Thương vụ mua TikTok của Microsoft có thể làm tăng tốc cuộc chiến tranh lạnh trên Internet
Theo một chuyên gia an ninh mạng ở Melbourne, việc Microsoft đề xuất mua lại ứng dụng âm nhạc TikTok do Trung Quốc hậu thuẫn có thể thúc đẩy “bước kế tiếp” sự phân mảnh Internet toàn cầu thành các khối khu vực.
Công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh sở hữu ứng dụng TikTok đang trong quá trình đàm phán với Microsoft để bán đi thị phần tại Mỹ. Điều này cũng sẽ đi kèm với việc kiểm soát người dùng ở Úc, Canada và New Zealand.
Mục tiêu của thương vụ này là để phiên bản TikTok của Mỹ trở thành công ty do Hoa Kỳ sở hữu hoàn toàn, cắt đứt quan hệ với Bắc Kinh một cách hiệu quả.
Động thái trên xảy ra nhằm hưởng ứng yêu cầu cấm ứng dụng này ở Hoa Kỳ do những lo ngại về an ninh, nhất là khi nó đang có lượng người dùng to lớn (khoảng 800 triệu người dùng trên toàn thế giới) và Luật An ninh Quốc gia năm 2017 của Trung Quốc quy định các công ty nhà nước phải chia sẻ dữ liệu cho chính quyền trong trường hợp cần thiết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định thời hạn cuối cùng cho việc đàm phán là vào 15 tháng 9. Nếu đàm phán thất bại, TikTok sẽ bị cấm ở Mỹ.
Từ 29 tháng 6, chính phủ Ấn Độ đã cấm một loạt các ứng dụng của Trung Quốc, trong đó có TikTok và WeChat. Họ tuyên bố rằng các tính năng khai thác dữ liệu và cá nhân hóa người dùng của các ứng dụng này là “nguy hiểm đối với an ninh quốc phòng của Ấn Độ”.
Matt Warren, giáo sư về an ninh mạng tại Học Viện Công nghệ Hoàng Gia Melbourne, vào ngày 5 tháng 8 đã nói với tờ The Epoch Times rằng mặc dù TikTok là một ứng dụng giải trí, nhưng nó lại thu thập rất nhiều các thông tin chi tiết của người dùng.
Ông nói: “Ứng dụng này không chỉ truy nhập vào camera và microphone của điện thoại, mà còn các thông tin khác như danh bạ điện thoại, thông tin vị trí, và thậm chí nhiều thông tin khác nữa”. Điều lo ngại ở đây là không biết các thông tin này được lưu trữ và sử dụng như thế nào.
Sự thành công của thương vụ TikTok nằm ngoài một vụ thâu tóm kinh doanh thông thường. Thay vào đó, nó có thể phân hóa toàn cầu cách thức Internet hoạt động trong tương lai.
Vài năm lại đây, Trung Cộng đã tiến hành một số đàm phán với Liên Minh Viễn Thông Quốc Tế (ITU) nhằm thiết lập một “tiêu chuẩn Internet” mới.
Thời gian đã chín muồi cho các quốc gia xem xét việc đầu tư vào hạ tầng mới và cải thiện hoạt động của Internet để nó tăng hiệu suất và có thể đáp ứng nhanh chóng với nhu cầu thay đổi của thế giới số.
Các chuyên gia đã cảnh báo rằng Bắc Kinh, và các chính quyền độc tài khác, sẽ tìm mọi cách nhằm đưa “cơ chế độc tài vào trong nền tảng kiến trúc Web”, giúp các nhà cung cấp dịch vụ Internet nhà nước tăng cường kiểm soát người dùng.
Thực tế, cuộc họp sắp tới của ITU vào tháng 11 có thể sẽ đặt nền tảng cho một sự phân hóa Internet thành hai khối: khối “phương Tây” hiện tại với tính tự do hơn – và khối Internet mới do Trung Cộng lãnh đạo được hậu thuẫn bởi công ty truyền thông đang gây tranh cãi Huawei.
Theo Warren: “sự nguy hiểm của ‘splinternet’, đó là Internet sẽ chia thành các phiên bản vùng. Ví dụ, Trung Quốc, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây. Khi đó, giấc mơ về Internet là một hệ thống toàn cầu biến mất”.
Tác giả: DANIEL Y. TENG
Biên dịch: Lạp Tử