng trung thành thì lại đáng khen.
Vào lúc đó, Thái tử đã chạy thoát rồi. Thái tử vượt qua con sông chạy đến nước Tống. Đô thành của nước Tống là thành phố Thương Khâu tỉnh Hà Nam ngày nay. Từ Thành Phụ vượt qua con sông là đến nước Tống.
Ngũ Xa hiện đang bị giam trong ngục, Sở Bình Vương liền nghĩ: Ngũ Xa thì làm thế nào? nên giết hay không giết? Phí Vô Kỵ thưa với Sở Bình Vương: Hiện nay không thể giết vì Ngũ Xa có hai người con trai lợi hại. Con trai lớn của ông ta gọi là Ngũ Thượng, con thứ hai gọi là Ngũ Viên (chữ “Viên” trong cổ ngữ thường phát âm là “Vân”). Ngũ Viên chính là Ngũ Tử Tư.
Phí Vô Kỵ nói: Hai người con trai này vô cùng lợi hại. Nếu như Đại vương muốn giết Ngũ Xa, sẽ có rất nhiều phiền phức, tốt nhất là đem ba cha con họ giết một lượt, nhổ cỏ nhổ tận gốc. Sở Bình Vương liền hỏi có cách gì. Phí Vô Kỵ nói: Đại Vương lệnh cho Ngũ Xa viết một bức thư, gọi hai người con này về đô thành. Đại Vương nói với Ngũ Xa, nếu như ngươi chịu viết thư này, ta sẽ miễn cho tội chết, nếu không thì sẽ giết ngươi.
(còn nữa)
Do Bi Hui biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: