Thượng nghị sĩ Paul nêu chi tiết 52 tỷ USD tiền ‘lãng phí’ liên bang trong báo cáo Festivus thường niên
Thượng nghị sĩ (TNS) Rand Paul (Cộng Hòa-Kentucky) đã công bố “Báo cáo Festivus” thường niên của mình, theo dõi những gì ông coi là chi tiêu “lãng phí” của chính phủ liên bang. Theo vị TNS người Kentucky thiên về chủ nghĩa tự do này, sự lãng phí đó đã lên đến hơn 52 tỷ USD trong năm 2021.
Kể từ khi [được bầu] vào Thượng viện giữa làn sóng Tiệc Trà vào năm 2010, ông Paul đã coi ngân sách liên bang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của mình.
Giống như cha mình, ứng cử viên tổng thống năm 2008 và 2012 đồng thời là cựu Dân biểu Hoa Kỳ Ron Paul (Cộng Hòa-Texas), TNS Paul đã chỉ trích chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của Hoa Kỳ, tình trạng giám sát quá mức sau 11/09, và ngân sách vĩnh viễn không cân đối của chính phủ liên bang.
Báo cáo Festivus là một điểm nhấn quan trọng của ông Paul kể từ năm 2015, khi ông phát hành ấn bản đầu tiên của báo cáo này.
Trong báo cáo năm 2021, ông Paul đã tính toán rằng các dự án liên bang vô dụng cộng lại tiêu tốn tổng cộng 52,598,515,585 USD — một số tiền mà ông Paul nói có thể được sử dụng để cung cấp cho mỗi người trên Trái Đất khoảng 6.78 USD, xây dựng 13,149 dặm (21,038km) đường cao tốc bốn làn, vận hành các cơ sở của Bộ Cựu Chiến Binh trong 4.5 tháng, hoặc cấp ngân sách cho Bộ Năng lượng trong gần hai năm.
Từ nuôi dưỡng chồn sương đến bức tường biên giới dành cho các nước Trung Đông cho đến một bộ phim về khủng long do liên bang tài trợ, đây là một số ví dụ nổi bật nhất về các khoản chi tiêu kỳ quái được ông Paul tiết lộ.
Phân bổ sai quỹ COVID-19 trị giá 40 tỷ USD
Kể từ tháng 01/2020, chính phủ Hoa Kỳ đã chi cho các gói cứu trợ virus Trung Cộng nhiều hơn cả khoản chi cho Đệ Nhị Thế Chiến. Và những gói cứu trợ này đã tốn hàng chục tỷ bạc của người nộp thuế vào sự lãng phí và các quỹ bị phân bổ sai chỗ, ông Paul lập luận.
Cho đến nay, khoản chi phí lớn nhất được liệt kê là khoản thất thoát 36 tỷ USD do “việc thanh toán hỗ trợ thất nghiệp không đúng cách theo Đạo luật CARES.” Đạo luật CARES, được ký thành luật hồi tháng 03/2020, là dự luật kích thích chi tiêu đầu tiên trong đại dịch.
Vào lúc đó, khi sự không chắc chắn về dịch bệnh này lên đến đỉnh điểm, dự luật đã mở rộng các cơ hội đủ điều kiện để thất nghiệp, cho phép những người không đủ điều kiện được nhận tiền thất nghiệp.
Mặc dù mọi chuyện đã trở nên rõ ràng rằng hầu hết người trưởng thành khỏe mạnh dưới 50 tuổi có ít nguy cơ mắc bệnh nặng, nhưng các khoản chi tiêu liên bang được Đạo luật CARES cho phép đã tụt hậu so với khoa học.
Trong khi các chủ lao động trên toàn quốc đang khao khát có thêm nhân viên, thì nhiều người Mỹ không gặp rủi ro vẫn tiếp tục nhận tiền thất nghiệp theo hướng dẫn của Đạo luật CARES, mặc dù họ có thể làm việc tại các nơi làm việc có thực hành các biện pháp an toàn COVID-19 của riêng họ.
Khoản chi lớn thứ hai được ông Paul nêu chi tiết cũng là kết quả của luật kích thích chi tiêu thời COVID.
Tổng cộng, ông Paul tuyên bố chính phủ liên bang đã chi khoảng 4.3 tỷ USD cho các khoản vay trùng lặp hoặc không đủ điều kiện của Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP), một chính sách cứu trợ khác cho phép chủ lao động nhận các khoản vay từ chính phủ liên bang để bảo đảm rằng nhân viên của mình được trả tiền thù lao.
DoD chi hàng tỷ USD cho các phi cơ phế liệu, các tòa nhà bỏ hoang và các bức tường biên giới Trung Đông
Các khoản chi lớn tiếp theo đến từ Bộ Quốc phòng (DoD).
Theo ông Paul, DoD đã đầu tư 3.4 tỷ USD để thay thế Xe Chiến đấu Bradley, một trong những phương tiện tấn công giống xe tăng của quân đội được sử dụng một phần để chở quân. Nỗ lực thay thế các xe Bradley bắt đầu từ năm 2003, nhưng DoD vẫn chưa thể tạo ra một phương án thay thế khả thi.
DoD cũng làm mất khá nhiều tiền thuế của người dân trong cuộc rút quân hỗn loạn và gây tranh cãi khỏi Afghanistan.
Được lệnh rời đi ngay lập tức bởi Tổng thống Joe Biden, quân đội không chỉ để lại phía sau hàng trăm công dân Hoa Kỳ và hàng tỷ USD trang thiết bị quân sự, mà còn hàng tỷ USD cơ sở hạ tầng và các tòa nhà do Hoa Kỳ tài trợ. Việc di tản đã khiến các tòa nhà trị giá khoảng 2.4 tỷ USD không được sử dụng.
“Tại sao chúng ta lại chi tất cả số tiền này để xây dựng những tòa nhà đó ngay từ đầu?” ông Paul viết. “Điều từng là một sứ mệnh nhằm tìm kiếm và tiêu diệt những kẻ gây ra vụ tấn công 11/09 đã trở thành một bài diễn tập về — thôi thì, không biết rõ chính xác là về cái gì nữa.”
Ngoài ra, DoD cũng chi 549 triệu USD tiền phi cơ quân sự cho quốc gia sa mạc xa xôi này, nhưng những chiếc phi cơ này “sau đó đã bị vứt bỏ” và bán như phế liệu với giá 40,257 USD, ông Paul phát hiện ra.
Kể từ năm 2017, DoD đã mất 773 triệu USD do các khoản nợ chưa thu được từ các đồng minh sử dụng phi cơ Mỹ.
“DoD chịu trách nhiệm lập hóa đơn và theo dõi việc sử dụng các mặt hàng và dịch vụ này của các quốc gia,” ông Paul nói về phát hiện này, đồng thời lưu ý rằng những chiếc phi cơ này không được cung cấp miễn phí. “Tuy nhiên, DoD rõ ràng đã quên mất điều đó,” ông Paul châm biếm.
Một trong những khoản chi kỳ lạ nhất của DoD liên quan đến một khoản đầu tư 250 triệu USD vào việc xây dựng các bức tường biên giới xung quanh một số quốc gia Trung Đông và Bắc Phi.
Trong cùng khoảng thời gian đó, trên thực tế, chính phủ Tổng thống Biden đã để biên giới phía nam của Hoa Kỳ mở cửa.
Khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã hủy bỏ một số hợp đồng không hoàn tiền của bức tường biên giới Hoa Kỳ-Mexico do cựu Tổng thống Trump đàm phán, khiến các vật liệu của bức tường không được sử dụng chồng chất dọc theo biên giới. Kể từ đó, những vụ vượt biên trái phép ở biên giới phía nam đã xảy ra ở mức chưa từng thấy.
Một triệu cây xanh cho NYC, pin năng lượng mặt trời cho Phi Châu, và các sáng kiến khí hậu khác
Tuy nhiên, những khoản chi tiêu này là tương đối nhẹ nhàng so với những khoản chi khác trong danh sách của TNS Paul. Ông Paul cũng tiết lộ cách thức tiền liên bang đã được sử dụng cho một số sáng kiến khí hậu kỳ quặc, cả ở Hoa Kỳ và ở hải ngoại.
Ví dụ, chính phủ liên bang đã đề nghị một khoản tiền đáng kinh ngạc là 400 triệu USD để trồng một triệu cây xanh ở Thành phố New York từ năm 2007 đến năm 2017, tương đương với khoảng 400 USD cho mỗi cây.
Những người ủng hộ nói rằng dự án này sẽ “làm cho Thành phố New York bền vững hơn” và “bảo vệ hành tinh của chúng ta.” Giám đốc MillionTreesNYC Morgan Monaco nói rằng còn có một mục tiêu nữa là “để người dân New York hình thành một mối liên hệ cảm xúc với cây cối.”
Một số quốc gia Phi Châu cũng được hời nhờ nguồn tài trợ từ người đóng thuế Hoa Kỳ. Ông Paul cho biết, Bộ Ngoại giao đã dành 179 triệu USD để tài trợ cho các chương trình năng lượng xanh ở Phi Châu.
Ông Paul lập luận rằng khoản đầu tư này thực sự sẽ gây tổn hại cho các quốc gia Phi Châu nhiều hơn là giúp ích cho họ.
Ông Paul nói: “Vận hành các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và thủy điện vẫn còn tốn kém hơn đối với người dân [Phi Châu]. Vì vậy, bằng cách … chi 179 triệu USD cho năng lượng tái tạo, thực ra chúng ta sẽ đẩy cho người tiêu dùng Phi Châu cận Sahara các hóa đơn tiền điện cao ngất ngưởng.”
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng đã tiến hành một số chương trình khí hậu có chi phí cao một cách đáng ngờ. Theo phát hiện của ông Paul, USAID đã chi 11.3 triệu USD cho việc “yêu cầu người dân [Việt Nam] không đốt rác của họ.”
USAID đã dành 88 triệu USD khác cho các nỗ lực xây dựng hệ thống tưới tiêu ở Afghanistan. Bất chấp khoản đầu tư gần 100 triệu USD, những thứ này hầu như không được nông dân Afghanistan sử dụng.
Nuôi dưỡng chồn sương cho vaccine COVID và các dự án nghiên cứu khác do chính phủ tài trợ
Chính phủ liên bang cũng rất bận rộn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Trong khi một số nghiên cứu do liên bang tài trợ liên quan đến các lĩnh vực như công nghệ quân sự, đổi mới chăm sóc sức khỏe, và du hành vũ trụ, thì một số dự án của chính phủ lại thúc đẩy giới hạn hiểu biết của con người ít hơn nhiều so với những dự án khác.
Một trong những dự án nghiên cứu kỳ lạ nhất được ông Paul nhấn mạnh liên quan đến khoản tài trợ 4.5 triệu USD cho một cơ sở vaccine nuôi dưỡng chồn sương, trong số các thí nghiệm vô nhân đạo khác.
“Kể từ năm 2010, người đóng thuế Hoa Kỳ đã cung cấp cho Triple F Farms 4.5 triệu USD [để nhân giống và vận chuyển chồn sương] cho các phòng thí nghiệm thử nghiệm vaccine COVID-19 và vaccine cúm,” ông Paul giải thích. Một cuộc điều tra năm 2011 đối với cơ sở của họ cho thấy “các đoạn video ghi lại cảnh những con chồn chết trong phân, bị xe tải chạy qua, ném sống vào lò đốt, treo trên dây.”
Sau khi những hành vi lạm dụng này được công khai, Triple F Farms đã bị phạt một khoản tiền trị giá 44,000 USD từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), mà ông Paul gọi là “một cú tét nhẹ vào cổ tay so với hàng triệu USD tiền thuế của quý vị mà họ đã nhận được trước và sau cuộc điều tra.”
Các cuộc thanh tra gần đây của USDA cho thấy những vấn đề này đang tiếp diễn. Nhưng Triple F Farms vẫn nhận được tài trợ của liên bang bất chấp việc đối xử vô nhân đạo và bất hợp pháp đối với động vật.
Một nghiên cứu khác do liên bang tài trợ từ Viện Quốc gia về Lão hóa, với chi phí cho người nộp thuế là 1.3 triệu USD, cho thấy rằng “nghe tin xấu làm giảm mức độ hạnh phúc.” Tương tự như vậy, chính phủ liên bang đã tài trợ cho một thí nghiệm trị giá 352,000 USD, kết luận rằng “trẻ em thèm đồ ăn nhanh và tăng cân nếu các em được cho ăn loại đồ ăn này.”
Cuối cùng, Viện Y tế Quốc gia đã chi 465,000 USD cho một thí nghiệm liên quan đến chim bồ câu chơi các máy đánh bạc, trong khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm chi 337,500 USD cho nỗ lực vỗ béo lươn làm thức ăn cho người.
Dịch sách sang tiếng Georgia và các sáng kiến văn hóa khác
Một loạt các sáng kiến văn hóa kỳ quặc cũng nằm trong sổ séc cồng kềnh của chính phủ liên bang.
Ví dụ, Bộ Ngoại giao đã chi 182,741 USD cho sáng kiến dịch những cuốn sách kinh điển của Mỹ sang tiếng Georgia, ngôn ngữ của một quốc gia Trung Á nhỏ với dân số khoảng 3.7 triệu người — ít hơn dân số của riêng Los Angeles.
“Những cuốn sách được dịch ra không đáng chê trách,” ông Paul nhấn mạnh, “một số sách giáo khoa kinh tế, sách dành cho trẻ em, và các tác phẩm kinh điển của Hoa Kỳ như All the King’s Men và Invisible Man.”
“Nhưng,” ông thắc mắc, “từ khi nào việc này trở thành công việc của chính phủ liên bang vậy?”
“Ở Hoa Kỳ, gần một phần ba học sinh lớp bốn không đọc thành thạo,” ông Paul lưu ý. “Theo ước tính, khoảng 36 triệu người trưởng thành ở Hoa Kỳ không có kỹ năng đọc căn bản … trên trình độ lớp ba,” báo cáo viết.
“Trong trường hợp giới quan chức đã quên: cử tri của các ông là người dân Hoa Kỳ, không phải công dân ngoại quốc,” ông Paul viết.
Tương tự, Bộ Ngoại giao đã chi 200,000 USD cho sáng kiến dạy người Pháp về văn hóa Mỹ, bất chấp thực tế là văn hóa Mỹ vốn đã có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa và ngôn ngữ Pháp. Trong một nỗ lực giống như thế, USAID cũng đã chi 150,000 USD để tài trợ các chuyến đi thực tế miễn phí tới Hoa Thịnh Đốn cho trẻ em Hàn Quốc.
Nhưng ông Paul lưu ý rằng không phải tất cả các khoản chi tiêu cho văn hóa của chính phủ liên bang đều mang tính quốc tế.
Thành phố New York, chẳng hạn, đã nhận được khoản tài trợ 25 triệu USD như một phần của chương trình cứu trợ COVID-19 để trưng bày các dự án nghệ thuật trên toàn thành phố. Với số tiền đó, Thị trưởng đương thời Bill DeBlasio đã giới thiệu chương trình “City Arts Corps”, chi trả cho khoảng 3,000 nghệ sĩ để trưng bày công khai các tác phẩm sáng tạo nhằm “hồi sinh bối cảnh văn hóa”, theo ông DeBlasio.
14 triệu USD khác được dùng để tài trợ cho Trung tâm Wilson, một địa điểm cao cấp thường là sân khấu cho những gì ông Paul mô tả là “những bữa tiệc sang trọng” dành cho các thành viên của Quốc hội.
Ông Paul viết: “Nếu quý vị chưa nghe nói về Trung tâm Wilson, thì đó là một tổ chức tư vấn chính sách ngoại giao phi đảng phái nhỏ ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Nó giống như một tổ chức tư vấn tư nhân, như Heritage Foundation (Quỹ Di Sản) hoặc Center for American Progress (Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ), ngoại trừ nó nhận được khoảng 14 triệu USD mỗi năm từ chính phủ Liên bang.”
Và Trung tâm Wilson đã nhận được rất nhiều tiền của người đóng thuế trong vài thập niên vừa qua. Theo ông Paul, trung tâm đảng phái quốc hội này đã nhận được 300 triệu USD kể từ năm 1976, trong khi các tổ chức tương tự như nó nói trên lại không nhận được gì.
Cuối cùng, Quỹ Khoa học Quốc gia đã chi 2.5 triệu USD cho “một bộ phim về khủng long để truyền cảm hứng cho học sinh trung học.”
“Đúng vậy, chính phủ đã sử dụng 2 triệu USD tiền đóng thuế của người dân để tạo ra một bộ phim lấy chủ đề là khủng long ở định dạng 2D và 3D, một bộ phim truyền hình ba tập, một cuốn sách hư cấu và các cuộc triển lãm trong bảo tàng nhằm ‘truyền cảm hứng’ cho học sinh trung học để xây dựng mối quan tâm đến STEM,” ông Paul viết.
Kế hoạch cân đối ngân sách của ông Paul
Trong báo cáo của mình, ông Paul cũng nêu chi tiết những việc có thể làm để cân đối ngân sách.
Một vài năm trước, ông Paul đã giới thiệu “Kế hoạch Cân đối Ngân sách Bằng tiền xu”. Theo ông Paul, kế hoạch sẽ cắt giảm “chỉ một xu từ mỗi đồng mà chính phủ Liên bang chi tiêu.”
Nhưng trong bối cảnh chi tiêu kỷ lục của Quốc hội Dân chủ, kế hoạch đó sẽ không còn đủ để cân đối ngân sách, ông Paul nói. Giờ đây, chính phủ liên bang đang chi tiêu quá nhiều tiền đến mức họ cần phải cắt giảm 5 xu trên mỗi đồng mà họ chi tiêu để cân bằng ngân sách.
Trong các cuộc tranh luận ban đầu về dự thảo ngân sách trị giá 3.5 ngàn tỷ USD của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (Độc Lập-Vermont), ông Paul đã đưa ra một bản sửa đổi cho dự luật mà lẽ ra sẽ làm chính điều đó (cắt giảm 5 xu). Tuy nhiên, bản sửa đổi này đã bị đa số đánh bại, với một số thành viên Đảng Cộng Hòa tham gia với các thành viên Đảng Dân Chủ để bác bỏ đề nghị này.
Tuy nhiên, ông Paul cho biết ông sẽ tiếp tục làm những gì có thể để khắc phục vấn đề này. Ông viết: “Tốc độ mà nợ của chúng ta đang tăng lên có nghĩa là chúng ta cần những giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề ngày càng gia tăng này.”
Ông Joseph Lord là một phóng viên đưa tin về Quốc hội cho The Epoch Times, chuyên về Đảng Dân Chủ. Ông lấy bằng Cử nhân Triết học tại Đại học Clemson và là một học giả trong Chương trình Lyceum.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: