Tiếp tục có sự “chia rẽ” giữa ông Tập và ông Lý tại lưỡng hội, ông Tập sẽ tập trung quyền lực hơn nữa
Lưỡng hội của Trung Cộng đang được tổ chức, các học giả Đài Loan đã “giải mã” rằng ông Tập Cận Bình đang tiếp tục hướng tới việc phá bỏ lãnh đạo tập thể, nắm lấy “đại quyền” về mặt nhân sự, và tiếp tục củng cố quyền lực tập trung; tuy nhiên, từ báo cáo công tác chính phủ của Quốc vụ viện, người ta có thể nhìn ra những mâu thuẫn và đường lối tách biệt trong quản lý chính trị nội bộ.
Lưỡng hội của Trung Cộng được tổ chức vào ngày 4/3 và bế mạc vào ngày 11/3. Ngày 5/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Cộng đã báo cáo công tác chính phủ tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Cộng.
Học giả Đài Loan: Ông Tập và ông Lý “không đồng điệu” tại lưỡng hội và sự chia rẽ này sẽ tiếp tục tiếp diễn
Hôm 8/3, Đài Á châu Tự do đưa tin, tại một hội nghị chuyên đề liên quan đến lưỡng hội của Trung Cộng do Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Đài Loan tổ chức, ông Đổng Lập Văn, giám đốc điều hành của Quỹ Nghiên cứu Hòa bình Châu Á Thái Bình Dương, đã đề cập đến mâu thuẫn giữa ông Tập và ông Lý.
Ông Đổng Lập Văn nói, cách nghĩ của ông Tập Cận Bình chính là “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” của Trung Cộng chỉ có thể phát triển tiếp khi (nền kinh tế) có thể tự mình đứng vững và việc lưu thông hàng hóa trong nước được khai thông thuận lợi.
Tuy nhiên, Đổng Lập Văn nhận thấy “Báo cáo công tác Chính phủ” của Lý Khắc Cường lại thiếu đi “đặc trưng bản chất nhất của việc xây dựng một cấu trúc phát triển mới là đạt được mức độ tự lực tự cường cao.” Vào ngày 11/1, tại một khóa học dành cho các cán bộ chủ chốt cấp tỉnh và cấp bộ, ông Tập Cận Bình đã đề xuất “bước vào một giai đoạn phát triển mới, quán triệt lý luận phát triển mới và xây dựng một mô hình phát triển mới.”
Nhưng trong “Báo cáo công tác Chính phủ” của mình, Lý Khắc Cường lại có ba từ khóa khác lần lượt là “thị trường hóa”, “chế độ dựa trên nền móng tư bản chủ nghĩa” và “giản chính phóng quyền” (tinh giản bộ máy hành chính, trao quyền cho cấp dưới).
Đổng Lập Văn chỉ ra rằng, liệu phương hướng cải cách kinh tế trong tương lai của Trung Cộng sẽ đi theo hướng “tự lực tự cường” hay theo hướng “quốc tế hóa”, hiện tại vẫn còn là việc rất mơ hồ. Mâu thuẫn quan trọng nhất ở đây là “quốc gia tiến, nhân dân lùi” hay “quốc gia lùi, nhân dân tiến”?
Đổng Lập Văn cho hay: “Nếu ông Tập và ông Lý không thể ‘đồng điệu’, thì đường lối cho năm 2021 vẫn sẽ tiếp tục có sự tách biệt. Việc đạt được thắng lợi toàn diện trong cuộc chiến giảm nghèo dường như là thành tích chính trị lớn nhất của ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên trong ‘Báo cáo công tác Chính phủ’ của Lý Khắc Cường lại có rất nhiều điểm đáng nghi, phải tính đến hiệu quả của việc chấn hưng nông thôn, và đề ra một thời gian quá độ là 5 năm kể từ ngày được tính là đủ tiêu chuẩn thoát nghèo.”
Đổng Lập Văn cho rằng, xem ra công cuộc giảm nghèo vẫn cần tiếp tục tiến hành, chẳng qua là đã tuyên truyền “thoát nghèo thành công toàn diện” nên không thể lại dùng danh từ này nữa. Có thể thấy việc bãi bỏ văn phòng giảm nghèo của Hội đồng Nhà nước để chuyển sang Cục chấn hưng nông thôn mới của Hội đồng Nhà nước bản chất chính là để tiếp quản công công tác giảm nghèo.
Ông đặc biệt chỉ ra rằng Hồng Thiên Vân, Phó cục trưởng Cục Phát triển Nông thôn của Trung Cộng, từng đề cập đến “Bốn cái không gỡ bỏ”: Thoát nghèo nhưng không gỡ bỏ trách nhiệm, thoát nghèo những không gỡ bỏ chính sách, thoát nghèo những không gỡ bỏ trợ giúp, thoát nghèo nhưng không gỡ bỏ giám sát. Đổng Lập Văn kết luận: “Thoát nghèo không phải là điểm kết thúc, mà là điểm khởi đầu.”
Ông Tập phá bỏ mô hình tập thể lãnh đạo, tiếp tục tập trung quyền lực
Bài báo chỉ ra rằng, tuyên bố “thoát nghèo toàn diện” của Trung Cộng là “thành tích chính trị” lớn của ông Tập Cận Bình, giúp ông tiến thêm một bước nữa trong việc củng cố quyền lực tuyệt đối của bản thân tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Trung Cộng.
Bài báo dẫn lời ông Vương Trí Thịnh, Tổng thư ký Hiệp hội Trao đổi Tinh hoa Châu Á – Thái Bình Dương Trung Quốc, mặc dù một số nhân vật ngoại giới cho rằng ông Tập đã thế suy sức yếu và phải đối mặt với nhiều thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài, nhưng từ ba phương diện: phá bỏ mô hình tập thể lãnh đạo, nắm vững quyền lực về mặt nhân sự, và củng cố hình thái ý thức, tiến đến việc nắm được quyền lực tập trung nhất kể từ thời Mao Trạch Đông.
Ngoài ra, vào ngày 28/2, cơ quan ngôn luận của Trung Cộng là Tân Hoa xã đưa tin rằng các Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Trung Cộng, Bí thư Ban Bí thư, Ủy viên Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, Quốc vụ viện, Ủy viên Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung Cộng, tòa án tối cao, Bí thư Đảng bộ Viện kiểm sát tối cao hàng năm đều có báo cáo công tác bằng văn bản cho “Trung ương Đảng và Tổng Bí thư Tập Cận Bình”.
Vương Trí Thịnh nói rằng trong quá khứ, Tập Cận Bình đã cố gắng phá vỡ kết cấu “cửu long trị thủy” bằng cách thành lập đủ các loại hình nhóm, ủy ban khác nhau, gần đây ông lại còn có nhiều lời kêu gọi hành động trực tiếp hơn. Trước lưỡng hội, có tổng cộng 52 quan chức cao cấp từ Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc báo cáo công tác cho ông Tập Cận Bình, việc này đã phá vỡ mô hình lãnh đạo tập thể của Trung Cộng.
Ông Vương Trí Thịnh cho hay: “Rõ ràng là việc những quan chức này báo cáo công tác cho chính ông Tập đã ám thị rằng Tổng bí thư tương đương với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khái niệm “Đảng” hay “ tập thể là người lãnh đạo” đã biến thành khái niệm rỗng, bởi vì tất cả đều phải chịu trách nhiệm trước cá nhân ông Tập. Đây là cách làm được tiết lộ chi tiết ngay trước lưỡng hội. Việc xác lập vị trí hạch tâm của ông Tập không đơn thuần chỉ được trình bày trong các văn kiện của Trung Cộng mà còn được thực thi một cách chắc chắn tại các hoạt động chính trị cao cấp.”
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Trung Cộng sẽ được tổ chức vào mùa thu năm sau, các nguồn tin cho biết gần đây công việc chuẩn bị đã bắt đầu được khởi động. Khi đến hết khóa, các vị trí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Cộng sẽ được thay thế. Hiện tại, ông Tập Cận Bình đang chuẩn bị cho việc nắm quyền ở nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp. Tại lưỡng hội Trung Cộng năm 2018, hiến pháp Trung Cộng đã được sửa đổi và xóa bỏ quy định về việc Chủ tịch nước Trung Cộng “không được giữ chức quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”.
Vương Trí Thịnh cũng cho hay, ông Tập Cận Bình đang nắm trong tay quyền lực đáng kể, ít nhất là quyền lực về mặt nhân sự. Và tất nhiên, việc khống chế quyền lực về mặt nhân sự có thể cho phép ông Tập củng cố quyền lực cho năm tới. Ngoài ra, Tập Cận Bình cũng tăng cường hình thái ý thức và các cuộc vận động “tạo thần”, ví như việc tổ chức tưởng niệm Hoa Quốc Phong hàm chứa phép ẩn dụ về việc điều chỉnh và cải biến đường lối. Một mặt, ông Tập phủ định đường lối trong quá khứ, mặt khác là để bản thân ông sánh vai với cựu lãnh đạo Trung Cộng, Mao Trạch Đông.
Vương Trí Thịnh nói: “Sau khi liên tục chuẩn bị tính hợp pháp và cơ sở pháp luật cho nền tảng quyền lực của mình, trong tình huống chưa đủ tính chính đáng, ông Tập đang nghĩ mọi biện pháp để thiết lập quyền lực và đặt bản thân làm hạch tâm trên các mặt nhân sự, hệ tư tưởng và cơ cấu hoạt động chính trị.”
Đại hội toàn quốc lần thứ 20 hay trận chiến sinh tử của Tập Cận Bình
Lý Hằng Thanh, một học giả tại Viện Thông tin và Chiến lược Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ, trao đổi với Epoch Times rằng chỉ còn chưa đầy hai năm nữa là đến Đại hội toàn quốc lần thứ 20 năm 2022 của Trung Cộng. “Năm 2022 là một trận chiến sinh tử đối với Tập Cận Bình, hoặc ông ấy có thể biến việc liên tiếp đảm nhận chức vụ này đến cuối đời thành hiện thực, hoặc cũng có thể đây sẽ là trận chiến ‘Waterloo’ của ông ấy.”
Lý Hằng Thanh cho rằng, Tập Cận Bình có rất nhiều khuyết điểm trên tất cả các phương diện, nếu ông ấy đắc được sự ủng hộ trong nội bộ Đảng, thì không phải vì ông ấy đặc biệt xuất sắc, đặc biệt có năng lực, mà vì ông ấy dựa vào chiến dịch ‘đả hổ chống tham nhũng’ để loại bỏ phần lớn những người bất đồng ý kiến và kiềm chế các đối thủ cạnh tranh.
Do Zhang Dun thực hiện
Hằng Nga biên dịch
Xem thêm: