Thỏa thuận khí đốt Israel-EU sẽ thay đổi địa chính trị và an ninh năng lượng của Âu Châu
Israel trở thành chủ lực trong lĩnh vực năng lượng của thế giới và đe dọa trực tiếp đến nền kinh tế và ảnh hưởng của Nga ở Âu Châu
Tuần này, Israel đã chính thức đặt mình vào vị thế nhà cung cấp khí đốt tự nhiên cho Âu Châu, một trong những thị trường lớn nhất trên trái đất.
Việc Israel, Ai Cập và Liên minh Âu Châu ký kết một thỏa thuận hôm 15/06 tại Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải sẽ là một thỏa thuận lớn đối với cả Âu Châu lẫn Israel. Động lực tìm kiếm các nguồn khí đốt tự nhiên thay thế của người Âu Châu là kết quả trực tiếp của việc Nga xâm lược Ukraine.
Một thỏa thuận quan trọng cho Âu Châu và Israel
Trong nhiều thập niên, Âu Châu đã phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga, cũng như sự chiếu cố của Nga trong lĩnh vực năng lượng. Moscow đã nhiều lần tùy ý ngừng cung cấp khí đốt cho các quốc gia Âu Châu như một biện pháp gây ảnh hưởng đến chính sách.
Việc có được quyền tiếp cận mới đối với khí đốt tự nhiên của Israel cho phép liên minh này xoay trục và độc lập khỏi Nga với tư cách là nguồn năng lượng chính yếu của khối này, đặc biệt là về nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên.
Đây cũng là một bước tiến lớn đối với Israel, khi nước này tận dụng các mỏ khí đốt tự nhiên Leviathan ngay ngoài khơi bờ biển phía Đông Địa Trung Hải như một điều kiện để trở thành nhà cung cấp năng lượng toàn cầu. Kế hoạch vận chuyển [khí đốt] là đơn giản và sẽ cho phép việc xuất cảng khí đốt bắt đầu sớm hơn nhiều người dự kiến.
Thay đổi kế hoạch
Ban đầu, kế hoạch dài hạn là xây dựng một đường ống dẫn từ các mỏ khí đốt ở Đông Địa Trung Hải đến Cyprus, sau đó đến Hy Lạp, và sang Tây Âu. Những kế hoạch đó đã bị thách thức bởi Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia tuyên bố quyền sở hữu khí đốt tự nhiên. Họ cũng đã tuyên bố các quyền lãnh thổ đối với bất kỳ đường ống nào chạy qua Cyprus hoặc đi qua đường hàng hải mà Thổ Nhĩ Kỳ và Libya đã tuyên bố tồn tại giữa hai quốc gia của họ.
Nhưng theo thỏa thuận mới này, chí ít thì trước mắt chưa cần phải xây dựng hệ thống đường ống mới. Thay vào đó, kế hoạch là sử dụng các đường ống sẵn có chạy từ Israel và Jordan đến các cơ sở khí tự nhiên hóa lỏng của Ai Cập. Từ đó, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ được vận chuyển trực tiếp đến các thị trường Âu Châu thông qua các tuyến vận tải hiện có đến (các) cảng của Âu Châu trong vòng một vài năm.
Israel hưởng lợi từ tổn thất của Nga
Vài năm tới, khi mà xuất cảng LNG sang Âu Châu tăng lên, thì Israel sẽ thu về nguồn tiền lớn từ các khách hàng Âu Châu tương đương những gì Nga bị thiệt hại. Hiện nay, Âu Châu phụ thuộc vào Nga với khoảng 40% nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên. Vào năm 2021, con số đó đại diện cho 119 tỷ USD doanh thu hàng năm chảy từ Âu Châu sang Nga. Dòng doanh thu này sẽ còn cao hơn khi giá năng lượng tiếp tục tăng. Khí đốt tự nhiên chính là tài sản chiến lược sống còn, vì nó là phần lớn nhất trong thương mại giữa Nga và Âu Châu, chiếm 36% tổng ngân sách của nước này.
Một chiến thắng ngoại giao trong cộng đồng Ả Rập
Thỏa thuận này không chỉ là một thành quả về kinh tế cho Israel, mà còn chứng tỏ Israel và đối tác Ả Rập của họ, Ai Cập, có thể hợp tác vì lợi ích kinh tế chung của họ tốt như thế nào.
Thông điệp hợp tác đôi bên cùng có lợi đó sẽ được nhìn thấy và nghe thấy rõ ràng trong cộng đồng Ả Rập và Hồi giáo. Không phải là mơ tưởng khi cho rằng sự hợp tác của Ai Cập sẽ thu hút điều tương tự từ các quốc gia Ả Rập khác có thể hưởng lợi từ mối bang giao tốt đẹp hơn với Israel.
Hơn nữa, khi các chuyến hàng khí tự nhiên hóa lỏng bắt đầu đến Âu Châu, điều đó sẽ làm thay đổi căn bản cán cân quyền lực giữa Nga và Âu Châu.
Sét đánh ngang tai
Đó là tin tức tốt lành đối với Âu Châu và Israel, nhưng lại là tiếng sét ngang tai đối với Nga và ông Vladimir Putin. Từ góc độ kinh tế mà xét, việc Âu Châu rời bỏ Nga với tư cách là nhà cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên sẽ gây ra một ảnh hưởng thảm khốc cho nền kinh tế Nga.
Có thể Nga sẽ phải nhanh chóng tìm kiếm cho mình những thị trường mới.
Điều đáng chú ý ở đây là Trung Quốc đang mua năng lượng của Nga, đem lại cho Nga nguồn thu ngang ngửa với thị trường Âu Châu, ngay cả với giá ưu đãi — nhưng điều này có lẽ không trường cửu.
Tuy nhiên, từ góc độ địa chính trị mà xét, thì thỏa thuận khí đốt giữa Israel và Âu Châu cũng là một vấn đề hệ trọng đối với Nga. Nếu không nhờ những lời đe dọa cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên để thể hiện sức mạnh của nước này trong việc gây ảnh hưởng hoặc trừng phạt Âu Châu, thì Nga gần như lực bất tòng tâm trước việc gây ảnh hưởng đến chính sách của khối liên minh này.
Thật vậy, Moscow hiểu điều này giống như bất kỳ ai khác, vốn càng làm tăng thêm mức độ phức tạp của tình hình, nếu không muốn nói là rủi ro, đối với thỏa thuận mới này.
Moscow sẽ phản ứng ra sao?
Vậy Moscow sẽ hoặc có thể phản ứng như thế nào trước diễn biến này?
Như đã nói, điều đó có thể được coi là một mối đe dọa đối với Nga, nếu không muốn nói là một hành động chiến tranh kinh tế. Điều đó chắc chắn không phải là sự thiếu hụt năng lượng hay lương thực, nhưng hậu quả kéo theo có thể tương tự.
Moscow có thể diễn giải thỏa thuận khí đốt tự nhiên mới trong bối cảnh là EU và Israel (hai thực thể chỉ trích chính về cuộc xâm lược Ukraine) đang hợp tác với nhau — nếu không muốn nói là câu kết — để tước bỏ thị trường quan trọng nhất của Nga.
Đúng. Và nó cũng có thể khiến người Nga gặp khó khăn lớn về kinh tế. Hơn nữa, ảnh hưởng địa chính trị của Nga ở Âu Châu và phần còn lại của thế giới cũng sẽ giảm đi.
Liệu Moscow có thể hiện thái độ khoanh tay nhìn về hướng Israel và Liên minh Âu Châu, rồi mộng tưởng rằng họ có thể thuyết phục một trong hai bên không thực hiện thỏa thuận này hay không?
Hay họ sẽ viện đến một hành động phong tỏa hải quân [đối với] các chuyến hàng khí đốt tự nhiên vào Âu Châu để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình?
Phần lớn [hành động của Nga] có thể sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc chiến chống lại Ukraine của nước này, vốn là điều không thể đoán trước được. Nhưng một khi Âu Châu không có khí đốt của Nga, Âu Châu sẽ không còn là một con tin trong vụ tống tiền của Nga, mặc dù liên minh này vẫn có nguy cơ bị Moscow bắt nạt về mặt quân sự.
Lý do tương tự đó cũng áp dụng cho Israel, và họ nhận thức rõ ràng về sự hiện diện quân sự của Nga ở biên giới phía bắc của họ. Nga rất có thể sẽ gây chiến về thỏa thuận này.
Thử nghĩ xem, Nga sẽ phải đi nước cờ nào trong hiệp đấu này?
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông James R. Gorrie là tác giả của “Cuộc khủng hoảng Trung Quốc” (Wiley, 2013) và viết trên blog của mình, TheBananaRepublican.com. Ông ấy sống và làm việc tại Nam California.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times