‘Tiếu đàm phong vân’ – Tập 16: Trương Nghi lừa Sở [P.1]
Hợp tung thất bại, nước Tần xuất binh qua cửa Hàm Cốc
Lời bạch: Năm 334 TCN, Tô Tần mang theo sách lược Hợp tung đi du thuyết sáu nước. Đây cũng là năm thứ hai kể từ khi ông nhận ấn quốc từ sáu nước ký hiệp ước đồng minh ở Hoàn Thủy. Nhưng hiệp ước ký chưa ráo mực, sáu nước đã bắt đầu thảo phạt lẫn nhau. Hai nước Yên-Tề lần lượt kết quan hệ hôn ước với nước Tần, việc này dự báo tương lai của sách lược hợp tung rất ảm đạm. Năm 318 TCN, năm nước phạt Tần thất bại. Tô Tần, người đề xướng chiến lược hợp tung, bị thích khách sát chết. Nước Tần từ trong thất bại của năm nước đã nhìn thấy cơ hội phản công tiêu diệt từng nước. Nước Tần một lần nữa xuất binh qua cửa Hàm Cốc, bắt đầu chinh phạt sáu nước, kiến lập nên con đường nhất thống.
Năm 317 TCN, năm thứ hai kể từ khi năm nước phạt Tần, nước Tần lại một lần nữa xuất binh ra khỏi cửa Hàm Cốc giao tranh với liên quân của nước Triệu và nước Hàn. Nước Tần tiêu diệt đội quân tám vạn người của hai nước Triệu-Hàn, giành được thắng lợi to lớn về mặt quân sự.
Tiếp đến, nước Tần có một cuộc tranh luận trước triều rất quan trọng: Hành động quân sự tiếp theo nên hướng đến nơi nào?
Trương Nghi kiên quyết kiến nghị phạt Hàn. Ông nói, nước Hàn không có danh sơn đại xuyên để làm công sự phòng vệ, nếu chúng ta đồng thời có thể quan hệ tốt với nước Ngụy, nước Hàn sẽ nhanh chóng bị đánh hạ. Nước Hàn một khi bị diệt vong, Chu Thiên tử lập tức mất đi một nước hàng rào, quân đội nước Tần có thể tiến vào đô thành của nhà Chu, chúng ta có thể lấy đi trọng khí cửu đỉnh truyền quốc của nhà Chu, hơn nữa chúng ta có thể bắt Thiên tử nhà Chu về, giữ thiên tử dĩ lệnh thiên hạ.
Chúng ta đều biết giữ Thiên tử để lệnh chư hầu là Tào Tháo lúc ấy nói thế, kỳ thực người đầu tiên đề xuất giữ Thiên tử để lệnh thiên hạ chính là Trương Nghi. Trương Nghi lúc ấy còn có một cách nói khác, ông nói: nếu như một người muốn tranh danh tiếng thì nên đến miếu đường, đó là nghĩ biện pháp đi làm quan; còn nếu như muốn tranh đoạt lợi ích thì nên đến chợ. Ông ta ví tam xuyên và nước Hàn là miếu và chợ của thiên hạ. Tam xuyên là chỉ ba con sông: sông Hoàng Hà, sông Lạc Thủy và sông Y Thủy. Trương Nghi cho rằng đầu tiên nên tấn công nước Hàn.
Một kiến nghị khác do Tư Mã Thác đề xuất. Tư Mã Thác cho rằng hiện nay không thể tấn công nước Hàn và nhà Chu, nên đi tấn công nước Thục. Tư Mã Thác là người như thế nào?
Trong “Sử ký – Thái giám công tự thuật” ghi chép rằng, Tư Mã Thác là đại tướng của nước Tần, cháu trai của ông là Tư Mã Cận. Trong trận chiến ở Trường Bình đã cùng Bạch Khởi giết rất nhiều lính Triệu. Cháu trai của Tư Mã Cận là Tư Mã Xương, cháu trai của Tư Mã Xương là Tư Mã Hỉ, con trai Tư Mã Hỉ là Tư Mã Đàm, con trai Tư Mã Đàm là Tư Mã Thiên. Cho nên nói Tư Mã Thác là ông tổ chín đời của Tư Mã Thiên.
Những lời biện luận trước triều của Tư Mã Thác khi đó rất hay, những lời đó được ghi chép toàn văn trong “Sử ký”, sau đó cũng được ghi lại trong “Cổ văn quan chỉ”, đó là đoạn cổ văn rất nổi tiếng và đặc sắc.
