Thực tế khắc nghiệt mà những luật sư bảo vệ cho quyền lợi của người dân ở Trung Quốc phải đối mặt
Vào ngày 28/05/2020, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói với một ký giả rằng 600 triệu người Trung Quốc có thu nhập trung bình hàng tháng chỉ là 154USD, theo tin từ tờ Nam Hoa Tảo Báo có trụ sở tại Hồng Kông.
Ông Trần Quang Thành (Chen Guangcheng), nhà hoạt động nhân quyền và luật sư nổi tiếng của Trung Quốc, tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Epoch Times Hoa ngữ rằng nông dân Trung Quốc thực tế chỉ kiếm được từ 46USD đến 77USD một năm.
Ông Trần đã trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc vì công việc giúp đỡ các nhóm dễ bị tổn thương, chẳng hạn như nông dân, công nhân nhập cư, người khuyết tật, và bảo vệ quyền của họ.
Theo ông Trần, nông dân Trung Quốc buộc phải đóng thuế nông nghiệp và nhiều loại phí khác nhau vì theo báo cáo của chính quyền địa phương với cấp trên của họ là [nông dân] có mức thu nhập hàng năm từ 539USD đến 555USD.
“Nhiều nông dân không có khả năng chi trả [các khoản phí ấy],” ông Trần nói từ nơi an toàn ở Hoa Kỳ.
Trò chơi bắt đầu với sự lừa dối
Các quan chức cộng sản có nhiều cách để đánh lừa hoặc đe dọa nông dân phải trả tiền, ông Trần nói tiếp. Các quan chức địa phương thường yêu cầu nông dân ký vào một văn bản xác nhận rằng số tiền đó chưa cần trả bằng cách thuyết phục họ rằng “Quý vị có thể trả sau nếu quý vị ký vào tờ giấy này.”
Ông Trần cho hay, “Hậu quả của giao kèo này có nghĩa là nông dân thừa nhận nợ tiền của chính phủ. Bây giờ, món nợ đó trở thành một khoản cho vay, và các ngân hàng được quyền thu nó.”
Ông kể lại rằng khi các ngân hàng đến thu tiền, họ đi cùng các quan chức tư pháp và những người đàn ông mà ông mô tả là côn đồ.
“Trung Cộng mang những kẻ côn đồ đến để đánh quý vị,” ông nói.
Sau khi đánh đập hoặc hành hạ dã man, quan chức sẽ buộc người nông dân phải vay tiền từ những người hàng xóm của mình. Nếu không, họ sẽ phá cửa nhà của người nông dân và lấy đi thức ăn và gia súc của anh ta để nộp thuế.
Ông Trần nói, “Điều này là bất hợp pháp, trái với luật pháp Trung Quốc.”
Nhưng người nông dân không có nơi nào để tìm kiếm công lý.
Khi biết tin ông Trần đã thành công trong việc giúp đỡ những người tàn tật và lao động nhập cư nộp đơn đòi tiền bồi thường từ chế độ, nhiều nông dân đã tìm đến ông để được giúp đỡ.
Khó khăn trong việc đệ trình đơn kiện
Ở Trung Quốc, ông Trần đã giúp các nông dân giải quyết các tranh chấp hành chính, vốn được biết đến nhiều hơn ở Trung Quốc với cái tên “Vụ kiện của những thường dân chống lại chính quyền.”
Ông giải thích rằng đây là điểm khó nhất trong luật pháp Trung Quốc vì Trung Cộng kiểm soát hầu hết mọi thứ. Ông cho rằng, dưới chế độ cộng sản, bên cạnh kiến thức pháp luật tốt, một người cần rất can đảm để nộp đơn khởi kiện hành chính.
“Một số học giả và chuyên gia pháp lý ở các trường đại học Bắc Kinh và Thượng Hải nói với tôi rằng nếu có thể họ sẽ không bao giờ đụng chạm đến vấn đề đó,” ông Trần nói.
Khó khăn đầu tiên là đệ trình đơn khiếu kiện, ông Trần nói. Không đệ trình đơn kiện thì không có vụ khiếu kiện nào cả.
Theo Luật Tố tụng Hành chính của Trung Cộng, bộ phận thụ lý đơn kiện phải cấp giấy biên nhận khi nhận được đơn khiếu nại và các tài liệu liên quan. Sau đó, bộ phận này có khoảng từ năm đến mười ngày để xác minh vụ kiện.
Sau đó, cơ quan này sẽ đưa ra một thông báo bằng văn bản cho biết về việc liệu vụ kiện có được đệ trình hay không.
