‘Tiếu đàm phong vân’: Tập 1 – Phong vân khó lường [Phần 3]
(Lời bạch: tháng 12 năm Kiến An thứ 13, trong trận chiến giữa 5 vạn liên quân Tôn – Lưu với đại quân Tào Tháo được xưng là 83 vạn nhân mã, một trận gió đông nam nổi lên trong thời tiết giá lạnh của mùa đông đã thiêu rụi chiến thuyền của Tào Tháo. Trận quyết chiến này so sánh lực lượng của đôi bên có sự chênh lệch rất lớn, với thắng lợi của liên quân Tôn – Lưu đã cải biến tiến trình lịch sử, đặt định ra kết quả chia ba thiên hạ của Tam quốc. Chuyện như vậy chỉ là trường hợp đặc biệt thôi sao?)
Xem lại: Tập 1 – Phần 2
Một trận gió lớn đã cải biến sự tình tiến trình chiến tranh như vậy đã phát sinh nhiều lần trong lịch sử. Nếu như chúng ta tìm đọc, sẽ nhận thấy trong nhiều sách sử đều có ghi chép lại rất nhiều trường hợp như vậy. Chúng ta lại nói về một trường hợp, sự tình phát sinh vào năm thứ 2 triều Hán, chính là trong cuộc chiến tranh Sở – Hán, thời điểm Lưu Bang và Hạng Vũ tranh thiên hạ. Cuộc chiến này diễn ra ở Bành Thành, chính là thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô ngày nay. Bành Thành vốn là đô thành của Hạng Vũ, khi Hạng Vũ dẫn quân đi đánh đuổi những cánh quân của người khác, Lưu Bang bèn mang liên quân các nước, liên quân các chư hầu đánh tới Bành Thành.
Lúc ấy, quân đội của Lưu Bang tổng cộng có 56 vạn quân, mà Hạng Vũ chỉ có 3 vạn quân. Hạng Vũ nghe nói Bành Thành bị tập kích, ông lập tức mang binh trở về chiến đấu với liên quân các chư hầu. Hạng Vũ đánh trận là vô cùng lợi hại, mãi cho đến trước khi ông tự vẫn ở sông Ô Giang, thì ông không hề thua một trận chiến nào cả. Chỉ cần Hạng Vũ xuất binh, khẳng định ông sẽ thắng trận. Mặc dù ông cứ đánh là luôn thắng, nhưng quân đội của ông thì càng đánh càng yếu, bởi vì ông quá sùng bái vũ lực, về vấn đề này, về sau có cơ hội chúng ta lại nói đến.
Lần thứ nhất Hạng Vũ đánh với Lưu Bang, mặc dù ông chỉ có 3 vạn quân, Lưu Bang có 56 vạn quân, nhưng trận đánh thứ nhất Hạng Vũ liền tiêu diệt mười mấy vạn quân của Lưu Bang. Trận đánh thứ hai lại tiêu diệt mười mấy vạn quân của Lưu Bang. Về sau Hạng Vũ từ vùng phụ cận áp sát đến Bành Thành quyết chiến cùng với Lưu Bang. Quân đội của Lưu Bang sắp bị đánh cho tử vong gần hết rồi, mà chi viện không có. Với sự dũng cảm của Hạng Vũ như vậy, thì việc bắt Lưu Bang quả thực dễ như trở bàn tay vậy.
Ngay tại thời điểm ngàn cân treo sợi tóc ấy, theo ghi chép trong “Hạng Vũ bản kỷ – Sử Ký,” “Thế là có một trận gió lớn từ hướng Tây Bắc thổi tới, bẻ gãy cây, lật thốc mái nhà, làm bay cát đá, ban ngày tối đen, gió thổi thẳng vào quân Sở, khiến quân Sở đại loạn, tan rã, còn Hán Vương bèn cùng với mấy chục kỵ binh bỏ chạy.” Chính là lúc ấy đột nhiên nổi lên một trận gió lớn, thổi đến trời đất mịt mù, ban ngày giống như đêm tối, đồng thời ngọn gió này hướng về phía quân đội của Hạng Vũ mà thổi. Ngọn gió này quá lớn, quân của Hạng Vũ không mở mắt ra được. Thế là cuối cùng Hán Vương chỉ dẫn theo mấy chục người chạy mất. Nếu như lúc ấy, Hạng Vũ bắt được Lưu Bang, thì có lẽ Trung Quốc sẽ là một cảnh tượng khác. Lưu Bang chạy trốn được, về sau khai sáng giang sơn nhà Hán 400 năm.
Câu chuyện thứ ba liên quan đến ngọn gió lớn, phát sinh vào thời gian cuối nhà Nguyên đầu nhà Minh. Trong lịch sử trận chiến này được xưng là “Đại chiến hồ Bà Dương.” Đó là trận chiến giữa Chu Nguyên Chương và Trần Hữu Lượng. Chúng ta biết triều nhà Nguyên, là người Mông Cổ thống trị thiên hạ. Vào những năm cuối thời nhà Nguyên, có rất nhiều nông dân tạo phản, những người nông dân đứng lên tạo phản này đều là người Hán. Họ hiểu rõ được một điều rằng, chính là giang sơn của người Mông Cổ đã không còn trụ được bao lâu nữa. Trong các nhóm người tạo phản này, ai có thể giành chiến thắng cuối cùng, thì người đó chính là Hoàng đế tương lai. Cho nên quý vị sẽ nhận thấy, những đội quân tạo phản này, họ thường không đánh với quân đội nhà Nguyên, mà họ là đánh lẫn nhau. Vào thời đó, có rất nhiều rất nhiều đội quân nông dân tạo phản, đó là thời kỳ loạn thế anh hùng khởi tứ phương. Do đó vào thời ấy có rất nhiều đội quân nông dân đứng lên tạo phản như Trần Hữu Lượng, Trương Sĩ Thành, Phương Quốc Trân, Lưu Phúc Thông, Hàn Sơn Đồng, Chu Nguyên Chương v.v… Mà thế lực mạnh nhất lúc ấy chính là đội quân của Trần Hữu Lượng.
Vào lúc ấy, Trần Hữu Lượng đã chiếm cứ ba tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam và Giang Tây. Chu Nguyên Chương thống trị vùng mà ngày nay là thành phố Nam Kinh tỉnh Giang Tô. Trương Sĩ Thành thống trị vùng Tô Châu. Đây là ba đội ngũ nông dân khởi nghĩa lớn nhất. Vào năm 20 Chí Chính triều Nguyên, chính là năm 1360, đã xảy ra một trận chiến giữa Chu Nguyên Chương và Trần Hữu Lượng. Thật ra, quân đội của Chu Nguyên Chương cực kỳ có hạn, nhưng trong trận chiến này, ông đã dùng một số quỷ kế, đã đánh bại Trần Hữu Lượng.
Vào năm 1363, giữa Chu Nguyên Chương và Trần Hữu Lượng xảy ra một trận quyết chiến, địa điểm diễn ra trận quyết chiến này là ở hồ Bà Dương. Trước khi diễn ra trận đại chiến ở hồ Bà Dương, Trần Hữu Lượng có một vị tướng tên là Hồ Đình Thụy đang trấn thủ Hồng Đô, Hồng Đô chính là thành phố Nam Xương tỉnh Giang Tây ngày nay, nhưng Hồ Đình Thụy bị Chu Nguyên Chương thuyết phục làm phản. Trần Hữu Lượng đã rất tức giận, chẳng khác nào nhà của mình bị người khác đoạt mất, thế nên lúc ấy Trần Hữu Lượng mang theo 60 vạn đại quân đến tấn công Hồng Đô. Chu Nguyên Chương phái người cháu ruột là Chu Văn Chính ra thủ thành. Hai bên đánh nhau tại Hồng Đô trong thời gian ba tháng. Trần Hữu Lượng mang 60 vạn đại quân kéo đến tấn công một tòa thành trong ba tháng, vậy mà không đánh hạ được. Đương nhiên, Hồng Đô cũng vô cùng nguy ngập, đúng lúc này Chu Nguyên Chương dốc toàn bộ đại quân của mình, chẳng qua cũng chỉ là mười mấy vạn quân đi cứu viện cho Nam Xương.
Trần Hữu Lượng nghe nói kẻ thù lâu năm đã tới rồi, liền vô cùng tức giận, đem toàn bộ quân đội của mình tập kết lại, không thèm tấn công Hồng Đô nữa, mà muốn lập tức quyết chiến với Chu Nguyên Chương. Quân đội của Trần Hữu Lượng từ Nam Xương xuôi theo hồ Bà Dương đi về phía bắc, quân đội của Chu Nguyên Chương xuôi theo hồ Bà Dương đi về phía nam, hai đội quân gặp nhau tại một nơi. Thuyền của quân Trần Hữu Lượng hết sức hết sức lớn, sau khi Chu Nguyên Chương nhìn thấy thuyền của quân Trần Hữu Lượng đã rất hoảng hốt. Ở cuốn thứ nhất của “Minh sử” có nói, “quân của Hữu Lượng có 60 vạn, các thuyền lớn liên kết lại dàn thành trận, cao hơn mười trượng (hơn 33m), kéo dài mấy chục dặm, cờ xí giáo mác khiên chắn nhìn từ xa giống như núi.” Thuyền của Trần Hữu Lượng cao lớn mười mấy trượng, thoạt nhìn giống như ngọn núi. Thuyền của Chu Nguyên Chương rất nhỏ, không cần giao đánh, Trần Hữu Lượng chỉ dùng thuyền đâm vào cũng nhấn chìm tất cả thuyền của Chu Nguyên Chương.