Tư Mã Thác khi đó tâu với Tần Vương, một quốc gia nếu như muốn lớn mạnh thì tất phải mở rộng cương thổ; nếu như muốn lớn mạnh về quân sự thì tất phải khiến cho dân chúng giàu có lên; nếu như một Quốc Quân tương lai muốn thành tựu nghiệp vương giả thì tất phải thuần hậu đạo đức của mình. Cương thổ quốc gia của người đã rộng lớn rồi, dân chúng giàu có rồi, đạo đức thuần hậu rồi, người không muốn thành tựu nghiệp vương cũng không thể. Ông nói hiện tại tuy nhà Chu đã suy yếu, nhưng thiên hạ đều coi đó là chủ chung. Chúng ta nếu công kích nhà Chu sẽ khiến họ tức giận. Những nước đó liên hợp lại đánh nước Tần, nước Tần tất sẽ rơi vào nguy hiểm.
“Thần kiến nghị hiện tại nên đi đánh nước Thục, nước Thục ở Tứ Xuyên, chúng ta nên đánh nước Thục là vì: Thứ nhất, nước Thục dễ đánh, thực lực quân sự của Thục yếu; Thứ hai, Quốc Quân nước Thục là người bạo ngược, có tiếng như vua Trụ vua Kiệt, chúng ta đánh họ, chiếm được ưu thế về đạo nghĩa; Thứ ba, cương vực của nước Thục rộng lớn, đánh hạ rồi có thể tăng thêm nguồn thu nhập tài chính dồi dào cho nước Tần”.
Cuối cùng Tư Mã Thác thưa: “Nhổ một nước mà thiên hạ không thấy là bạo, lợi tận Tây Hải mà thiên hạ không coi là tham. Ta nhất cử mà danh nghĩa và thực lực đều được, lại có tiếng là cấm bạo dừng loạn. Tổn thất về quân sự nhỏ nhất, thu hoạch được lợi ích lớn nhất, người khác cũng sẽ không nói chúng ta làm một chuyện xấu”.
Tần Vương nghe theo kiến nghị của Tư Mã Thác, vào năm 316 TCN tiêu diệt nước Thục. Nước Tần năm 314 TCN tiêu diệt nước Nghĩa Cừ. Nghĩa Cừ là một nước dân tộc thiểu số, nay là tỉnh Cam Túc, tại phía tây nước Tần. Nghĩa Cừ bị diệt vong chẳng những mở rộng bản đồ của nước Tần, mà còn giải trừ được nỗi lo đông tiến về sau của nước Tần. Điều này cùng một đạo lý với việc Gia Cát Lượng trước khi bắc phạt Trung Nguyên, đã đi phương nam bảy lần bắt Mạnh Hoạch, giải trừ nỗi lo về sau.
Lời bạch: Năm 316 TCN sau khi nước Tần diệt nước Thục, biên giới tiếp giáp giữa hai nước Tần – Sở kéo ra rất dài. Nước Sở bị mất một vùng đất hòa hoãn quan trọng với nước Tần, dẫn đến khả năng nước Sở từng bước bị nước Tần xâm chiếm. Nhưng còn có một vấn đề, đó là quan hệ giữa nước Sở và nước Tề rất tốt. Nếu như muốn thôn tính nước Sở, trước hết phải ly gián quan hệ ngoại giao giữa nước Tề và nước Sở. Vậy thì vua tôi nước Tần sẽ làm như thế nào?
Trương Nghi lúc ấy làm tướng quốc nước Tần, nhưng năm 313 TCN, sau khi nước Tần diệt Nghĩa Cừ được hai năm, Trương Nghi đi đến nước Sở. Quốc Quân nước Sở là Sở Hoài vương lập tức phong Trương Nghi làm tướng quốc nước Sở. Đây cũng là hiện tượng rất thú vị trong những năm Chiến quốc: mời đại thần của nước đối địch đến làm tướng quốc của quốc gia mình.
Trương Nghi tâu với Sở Hoài vương: “Tần Vương của thần rất yêu mến ngài, người mà thần muốn hầu hạ nhất cũng là Đại Vương, nhưng chúng thần có một nỗi lo lắng, chúng thần không ưa nước Tề, mà nước Sở hiện tại lại có mối giao hảo tốt với nước Tề”.
Ông thưa: “Chi bằng chúng ta hãy làm một giao dịch, chỉ cần nước Sở đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao với nước Tề, chúng thần nguyện ý trả lại đất đai trước kia đã từng chiếm của nước Sở. Thương Vu là mảnh đất ngày nay nằm giữa từ huyện Lạc Thương tỉnh Thiểm Tây đến huyện Tây Hạp tỉnh Hà Nam rộng sáu trăm dặm”. Trương Nghi nói: “Chúng thần nguyện ý đem đất Thương Vu sáu trăm dặm này trả về cho nước Sở”.
