Thông điệp thời chiến chiếm lĩnh các bảng yết thị ở miền tây Ukraine
LVIV, Ukraine – Một tấm bích chương trên một ngã tư đông đúc ở Lviv, thủ đô không chính thức của miền tây Ukraine, mô tả một con đại bàng vàng trên quốc huy của Nga bị chặt hai đầu, trên ngực đeo một chiếc khiên có biểu tượng búa liềm (cộng sản), hai tay cầm hai chiếc rìu mà sinh vật này dường như đã sử dụng để thực hiện hành động đẫm máu.
“Chiến dịch quân sự nhỏ bé ở Ukraine!” tấm bích chương viết, lặp lại cụm từ mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sử dụng để mô tả cuộc xâm lược của Nga.
Một tấm bích chương gần đó cho thấy một chú gấu Nga đang đứng trên lãnh thổ Ukraine, và một chân của chú gấu này đã bị con lửng mật cắn đứt. Con lửng mật này, mặc một chiếc áo giáp được khắc từ viết tắt của lực lượng vũ trang Ukraine (ЗСУ), đang tiếp tục gặm đến cánh tay của con gấu.
Tấm bích chương này viết, “Những ai đến đây với kiếm, sẽ tử trận dưới thanh kiếm đó.”
Các tấm bích chương và bảng yết thị tuyên truyền thời chiến với những thông điệp tương tự như thế này có thể được nhìn thấy trên khắp miền tây Ukraine, bao gồm cả bên trong và bên ngoài các thành phố Lviv, Ivano-Frankivsk, Truskavets, và Ternopil.
Mặc dù các bảng yết thị và tấm bích chương tuyên truyền không phải là một hiện tượng mới trong thời kỳ chiến tranh, nhưng các bảng yết thị và bích chương ở Ukraine có những dấu hiệu rõ ràng của thời hiện đại, bao gồm mã QR, thiết kế tinh vi có sự hỗ trợ của máy điện toán, và những ý tưởng được đúc rút từ các meme lan truyền phổ biến trên mạng.
Tấm bích chương hình gấu Nga có mã QR dẫn người xem đến một trang web chấp nhận các khoản đóng góp cho lực lượng vũ trang Ukraine. Một bảng yết thị kêu gọi sự giúp đỡ từ người dân bao gồm một mã QR dẫn họ đến một trang web nơi mọi người có thể báo cáo vị trí của quân đội Nga.
Nhiều bảng yết thị thể hiện thông điệp được lan truyền phổ biến, “Chiến hạm Nga kia, hãy [từ tục tĩu] đi đi!”
Dòng chữ này liên quan đến một meme trên mạng internet dựa trên lời khiển trách của một binh sĩ Ukraine đóng trên đảo Rắn (Snake Island). Người lính đã phát trực tiếp cuộc tương tác của anh với thủy thủ đoàn [Nga], đã từ chối lời đề nghị đầu hàng của các thủy thủ Nga vào ngày đầu tiên xâm lược Moscow. Chiến hạm Nga đã khai hỏa vào các binh sĩ Ukraine, làm thiệt mạng một số người trong số họ.
Một số bảng yết thị đã vay mượn chủ đề này, đồng thời thay thế con tàu cho xe tăng và binh lính.
Một số người Ukraine nói chuyện với The Epoch Times đã bày tỏ có chút thất vọng trước việc sử dụng những từ khiếm nhã trong các bảng yết thị đó, một cảnh tượng chưa từng thấy ở Ukraine trước khi có cuộc chiến tranh này. Nhiều người Ukraine tin rằng những từ khiếm nhã này được du nhập [vào Ukraine] từ nước Nga thô bạo. Theo thống đốc vùng Lviv, những bảng yết thị như vậy sẽ không bao giờ được công chúng chấp thuận trước khi cuộc chiến này xảy ra, nhưng vì cuộc xâm lược đó mà mọi thứ đã đổi thay. Một phát ngôn viên của thị trưởng Ternopil, một thành phố Ukraine ở phía đông Lviv, cho biết bất cứ điều gì chống lại Nga đều được chấp nhận.
Một biến thể đồ họa đặc biệt của chủ đề “Chiến hạm Nga” cho thấy một chiếc tàu được cách điệu trông giống như Điện Kremlin đang chìm trong một vũng máu.
Thông điệp ở cách xa tiền tuyến này dường như chủ yếu nhắm đến người dân địa phương ở miền tây của đất nước này. Nó cũng có thể làm mất tinh thần của quân đội Nga, nếu các hình ảnh này có thể đến được khu vực đó của đất nước.
Một thông điệp rùng rợn được nhìn thấy trên một số bảng yết thị và bích chương có nội dung: “Chúng tôi đứng trên đất của chúng tôi, còn các người sẽ nằm trong lòng đất.”
Phát ngôn viên của thống đốc Lviv nói với The Epoch Times rằng các bảng yết thị và bích chương này đều là sự chung sức, một phần là của tình nguyện viên, một phần là của chính phủ. Thị trưởng Ternopil cho biết các công ty dán các tấm bích chương này sẽ được miễn thuế cho các công việc liên quan.
Nội dung nghệ thuật trong một loạt bảng yết thị có các nhân vật văn học trong quá khứ của Ukraine dường như đã được thực hiện bằng phần mềm chỉnh sửa ảnh. Các vĩ nhân văn học, đã qua đời từ lâu, nay lại xuất hiện trong trang phục quân đội hiện đại.
“Chiến đấu là để sống,” một bảng yết thị trích dẫn lời của bà Lesya Ukrainka, một nhân vật văn học nổi tiếng của Ukraine.
“Cứ đánh sẽ thắng. Chúa đang phù hộ cho quý vị,” nội dung của một bảng yết thị kế bên, trích dẫn lời của ông Taras Shevchenko, một trong những thi nhân lẫy lừng nhất của Ukraine.
Một yết thị khác có đoạn trích từ một bài thơ của nhà thơ Ukraine Ivan Franko nêu rõ, “Lòng dũng cảm của ta — một thanh gươm đẫm máu.”
Một loạt bảng yết thị ở Lviv có trích đoạn quốc ca của Ukraine.
“Kẻ thù của ta rồi sẽ chết, như sương sớm gặp phải ánh mặt trời,” một bảng yết thị viết.
Một thông điệp khác viết,“Chúng ta sẽ không để bất kỳ ai cai trị mảnh đất quê hương ta.”
Những bảng yết thị với thông điệp rút ra từ di sản văn hóa của Ukraine là một phần của chủ đề chủ nghĩa dân tộc rộng lớn hơn được nhìn thấy trong các yết thị ngoài trời. Chính phủ Ukraine đã đẩy mạnh nỗ lực hướng tới một nền văn hóa dân tộc thống nhất sau cuộc cách mạng lật đổ tổng thống thân Nga năm 2014. Hành động này bao gồm việc nhấn mạnh vào việc sử dụng tiếng Ukraine làm ngôn ngữ quốc gia, một yếu tố mà ông Putin đã coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thù địch giữa hai quốc gia này.
Các chiến binh ở hai khu tự trị Donetsk và Luhansk của Ukraine, vốn đa số nói tiếng Nga, ban đầu được thúc đẩy, một phần, bởi chiến dịch của chính phủ Ukraine nhằm biến tiếng Ukraine trở thành quốc ngữ duy nhất. Vào tháng Một, một luật mới đã có hiệu lực ở Ukraine yêu cầu sử dụng tiếng Ukraine ở hầu hết các cơ sở công cộng.
Đại đa số người dân Ukraine có thể chuyển đổi thoải mái giữa tiếng Nga và tiếng Ukraine. Tuy nhiên, kể từ khi chiến tranh bắt đầu, nói ra tiếng Ukraine được coi là một điều đáng tự hào.
“Khu vực Lviv không có các tác phẩm văn hóa dùng Nga văn,” một bảng yết thị ven đường viết.
Các bảng yết thị yết thị tuyển dụng và hỗ trợ tài chính cho lực lượng bảo vệ lãnh thổ và quân đội của Ukraine dường như được lấy từ các nguồn chính thức, có thiết kế yết thị của công ty và thông điệp nhẹ nhàng.
“Hãy tham gia vào hàng ngũ bảo vệ lãnh thổ,” một bảng yết thị viết.
“Đoàn kết là Sức mạnh. Chung sức bảo vệ lãnh thổ,” một thông điệp khác viết.
“Để bảo vệ tổ quốc một cách chuyên nghiệp, hãy gia nhập hàng ngũ của Lực lượng vũ trang Ukraine,” một bảng yết thị thứ ba viết.
“Hãy học cách bảo vệ quê hương ta. Hãy tham gia vào hàng ngũ bảo vệ lãnh thổ,” bảng thứ tư viết.
Các bảng yết thị gần biên giới của Ukraine với Ba Lan nhắm vào những người đàn ông có thể đang chạy đi lánh nạn này thay vì nhập ngũ để tham gia chiến tranh.
“Đây là quê hương ta! Đừng trốn tránh!” nội dung của một bảng yết thị cách biên giới với Ba Lan một dặm (1.6 km).
“Đừng chạy trốn! Hãy bảo vệ tổ quốc!” một nội dung khác.
Các bảng yết thị khác mang thông điệp tôn vinh và cảm ơn lực lượng vũ trang và những người lính đã ngã xuống.
“Anh hùng bất khuất,” một bảng yết thị nằm dọc theo một xa lộ nông thôn viết.
Phía trên thông điệp này là một bức ảnh của một người lính trẻ tên là Vitalii Sapylo, người mà, theo bảng yết thị này, đã tử trận vào hôm 25/02, ngày thứ hai của cuộc chiến này.
Trên một số ngã tư xa lộ đông đúc, các bảng yết thị thời chiến xuất hiện cùng với bảng quảng cáo thời tiền chiến. Trong một cụm bảng quảng cáo, gồm quảng cáo cho cung cấp bê tông trộn, một cho phòng khám tư nhân, một cho nhà thờ, và một cho kênh truyền hình xuất hiện bên cạnh một bảng yết thị ủng hộ quân đội, có nội dung: “Hỡi những người lính, các anh thật vĩ đại! Ukraine sát cánh cùng các anh!”
Một số bảng quảng cáo kết hợp hành động cổ vũ chiến tranh với lợi ích thương mại. Một tấm bích chương cho một cửa hàng mắt kính ở Lviv có thông điệp thời chiến và cam kết sẽ đóng góp 20% tổng doanh thu cho quân đội.
Quảng cáo vẽ về chủ đề tôn giáo là một trong những nội dung phổ biến nhất. Một số bảng yết thị kêu gọi sự giúp đỡ từ thần linh. Những người khác kêu gọi các khía cạnh phổ quát hơn của tâm linh, trong đó có một bích chương viết, “Vũ khí của chúng ta là: cầu nguyện, nhẫn nhịn, tình yêu thương.”
Anh Ivan đã đưa tin cho The Epoch Times về nhiều chủ đề khác nhau kể từ năm 2011.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: