Thủ tướng Ý phủ quyết thương vụ mua lại công ty thứ ba của Trung Quốc trong năm nay
ROME — Thủ tướng Ý Mario Draghi đã phủ quyết thương vụ mua lại công ty thứ ba của Trung Quốc tại nước này kể từ khi chính phủ của ông nhậm chức hồi tháng Hai, một hồ sơ chính thức do nhóm bị từ chối đệ trình ở Hồng Kông cho biết hôm thứ Ba (23/11).
Công ty Cơ khí Cát Thịnh Chiết Giang (Zhejiang Jingsheng Mechanical) cho biết Rome đã chặn nỗ lực của họ nhằm thiết lập liên doanh với chi nhánh Hồng Kông của Applied Materials để mua mảng kinh doanh thiết bị in lụa của tập đoàn có trụ sở tại Hoa Kỳ này ở Ý.
Quyết định này được đưa ra tại một cuộc họp nội các hôm 18/11, hai nguồn tin chính phủ nói với Reuters và cho biết thêm rằng Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Giancarlo Giorgetti đã đề xướng phủ quyết, cho rằng việc tiếp quản có thể gây ra hậu quả trong lĩnh vực bán dẫn chiến lược.
Trong số các sản phẩm của Applied Materials có máy móc được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn và các thành phần công nghệ cao khác.
Hồ sơ cho biết liên doanh này cũng có ý định tiếp quản hoạt động kinh doanh tấm bán dẫn mỏng của Applied Materials ở Singapore và tài sản của tập đoàn này ở Trung Quốc.
Ý bảo lưu quyền sử dụng luật chống tiếp quản của mình, hay còn gọi là “quyền lực vàng”, để ngăn chặn các thương vụ không mong muốn trong các ngành được coi là có tầm quan trọng chiến lược như ngân hàng, năng lượng, viễn thông, và y tế.
Chính phủ xem xét kỹ lưỡng một số lượng lớn các thương vụ hợp nhất và sáp nhập cũng như cung cấp thiết bị, và trong hầu hết các trường hợp, các thương vụ này được chấp thuận với các khuyến nghị nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của đất nước này.
Cho đến nay, Rome đã năm lần ngăn chặn các lợi ích ngoại quốc ở Ý kể từ khi quyền lực vàng được áp dụng vào năm 2012.
Bốn trong số các lần này đã đẩy lùi các thương vụ của Trung Quốc. Ba lần xảy ra dưới thời chính phủ mới chín tháng tuổi của ông Draghi, và lần còn lại được thông qua vào năm 2020 dưới thời người tiền nhiệm của ông Draghi là ông Giuseppe Conte.
Tháng trước (10/2021), ông Draghi đã phủ quyết việc bán nhà sản xuất hạt giống rau cho tập đoàn Syngenta thuộc sở hữu của Trung Quốc, và vào tháng Tư đã ngăn Công ty TNHH Đầu tư Sang Cương Thẩm Quyến (Shenzhen Invenland Investment Holdings) của Trung Quốc mua cổ phần kiểm soát của một công ty sản xuất thiết bị bán dẫn.
Ý cũng đã chính thức phàn nàn với các nhà đầu tư Trung Quốc về việc họ mua mà không công bố một công ty Ý sản xuất thiết bị bay không người lái công nghệ cao cho các lực lượng vũ trang trong năm 2018. Đây là một bước đầu tiên hướng tới việc có thể hủy bỏ thỏa thuận này.
Cái gọi là “quyền lực vàng” áp dụng cho các nhóm không thuộc EU cũng như các công ty EU muốn mua lại các công ty chiến lược — theo một khuôn khổ tạm thời được áp dụng vào năm 2020 mà sẽ sắp hết hạn vào năm nay.
Một trong những nguồn tin cho biết Rome đã lên kế hoạch gia hạn khuôn khổ tạm thời này thêm 6 tháng cho đến ngày 30/06/2022. Việc này sẽ bao gồm một biện pháp buộc các công ty EU có ý định mua lại và các bên không thuộc EU phải tìm kiếm sự chấp thuận của chính phủ để mua từ 10% cổ phần trong các công ty chiến lược.
Do Giuseppe Fonte và Ella Cao của Reuters thực hiện
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: