Thượng nghị sĩ Hawley đệ trình dự luật về lao động nô lệ trong chuỗi cung ứng
Dự luật sắp tới của Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Josh Hawley, (Cộng hòa-Missouri) nhằm mục đích buộc các công ty lớn của Hoa Kỳ chịu trách nhiệm cho việc bảo đảm không có lao động nô lệ trong chuỗi cung ứng của họ.
Dự luật Kinh tế Bãi bỏ Lao động Nô lệ thúc đẩy sự minh bạch trong chuỗi cung ứng của các công ty, đề nghị kiểm toán thường xuyên, yêu cầu các lãnh đạo doanh nghiệp xác nhận rằng sản phẩm từ công ty của họ không dựa vào lao động cưỡng bức hoặc nô lệ, và xử phạt các công ty không đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản này.
Ông Hawley đã viết trong một bài đăng trên Twitter: “Các tập đoàn của Hoa Kỳ như @NBA và @Nike và nhiều doanh nghiệp khác không nên hưởng lợi từ lao động nô lệ, cưỡng bức. Tôi sẽ đề ra những dự luật để yêu cầu các công ty đa quốc gia phải xác nhận rằng họ không sử dụng lao động nô lệ hoặc sẽ phải đối mặt với các hình phạt.”
Theo báo cáo của Văn phòng Lao động Quốc tế (ILO) năm 2016 về chế độ nô lệ hiện đại, có 40 triệu người là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại, trong đó ước tính khoảng 25 triệu người bị lao động cưỡng bức. Trung Quốc nổi tiếng với các trại lao động sử dụng tù nhân lương tâm, trong đó hai nhóm lớn nhất là các học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số chủ yếu là Hồi giáo.
Theo lời khai được đệ trình lên Quốc hội Hoa Kỳ năm 2005 của ông Gregory Xu, một học viên và là nhà nghiên cứu Pháp Luân Công, “Trong 20 năm qua, ước tính có khoảng 200,000 đến 1 triệu học viên Pháp Luân Công bị buộc đưa đến trại lao động cưỡng bức mà không có án xử. Hơn 180 trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc đã trực tiếp tham gia vào cuộc bức hại này thông qua hình thức lao động cưỡng bức bất hợp pháp”.
Năm 2020, Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) đã công bố một báo cáo có tiêu đề “Buôn bán người Duy Ngô Nhĩ: ‘Tái giáo dục’, cưỡng bức lao động và giám sát ngoài Tân Cương,” trong đó chỉ rõ 83 công ty ngoại quốc và Trung Cộng được cho là đã hưởng lợi ở một mức độ nào đó trong việc sử dụng lao động nô lệ cưỡng bức, bao gồm lao động người Duy Ngô Nhĩ.
Trong số 83 công ty có liên quan, có thể kể đến Amazon, BMW, Gap, H&M, Nike, North Face, Puma, và Samsung bị cáo buộc có sử dụng lao động cưỡng ép trong các chuỗi cung ứng của họ.
Nếu các doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn trở thành biểu tượng trong việc thay đổi xã hội, thì họ phải xác nhận rằng họ hoàn toàn không có lao động nô lệ. Phải tham gia vào các cuộc kiểm toán độc lập để xác minh vấn đề và công khai các bước nhằm bảo đảm không có lao động nô lệ sau này. Nếu họ từ chối làm như vậy, họ nên phải trả giá. Đó là trách nhiệm xã hội của cộng đồng,” ông Keith Hawley lên tiếng trong một tuyên bố hôm thứ Hai ngày 20/7.
Dự luật do ông Hawley soạn thảo yêu cầu mọi công ty có tổng doanh thu hàng năm từ 500 triệu USD trở lên phải thực hiện kiểm toán chuỗi cung ứng của mình để xác minh liệu họ có sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của mình không.
Ngoài ra, các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm báo cáo cho Bộ Lao động hàng năm, nêu chi tiết về các nỗ lực của công ty để loại bỏ lao động nô lệ khỏi tất cả các dây chuyền sản xuất của họ.
Ông Hawley muốn báo cáo được công bố trên trang web của công ty, với một đường liên kết dễ tìm thấy trên trang chủ.
“Tôi tự hỏi bao nhiêu quần áo giày dép thương hiệu NBA hay Nike – được sản xuất bởi lao động nô lệ,” ông Hawley viết hồi đầu tháng 7.
Nike, gã khổng lồ của ngành hàng may mặc thể thao, đã cho biết trong bài phản hồi báo cáo của ASPI là họ cam kết đảm bảo rằng những người làm ra sản phẩm của họ đều được trân trọng.
Tuyên bố của Nike có đoạn viết, “Nike cam kết duy trì các tiêu chuẩn lao động quốc tế, và chúng tôi đang tiếp tục tìm cách tốt nhất để giám sát các tiêu chuẩn tuân thủ của chúng tôi trước sự phức tạp của vấn đề này. Các Quy tắc Hành xử và Tiêu chuẩn Lãnh đạo của Nike có các yêu cầu nghiêm cấm mọi loại hình nhà tù, lao động cưỡng bức, lao động lệ thuộc hay bóc lột nhân công nước thứ ba, bao gồm các quy định chi tiết về tự do di chuyển và cấm phân biệt đối xử dựa trên nền tảng dân tộc hoặc tôn giáo.”
Trong khi đó, phản ứng của Amazon đối với các cáo buộc về sử dụng lao động nô lệ trong chuỗi cung ứng gây ngạc nhiên khi đưa ra một tuyên bố sẽ điều tra vấn đề này.
“Chúng tôi cam kết duy trì các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Trước tình hình phức tạp này, chúng tôi đã ngay lập tức tiến hành điều tra dựa trên các phát hiện của Viện Chính sách Chiến lược Úc, và hợp tác tích cực với các đối tác trong ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực này, chính phủ các nước và các bên liên quan khác để đề cao hơn nữa các nỗ lực trong việc thẩm định pháp lý của chúng tôi theo khuyến nghị của Viện Chính sách Chiến lược Úc,” trích tuyên bố của Amazon.
Đề cập đến báo cáo của ASPI, ông Hawley cho biết hơn 80 công ty toàn cầu có liên quan tới việc sử dụng lao động người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc, tuy nhiên vấn đề này đã vượt ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Theo Theepochtimes
Hạ Thu biên dịch