Tiết lộ huyền cơ trong câu chuyện ngụ ngôn ‘Ngu Công dời núi’
Tác giả đã làm một khảo sát nhỏ, trong những tình huống và thời gian khác nhau, đã hỏi nhiều người cùng một câu hỏi rằng: Theo bạn, câu chuyện “Ngu Công dời núi” đã truyền tải những tinh thần gì cho chúng ta?
Trong số những người được hỏi, có người có địa vị cao trong xã hội, có người là giảng viên hoặc sinh viên tốt nghiệp, và cũng có cả những người có trình độ văn hóa thấp hơn. Tuy nhiên, điều bất ngờ là câu trả lời của họ lại nhất quán với nhau, đại ý là:
Truyện “Ngu Công dời núi” có tư tưởng chính là: Phản ánh khí phách hiên ngang, nghị lực phi thường của con người khi cải tạo tự nhiên, đồng thời nói lên bài học rằng con người phải quyết tâm, kiên trì và bền bỉ khi đối mặt với khó khăn trở ngại.
Tác giả lại hỏi họ, còn phản ánh điều gì khác không, thì hầu hết họ đều lắc đầu nói: “Hết rồi.”
Ngoài ra, khi tra cứu trên mạng hoặc các phương tiện truyền thông khác, cũng ra kết quả đều giống nhau. Còn hình ảnh tìm được đều là hình ảnh người đào núi, nhưng hình ảnh hai vị Thần dời núi thì không thấy đâu.
Vậy những câu trả lời như trên có đúng không? Hình ảnh minh họa có sát với cốt truyện không? Dưới góc nhìn của tác giả, nó vừa đúng vừa sai. Chỗ đúng thì nằm ở phần phụ, còn chỗ sai thì nằm ở chỗ không thể hiện được ngụ ý tinh hoa trong câu chuyện. Vậy, truyện ngụ ngôn “Ngu Công dời núi” rốt cuộc hàm chứa ý nghĩa tinh hoa gì?
Văn hoá truyền thống Trung Quốc giống như dòng sông dài bao la rộng lớn, có lịch sử lâu đời, và chất chứa những giá trị sâu sắc, bác đại tinh thâm. Đặc biệt, phần thượng nguồn của dòng sông lớn này là văn hóa tu luyện và đắc Đạo, bao gồm hai gia phái lớn Phật gia và Đạo gia, v.v. Còn phần hạ lưu dòng sông lại là văn hóa trị nước an dân và đạo làm người khi nhập thế.
Khổng Tử, người sáng lập Nho gia, với học vấn uyên bác và được mệnh danh là “nhân trung chí Thánh” (Thánh hiền trong nhân gian). Tuy nhiên, theo ghi chép lịch sử, ông đã bốn lần vấn lễ cầu giáo Lão Tử, người sáng lập ra Đạo gia, và hết sức khâm phục trí tuệ và học thức của Lão Tử, người được ví như “Thần long kiến thủ bất kiến vĩ” (Rồng Thần chỉ thấy đầu mà không thấy đuôi). Khổng Tử cũng thu được nhiều thọ ích từ lời dạy và khai thị của Lão Tử.
Người Trung Quốc tự xưng là con cháu Viêm Hoàng, còn Hoàng Đế, người góp phần to lớn trong việc khai sáng nền văn minh 5,000 năm của Trung Hoa, được tôn làm Văn nhân sơ tổ (tức là ông tổ nhân văn ban đầu của Hoa Hạ.) Dù là vậy, ông vẫn lên núi thỉnh Tiên, và hỏi Quảng Thành Tử thần tiên về phép trị quốc an dân.
Câu chuyện về Nhân trung chí Thánh Khổng Tử và Văn nhân sơ tổ Hoàng Đế vấn Đạo phỏng Tiên đã cho chúng ta thấy rằng, văn hóa tu luyện để xuất thế là nguồn gốc của văn hóa làm người trong thế gian này. Trong đó văn hóa tu luyện là nền móng, cơ sở nuôi dưỡng, sáng tạo và phát triển văn hóa làm người.
Vậy, tinh hoa của văn hóa Trung Hoa là gì? Nó hiển nhiên là văn hóa tu luyện để xuất thế. Bất ngờ thay, những điều bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc chụp mũ là mê tín phong kiến, văn hóa cặn bã ấy, thực ra lại là tinh hoa chân chính trong văn hóa Trung Hoa.
Nếu hiểu được cội nguồi của văn hóa Trung Hoa, phân biệt được đâu là tinh hoa văn hoá Trung Hoa, chúng ta sẽ dễ dàng tìm được đáp án cho câu hỏi trong bài viết này.
Câu chuyện “Ngu Công dời dúi” nằm trong chương năm của cuốn “Liệt Tử – Thang Vấn”. Liệt Tử có tên ban đầu là Liệt Ngự Khấu, sinh ra ở Phố Điền (nay là Trịnh Châu, Hà Nam) vào thời Chiến Quốc. Ông là nhà tư tưởng vào đầu thời Chiến Quốc. Ngoài Lão Trang ra, thì ông chính là nhân vật đại diện khác của Đạo gia. “Ngu Công dời núi” kể về câu chuyện một ông lão “ngu” ngốc không ngại khó khăn gian nan, mặc kệ lời cười nhạo châm chọc của mọi người, quyết chí đào núi cắt đất, cuối cùng cảm động được Thiên Đế, nên Ngài đã phái hai vị Thần Tiên hạ phàm, dời hai ngọn núi đi nơi khác.
Trương Trạm, Đại học gia, Huyền học gia, Dưỡng sinh gia thời Đông Tấn, là người chỉnh lý và chú thích sớm nhất cuốn “Liệt Tử”. Ông nhận định, câu chuyện “Ngu Công dời núi” bắt nguồn từ bản kịch dịch “Phật Thuyết Lực Sĩ Di Sơn Kinh” của danh tăng Trúc Hộ Pháp. Thần thoại dời núi là đề tài phổ biến trong kinh Phật thời Trung cổ, tác giả của cuốn “Liệt Tử” đã từng đọc “Phật Thuyết Lực Sĩ Di Sơn Kinh” một cách có hệ thống. Quan điểm trên của Trương Trạm có thể giải thích nguồn gốc và mỗi quan hệ sâu xa giữa Phật giáo và câu chuyện Ngu Công trong “Liệt Tử”.
Câu chuyện Ngu Công dời núi có cốt truyện được thể hiện theo trình tự là: Hai ngọn núi lớn → Ông lão Ngu Công → Triệu tập gia đình bàn bạc → Công bố dự định dời núi → Vợ dấy lên nghi ngờ → Ngu Công và người nhà chăm chỉ miệt mài cắt đất đào núi → Hàng xóm giúp đỡ → Trí Tẩu mỉa mai nhạo báng → Ngu Công tiếp tục bày tỏ ý chí dời núi → Thiên Đế xuất hiện → Phái hai vị Thần đến giúp Ngu Công dời núi.
Có câu “Thiên chuy đả la, nhất chuy định âm” (ngàn chuỳ gõ vào chiêng, mỗi chuỳ định một âm, ý nói làm việc cần dứt khoát). Phía trước của câu chuyện đều là bước đệm, và yếu tố cuối cùng mới là điều thể hiện thực sự.
Khi đánh giá từ góc độ danh tính của tác giả, nguồn gốc văn hóa, bố cục sự kiện của truyện “Ngu Công dời núi” và nội dung tổng thể của cuốn “Liệt Tử”, tác giả cho rằng chủ đề của câu chuyện này nên được quy về thượng lưu của dòng sông văn hóa Trung Hoa. Câu chuyện ngụ ngôn này đã tiết lộ cho chúng ta về đạo lý “Thiên nhân hợp nhất”, từ đó khải thị cho thế nhân về huyền cơ thực sự. Còn “bất chấp gian khổ hiểm nguy” và những giá trị tương tự chỉ là sản phẩm phụ hàm chứa trong câu chuyện này.
Do đó, câu chuyện Ngu Công dời núi muốn biểu đạt tư tưởng chính là: “Thiên nhân hợp nhất, trên đầu ba thước có Thần linh; Thành tâm tín Phật, sẽ được Thần phật giúp đỡ.”
Truyện ngụ ngôn là một thể loại văn học sử dụng những câu chuyện ẩn dụ để thể hiện những đạo lý thâm sâu và truyền cảm hứng đến mọi người. Từ một khía cạnh khác, nếu đặt tên truyện “Ngu Công dời núi” thành “Thiên Đế dời núi” có lẽ sẽ phù hợp hơn với ý định ban đầu của tác giả.
Trung Quốc được mệnh danh là mảnh đất Thần Châu, từ xa xưa đã là đất nước tràn đầy Thần tính, lưu truyền nhiều Thần tích, người dân tín Thần, kính Thần, tu luyện thành Thần. Cũng nhờ vậy, Thần đã khải thị huyền cơ trong từng con chữ của Đan Kinh, Đạo Tạng, cũng như các câu chuyện thần thoại truyền bá trong dân gian, giúp lưu truyền và kế thừa văn hóa Thần tính từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Vậy tại sao người Trung Quốc ngày nay lại nhất trí, đem tư tưởng “Thần cách” trong truyện Ngu Công dời núi nói giảm nói tránh thành “nhân cách”? Nguyên nhân ở đây có thể là do kết quả truyền bá và đầu độc trường kỳ chủ nghĩa vô thần của chính quyền Trung Cộng hiện nay. Người dân Trung Quốc từ nhỏ đến lớn chưa từng được nghe những điều khác ngoài “Ba kinh điển” của Mao Trạch Đông. Trên lớp thầy dạy thế này, về nhà cha mẹ giải thích thế kia, trong khi những đứa trẻ như tờ giấy trắng, ngây thơ tiếp nhận những giáo điều rập khuôn, và không cách nào tiếp xúc và nhận thức được “Thần cách” vốn thuộc về văn hóa truyền thống lâu đời.
Đạn Phong Trần thực hiện
Lâm Phương Vũ biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