Thượng viện Hoa Kỳ thông qua dự luật chi tiêu tạm thời, đưa tới Hạ viện trong nỗ lực ngăn chặn đóng cửa chính phủ
Hạ viện dự kiến sẽ thông qua dự luật hôm 18/01, trước thời hạn ngày 19/01, bởi vì các nhà lãnh đạo Hạ viện hủy bỏ cuộc bỏ phiếu hôm 19/01 do lo ngại về thời tiết.
Thượng viện đã thông qua một dự luật tài trợ tạm thời trong cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 77 phiếu thuận – 18 phiếu chống, gửi tới Hạ viện để bỏ phiếu sau ngày hôm nay trong một nỗ lực nhằm đáp ứng thời hạn tài trợ cho chính phủ vào ngày 19/01.
Các nhà lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện đã công bố văn bản của mình vài ngày trước đó, đạt được thỏa thuận lưỡng đảng về tài trợ tạm thời để có thêm thời gian cho luật tài trợ toàn diện.
Điều này xảy ra sau cuộc bỏ phiếu theo thủ tục hôm 16/01 về Nghị Quyết Chi tiêu Tạm thời (CR) được thông qua với tỷ lệ chênh lệch 68 phiếu thuận – 3 phiếu chống, chuyển dự luật chi tiêu tạm thời thứ ba này trong bốn tháng tới nhằm nỗ lực ngăn chặn việc đóng cửa một phần của chính phủ.
Hôm 14/01, lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana), và Tòa Bạch Ốc đã đạt được thỏa thuận về dự luật tạm thời này và công bố kế hoạch bỏ phiếu của họ trong nỗ lực gia hạn nguồn tài trợ cho chính phủ vốn sẽ hết vào ngày 19/01.
Ông Schumer đã đưa ra một tuyên bố sau thỏa thuận hôm 14/01 rằng, “Để tránh việc đóng cửa, cần có sự hợp tác lưỡng đảng tại Thượng viện và Hạ viện để nhanh chóng thông qua CR và gửi đến bàn của Tổng thống trước thời hạn tài trợ vào thứ Sáu (19/01).”
Cùng ngày, ông Johnson cũng bình luận về CR rằng dự luật này “cần phải hoàn thành những gì Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đang nỗ lực đạt được: chấm dứt quản lý omnibus (tổng hợp từ 12 dự luật trở lên), đạt được chính sách có ý nghĩa, và quản lý tốt hơn tiền thuế của người Mỹ.”
Lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries (Cộng Hòa-New York) cho biết chỉ vài giờ trước cuộc bỏ phiếu rằng, “Chúng tôi nhận ra rằng việc chính phủ đóng cửa một phần sẽ gây tổn hại cho người dân Mỹ bình thường … tôi hoàn toàn kỳ vọng rằng Đảng Dân Chủ tại Hạ viện sẽ tiếp tục làm điều có trách nhiệm này.”
Dự luật này cũng kéo dài thời hạn để Quốc hội thông qua hai bộ dự luật phân bổ ngân sách thường niên từ ngày 01 đến ngày 08/03.
Áp lực bỏ phiếu về nghị quyết cũng tăng lên do cơn bão mùa đông đang di chuyển về phía Hoa Thịnh Đốn và một phần vùng Đông Bắc và Trung Tây. Hạ viện dự kiến sẽ thông qua dự luật vào ngày 18/01, trước thời hạn ngày 19/01, do Các Lãnh đạo Hạ viện đã hủy bỏ cuộc bỏ phiếu ngày 19/01 vì lo ngại về thời tiết.
Chi tiết về dự luật
Giới hạn chi tiêu 1.59 ngàn tỷ USD cho năm tài khóa này đã được các nhà lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện đồng thuận, phản ánh thỏa thuận đạt được hồi năm ngoái trong các cuộc đàm phán về giới hạn nợ giữa Chủ tịch đương thời Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) và Tổng thống Joe Biden.
Việc cắt giảm thêm 10 tỷ USD của IRS là một phần của thỏa thuận mới nhất, làm thay đổi thỏa thuận trước đó. Thỏa thuận cũng bao gồm 6.1 tỷ USD tài trợ cho COVID-19 và tăng chi tiêu quốc phòng lên 886 tỷ USD.
