Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường vắng mặt tại đại hội công đoàn toàn quốc
Không như những gì mọi người dự đoán, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) đã vắng mặt trong một hội nghị quốc gia mới được tổ chức tại Bắc Kinh trong thời gian gần đây. Một nhà phân tích chính trị cho rằng đây rõ ràng là một sự sắp đặt có chủ ý, nhấn mạnh một dấu hiệu mới cho thấy ông Tập Cận Bình, lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đang từng bước loại bỏ ông Lý khỏi chính trường. Một nhà phân tích khác tin là việc ông Lý bị ông Tập cho ra rìa có thể có liên quan mật thiết đến một bản tin của Reuters.
ĐCSTQ đã khai mạc Đại hội Đại biểu Công đoàn Toàn quốc lần thứ 18 tại thủ đô nước này vào ngày 09/10. Theo thông lệ, cả bảy ủy viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị đều sẽ có mặt đầy đủ, nhưng lần này ông Lý là người duy nhất vắng mặt.
Một dấu hiệu cho thấy tình hình đáng lo ngại của ông Lý
Nhà bình luận các vấn đề thời sự sống tại Hoa Kỳ Trần Phá Không (Chen Pokong) cho biết trong chương trình YouTube của mình hôm 11/10 rằng cấp cao nhất của ĐCSTQ luôn sắp xếp mọi chuyện cặn kẽ đâu vào đấy khi lập kế hoạch cho những sự kiện lớn như thế này, thế nên việc ông Lý Cường không xuất hiện trong cuộc họp không phải là ngẫu nhiên. Đây là tín hiệu mới cho thấy ông Lý Cường hiện đang lâm vào một tình cảnh rất khó khăn và bất ổn.
Ông Trần nói, “Đây rõ ràng là một sự sắp đặt có chủ ý.”
Ông còn cho biết thêm rằng sau Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ hồi năm ngoái, ông Lý đã trở thành nhân vật đứng thứ hai trong đảng, nhưng ông Tập không trao cho ông Lý bất kỳ quyền lực thực chất nào. Rất có thể sau khi ông Lý lên nắm quyền, vì nghĩ mình là chỗ thân tín của ông Tập nên ông đã không ngại ngần bày tỏ quan điểm. Có lẽ ông vẫn chủ trương cải cách và mở cửa, trợ giúp doanh nghiệp tư nhân, và cải thiện bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc, nhưng suy cho cùng, tất cả những gì mà ông ủng hộ hóa ra lại mâu thuẫn với hệ tư tưởng của ông Tập.
Ông Trần phân tích, “Có thể sự khác biệt về nhiều mặt như chính sách kinh tế, đường lối chính trị đã khiến ông Tập Cận Bình không còn thích ông Lý Cường, cho rằng ông ta không dễ phục tùng giống mẫu người kiểu như ông Thái Kỳ.”
Ông Trần cũng cho rằng, vị trí của ông Lý nổi bật đến mức việc bất ngờ truất phế ông sẽ gây ra một sự xáo trộn lớn ở cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, những sự kiện gần đây dường như cho thấy ý định của ông Tập về việc loại trừ ông Lý đã xuất hiện, trong đó có việc ông Tập không cho phép ông Lý chủ trì tiệc chiêu đãi kỷ niệm 74 năm thành lập ĐCSTQ hồi cuối tháng Chín, cũng như không cho phép ông có bài diễn thuyết tại buổi tiệc, một hành động trái với thông lệ mà ĐCSTQ đã thực hiện trong hơn bảy mươi năm.
Ngoài ra, các bê bối tham nhũng của gia đình ông Lý đã được lan truyền rộng rãi trên các trang web của Trung Quốc ở cả trong và ngoài nước, thậm chí còn xuất hiện trên WeChat và Weibo ở Trung Quốc, cho thấy người nhắm vào ông Lý có thân thế rất đáng gờm, ông Trần nói thêm.
Bài báo của Reuters: Một bước ngoặt
Chuyên gia Trung Quốc và nhà bình luận thời sự Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang) tin rằng một bài báo được công bố hôm 03/03 của Reuters đã làm rạn nứt mối quan hệ giữa ông Tập và ông Lý.
Trong chương trình YouTube hôm 11/10 của mình, ông Chương cho biết, bài báo của Reuters đã mô tả về những gì ông Lý làm để đẩy nhanh việc chấm dứt chính sách zero COVID của ông Tập vào cuối năm 2022, thời điểm ông Lý sắp lên nắm quyền thủ tướng.
Theo Reuters, khi các cuộc biểu tình chưa từng có tiền lệ phản đối chính sách zero COVID leo thang khắp Trung Quốc vào tháng 11/2022, ông Lý, người vừa được thăng lên chức ủy viên thứ hai trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, đã chớp lấy cơ hội. Trong nhiều tuần trước thời điểm đó, các quan chức cao cấp của ĐCSTQ và các chuyên gia y tế đã âm thầm lên kế hoạch bãi bỏ chính sách zero COVID của ông Tập và từng bước mở cửa trở lại đất nước vào cuối năm 2022, với mục tiêu tuyên bố trở lại trạng thái bình thường vào tháng 03/2023.
Bài báo cho rằng ông Lý có ý thức cấp bách hơn ông Tập trong việc dỡ bỏ chính sách zero COVID, và chính ông Lý là người bất ngờ quyết định khởi động kế hoạch mở cửa trở lại sớm hơn dự kiến trong nỗ lực hạn chế các thiệt hại kinh tế do chính sách phong tỏa nghiêm ngặt gây ra cũng như làn sóng biểu tình làm rung chuyển giới lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ.
Ông Chương nhận xét, có thể thấy trong bài báo này của Reuters, ông Lý đã tỏ ra thực dụng hơn trong quá trình ra quyết định. Khi đó, ông Lý có thể tin rằng việc đảo ngược các chính sách của ông Tập sẽ có lợi hơn cho ĐCSTQ và thực sự sẽ giúp ích cho ông Tập, nên ông mới đưa ra quyết định này, thậm chí còn lợi dụng áp lực từ các cuộc biểu tình trong phong trào Giấy Trắng để hối thúc ông Tập chấm dứt lệnh phong tỏa và dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát.
“Nhưng có một vấn đề ngay lập tức nảy sinh, vì điều này thực sự phạm phải điều cấm kỵ của ông Tập Cận Bình, đặc biệt là sau khi bài báo của Reuters được công bố,” ông Chương nói. “Ông Tập Cận Bình có thể nghĩ, ‘Lý Cường là người đã kết thúc chính sách zero COVID linh hoạt của mình, và ông ta cũng chính là người đã khai tử chính sách kinh tế mang tính dấu ấn của mình. Là mình nghe theo Lý Cường, hay Lý Cường phải nghe theo mình đây? Rốt cuộc thì mình là lãnh đạo hay Lý Cường là lãnh đạo?’ Vì vậy, tôi nghĩ bài báo của Reuters đã đủ để gieo mầm mống đổ vỡ trong mối quan hệ giữa ông Tập Cận Bình và ông Lý Cường.”
Ông Chương cho biết ông Lý đã cố gắng rất nhiều để hàn gắn mối quan hệ với ông Tập, vì ông đã giữ một thái độ khiêm tốn và nhiệt tình quảng bá Tư tưởng Tập Cận Bình sau khi trở thành thủ tướng Trung Quốc.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times