Thức tỉnh khỏi sự xuất sắc
Trong khi cuộc Cách mạng Thức tỉnh (Woke Revolution) tiếp tục quét ngang nền giáo dục đại học, sự mâu thuẫn ngày càng tồi tệ hơn. Tôi không nói đến các căng thẳng chính trị và xã hội mà phong trào thức tỉnh gây ra. Vấn đề ở đây, đúng hơn là sự mâu thuẫn giữa yêu cầu đa dạng hóa của phong trào thức tỉnh và sự cam kết của một trường đại học vào sự xuất sắc.
Hai mặt này không thể trộn lẫn, và khi một cái tăng lên, cái còn lại phải giảm xuống.
Có học viện nào ở xã hội Hoa Kỳ bị cuốn vào sự cạnh tranh, danh vọng, và địa vị cho bằng các đại học danh giá? Có bảng xếp hạng nào được chú ý bằng danh sách các trường trong bảng xếp hạng U.S. News & World Report. Người ta thường nhóm Yale, Harvard, Amherst, Berkeley, Duke và các học viện ưu tú khác lại chung với nhau như thể họ là một nhóm đoàn kết. Nhưng sự thật thì sự cạnh tranh giữa các trường này rất nảy lửa, và sự dè chừng lẫn nhau là chưa bao giờ ngừng nghỉ. Văn phòng tuyển sinh của trường Princeton theo dõi những gì trường Columbia làm, còn trường Emory thì theo dõi trường Vanderbilt.
Mỗi trường đều tìm một lợi thế cạnh tranh, và nếu số lượng ứng viên xin nhập học vào một trường tăng lên hay giảm đi đáng kể, các trường khác sẽ chú ý.
Mỗi trường đều nhận mình là xuất sắc. Nó được viết đầy trong các tài liệu quảng cáo. Đây là một chiếc thang học thuật, và chất lượng tri thức là tiêu chuẩn đầu tiên. Trường Yale chỉ nhận 6% số học sinh ứng tuyển vì họ tin rằng chỉ những người giỏi nhất mới xứng đáng được nhận vào trường. Khoa Y tế Cộng đồng của trường Johns Hopkins nhận được rất nhiều tiền tài trợ cho nghiên cứu bởi vì đội ngũ giáo sư của khoa là số 1. Khi Khoa Anh Ngữ của đại học Chicago đưa ra tuyên bố ủng hộ phong trào Black Lives Matter (BLM) gần đây, tuyên bố này đã được đặt ngay dưới một lời giới thiệu khẳng định rằng đây là khoa “xếp hạng nhất trong số các Khoa Anh Ngữ tại Hoa Kỳ”.
Thế nhưng yêu cầu của phong trào thức tỉnh không củng cố cho mục tiêu xuất sắc. Ồ, chúng ta luôn nghe rằng “sự đa dạng là sức mạnh của chúng ta”, nhưng không ai thật sự tin vào điều đó, đặc biệt là những nhân vật cao cấp ranh mãnh trong nội bộ, vốn hay tụng niệm nó với vẻ nghiêm trang. Thay vào đó, những đòi hỏi của phong trào thức tỉnh đang làm xói mòn các chính sách và phương pháp giúp giữ vững sự xuất sắc.
Làm xói mòn sự xuất sắc
Một trong những tiêu chí lâu đời để U.S. News đánh giá các trường đại học là điểm thi trung bình của các sinh viên nhập học. Có thể lập luận rằng, điểm SAT càng cao đồng nghĩa với một lứa sinh viên càng giỏi và tài năng, tạo ra một môi trường học thuật mạnh mẽ hơn trong các ký túc xá, thư viện, và phòng ăn, nhờ đó thúc đẩy các kết quả tốt hơn cho tất cả mọi người. Nhưng điểm SAT không giúp tăng sự đa dạng. Học sinh gốc Á có điểm cao, nhưng họ đã chiếm tỷ lệ rất lớn trong các trường đại học. Học sinh Hoa Kỳ gốc Phi và gốc Latin thường có điểm không quá tốt, nên các trường đại học lớn khó có thể nhận họ để làm tăng tỷ lệ của các nhóm sinh viên này trong trường.
Vì vậy, cuộc thi này phải bị loại bỏ, như Hội đồng quản trị của Hệ thống Đại học California đã quyết định vào tháng 5: không cần điểm SAT và ACT để được nhập học.
Còn một trường hợp nữa mà sự đa dạng đã chiến thắng sự xuất sắc. Trong rất nhiều năm, chương trình giáo dục đại cương của đại học Oklahoma luôn có một môn học nâng cao: môn Senior Capstone Experience (dự án cho sinh viên năm cuối), trong đó sinh viên phải hoàn thành một dự án có chất lượng cho chuyên ngành của họ. Đây là một thành tựu nho nhỏ và thú vị, đòi hỏi sinh viên phải vận dụng các kiến thức và kỹ năng đã được học. Nhưng nó không còn nữa. Vào đầu tháng 9, một phó hiệu trưởng đã gửi email cho các giáo sư để thông báo rằng môn học này đã không còn là một yêu cầu trong chương trình giáo dục đại cương.
Quyết định trên theo sau một thay đổi khác trong chương trình mà Hội đồng quản trị của Đại học Oklahoma đã chấp thuận vào tháng 7. Lần thay đổi này không phải là bỏ đi một môn học, mà là thêm vào: một môn học về sự đa dạng và bao dung mà mọi sinh viên phải học. Nói một cách khác, một hoạt động học thuật nghiêm túc nhất là không cần thiết nữa, nhưng một lớp học về một tư tưởng hệ giáo điều là cần thiết. Nhiều vị trưởng khoa đã phản đối việc bỏ môn capstone (trong khi tất nhiên thể hiện rằng họ tán thành kế hoạch thêm môn đa dạng), nhưng các nhà quản lý vẫn tiếp tục thúc ép. Việc thể hiện mình thức tỉnh thì quan trọng hơn là học thuật.
Điều này đang diễn ra khắp nơi. Khoa Anh Ngữ của đại học Chicago đã bỏ yêu cầu về điểm GRE trong hồ sơ xin nhập học của ứng viên (với cùng lý do mà điểm SAT và ACT đã bị loại bỏ). Trong tờ Wall Street Journal, Heather Mac Donald đã liệt kê hàng triệu USD tiền tài trợ cho các phòng thí nghiệm khoa học có thuê phụ nữ và cộng đồng thiểu số. Bà đã lưu ý rằng những tài trợ này thường không đề cập đến “các bằng cấp khoa học liên quan”.
Và cũng có những trường hợp mà một học giả đã viết một bài báo trái ngược với các giáo điều về đúng đắn chính trị, đã được đăng trong một tạp chí uy tín xuất bản hàng quý sau khi trải qua quá trình bình duyệt thường lệ, để rồi sau đó bị phản đối và dẫn đến việc tạp chí rút lại bài báo. Tờ tạp chí trên đã không để lại bài báo, mời gọi các bài phản hồi, và mời tác giả bài báo tự biện giải, như theo truyền thống trước đây. Không, tờ tạp chí chỉ đơn giản là vứt bỏ bài báo. Đây là một sự xúc phạm đến nền học thuật xuất sắc, nhưng lại là một sự phục tùng đối với tư tưởng hệ thức tỉnh.
Sự mâu thuẫn không thể hòa giải
Điều này sẽ đi đến đâu? Đến nơi mà những người cấp tiến có thể đưa nó đến. Những nhà Cách mạng Thức tỉnh biết rằng giáo dục đại học chính là người gác cổng chủ yếu cho giới tinh hoa. Nếu những rào cản, đánh giá và ngăn trở của các trường đại học danh giá không bị thay thế bởi các yêu cầu về sự đa dạng, giới trí thức trong xã hội Hoa Kỳ sẽ vẫn là nơi có ít người thuộc thành phần thiểu số. Nếu một số tiêu chuẩn phải bị hạ thấp, thì đó chỉ là một cái giá nhỏ phải trả cho sự công bằng xã hội.
Tuy nhiên, nó sẽ làm vẩn đục một tuyên bố chủ yếu của các trường hàng đầu tại Hoa Kỳ. Họ không thể tiếp tục nhấn mạnh sự xuất sắc, bởi vì xuất sắc đồng nghĩa với sự ngăn trở, kiểm tra, đánh giá, và phân loại. Những nhóm khác nhau sẽ bị ảnh hưởng khác nhau, nhưng một trường càng hướng đến sự xuất sắc chừng nào, thì trường đó lại càng phải sàng lọc nhiều chừng đó. Sự bao dung không thể hòa hợp với yêu cầu này. Sự đa dạng cũng không thể.
Nam và nữ có điểm trung bình gần bằng nhau trong các bài kiểm tra toán, nhưng đồ thị phân bố điểm của nam thì rộng và phẳng hơn. Quý vị có nhiều nam hơn nữ ở đầu điểm thấp và đầu điểm cao. Một khoa toán ở một trường tốp 1 chỉ tuyển những nhà toán học giỏi nhất, trong đó, như quý vị có thể thấy, sẽ đến chủ yếu từ đàn ông. Một khoa muốn có tỷ lệ cân bằng, 50% giáo sư nữ để giống với tỷ lệ dân số chung, phải hạ thấp tiêu chuẩn chuyên môn.
Tất nhiên, một khoa Toán không nên thực hiện một cuộc tuyển chọn giáo sư với dự tính là sẽ tuyển một giáo sư nam. Có thể điều tốt nhất cho khoa là luôn chủ động hy vọng sẽ tuyển được nhiều giáo sư nữ cũng như giáo sư thuộc thành phần thiểu số hơn. Nhưng một khi quy trình tuyển chọn bắt đầu, mọi người phải được xem xét như là một cá nhân, chứ không phải là đại diện cho một nhóm. Nếu một ứng cử viên nam và một ứng cử viên nữ có năng lực gần bằng nhau trong quá trình tuyển chọn, thì hãy tuyển ứng cử viên nữ. Nhưng khi chúng ta nhìn lại quá trình tuyển chọn, chúng ta biết rằng đa số những ứng cử viên tốt nhất mỗi năm là nam.
Không có cách nào bỏ qua được điểm này, trừ khi loại bỏ một sự thật hiển nhiên là tài năng sẽ không đồng đều nhau. Nhưng đó cũng có nghĩa là loại bỏ sự xuất sắc. Đó là một sự ràng buộc, và những nhà lãnh đạo đại học vẫn chưa tìm ra được cách giải quyết. Họ sẽ tiếp tục tuyên dương cả hai lý tưởng, sự đa dạng và sự xuất sắc, như thể cả hai sẽ cùng phát triển trong khuôn viên đại học của họ hơn bất kỳ nơi nào khác. Thế nhưng sự mâu thuẫn giữa chúng đang trở nên khó có thể che giấu. Tuy vậy, họ không thể dừng lại. Sức ảnh hưởng của phong trào thức tỉnh trong trường đã thúc ép họ. Kết quả là các chủ tịch, hiệu trưởng, và trưởng khoa sẽ càng ngày càng giống như những doanh nhân hơn là những học giả.
Các trường đại học vốn đã gặp vấn đề về tín nhiệm, cùng với sự tức giận đang lan rộng về mức học phí cao. Vấn đề trên sẽ chỉ làm cho mọi thứ tệ đi.
Mark Bauerlein là giáo sư danh dự về Anh Ngữ của trường đại học Emory. Các bài viết của ông đã được đăng trên báo Wall Street Journal, Weekly Standard, Washington Post, TLS, và Chronicle of Higher Education.
Quan điểm trong bài viết là của tác giả và không nhất thiết đại diện cho quan điểm của The Epoch Times.