“Về mặt lý thuyết, quý vị có thể gửi thông báo bằng văn bản lên tòa án cấp cao hơn nếu quý vị cho rằng quyết định đó là không có căn cứ. Nhưng trên thực tế, bộ phận thụ lý hồ sơ không đưa cho quý vị bất kỳ biên nhận nào. Điều đó có nghĩa là quý vị chẳng đi đến đâu với vụ kiện vì quý vị không thể đệ trình đơn kiện,” ông Trần nói.
Ông Trần cũng cho biết, Trung Cộng khai thác các thủ tục khiến cho vụ khiếu kiện không thể xảy ra.
Ông đã đưa ra một ví dụ về kinh nghiệm nộp đơn trong trường hợp cụ thể.
Một nữ nhân viên trong bộ thụ lý hồ sơ vụ án họ Lưu đã nhận được đơn khiếu nại từ ông Trần và các thân chủ của ông. Cô nhận tài liệu và nói với họ về nhà và đợi năm ngày để bộ phận hành chính quyết định xem vụ kiện có được đệ trình hay không.
Ông Trần đã nói với cô Lưu rằng, “Tôi đồng ý đợi trong năm ngày, theo yêu cầu của pháp luật, nhưng tôi cần một biên nhận đơn khiếu nại.”
Nhưng cô Lưu khẳng định rằng bộ phận thụ lý hồ sơ vụ án không có biên nhận mà phải do bộ phận hành chính cấp.
Ông Trần đề nghị cô Lưu đưa đơn khiếu nại lên bộ phận hành chính.
Cô mang theo đơn khiếu nại và tài liệu đến bộ phận hành chính ở tầng hai.
Sau đó, ông Trần nói với cô Lưu, “Bây giờ tôi thỉnh cầu cô tuân theo luật pháp Trung Quốc để cung cấp cho tôi biên nhận bằng văn bản vì bộ phận giải quyết hồ sơ của cô đã nhận được đơn khiếu nại của tôi. Cho dù vụ kiện có được đệ trình hay không, đó là một quyết định sẽ được đưa ra trong vài ngày. Nhưng bây giờ, cô phải đưa cho tôi biên nhận của cô. Đây là quy định của pháp luật, phải không?”
Cô Lưu không nói nên lời. Cô thừa nhận rằng cô đã nhận được đơn kiện vì ông Trần đã ghi lại toàn bộ quá trình. Nhưng cô ấy vẫn không đưa biên nhận cho ông.
Ông Trần nói với cô ấy rằng, trong trường hợp này, ông cần lấy lại các tài liệu, vì vậy cô Lưu đã quay trở lại tầng trên của bộ phận hành chính để lấy đơn khiếu nại và các bản sao bằng chứng mà ông Trần đã đưa cho cô ấy.
Ông Trần nói, hiếm khi một quan chức tòa án lắng nghe luật sư ở Trung Quốc. Một lý do có thể là các quan chức chưa bao giờ thấy những thường dân nào lại có lòng dũng cảm và quyết tâm thực thi luật pháp như vậy.
Trong một thời gian ngắn, cô Lưu đã quay lại chỗ ông Trần và các thân chủ của ông nhưng không có tài liệu. Cô nói với ông Trần rằng bộ phận hành chính muốn nói chuyện với ông.
Gặp gỡ bộ phận hành chính
Chủ tịch của khối hành chính, cũng họ Lưu, được gọi là Triệu Vĩ (Chaowei). Ông ta xuống cầu thang và mời ông Trần và các thân chủ của ông đến một căn phòng bên cạnh bộ phận thụ lý hồ sơ vụ án.
Ông Trần nói với The Epoch Times rằng trong căn phòng đó có nhiều dụng cụ tra tấn khác nhau, bao gồm dùi cui cao su, còng tay và cùm, giữa những dụng cụ khác.
Ông Lưu Triệu Vĩ nói với ông Trần rằng, “về vụ kiện [tài liệu] của ông, ông đưa họ về trước. Chúng ta sẽ thảo luận và xem liệu vụ khởi kiện có được đệ trình hay không.”
Ông Trần không hề sợ hãi. Ông hỏi ông Lưu, “Ý ông là gì khi nói, ‘ông đưa họ về trước.’ Điều đó có nghĩa là thủ tục pháp lý đã bắt đầu? Ông sẽ thông báo cho tôi sau năm ngày chứ?”
Nhưng ông Lưu nói rằng ông Trần đã không ký bất kỳ văn bản ủy quyền nào với thân chủ của mình. Ông Trần trả lời rằng ông có thể ký với thân chủ của mình ngay lập tức vì họ đều ở đó, và nói thêm rằng việc nộp đơn kiện dù có hay không có ủy quyền sẽ không ảnh hưởng đến việc đệ trình đơn kiện lên tòa án.
Sau khi liệt kê nhiều lý do khác, ông Lưu không thuyết phục được ông Trần. Cuối cùng, ông Lưu trở nên tức giận. Ông ta đã quát to lên “Những gì ông nói không được tính!”
Ông Trần trả lời: “Đừng quên rằng nhà nước có luật và quy định. Sẽ là bất hợp pháp nếu ông không đệ trình một vụ khiếu kiện cần phải đệ trình. Ông sẽ phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý.”
Ông Lưu rất tức giận rời khỏi phòng với đơn khiếu nại và các tài liệu liên quan. Ông Trần nói với thân chủ của mình hãy đi theo ông ta để xem ông ta định làm gì. May mắn thay, các thân chủ của ông Trần rất can đảm và đã đi theo ông đến văn phòng của ông Lưu.
Khi ông Lưu phát hiện cả ba nguyên đơn đi theo ông đến văn phòng của mình, ông đã rất kinh ngạc. Ông ta hỏi họ đến đó để làm gì, và họ nói rất rõ ràng: “Chúng tôi ở đây để nhận biên nhận của ông, biên nhận mà ông phải đưa vì đã nhận hồ sơ của chúng tôi.”
Vào lúc đó, một người đi ra từ văn phòng bên cạnh và hỏi chuyện gì đang xảy ra. Các nguyên đơn nói với ông rằng họ đến đó để kiện chính quyền thị trấn địa phương. “Ông ấy đã nhận được đơn khiếu nại của chúng tôi, nhưng ông ấy không đưa biên nhận cho chúng tôi,” họ nói.
Người đàn ông đó nói: “Cái này nên được giao cho họ. Vì lý do gì mà ông không đưa cho họ biên nhận?”
Ông Trần cho biết ông không biết tại sao người kia lại can thiệp. “Có lẽ, ông ấy đến từ một bộ phận khác và có quan điểm khác,” ông Trần nói. “Trong hoàn cảnh như vậy, với sự nỗ lực và hợp tác của chúng tôi, bộ phận hành chính đã phải cấp cho chúng tôi một biên nhận xác nhận rằng họ đã nhận được đơn khiếu nại của chúng tôi.”
Bây giờ, họ đã có thể bắt đầu khởi kiện.
Luật của Trung Quốc không hơn gì một tờ giấy
Sau khi vụ kiện được đệ trình, những rắc rối sẽ tiếp tục.
Ông Trần nói: “Là một đương sự, quý vị phải ra tòa khi tòa yêu cầu quý vị.”
Tòa án sẽ cố ý hạch sách các nguyên đơn như người tàn tật hoặc nông dân nghèo bằng cách đòi họ thường xuyên ra hầu tòa. Các chuyến đi thường xuyên sẽ là gánh nặng tài chính thêm cho các nguyên đơn.
Khi tòa án phải tiến hành một phiên điều trần trước sự khăng khăng của ông Trần và các thân chủ của ông, các quan chức chính quyền địa phương với tư cách là bị cáo trong vụ án sẽ không xuất hiện trước tòa. Trong trường hợp như vậy, khi bị cáo vắng mặt – theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính – thì ngay lập tức tòa án phải ra phán quyết có lợi cho nguyên đơn một cách vô điều kiện.
“Tuy nhiên, tòa án thường đóng vai trò đại diện của bị đơn, tạo ra quá nhiều rắc rối cho nguyên đơn,” ông Trần cho hay.
“Trên thực tế, Trung Cộng xem như không có luật. Những gì luật quy định không có gì khác hơn một tờ giấy. Trung Cộng sẽ chỉ thực thi luật khi luật có lợi cho chính chế độ đó,” ông chia sẻ.
Ông tiếp tục, “Về phía chính quyền địa phương, họ được các quan chức trung ương ủng hộ. Với sự tán thành của quyền lực tối cao, họ sẽ không bận tâm đến luật pháp. Hành vi của họ chính xác là những gì đã xảy ra trong Cách mạng Văn hóa. Họ làm bất cứ điều gì họ muốn theo ý riêng của mình.”
Ông Trần cho biết ông bị Trung Cộng coi là “kẻ thù của nhà nước” sau nhiều năm tạo ra những câu chuyện tiêu cực về chế độ bằng cách giúp những thường dân của Trung Quốc bảo vệ quyền lợi của họ.
Do Sophia Lam và Mary Hong thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: