“Tiền hoàn trả chia thành nhiều cấp độ”, công chức Hoa lục thảo luận về hiện trạng bảo hiểm y tế
Ngày nay, khi hệ thống y tế phương Tây không ngừng được hoàn thiện thì hệ thống chăm sóc y tế của Trung Quốc được xem là “bị người ta bỏ lại cách xa 180,000 con phố.” Ở Hoa lục, việc người dân không có khả năng chi trả cho phí điều trị y tế và lâm vào cảnh khốn cùng vì bệnh tật là điều rất phổ biến. Nguyên nhân đằng sau sự thật tàn khốc này là gì?
Mới đây, anh Dương Hải, một học giả ở Tây An, Trung Quốc, đã sang Hoa Kỳ vì vợ anh bị bệnh cần ghép gan. Con gái họ yêu quý nhất đã hiến 57% gan của mình để cứu mẹ (sau này đã đổi bằng gan của một người hiến tặng khác). Ca phẫu thuật rất thành công.
Anh Dương Hải đăng trên nền tảng X (trước đây gọi là Twitter) rằng, “Vì bệnh tình của vợ nên tôi thường xuyên tiếp xúc với hệ thống cấp cứu và các bệnh viện ở Hoa Kỳ. Tôi thực sự ngạc nhiên trước mọi thứ trong hệ thống y tế của quốc gia này. Khoảng cách giữa chế độ y tế, cơ sở vật chất, quản lý, v.v. trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc về cơ bản là nhìn không thấy ‘bóng’ của Hoa Kỳ. Nó đã bị người ta bỏ lại phía sau cách xa 180,000 con phố.”
Trường hợp khác là một giáo viên dạy toán ở thành phố Khải Lý, tỉnh Quý Châu, đã bị bức bách phải đi ăn xin vì con trai anh lâm bệnh nặng. Các trường hợp trẻ em ốm đau luôn bị xem thường. Điều này được cho là phản ánh sự khiếm khuyết của hệ thống y tế ở Hoa lục. Thậm chí rất nhiều trẻ em rơi vào tình trạng bệnh nặng mà không được chăm sóc và chờ chết.
Cư dân mạng bình luận: “Tôn trọng đối với con người và tôn trọng sự sống có lẽ là gốc rễ của sự khác biệt giữa hai bên!” “Các bệnh viện (Hoa Kỳ) hầu như luôn treo biển ghi rõ ‘Bệnh viện không từ chối điều trị vì các vấn đề như chủng tộc, kinh tế, thân phận, v.v.’. Điểm này so với ở Trung Quốc chính là khác biệt như trời với đất!”
“Ở những khu vực dưới sự cai trị của cộng sản, điều kiện y tế của giai tầng quan chức và dân thường hoàn toàn khác nhau. Họ bỏ rơi thường dân cách xa 180,000 con phố…”
“Chính là như thế, quá chân thực rồi.” Cô Hoàng Mai (bí danh), một người trong hệ thống Hoa lục, nói với phóng viên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng tiền hoàn trả bảo hiểm y tế được chia thành nhiều cấp độ. Ở cấp thành phố, lãnh đạo được hoàn trả đầy đủ, khác hẳn với người thường. Công chức bị bệnh nhẹ nhập viện, có thể được hoàn trả 80%. Ngoài ra còn có khoản hoàn trả thứ cấp dành cho những người trong hệ thống công chức, chỉ cần có dấu xác nhận của đơn vị mang đến Cục Bảo hiểm xã hội thì tổng số tiền hoàn trả cộng lại lên đến trên 90%. Bảo hiểm có chính sách không công khai, kể cả cán bộ cấp huyện cũng có thể được hoàn nhiều hơn.
“Chúng tôi cũng biết đó đều là lãng phí. Vì không được bồi hoàn ngoại trú nên phải nhập viện mới có thể được hoàn trả nhiều chi phí. Sau khi nhập viện, để tạo ra doanh thu, bệnh viện sẽ khám sức khỏe toàn diện từ đầu đến cuối. Khớp xương của tôi không tốt, bệnh viện tiến hành chụp cộng hưởng từ trên đỉnh đầu. Chỉ riêng chi phí kiểm tra đã tốn hơn một vạn (nhân dân tệ),” cô ấy nói.
Cô Hoàng Mai cho biết, cô thấy ở bệnh viện, khi người ở nơi khác đến khám, những người có thẻ bảo hiểm y tế cần đặt cọc thẻ bảo hiểm y tế và còn phải đóng một phần tiền mặt (tiền cọc). Nếu không có bảo hiểm y tế, bệnh viện sẽ thu một lần mấy vạn (nhân dân tệ) tiền cọc, sau khi dùng hết sẽ thông báo gia đình nộp thêm tiền, không trả tiền thì sẽ dừng việc cho uống thuốc.
Nhà cô Hoàng Mai rất gần bệnh viện nên ngày nào cô cũng về nhà, nhường giường cho những người đang nằm viện. “Có nhà có hai người đến chăm sóc, họ phải ngủ ngoài hành lang. Những người đó thật đáng thương, nhất là những người ở quê. Họ không có thu nhập, phải dựa vào công việc để kiếm chút tiền.”
Bảo hiểm y tế của Trung Quốc được chia thành bảo hiểm y tế nhân viên thành thị và bảo hiểm y tế cư dân thành thị và nông thôn. Công chức còn được hưởng trợ cấp y tế do nhà nước quy định.
Theo báo cáo, sau khi nhân viên doanh nghiệp về hưu, mọi chi phí điều trị ngoại trú đều phải tự chi trả. Sau khi nhập viện thì sẽ có ngưỡng hoàn trả, cần tự trả trước 1,800 nhân dân tệ, sau đó sẽ được hoàn trả theo tỷ lệ 60% hoặc 80%. Chính phủ có một danh mục hoàn trả và mỗi tỉnh có danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả khác nhau.
Ví dụ, nếu đến Thượng Hải khám bệnh, những loại thuốc thường dùng ở Thượng Hải có thể được hoàn tiền, nhưng cần hoàn trả theo danh mục hoàn trả của tỉnh này, mức hoàn trả tối đa là 60%, mức thấp nhất trên dưới khoảng 50%. Hệ thống Y tế Hợp tác Nông thôn Kiểu mới thậm chí còn hoàn trả ít hơn, có thể hoàn trả một nửa là đã tốt rồi.
“Nhưng các lãnh đạo thì khác. Tôi có một người bạn học là lãnh đạo thành phố. Anh ta đi khám bệnh ở Thượng Hải được hoàn trả toàn bộ, không cần dùng đến một xu nào, mọi chi phí đều được hoàn trả.” Cô Hoàng Mai nói: “Đó là lý do tại sao những người trong hệ thống lại liều mạng, không biết liêm sỉ, đưa vợ lên giường với người khác để trở thành quan chức. Trong hệ thống cũng phân nhiều cấp bậc, chẳng hạn như trợ cấp xe hơi cho cán bộ cấp sở thấp hơn vài trăm đồng so với cán bộ cấp huyện. Lãnh đạo thành phố một năm phải trả thêm hàng vạn đồng tiền trợ cấp xe hơi.”
“Mức lương thực tế của một công chức không quá cao nhưng lại có rất nhiều khoản trợ cấp, có trợ cấp xăng xe, trợ cấp ăn uống, còn có trợ cấp đánh giá công chức cuối năm. Khi nền kinh tế hoạt động tốt còn có các giải thưởng khác như ‘Giải sáng kiến văn minh’, ‘Giải đơn vị phòng cháy chữa cháy tiên tiến’, đủ các loại giải thưởng, công chức có phúc lợi rất tốt. Tại sao rất nhiều người muốn vào hệ thống, một là an ổn, hai là phúc lợi tốt. Các nơi đều có tiểu khu cho công chức, giá cả phải chăng, Bắc Kinh cũng có.”
Vào năm 2023, rất nhiều người phát hiện trương mục bảo hiểm y tế cá nhân của họ có ít tiền hơn. Dưới chiêu bài “Bảo hiểm y tế tân chính”, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa phí bảo hiểm y tế cơ bản do các đơn vị chi trả nhập vào quỹ trù tính chung.
Cô Hoàng Mai cho biết, “Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, chính phủ đã tuyên truyền việc xét nghiệm acid nucleic rằng: ‘Để bảo vệ người dân, không tính phí xét nghiệm acid nucleic, không tính phí chích ngừa, tất cả đều do chính phủ chi trả.’ Những người trong hệ thống chúng tôi nhìn thấy rất rõ ràng, chính phủ chi tiền nhưng chính phủ lấy tiền ở đâu? Cuối cùng vẫn là người dân phải trả tiền. Kết quả là chưa qua bao lâu, mọi người đã phát hiện phần tiền bảo hiểm y tế của họ đã không còn nữa. Trương mục bảo hiểm y tế cá nhân của tôi hiện chỉ có 70 tệ, vốn dĩ trước đây tôi có hơn 200 tệ.”
“Lúc đó trong nhóm WeChat và nhóm hưu trí ai cũng muốn đến chính phủ để truy tìm. Sau khi chính phủ biết được tin tức này đã cử ủy ban khu phố và văn phòng cộng đồng gửi tin nhắn, gọi điện thoại nói rằng: Quý vị không được phép ra đường, nếu gây chuyện sẽ ảnh hưởng đến ba thế hệ.”