Quân thần nước Sở nghe vậy vô cùng vui mừng, Sở Hoài vương chẳng những phong Trương Nghi làm tướng, mà còn mỗi ngày cùng Trương Nghi thưởng rượu. Lúc uống rượu ông ta hễ gặp ai thì nói ta sắp thu hồi được mảnh đất Thương Vu sáu trăm dặm rồi. Những đại thần bên dưới đều rất hồ đồ, bọn họ đều biểu thị chúc mừng đến Sở Vương.
Chỉ có một người tỏ ra đau buồn với Sở Vương, người này là Trần Chẩn. Sở Hoài Vương đã hỏi ông ta làm sao mà như có quốc tang, sao tỏ ra đau buồn thế?
Trần Chẩn thưa: “Đại vương người thử nghĩ xem, nước Tần sở dĩ muốn quan hệ tốt với nước Sở là do họ sợ liên minh giữ nước Sở và nước Tề. Nếu như liên minh này kết thúc, nước Tần chẳng lẽ còn sợ nước Sở sao? Đến lúc đó ông ta sẽ trả lại đất cho chúng ta sao? Thần có một kiến nghị này, chúng ta trước tiên lấy lại đất từ nước Tần trở về, sau đó mới đoạn tuyệt quan hệ với nước Tề. Nếu chúng ta cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước Tề trước, chúng ta sẽ yếu đi, sau đó nước Tần không trả lại đất đai cho chúng ta, bằng như chúng ta đã đắc tội với nước Tề, lại không thu được lợi ích từ nước Tần, chúng ta chẳng phải là người thua thiệt lớn nhất sao?”.
Sở Vương quát: “Ngươi câm mồm, ngươi hãy xem ta thu hồi lại đất Thương Vu như thế nào”.
Con người tự phụ Sở Hoài Vương này liền cử tướng quân Phùng Hầu Sửu đi cùng Trương Nghi đến nước Tần để thu đất.
Trương Nghi là người giỏi ngoại giao, khi ông ta cùng Phùng Hầu Sửu đi đến nước Tần, hai người uống rượu tâm tình, vui như ruột thịt, quan hệ thật tốt. Vừa mới tới biên giới nước Tần, Trương Nghi liền giả vờ say rượu ngã từ trên xe xuống, ông ta kêu lên bị trật chân rồi, ta phải kịp thời đi khám bệnh, nói xong Trương Nghi lập tức đi mất.
Phùng Hầu Sửu đến nước Tần đợi ba tháng, ông ta tìm Tần Vương thưa: “Đại Vương có đem đất trả lại cho nước Sở hay không?”. Tần Vương trả lời: “Chuyện này phải Trương Nghi tấu mới xong”. Ông ta đi tìm Trương Nghi, Trương Nghi báo có bệnh không tiếp khách. Phùng Hầu Sửu ở nước Tần rất lúng túng khó xử, ông ta phái người về báo cáo tình hình cho Sở Hoài Vương.
Sở Hoài Vương nói: “Ồ, Tần Vương không trả chúng ta đất, chắc vì chê quan hệ của chúng ta với nước Tề chưa dứt khoát”. Sở Hoài Vương liền phái một tráng sĩ là Tống Khiển đến triều đường nước Tề nhục mạ Tề Vương.
Hai nước vốn có quan hệ rất tốt, đột nhiên có người đến chuyên để chửi mình, đương nhiên Tề Vương rất tức giận. Tề Vương hẹn với nước Tần tấn công nước Sở. Khi sứ giả nước Tề đến nước Tần, Trương Nghi biết rằng gian kế của mình đã thành công.
Trương Nghi từ trong nhà đi ra, thấy Phùng Hầu Sửu giả vờ kinh ngạc. Ông ta nói: “Ơ kìa, ông làm sao mà vẫn ở đây, làm sao vẫn chưa về đi?”. Phùng Hầu Sửu nói: “Tôi đang đợi mảnh đất Thương Vu 600 dặm”.
Trương Nghi trả lời: “Ông nghe nhầm rồi, đất đai của nước Tần đều là huyết chiến mới giành được, mỗi một tấc đất đều đổ biết bao nhiêu máu của binh sĩ chúng tôi, chúng tôi làm sao có thể vô duyên vô cớ đem mảnh đất lớn như thế giao trả cho ông. Tôi nói là đất của riêng tôi được phong, từ chỗ nào đó đến chỗ nào đó, chỉ có sáu dặm vuông”.
Khi đó Phùng Hầu Sửu biết đã bị mắc lừa rồi, cũng tức điên lên, ông ta quay về báo lại tình hình cho Sở Hoài Vương, Sở Hoài Vương cũng vô cùng tức giận.
Sở Hoài Vương quyết định phát binh đánh nước Tần. Lúc đó Trần Chẩn, là người từng bị Sở Hoài Vương kêu câm miệng, tới hỏi Sở Hoài Vương: “Bây giờ thần có thể mở miệng nói được chưa?”. Sở Hoài Vương nói: “Ngươi nói đi”.
Trần Chẩn khuyên: “Hiện tại chúng ta tuyệt đối không thể dẫn binh đánh Tần, vì sao ư? Bởi vì thứ nhất chúng ta đánh không lại nước Tần, so sánh thực lực quân sự chúng ta đánh không thắng được, ngoài việc bị thua trận ra thì không có điểm lợi nào. Nếu như trước đây khi chúng ta có mối giao hảo tốt với nước Tề, liên quân của chúng ta tấn công nước Tần, khả năng thắng là tương đối lớn. Hiện tại chúng ta không có gì chắc chắn cả.
Tính kế cho trước mắt, dù gì ngài cũng đã đắc tội với nước Tề thì hãy đắc tội tới cùng, làm thế nào ư? Chúng ta cắt một thành cho nước Tần, sau đó cùng nước Tần tấn công nước Tề. Như vậy chúng ta ở đây mặc dù tổn thất mất một thành, nhưng chúng ta có thể lấy được một vùng đất rộng lớn từ nước Tề, cái này chẳng phải bù đắp được tổn thất rồi sao?”.
Sở Hoài Vương vẫn còn tương đối có lương tâm, ông nói đắc tội với ta là nước Tần, tại sao ta lại dẫn binh đánh nước Tề? Đương nhiên ông ta khả năng còn có một nguyên nhân khác, ông không đánh nước Tần thì không hả được cơn giận này.
Năm 312 TCN, nước Sở tấn công nước Tần, đánh một trận là thua lớn. Đại tướng quân Khuất Cái tử trận, đồng thời tử trận còn có hơn bảy mươi tướng dưới quyền cùng tám vạn binh sĩ. Nước Sở chẳng những tử vong nhiều binh lính và tướng quân như vậy, họ còn bị mất cả vùng Hán Trung.
Đương nhiên Sở Hoài Vương càng tức giận hơn, ông ta dốc hết lực lượng cùng nước Tần quyết chiến một trận tại Lam Điền, kết quả lại bị đánh bại.
Nước Hàn và nước Ngụy nghe nói nước Sở bại trận, lợi dụng lúc người ta gặp khó khăn, đều xuất binh đánh Sở chiếm chút lợi lộc. Khi đại quân đi đến huyện Đặng Chính, huyện Đặng thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay, Sở Hoài Vương nghe nói nước Hàn và nước Ngụy cũng xuất binh, ông không dám tiến tiếp, lệnh rút quân trở về.
Năm thứ hai, năm Sở Hoài Vương thứ 18, cũng là năm 311 TCN, nước Tần lại phái một sứ thần đến nước Sở giảng hòa.
Sứ thần nước Tần nói: “Kỳ thật nước Tần chúng thần vẫn rất muốn cùng ngài giữ gìn mối quan hệ. Chúng ta hãy ngừng giao tranh, chúng thần có thể đem một nửa mảnh đất Hán Trung mà chúng thần chiếm được trả lại cho ngài, hai nước chúng ta sẽ ký kết một hiệp ước hữu nghị, ngài thấy thế nào?”.
Việc này trong “Sử ký” và “Tư trị thông giám” ghi chép không giống nhau. Trong “Sử ký” nói là Hán Trung, “Tư trị thông giám” nói là khu vực Kiềm Trung, là chỗ giao giới giữa tỉnh Hồ Nam và tỉnh Quý Châu ngày nay.
Sở Hoài Vương đáp: “Ta không cần mảnh đất Hán Trung sáu trăm dặm kia, ta muốn Trương Nghi. Ngươi không cần trả ta đất đai, ngươi hãy đưa Trương Nghi đến đây”.
Trương Nghi nghe nói vậy đã thưa lên Tần Vương rằng mình muốn đi sứ sang Sở. Tần Vương nói: “Ngươi không thể đi, ngươi đi không phải để tìm cái chết sao?”.
Trương Nghi thưa: “Thần có niềm tin, có hai nguyên nhân mà Sở Vương sẽ không giết thần: thứ nhất, nước Sở rất sợ nước Tần, thần lại là sủng thần của Đại Vương, ông ta sẽ không dám giết thần; thứ hai, thần còn có hai bảo hiểm quan trọng, đó là hai vị rất được sủng tín của Sở Hoài Vương. Một vị đại thần của ông ta gọi là Cận Thượng, người còn lại là mỹ nhân Trịnh Tụ được ông ta sủng ái. Hai người này thần có thể dễ dàng đối phó, chỉ cần nắm chắc được họ, họ nói gì, Sở Vương liền nghe nấy, cho nên thần sẽ không gặp bất kỳ nguy hiểm nào”.
Tần Vương liền phái Trương Nghi đi đến nước Sở.
(Còn tiếp)
Xem thêm loạt bài “Tiếu đàm phong vân”
Do Bi Hui biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: