Thượng viện thông qua dự luật chi tiêu quân sự trị giá 858 tỷ USD
Hôm 15/12, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật chi tiêu quân sự với mức giá tổng cộng là 858 tỷ USD đối với người nộp thuế.
Được mệnh danh là Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA), gói chi tiêu quốc phòng kể trên đã được Thượng viện thông qua với tỷ lệ 83 phiếu thuận-11 phiếu chống.
NDAA đã được Hạ viện thông qua hôm 08/12 với tỷ lệ 350 phiếu thuận–80 phiếu chống. Tổng cộng 176 nghị sĩ Đảng Cộng Hòa ở Hạ viện đã bỏ phiếu cho dự luật này, với 35 dân biểu bỏ phiếu chống và hai dân biểu không bỏ phiếu. Tổng cộng 174 nghị sĩ Đảng Dân Chủ đã bỏ phiếu thuận, trong khi 45 người bỏ phiếu chống.
Một trong những khía cạnh đáng chú ý nhất của gói chi tiêu này, đồng thời là một chiến thắng sớm cho Đảng Cộng Hòa khi họ chuẩn bị tiếp quản Hạ viện vào năm tới, chính là việc bãi bỏ quy định bắt buộc chích vaccine COVID-19 gây tranh cãi của Tổng thống (TT) Joe Biden đối với các quân nhân. Mặc dù trước đây từng ủng hộ các chính sách COVID-19 của TT Biden, Đảng Dân Chủ đã nhượng bộ trong vấn đề này.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với NTD, ông Cesar Ybarra, phó chủ tịch đặc trách chính sách tại FreedomWorks, đã cảnh báo rằng đây có thể không phải là chiến thắng dành cho Đảng Cộng Hòa như trên bề mặt.
“Đạo luật này chỉ đơn giản là yêu cầu Bộ Quốc phòng hủy bỏ bản ghi nhớ cho phép áp dụng quy định bắt buộc chích vaccine đối với các quân nhân,” ông Ybarra giải thích. “Tuy nhiên … điều đó không mang lại cho chúng ta bất kỳ bảo đảm nào rằng Bộ Quốc phòng sẽ không thực hiện quy định đó một lần nữa, phải không.”
Ông cho biết thêm, “Vì vậy, dự luật chỉ đơn giản nói rằng hãy loại bỏ quy định này đi, nhưng không có gì cho thấy quý vị không thể áp dụng quy định đó một lần nữa. Và chúng ta đã biết từ cơn cuồng loạn COVID rằng các chính trị gia liên bang này luôn đổi ý về khi nào hoặc ở đâu mà chúng ta không cần những quy định bắt buộc chích ngừa này nữa.”
Trước khi thông qua dự luật này, Thượng viện đã bác bỏ một sửa đổi do các Thượng nghị sĩ Ron Johnson (Cộng Hòa-Wisconsin) và Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) đề nghị. Bản sửa đổi này sẽ phục chức cho những quân nhân bị giải ngũ chỉ vì từ chối chích vaccine, cũng như bồi thường cho khoản tiền lương và các phúc lợi bị tổn thất do mất việc.
Bản sửa đổi này đã thất bại, với 40 thượng nghị sĩ ủng hộ và 54 người phản đối.
“Những người phục vụ trong quân đội của chúng ta là những người tốt nhất trong số chúng ta. Hơn 8,000 người đã bị chấm dứt hợp đồng vì từ chối chích loại vaccine thử nghiệm này, vì vậy tôi kêu gọi tất cả các đồng sự hãy ủng hộ bản sửa đổi của Thượng nghị sĩ Cruz và tôi,” ông Johnson nói.
Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California), người đang dẫn đầu trong cuộc đua giành vị trí chủ tịch, cho biết rằng đây sẽ là ưu tiên của Đảng Cộng Hòa khi đảng lên nắm quyền kiểm soát Hạ viện.
Những người phản đối lo ngại về việc tạo ra tiền lệ trao thưởng cho các quân nhân bất tuân mệnh lệnh.
Dự luật này cũng sẽ cấp thêm 800 triệu USD tiền đóng thuế cho Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine như một phần trong nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm giúp Ukraine tự vệ trước cuộc xâm lược đang diễn ra của Nga.
Hoa Kỳ đã chuyển khoảng 68 tỷ USD hỗ trợ nhân đạo và quân sự cho Ukraine trong ba gói lớn.
Gói viện trợ đầu tiên, được thông qua như một phần của dự luật chi tiêu gồm nhiều mục trị giá 1.5 ngàn tỷ USD cho năm tài chính 2022, đã gửi cho Ukraine 13.6 tỷ USD. Hồi tháng Năm, Quốc hội đã thông qua một dự luật độc lập khác cấp cho Ukraine 40 tỷ USD. Một lần nữa xảy ra hồi tháng Chín, khi có thêm 13.7 tỷ USD khác được gửi đến Ukraine.
Sự phản đối
Dự luật đã vấp phải sự phản đối từ các thành viên của cả hai đảng.
80 nhà lập pháp bày tỏ sự phản đối dự luật này gồm 35 thành viên Đảng Cộng Hòa và 45 thành viên Đảng Dân Chủ.
Trong một video đăng lên Twitter, Dân biểu Andy Biggs (Cộng Hòa-Arizona) đã giải thích lý do tại sao ông nằm trong số 80 thành viên đã bỏ phiếu chống lại gói chi tiêu này.
“NDAA năm 2023 đã quá cồng kềnh và chứa đựng những yếu tố thức tỉnh vốn không nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội,” ông Biggs cho biết trong một chú thích đính kèm video kể trên.
Một phần lý do ông phản đối là vì dự luật này được đưa ra thảo luận và thông qua Hạ viện một cách vội vàng.
“Dự luật hơn 4,000 trang này đã được công bố cho công chúng chỉ vài giờ trước khi bỏ phiếu,” ông Biggs cho biết. “Tôi đã bỏ phiếu chống lại hành vi không thể chấp nhận được này.”
Những người khác quy sự phản đối của mình cho việc đưa tài trợ bổ sung cho Ukraine vào dự luật.
“Đất nước của chúng ta đang nợ hơn 31 NGÀN TỶ USD,” Dân biểu Marjorie Taylor Greene cho biết trong một bài đăng trên Twitter. “Mà NDAA lại yêu cầu Bộ trưởng Ngân khố tìm cách cung cấp hỗ trợ kinh tế và xóa nợ cho Ukraine.”
“Quý vị thậm chí còn không có khả năng để làm ra chuyện này,” bà cho biết thêm.
Nhiều thành viên Đảng Dân Chủ phản đối dự luật là những người cấp tiến cánh tả, vốn vẫn thường phản đối việc dành gần 1 ngàn tỷ USD hàng năm cho chi tiêu quốc phòng.
Dân biểu Barbara Lee (Dân Chủ-California) đã viết trong một tweet giải thích về lá phiếu “chống” của mình: “Hãy nghĩ đến những tiến bộ mà chúng ta có thể đạt được nếu chúng ta đầu tư 847 tỷ USD vào con người thay vì Ngũ Giác Đài.”
Bà cho rằng dự luật này tiếp tục là một “di sản của chi tiêu quân sự lãng phí.”
Bà Lee cũng bày tỏ sự thất vọng khi một dự luật mà bà đề nghị nhằm hủy bỏ Luật Ủy quyền Sử dụng Lực lượng Quân sự (AUMF) năm 2002 bị loại ra. AUMF vốn dĩ cho phép cựu Tổng thống George W. Bush tiến hành một cuộc xâm lược Iraq với một tuyên bố mà kể từ đó đã bị bóc trần rằng ông Saddam Hussein đang cất giữ vũ khí hủy diệt hàng loạt bên trong quốc gia này.
Trong cuộc phỏng vấn với NTD, ông Ybarra cho biết, “Rõ ràng là chúng ta muốn có một quân đội hùng mạnh, chúng ta muốn thực hiện chính sách hòa bình thông qua sức mạnh,” một quan điểm lặp lại quan điểm chính sách quốc phòng của Tổng thống Ronald Reagan.
Tuy nhiên, ông Ybarra cảnh báo rằng dự luật tốn kém này sẽ gài thêm một cách hiệu quả các chính sách “Thỏa thuận Xanh Mới” (Green New Deal) vào Bộ Quốc phòng thông qua việc khai triển các đề nghị chẳng hạn như phương tiện quân sự chạy bằng điện.
Mặc dù công nghệ xe điện đã phát triển trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn những lo ngại về tính khả thi của những phương tiện kiểu này, vốn đòi hỏi hoạt động sản xuất thâm dụng lao động đầy ô nhiễm để tạo ra. Ngoài ra, những phương tiện như vậy thường có phạm vi hoạt động hạn chế so với các phương tiện chạy bằng xăng truyền thống.
Quý vị có thể xem bản danh sách đầy đủ về cách mỗi thành viên bỏ phiếu tại đây trên trang web của Lục sự Hạ viện.
‘Quốc hội ở vào thời điểm tệ nhất’
Như thường thấy với NDAA, vốn được coi là một trong hai dự luật chi tiêu “phải thông qua,” một số nỗ lực bổ sung gắn các điều khoản không liên quan vào dự luật này đã thất bại.
“Đây là Quốc hội ở vào thời điểm tệ nhất,” ông Ybarra nói về những nỗ lực thường niên nhằm gắn các dự luật phi quốc phòng vào gói chi tiêu quốc phòng này. “Những gì các chính trị gia này đang cố gắng làm là cố gắng đưa các dự án ưa thích của họ vào các dự luật này… Đó là lý do tại sao các điều khoản thêm vào này được gọi là những thứ lợi dụng tình thế, phải không? Bởi vì chúng ‘bám càng’ theo những dự luật phải được thông qua này.”
Ví dụ, nỗ lực của Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar (Dân Chủ-Minnesota) để đưa Đạo luật Cạnh tranh và Bảo vệ Báo chí (JCPA) vào gói chi tiêu này — một dự luật mà các nhà phê bình đã cảnh báo sẽ cho phép Big Tech và các hãng thông tấn lớn thông đồng để gây bất lợi cho các hãng thông tấn độc lập nhỏ hơn — đã không thành công.
Ông Ybarra đã chỉ trích nỗ lực này: “JCPA… chẳng liên quan gì tới luật về báo chí và cách thức hoạt động của ngành đó, phải không? Nhưng… báo chí và cạnh tranh… thì liên quan gì đến quốc phòng của chúng ta kia chứ? Chẳng liên quan chút nào.”
“Đây là một ví dụ điển hình khác về mọi điều sai lạc trong Quốc hội khóa này,” ông Ybarra cho biết thêm.
Một nỗ lực khác của Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) nhằm đưa luật cải tổ quy trình cấp phép nhiên liệu hóa thạch vào dự luật này cũng đã thất bại.
Đề nghị của ông Manchin sẽ giúp các dự án nhiên liệu hóa thạch mới dễ dàng nhận được đèn xanh của liên bang hơn. Hiện tại, các dự án đầu tư này có thể mất nhiều năm để khởi động do sự quan liêu của chính phủ liên bang và các quy định nghiêm ngặt về môi trường.
Ông Manchin từ lâu đã thúc đẩy những thay đổi để đơn giản hóa quy trình này — một nỗ lực mà ông đã tăng cường thúc đẩy khi giá năng lượng tiếp tục tăng cao trong hai năm qua.
Nhưng ông đã nhận được sự phản kháng bất ngờ không chỉ từ phe cánh tả trong chính đảng của mình, mà còn từ phía Đảng Cộng Hòa.
Như một phần của thỏa thuận riêng nhằm giành được sự ủng hộ của ông Manchin dành cho Đạo luật Giảm Lạm Phát trị giá 740 tỷ USD, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) đã hứa với ông Manchin rằng việc cải tổ quy trình cấp phép sẽ được thực hiện trước cuối năm nay.
Tuy nhiên, thời gian không còn nhiều để ông Schumer giữ lời hứa đó.
NDAA là một trong hai dự luật “phải thông qua” còn lại cần được Quốc hội khóa này xem xét trước khi mãn nhiệm.
Dự luật còn lại, một dự luật chi tiêu chung cho năm tài chính 2023, vấp phải sự phản đối khi Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện tìm cách bảo đảm rằng họ sẽ soạn thảo luật thay vì phe đa số Đảng Dân Chủ sắp mãn nhiệm. GOP đã yêu cầu Quốc hội chỉ thông qua một nghị quyết duy trì ngân sách ngắn hạn vốn sẽ hết hiệu lực sau kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 118.
Tương lai của dự luật
Với việc được Hạ viện thông qua, dự luật này giờ đây sẽ được chuyển đến bàn làm việc của TT Biden.
Vẫn còn một câu hỏi là liệu TT Biden có ký vào dự luật này hay không, vì hành động này sẽ hủy bỏ quy định bắt buộc chích vaccine hồi tháng 08/2021 của ông.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times