Thủ tướng Nhật Bản cam kết hợp tác mạnh mẽ hơn trong chuyến thăm quan trọng tới Nam Hàn
Hôm Chủ Nhật (07/05), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã cam kết sẽ tăng cường hợp tác với Nam Hàn để giải quyết các thách thức an ninh toàn cầu đang leo thang trong khu vực khi ông trở thành nhà lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên đến thăm Nhật Bản trong hơn một thập niên.
Ông Kishida đã gặp Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol lần thứ hai kể từ cuộc gặp của họ ở Tokyo hồi tháng Ba, nơi cả hai hứa sẽ lật sang trang mới cho mối bang giao có nhiều năm hiềm khích về những tranh chấp thời chiến của hai nước.
“Tình hình trong cộng đồng quốc tế khiến cho sự hợp tác giữa Nhật Bản và Đại Hàn Dân Quốc (ROK) càng trở nên không thể thiếu,” ông Kishida cho biết tại một cuộc họp báo chung, đề cập đến tên chính thức của Nam Hàn là Đại Hàn Dân Quốc.
Lãnh đạo Nhật Bản cho biết chính phủ hai nước đã đồng thuận về sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác an ninh để giải quyết “các hành động khiêu khích” đang diễn ra của Bắc Hàn, trong khi vẫn duy trì đối thoại.
“Ngoại giao con thoi của chúng tôi vẫn tiếp tục. Hai tuần nữa, tôi sẽ chào đón Tổng thống Yoon đến Hiroshima [để dự hội nghị thượng đỉnh G7],” ông nói. “Chúng tôi đã khẳng định sự hợp tác chặt chẽ của chúng tôi về các vấn đề khác nhau mà cộng đồng quốc tế đang đối mặt.”
Ông Kishida cho biết các cuộc đàm phán về việc khôi phục hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quân sự giữa hai nước đang được tiến hành để chống lại các mối đe dọa hỏa tiễn và hạt nhân của chế độ xã hội chủ nghĩa Bắc Hàn. Hiệp ước này, được ký vào năm 2016, đã bị đình trệ từ năm 2019 do tranh chấp của họ về lao động cưỡng bức thời chiến.
Lãnh đạo Nhật Bản bày tỏ rằng “trái tim ông đau xót” cho nhiều người dân Nam Hàn phải trải qua một trải nghiệm rất khó khăn và buồn bã trong “môi trường khắc nghiệt” của chế độ thực dân Nhật Bản giai đoạn 1910-1945.
Ông nói: “Có nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau giữa Nhật Bản và Nam Hàn, nhưng điều quan trọng là Nhật Bản phải tiếp tục công việc của những người tiền nhiệm đã vượt qua thời kỳ khó khăn và hợp tác với Tổng thống Yoon và Nam Hàn để hướng tới tương lai.”
Ông Yoon cho biết sự hợp tác giữa Nhật Bản và Nam Hàn là điều cần thiết “không chỉ vì lợi ích chung của cả hai nước mà còn vì hòa bình và thịnh vượng của thế giới,” đồng thời viện dẫn tình hình quốc tế “nghiêm trọng.”
Ông Yoon nói với các phóng viên: “Vào thời điểm nền dân chủ tự do vốn là nền tảng của hòa bình và thịnh vượng trong cộng đồng quốc tế đang bị đe dọa, thì Nam Hàn và Nhật Bản, vốn cùng chung các giá trị phổ quát, phải hợp tác với nhau trong cộng đồng quốc tế với sự khẳng định vững chắc hơn.”
Trước đó, chính phủ Nam Hàn đã quyết định sử dụng các quỹ địa phương để bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thay vì thúc ép các công ty Nhật Bản bồi thường nhằm cải thiện mối bang giao với Nhật Bản.
Các bộ trưởng tài chính của hai nước cũng đồng ý nối lại cuộc gặp thượng đỉnh của họ “vào một thời điểm thích hợp trong năm nay,” một cuộc gặp vốn đã bị đình trệ hơn 7 năm do những tranh chấp thời chiến của hai nước.
Tuyên bố Washington
Chuyến thăm của ông Kishida tới Nam Hàn diễn ra vài ngày sau khi ông Yoon vừa kết thúc chuyến thăm sáu ngày tới Hoa Kỳ hôm 29/04, trong đó ông Yoon đã ký Tuyên bố Washington với Tổng thống Joe Biden để tái khẳng định hiệp ước 70 năm giữa hai nước.
Tuyên bố Washington đưa ra một loạt các biện pháp răn đe mở rộng của Hoa Kỳ, bao gồm việc khai triển các tài sản chiến lược của Hoa Kỳ — các lực lượng hạt nhân — trên Bán đảo Triều Tiên.
Ông Biden đã cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào của Bắc Hàn nhắm vào Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của Hoa Kỳ là “không thể chấp nhận được và sẽ dẫn đến sự kết thúc của bất kỳ chế độ nào.”
Trong tuyên bố này, Nam Hàn đã bày tỏ “hoàn toàn tin tưởng” vào các cam kết răn đe mở rộng của Hoa Kỳ, và Hoa Thịnh Đốn hứa sẽ thực hiện “mọi nỗ lực” để tham vấn với Nam Hàn về “bất kỳ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân nào” trong khu vực.
Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un đã thề sẽ khiến Hoa Kỳ và Nam Hàn nhận ra rằng hai nước “chắc chắn sẽ mất nhiều hơn được và đối mặt với một mối đe dọa lớn hơn” do “mở rộng các cuộc tập trận chiến tranh trong khu vực này.”
Trong năm nay, Bắc Hàn đã tiến hành một loạt vụ phóng hỏa tiễn, bao gồm một vụ liên quan đến hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn Hwasong-18, và khai triển phi cơ không người lái dưới nước có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times