Thượng viện Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu về dự luật bán dẫn để cạnh tranh với Trung Quốc
Thượng viện Hoa Kỳ đặt mục tiêu thông qua dự luật đó trong tuần này. Luật sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn nội địa của Hoa Kỳ và cải thiện khả năng cạnh tranh với Trung Quốc trong bối cảnh khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Chúng ta cần phải hành động nhanh chóng,” Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) cho biết hôm 18/07. “Nếu không có những khuyến khích này từ Quốc hội, thì việc đầu tư vốn cần thiết để mở rộng sản xuất sẽ không khả thi về mặt kinh tế ở Hoa Kỳ, nếu xét đến các lựa chọn thay thế toàn cầu khác.”
Đạo luật hiện tại là một phiên bản dung hòa của hai dự luật mà các thành viên Quốc hội đã làm việc trong hơn một năm, nhằm cung cấp kinh phí thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước.
Một vấn đề an ninh quốc gia
Vi mạch bán dẫn, được sử dụng trong sản xuất mọi thứ, từ máy điện toán cá nhân cho đến hỏa tiễn siêu thanh, đã trở thành điểm đáng lo ngại chính trong hai năm qua khi cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu tàn phá khả năng có được vi mạch của Hoa Kỳ.
“Ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ là một ngành bất kỳ nào đó,” bà Bonnie Glick, giám đốc Viện Krach về Ngoại giao Công nghệ tại Đại học Purdue, cho biết. “Đó là một ngành được phát triển ở Hoa Kỳ và động chạm đến nhiều ngành công nghiệp khác của chúng ta, bao gồm cả sản xuất, cũng như các hệ thống thuộc về bản chất của cuộc sống hiện đại.”
“Các vi mạch bán dẫn là trung tâm của công nghệ và đóng một vai trò quan trọng trong an ninh quốc gia của chúng ta, vì chúng cung cấp năng lượng cho các hệ thống phòng thủ và các công nghệ mới nổi bao gồm trí tuệ nhân tạo, 5G và băng thông rộng thế hệ tiếp theo, điện toán lượng tử, và các năng lực siêu thanh.”
Sự phụ thuộc về vi mạch bán dẫn đã trở thành một vấn đề an ninh quốc gia trong thời đại COVID-19. Trong năm 2021, hơn 60% số vi mạch như vậy được sản xuất tại Đài Loan. Tuy nhiên, những vấn đề trong chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu hụt tài nguyên toàn cầu kéo theo đã khiến quốc gia này không thể có đủ vi mạch bán dẫn để đáp ứng nhu cầu.
Trung Quốc cũng không miễn nhiễm với việc thị trường vi mạch bán dẫn thắt chặt và đang nhanh chóng dồn các nguồn lực vào việc thúc đẩy sản xuất trong nước. Bà Glick, người trước đây từng là phó giám đốc của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ dưới thời chính phủ ông Trump, nói rằng đó là điều mà Hoa Kỳ không thể bỏ qua.
“Các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, đã khuyến khích sản xuất thông qua giảm thuế và các biện pháp khác, và Hoa Kỳ không thể đứng ngoài cuộc,” bà Glick nói.
“Ý tưởng của dự luật này là thúc đẩy tăng trưởng trong nước và khuyến khích các đồng minh đầu tư vào Hoa Kỳ.”
Do đó, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đặt mục tiêu phát triển nhanh chóng nguồn cung cấp vi mạch bán dẫn trong nước để bảo đảm khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng quốc gia thông qua một quy trình được gọi là re-shore, trong đó việc tạo ra và cung cấp vi mạch bán dẫn được kiểm soát trong nước hoặc thông qua các đồng minh thân cận của Hoa Kỳ.
“Như cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đang diễn ra gần đây đã bộc lộ ra, chúng ta cần phát triển và duy trì nhiều năng lực hơn ở quê nhà,” bà Glick nói. “Tình trạng thiếu hụt đã lan rộng trong các ngành công nghiệp, khiến hàng trăm ngàn người lao động Hoa Kỳ làm việc trong mọi lĩnh vực từ sản xuất cho đến hậu cần và chăm sóc sức khỏe đều bị cho tạm nghỉ, đồng thời làm giảm sản lượng tổng thể.”
“Đây là thời điểm quan trọng để tập trung nỗ lực của chúng ta vào chuyển hoạt động sản xuất các thành phần trọng yếu trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu về nội địa (on-shore), về gần nội địa (near-shore), và về các nước đồng minh (allied-shore) để bảo đảm rằng Mỹ và các đồng minh của chúng ta được bảo vệ khỏi tình trạng thiếu hụt hoặc không có vi mạch bán dẫn trong tương lai.”
Những bất đồng đảng phái đã trì hoãn dự luật
Về lý thuyết, Quốc hội sẽ có cuộc họp vào tuần này để đạt được mục tiêu đó, mặc dù những bất đồng đảng phái đã ngăn cản đạt được một thỏa thuận trong một năm rưỡi qua.
Quốc hội đã thông qua Đạo luật Tạo ra Những ưu đãi Hữu ích để Sản xuất Chất bán dẫn (Đạo luật CHIPS) hồi tháng 01/2021. Tuy nhiên, kể từ đó, các nhà lập pháp đã không chấp thuận một dự luật nào để phân bổ thành công nguồn tài trợ nhằm đạt được mục tiêu phát triển và củng cố ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.
Thượng viện đã thông qua một phiên bản của dự luật vào tháng 06/2021, có nhan đề là Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới (USICA). USICA bao gồm 39 tỷ USD để xây dựng ngành bán dẫn trong vòng năm năm, 11.2 tỷ USD cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển Đạo luật CHIPS, và khoảng 200 tỷ USD để thúc đẩy đổi mới khoa học và công nghệ thông qua các khoản tín thuế cho các công ty sản xuất vi mạch bán dẫn.
Mặc dù USICA đã thông qua Thượng viện với tỷ lệ 68–32, nhưng các thành viên Đảng Dân Chủ tại Hạ viện đã không ủng hộ tài trợ cho đề nghị tín thuế dành cho các công ty vi mạch bán dẫn.
Hồi tháng Hai, Hạ viện đã thông qua phiên bản của mình về dự luật — Đạo luật CẠNH TRANH của Hoa Kỳ — bao gồm 52 tỷ USD cho sản xuất chất bán dẫn nhưng đã cắt giảm 200 tỷ USD cho các chương trình khác.
Đáng chú ý, dự luật của Hạ viện bao gồm một khoản tài trợ rộng rãi hơn cho các dự án không liên quan, chẳng hạn như tài trợ cho sinh viên nghiên cứu hóa học “xanh” và các chương trình về sản xuất xanh, điều này đã thu hút sự phẫn nộ từ các thành viên Đảng Cộng Hòa.
Giờ đây, các nhà lập pháp phải giải quyết những bất đồng của họ và đưa luật thỏa hiệp thông qua lưỡng viện một lần nữa trước khi Tổng thống Joe Biden có thể ký thành luật, điều mà họ hy vọng sẽ đạt được trước khi rời Hoa Thịnh Đốn cho kỳ nghỉ cuối tháng Tám hàng năm.
“USICA đã bao gồm các điều khoản để chống lại hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc,” bà Glick nói. “Tôi tin rằng điều quan trọng là phải thực hiện những điều khoản ban đầu đó và hy vọng sẽ thấy Quốc hội cân nhắc chúng lại một lần nữa. Tuy nhiên, chúng ta không muốn khéo quá hóa dở.”
Liệu rằng lựa chọn kém hoàn hảo hơn có ưu việt hơn không thì còn cần phải xem. Ngay cả khi Hạ viện và Thượng viện đạt được một thỏa thuận, thì Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hoà-Kentucky) cũng đã đe dọa sẽ chặn việc thông qua dự luật nếu Đảng Dân Chủ thúc đẩy một nỗ lực đảng phái để thêm vào tăng thuế doanh nghiệp và hạn chế phát thải lượng carbon.
Bà Glick đã bày tỏ hy vọng sự đồng thuận hiện tại của lưỡng đảng về tầm quan trọng của ngành sẽ bất biến. Nhưng bà cho biết, việc bảo đảm mối liên hệ lành mạnh giữa ngành và chính phủ sẽ là chìa khóa cho thành công sau cùng của ngành.
“Tôi tin rằng gói biện pháp lưỡng đảng đầy tham vọng này sẽ là một bước tiến dài hướng tới việc đáp ứng các nhu cầu hiện tại và tương lai về nghiên cứu và phát triển, sản xuất, và tìm nguồn cung ứng chất bán dẫn của Hoa Kỳ, nhưng việc thực hiện nó sẽ cần ưu tiên sự phối hợp giữa chính phủ và ngành công nghiệp tư nhân.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.