Thủ tướng Boris Johnson cho rằng cần có kế hoạch B để xuất cảng lương thực ra khỏi Ukraine
Hôm 25/06, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết kế hoạch của Liên Hiệp Quốc nhằm đàm phán về một hành lang an toàn cho hoạt động xuất cảng ngũ cốc của Ukraine vượt qua phong tỏa của Nga có lẽ là một “việc không khả thi”.
Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới suy nghĩ về một “kế hoạch B” và đề nghị cung cấp chuyên môn của Vương quốc Anh về gỡ mìn từ xa và bảo hiểm hàng hải cho các tàu thương mại để đưa ít nhất 23 triệu tấn ngũ cốc ra ngoài qua Biển Đen.
Ukraine và Nga là hai trong số những nước xuất cảng lương thực lớn nhất thế giới. Theo Liên Hiệp Quốc, hai quốc gia này từng cung cấp khoảng 30% lúa mì và lúa mạch, 20% ngô và 75% dầu hướng dương của thế giới.
Tuy nhiên, ngũ cốc thu hoạch đã bị mắc kẹt trong các kho chứa của Ukraine kể từ khi Nga phong tỏa các cảng của Ukraine ở Biển Đen, đẩy giá lương thực toàn cầu lên cao.
Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng môi giới một thỏa thuận giữa Nga và Liên Hiệp Quốc để xuất cảng thực phẩm Ukraine. Thủ tướng Johnson cho biết Vương quốc Anh đang hỗ trợ các cuộc đàm phán, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn sử dụng thực phẩm làm đòn bẩy để dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt.
“Bây giờ vấn đề là ông Putin sẽ lấy đó làm cái cớ, như một cách để thử và nới lỏng các lệnh trừng phạt”, thủ tướng Johnson nói hôm 25/06 trước hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước G-7 ở Đức.
Ông Putin sẽ nói rằng ông ấy sẽ chỉ cho ngũ cốc đi qua nếu “các anh dỡ bỏ điều này, điều này và điều này nữa”, thủ tướng Johnson nói với các phóng viên và nói thêm, “Tôi không nghĩ đó là giải pháp”.
Gỡ mìn và bảo hiểm
“Ở một số giai đoạn, thế giới sẽ phải chuyển từ kế hoạch A, kế hoạch của Liên Hiệp Quốc với sự hỗ trợ của Nga, mà tôi nghĩ có lẽ sẽ không khả quan, sang kế hoạch B,” ông nói.
Ông cũng cho biết “kế hoạch B” sẽ là “tìm cách trao quyền cho người Ukraine kiểm soát các tuyến đường biển từ bờ biển bằng nhiều phương thức khác nhau.”
Thủ tướng Anh đã đề nghị cung cấp chuyên môn của Vương quốc Anh về “hai điều cụ thể”, đó là “gỡ mìn từ xa” và “bảo hiểm các tàu thương mại trong vùng biển tranh chấp và làm thế nào để mọi người có thể đảm nhận công việc đó”.
Liên Ủy ban về Chiến tranh, một nhóm đại diện từ các thị trường bảo hiểm của London, đã bổ sung Biển Azov, Biển Đen và các vùng biển nội địa của Ukraine và Nga vào danh sách các khu vực có nguy cơ cao hồi tháng Ba và tháng Tư, làm tăng chi phí bảo hiểm hàng hải trong khu vực này.
Khi được hỏi hôm 23/06 liệu Vương quốc Anh có thể cung cấp bảo lãnh chính phủ cho bảo hiểm vận chuyển hay không, thủ tướng Johnson nói với Reuters rằng các bộ trưởng đang xem xét tất cả các lựa chọn.
Ông cho biết: “Điều mà Vương quốc Anh có thể đưa ra, hơn hết, là chuyên môn khi nói đến bảo hiểm hàng hải và rất nhiều chuyên môn trong việc vận chuyển hàng hóa nếu chúng ta đề cập đến các khu vực có tranh chấp trên biển.”
Ông cũng nói với hãng thông tấn này rằng Vương quốc Anh đang bàn bạc với phía Ukraine “ở cấp độ kỹ thuật để giúp gỡ mìn ở Odesa”.
Cô Lily Zhou là một cây bút tự do chủ yếu đưa tin về Vương quốc Anh cho The Epoch Times.