Trận chiến này là trận chiến quyết định vận mệnh tương lai của hai người Chu Nguyên Chương và Trần Hữu Lượng, người thắng sẽ có được thiên hạ, người thất bại sẽ không còn gì cả. Bởi vậy cả hai người họ đều dốc hết toàn lực. Trần Hữu Lượng với 60 vạn đại quân, Chu Nguyên Chương với mười mấy vạn đại quân, hơn nữa vũ khí của phía Chu Nguyên Chương tương đối có vấn đề. Trong ba ngày đầu hai bên đánh nhau, Chu Nguyên Chương đều không chiếm được ưu thế. Hơn nữa, vào ngày đầu tiên, Chu Nguyên Chương suýt chút nữa bị dũng tướng của Trần Hữu Lượng là Trương Định Biên giết chết. Đánh nhau đến ngày thứ ba, quân của Chu Nguyên Chương tổn thất vô cùng lớn, đương nhiên phía Trần Hữu Lượng cũng chết không ít người, nhưng vấn đề là lực lượng của Chu Nguyên Chương chẳng có bao nhiêu, đả thương người ta một vạn thì mình cũng bị tổn thất đến tám ngàn. Đối phương là 60 vạn, mà ông chỉ có mười mấy vạn, cho dù đánh đến binh sĩ cuối cùng, thì ông cũng không thể tiêu diệt hết toàn bộ quân đội của đối phương được. Đến ngày thứ tư của cuộc chiến, Chu nguyên Chương đã sắp không chịu đựng được nữa, thì thuộc hạ của Chu Nguyên Chương là tướng quân Quách Hưng liền nói với Chu Nguyên Chương rằng: So sánh thực lực của hai bên quá chênh lệch, khả năng duy nhất để chúng ta có thể chiến thắng chính là dùng lửa đốt rụi thuyền của Trần Hữu Lượng.
Chu Nguyên Chương nói chủ ý này rất hay. Lập tức liền chuẩn bị một số thuyền nhỏ, rồi đổ dầu vào trong thuyền, chất đầy cỏ lau. Thế nhưng, Chu Nguyên Chương lại gặp một vấn đề giống với Chu Du, đó là không có gió. Nếu như gió không thổi về hướng của quân Trần Hữu Lượng, thì như vậy chỉ có thể liều mạng mà đánh. Lúc ấy đánh nhau vô cùng khốc liệt. Quân của Chu Nguyên Chương tấn công thuyền của Trần Hữu Lượng chính là giống như leo tường thành vậy, gọi là ngưỡng công (ngửa mặt tấn công), “ngưỡng công bất lợi.” Trong “Minh sử” có ghi lại rằng, “chư tướng đều có biểu hiện hoảng sợ,” mọi người đều rất sợ hãi. Chu Nguyên Chương tự mình cầm bảo kiếm, đứng ở đầu thuyền đôn đốc chiến đấu, tự tay giết rất nhiều người. Dĩ nhiên Chu Nguyên Chương giết đều là giết quân của mình. Ông lệnh cho tướng quân của mình xông về phía trước, hễ người nào chùn chân không tiến lên phía trước, Chu Nguyên Chương liền giết ngay, đã giết khoảng mười mấy người. Ngay lúc này đây, nếu như gió còn không nổi lên, Chu Nguyên Chương liền xong đời. Nhưng cũng ngay tại thời điểm này, theo như “Minh sử” ghi chép, là vào khoảng giờ Thân, là thời gian từ 3 giờ chiều đến 5 giờ chiều, đột nhiên gió nổi lên, hơn nữa ngọn gió này là thổi về hướng quân Trần Hữu Lượng. Chu Nguyên Chương xem xét, thấy đây là thời cơ ngàn năm có một, thuận theo thế gió châm lửa. Lúc ấy Trần Hữu Lượng phạm vào một sai lầm giống như Tào Tháo. Khẳng định là Trần Hữu Lượng chưa từng đọc “Tam quốc diễn nghĩa,” ông ta cũng dùng khóa sắt đem các thuyền nối lại với nhau. Cho nên chỉ cần một mồi lửa này thôi, quân của Trần Hữu Lượng bị chết mười mấy vạn người. Chu Nguyên Chương hầu như đã giành được thắng lợi mang tính quyết định.
Mặc dù Trần Hữu Lượng tổn thất mười mấy vạn quân, nhưng lực lượng của ông ta vẫn còn. Vào tối hôm đó, Trần Hữu Lượng nói: Ta còn có một biện pháp có thể giải quyết được Chu Nguyên Chương. Ông nói, ta chú ý tới một vấn đề, tất cả thuyền của Chu Nguyên Chương ấy, chỉ có chiếc thuyền chỉ huy kia của Chu Nguyên Chương là có cột buồm màu trắng. Bởi vì Chu Nguyên Chương phải có một con thuyền chỉ huy, mọi người phải biết rằng đó là thuyền chỉ huy, cho nên phải có dấu hiệu khác biệt đối với những con thuyền khác. Trần Hữu Lượng nói, Chu Nguyên Chương chính là ở trên con thuyền có cột buồm màu trắng ấy, nếu như ngày mai chúng ta không thể tiêu diệt quân đội của Chu Nguyên Chương, thì chúng ta liền tiêu diệt Chu Nguyên Chương, cho nên ngày mai chúng ta tập trung toàn bộ binh lực, tấn công vào con thuyền có cột buồm màu trắng kia. Bên này Trần Hữu Lượng đều đã bố trí xong hết thảy.
Vào tối ngày hôm đó Chu Nguyên Chương cũng đang họp, Chu Nguyên Chương nói: Ta nói với các vị một việc, nhất định phải làm được vào tối hôm nay. Là chuyện gì đây? Sơn cột buồm của tất cả các thuyền thành màu trắng. Vì thế khi giao chiến vào hôm sau, Trần Hữu Lượng vừa nhìn thấy tất cả cột buồm của thuyền quân Chu Nguyên Chương đều là màu trắng, thì liền ngớ ra. Toàn bộ phòng tuyến tâm lý của ông ta sụp đổ. Lần quyết chiến thứ hai Trần Hữu Lượng lại thất bại. Đại khái là hai bên giằng co nhau khoảng một tháng, lương thực của bên Trần Hữu Lượng cũng không còn. Trần Hữu Lượng là một người rất bạo ngược, những tướng quân thuộc hạ của ông ta lại đua nhau chạy trốn cuối cùng Trần Hữu Lượng đã không còn khả năng để giao chiến với Chu Nguyên Chương tiếp nữa, cuối cùng quyết định đột phá vòng vây. Chúng ta biết hồ Bà Dương, nó giống như một cái túi vậy, phía nam rộng phía bắc hẹp. Như thế Chu Nguyên Chương dùng thuyền của mình vây chặn toàn bộ cửa vào hồ. Cho nên khi Trần Hữu Lượng đột phá vòng vây, thì liền đụng phải phòng tuyến của Chu Nguyên Chương. Tại trong trận chiến này, một mũi tên lạc đã bắn trúng Trần Hữu Lượng, mũi tên bắn vào mắt và xuyên qua đầu. Kẻ kiêu hùng một đời đã mất mạng như vậy. Ai đã bắn mũi tên đó vậy? Không biết được, trong “Minh sử” không có ghi lại điều này.
Trận chiến này đã triệt để phá tan tập đoàn quân sự của Trần Hữu Lượng, cũng đặt định cơ sở vững chắc để giúp Chu Nguyên Chương trở thành Hoàng đế khai quốc của triều đại nhà Minh. Lúc ấy nếu như trận gió lớn kia lại nổi lên trễ một canh giờ, thì Chu Nguyên Chương có thể cầm cự không nổi nữa.
Vào năm 1368 Chu Nguyên Chương xưng Đế, thành lập triều Minh, lấy niên hiệu là Hồng Vũ.
Nói đến đây, tôi thuận tiện nói một chút về cách gọi Hoàng đế thời xưa. Bởi vì khi đọc sách sử, danh xưng Hoàng đế này rất phức tạp. Trong quá khứ Hoàng đế có ba loại danh hiệu là: miếu hiệu, thụy hiệu, niên hiệu. Điều này có mối quan hệ gì? Rất nhiều Hoàng đế muốn sau khi băng hà, phải đem bài vị của họ đến đặt bên trong Tông miếu (miếu thờ Tổ tiên). Ở trong Tông miếu phải đặt cho vị đó một cái tên, cái tên này được gọi là miếu hiệu. Miếu hiệu thường được đặt là gì gì đó Tổ, gì gì đó Tông. Bình thường mà nói, lập công thì gọi là Tổ, lập đức thì gọi là Tông, chính là nếu vị ấy lập được rất nhiều công lao to lớn, lập rất nhiều công lao to lớn cho quốc gia này thì được gọi là gì gì đó Tổ, giống như Thái Tổ thì chỉ vị này có công khai quốc đối với quốc gia này. Thế còn lập đức thì sao, chính là được gọi là Tông. Như vậy phàm là chúng ta nghe đến gì gì đó Tổ, gì gì đó Tông, thì cái tên đó thuộc về miếu hiệu, là tên gọi bên trong Tông miếu.
Còn có một loại danh xưng như thế, gọi là thụy hiệu. Thụy hiệu là chỉ Hoàng đế sau khi băng hà, cần làm một tổng kết đối với hành vi cả đời của Hoàng đế đó. Kết quả của sự tổng kết này chính là thụy hiệu. Tỉ như nói Hán Vũ Đế, thì chữ “Vũ” này chính là thụy hiệu, bởi vì ông ấy khai đất mở rộng biên giới, mở rộng lãnh thổ Vương triều Đại Hán ra rất nhiều, cho nên gọi là Vũ đế. Như vậy trên thực tế cách gọi đầy đủ của Hán Vũ Đế phải là “Thế Tông Hiếu Vũ Hoàng đế.” Thế Tông là miếu hiệu của ông, Hiếu Vũ là thụy hiệu của ông. Trước thời nhà Đường ở Trung Quốc cách gọi Hoàng đế thường gọi bằng thụy hiệu. Phàm là khi mọi người nghe gọi gì gì đó Đế, thì đây là chỉ thụy hiệu, ví như Hán Vũ Đế, Ngụy Vũ Đế, Ngụy Văn Đế, Tùy Dương Đế, Hán Tuyên Đế, đây đều là thụy hiệu. Nếu mọi người nghe đến gì gì đó Tổ, gì gì đó Tông, thì cái này thuộc về miếu hiệu.
Đến thời nhà Đường, bắt đầu phổ biến gọi Hoàng đế bằng miếu hiệu, tỉ như nói Đường Cao Tổ, Đường Thái Tông, Tống Thái Tổ, Tống Nhân Tông v.v. Gì gì đó Tổ, gì gì đó Tông, thì cái này thuộc về miếu hiệu.
Đến thời nhà Minh và nhà Thanh lại phát sinh ra một sự thay đổi, Trung Quốc từ thời Hán Vũ Đế bắt đầu lưu truyền lại một truyền thống, chính là khi một Hoàng đế đăng cơ thì cần phải thay đổi niên hiệu. Vị Hoàng đế đó phải đặt ra một niên hiệu. Niên hiệu đầu tiên của Trung Quốc là do Hán Vũ Đế đặt ra, gọi là Kiến Nguyên. Có Hoàng đế có rất nhiều niên hiệu, như Hán Vũ Đế là một ví dụ. Thời Đường Huyền Tông có hai niên hiệu, một niên hiệu là Khai Nguyên, một niên hiệu nữa là Thiên Bảo. Chính là dựa theo thời gian đó mà tính xem vị Hoàng đế ấy đã làm Hoàng đế được bao nhiêu năm.
Trước thời nhà Minh, Hoàng đế có thể có rất nhiều niên hiệu. Nhưng đến giai đoạn nửa sau thời nhà Minh, đặc biệt đến thời nhà Thanh, trên cơ bản một vị Hoàng đế chỉ có một niên hiệu. Một khi Hoàng đế đăng cơ, sau khi đổi niên hiệu thì niên hiệu đó sẽ không thay đổi nữa. Cho nên nói, từ thời Minh, Thanh trở về sau, thường dùng niên hiệu để gọi các vị Hoàng đế. Ví như chúng ta nói Hoàng đế Khang Hy, Khang Hy là niên hiệu, năm Khang Hy đầu tiên, năm Khang Hy thứ hai, mãi cho đến năm Khang Hy năm bao nhiêu đó. Như thế vào thời nhà Minh và nhà Thanh, là dùng niên hiệu để gọi tên các đời Hoàng đế.
(Còn tiếp)
Do Bi Hui thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Tham khảo bản gốc từ Epoch Times tiếng Hoa
Xem thêm: