Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương: Công cụ tăng trưởng hay áp chế tài chính?
Các ngân hàng trung ương lớn đang thảo luận về ý tưởng khai triển một loại tiền kỹ thuật số. Cơ sở lý luận đằng sau nó đã bị nhiều người dân lãng quên.
Hầu hết các giao dịch của các loại tiền tệ chính trên toàn cầu đều được diễn ra theo phương thức điện tử, và có thể nói rằng các loại tiền tệ lớn nhất và được giao dịch nhiều nhất — US dollar, Euro, Yên, Bảng Anh, Franc Thụy Sĩ và Nhân dân tệ — đã hoạt động gần như dưới tư cách tiền kỹ thuật số.
Vậy thì, khi các ngân hàng trung ương nói về một loại tiền kỹ thuật số mới và khác, thì điều đó có nghĩa gì? Về cơ bản, đó là một bước tiếp theo trong nỗ lực loại bỏ dần các loại tiền tệ vật chất, với mục đích tăng cường kiểm soát các khoản thanh toán và giúp việc theo dõi sử dụng một phương tiện thanh toán cụ thể trở nên đơn giản hơn. Nó cũng nhằm mục đích cạnh tranh với các loại tiền mã hóa trên phạm vi toàn cầu.
Hầu hết mọi người sẽ cho rằng lý do đằng sau ý tưởng về tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương là tính hiệu quả và cải thiện cơ chế truyền tải của chính sách tiền tệ.
Hãy đi từng điểm một. Khi các ngân hàng trung ương cho biết họ muốn cải thiện cơ chế truyền tải của chính sách tiền tệ, nhiều thông điệp của họ dựa trên một chẩn đoán sai lệch: rằng có sự dư thừa trong tiết kiệm cần phải được kìm hãm. Các ngân hàng trung ương ban hành lãi suất âm để buộc người tiết kiệm phải chấp nhận nhiều rủi ro hơn, tiêu dùng và đầu tư nhiều hơn, như thể lý do họ không chi tiêu hoặc đầu tư nhiều như các ngân hàng trung ương mong muốn là nằm ở vấn đề lãi suất chứ không phải do các thách thức mà các hộ gia đình và các doanh nghiệp phải đối mặt trong một môi trường kinh tế bất ổn.
Người dân lựa chọn tiết kiệm không phải vì họ ngu ngốc hay thiếu hiểu biết, mà ngược lại, vì họ hiểu rằng môi trường kinh tế lúc này là khó khăn và ít cơ hội hấp dẫn để đầu tư. Điều này không có nghĩa là các doanh nghiệp và người dân không chi tiêu và đầu tư, thực tế là họ đang làm việc đó, và làm rất nhiều. Nhưng các ngân hàng trung ương và chính phủ lại đổ lỗi một cách sai lầm vào việc tiết kiệm.
Một nền kinh tế vững chắc dựa trên việc tiết kiệm và đầu tư thận trọng, chứ không dựa trên nợ và đầu tư bừa bãi. Do đó, thật sai lầm khi liên tục giảm lãi suất và tấn công tiết kiệm. Nền kinh tế không được cải thiện bằng cách làm cho nó trở nên mong manh và ngập trong nợ, mà là ngược lại.
Điểm còn lại đề cập đến cái được gọi là tính hiệu quả. Các ngân hàng trung ương về cơ bản dường như muốn chi tiêu và kiểm soát các giao dịch tiền tệ bằng bất kỳ giá nào. Việc phát hành loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương không làm mọi việc trở nên hiệu quả hơn. Đó là một phương tiện khác để áp chế tài chính. Dường như họ cho rằng, nếu lãi suất âm không có tác dụng buộc các tác nhân kinh tế phải chi tiêu nhiều hơn, thì lãi suất âm cộng với việc đổi tiền thông qua việc tung ra một lượng lớn tiền kỹ thuật số sẽ phát huy tác dụng.
Vấn đề là nó cũng không hoạt động. Tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương sẽ làm tăng nhận thức về rủi ro và sẽ không khiến các tác nhân kinh tế chi tiêu hoặc đầu tư nhiều hơn, bởi vì các vấn đề về nợ, thừa cung và đầu tư không hiệu quả sẽ không bị hạn định chỉ bởi một loại tiền kỹ thuật số, trái lại chúng sẽ trở nên trầm trọng hơn.
Các ngân hàng trung ương không thể buộc các tác nhân kinh tế chi tiêu và đầu tư, mà thậm chí còn khiến người dân tiêu dùng ít hơn nếu các chính sách của họ nhất mực nhằm khuyến khích nợ và kéo dài sự mất cân bằng.
Giá trị của một loại tiền tệ không được củng cố thông qua việc liên tục tăng cung tiền một cách nhân tạo hay bất kỳ sự áp chế pháp lý hoặc tài chính nào. Các ngân hàng trung ương sẽ không thể khiến đồng tiền kỹ thuật số của họ được đón nhận nếu người dân e ngại — bởi vì người dân đang quả thực e ngại — rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ không ngừng cố gắng làm loãng sức mua của đồng tiền, có nghĩa là sức mua của các đại diện kinh tế như tiền lương và tiền tiết kiệm cũng giảm đi.
Việc một loại hình tài sản trở thành loại tiền tệ được sử dụng phổ biến là một quá trình mang tính dân chủ nhất có thể. Chính phủ không thể quyết định và không thể áp đặt. Nếu các chính phủ và ngân hàng trung ương đẩy mạnh áp chế tài chính và phá giá đồng tiền của họ, người dân sẽ chuyển sang các phương tiện thanh toán khác và biến chúng trở thành tiền thật.
Tiền mã hóa phát triển không phải vì sự ngu ngốc của mọi người hay để dành cho mục đích xấu, mà vì sự thiếu tin tưởng vào tiền pháp định và tham vọng không ngừng của các ngân hàng trung ương và chính phủ trong việc phá bỏ tiền tệ để che giấu các vấn đề về cấu trúc.
Đó là lý do tại sao đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương là một phép nghịch hợp, ám chỉ hai từ đặt cạnh nhau nhưng mang nghĩa đối lập. Nhu cầu của người dân đối với tiền mã hóa chính là do chúng không bị kiểm soát bởi các ngân hàng trung ương, các tổ chức luôn nhắm đến việc tăng cung tiền, và khiến đồng tiền mất giá hay còn gọi là lạm phát.
Các ngân hàng trung ương nên bảo vệ sức mua của tiền tiết kiệm và tiền lương, đừng nhắm vào việc làm hao mòn chúng. Nếu họ quyết định sử dụng các công cụ mới để pha loãng tài sản, niềm tin vào đồng tiền nội tệ sẽ bay theo mây khói. Thực tế là nó chưa xảy ra không có nghĩa là nó sẽ không xảy không sớm thì muộn.
Khi các ngân hàng trung ương cuối cùng nhận ra rằng họ đã đi quá xa trong chính sách của mình thì đã muộn.
Daniel Lacalle, Tiến sĩ, là nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của cuốn “Tự do hoặc Bình đẳng”, “Thoát khỏi Bẫy Ngân hàng Trung ương” và “Cuộc sống trong Thị trường Tài chính”.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.