Các nhà lập pháp đã đàm phán tăng lương 5.2% cho quân nhân và 704 tỷ USD cho các khoản chi tiêu tùy ý khác. Một thỏa thuận phụ đạt được sẽ cung cấp thêm khoảng 70 tỷ USD cho các khoản phân bổ phi quốc phòng.
Các thành viên của nhóm Freedom Caucus tại Hạ viện đã đề nghị với ông Johnson vào phút cuối để đưa một cuộc bỏ phiếu về các dự luật chính sách biên giới và nhập cư vào đề xướng CR hiện tại.
“Chủ tịch Hạ viện đang xem xét vấn đề đó, và ông ấy đang làm việc thông qua các quy định để bảo đảm rằng … chúng tôi có lộ trình tốt nhất về phía trước về cách thực hiện điều đó trong quy trình lập pháp,” Dân biểu Bob Good (Cộng Hòa-Virginia), chủ tịch của Freedom Caucus, cho biết khi rời văn phòng của ông Johnson hôm thứ Năm trước cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện.
Một quyết định như vậy sẽ làm suy yếu kế hoạch tránh đóng cửa một phần chính phủ. Nhưng phát ngôn viên của ông Johnson dường như đã phủ nhận ý kiến này.
“Kế hoạch không thay đổi. Tối nay Hạ viện sẽ bỏ phiếu về dự luật tạm thời để giữ cho chính phủ luôn hoạt động,” phát ngôn viên Raj Shah của ông Johnson đã đăng trên X để đáp lại áp lực từ nhóm Freedom Caucus.
Những người theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống trong Hội nghị Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã lên tiếng phản đối thỏa thuận này, nêu ra rằng khi tính đến chi tiêu tùy ý, mức tối đa thực tế là gần 1.66 ngàn tỷ USD.
“[Đảng Cộng Hòa Hạ viện] đang có kế hoạch thông qua dự luật chi tiêu ngắn hạn tiếp tục các cấp độ của bà Pelosi với các chính sách của ông Biden, để kéo dài thời gian thông qua các dự luật chi tiêu dài hạn ở cấp độ của bà Pelosi với các chính sách của ông Biden. Sự đầu hàng là trông như thế này đây,” nhóm Freedom Caucus theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống kiên định của Hạ viện đã viết trong một bài đăng trên X, trước đây là Twitter.
Áp lực lên ông Johnson
Sự đồng ý của ông Johnson với nghị quyết này đã khiến một số thành viên Đảng Cộng Hòa phản ứng tiêu cực với ông, trong đó có Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa-Georgia), người đã đe dọa sẽ bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện nếu ông đồng ý với một dự luật tài trợ mà bà không đồng ý.
Nói chuyện với Real America’s Voice, bà Greene cho biết bà sẽ ủng hộ việc sa thải ông Johnson khỏi vị trí lãnh đạo nếu ông không đáp ứng được những kỳ vọng của những thành viên trong đảng như bà, những người đang cảm thấy mệt mỏi với những gì họ coi là thất bại của ông.
“Trong cuộc gặp của tôi với ông ấy ngày hôm qua [11/01], và nhiều thành viên khác của Quốc hội, tôi đã cho Chủ tịch Hạ viện Johnson biết rằng tôi sẽ không ủng hộ bất kỳ loại CR nào dưới bất kỳ hình thức nào,” bà Greene nói trong chương trình “War Room” của Real America’s Voice Network hôm 12/01.
Thành viên Đảng Cộng Hòa Georgia này bày tỏ sự thất vọng khi các yếu tố do Chủ tịch Hạ viện nhiệm kỳ 117, Dân biểu Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) đưa ra vẫn còn hiệu lực và Đảng Dân Chủ đang trong quá trình đàm phán về vấn đề an ninh biên giới và thúc đẩy tăng tài trợ cho Ukraine.
Sau lời đe dọa từ bà Greene rằng sẽ bãi nhiệm chức vụ của ông nếu ông chấp thuận CR, trong một cuộc phỏng vấn hôm 17/01, ông Johnson tuyên bố rằng ông “không lo ngại” về việc bị cách chức.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN, nhà lập pháp được hỏi liệu ông có lo ngại sẽ gặp số phận giống như người tiền nhiệm của mình, cựu chủ tịch Hạ viện, ông McCarthy hay không. Ông Johnson cho biết ông không lo ngại trước ngày càng nhiều lời đe dọa và ông đang tập trung thực hiện công việc của mình.
Bản tin có sự đóng góp của Joseph Lord và Samantha Flom
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times