Thịt bò đâu cả rồi? Số lượng gia súc ở Hoa Kỳ giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên
Nguồn cung ứng bò thịt ở Hoa Kỳ đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên, nâng giá thịt bò lên mức cao nhất trong lịch sử và làm dấy lên mối lo ngại về sức bền lâu dài của cộng đồng nông dân quốc gia.
Theo ông Justin Tupper, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc Hoa Kỳ (USCA), một loạt các đợt hạn hán nghiêm trọng làm gián đoạn chuỗi cung ứng cùng các chính sách tiếp tục nghiêng sân chơi về phía các đại gia chế biến thực phẩm công nghiệp từ phía chính phủ đã làm giảm nguồn cung bò thịt của Hoa Kỳ xuống mức chưa từng thấy kể từ đầu những năm 1950.
Theo ông Tupper, việc thiếu mưa đã dẫn đến tình trạng không có nhiều đồng cỏ để chăn thả, tàn phá nguồn cung cấp vật nuôi.
“Những con bò cần được chăn thả để có thể sinh sôi nảy nở, và tình trạng hạn hán này đã làm tê liệt hoàn toàn nguồn cung,” ông Tupper cho biết. “Nuôi gia súc là một quá trình phức tạp đòi hỏi nhiều bước được thực hiện đúng. Chỉ cần một yếu tố bị sai lạc, là đã có thể gây ra hậu quả tàn khốc cho đàn gia súc.”
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) báo cáo rằng lượng bò thịt tồn kho trên toàn quốc đã giảm xuống 28.2 triệu con tính đến hôm 01/01/2024, đánh dấu mức thấp nhất kể từ những năm 1970 và giảm 2% so với năm trước.
Ông John Boyd Jr., chủ tịch Hiệp hội Nông dân Người Mỹ gốc Phi Châu Quốc gia (NBFA), gọi việc suy giảm số lượng gia súc là một “cuộc khủng hoảng quốc gia.”
Ông Boyd chia sẻ trên chương trình “Fox & Friends First” rằng, “Chúng ta đã chứng kiến [giá] thịt bò tăng vọt ở đất nước này. Và đó là bởi vì chúng ta không giúp đỡ những người chăn nuôi gia súc, chẳng hạn như tôi.”
“Chính phủ Tổng thống Biden không chú ý đến cuộc khủng hoảng quốc gia này. Đây là một cuộc khủng hoảng quốc gia đối với những người chăn nuôi gia súc ở Mỹ, và chính phủ này đã làm ngơ giả điếc trước một vấn đề cần được quan tâm ngay lập tức.”
Ông Boyd nói: “Người Mỹ sẽ phải trả giá tại các cửa hàng bách hóa địa phương của họ.”
Giá thịt bò đã đạt mức cao kỷ lục ở Hoa Kỳ. Báo cáo Chỉ số Giá Tiêu dùng mới nhất của Cục Thống kê Lao động cho thấy giá thịt bò và thịt bê tăng 7.7% so với tháng 01/2023 — thịt bò xay tăng 5.5%, thịt bò nướng tăng 6.7%, và thịt bò bít tết tăng 10.7%.
‘Chúng ta đang mất đi hàng đàn bò mỗi ngày’
Các công ty lớn hơn đang mua lại ngày càng nhiều mẫu đất trang trại chăn nuôi gia súc, khiến tình trạng thiếu hụt càng thêm nghiêm trọng. Sau khi mua lại, họ thường sử dụng đất cho những mục đích khác, làm giảm thêm nguồn cung thịt bò sẵn có.
Ông Tupper nói: “Chúng ta đang mất đi hàng đàn bò mỗi ngày, và thứ duy nhất mà chúng không còn có nữa là đất đai.”
Hiện nay, chủ sở hữu đất nông nghiệp lớn nhất nước Mỹ là ông Bill Gates, người sáng lập Microsoft và là một nhà hoạt động chống thịt. Năm 2023, ông Gates tuyên bố ông hiện đang sở hữu khoảng 270,000 mẫu Anh đất nông nghiệp trải trải rộng khắp 18 tiểu bang.
Ông Gates, nhà đầu tư của Upside Foods, một trong hai nhà sản xuất thịt tổng hợp được USDA chấp thuận, đã lên tiếng bày tỏ niềm tin rằng cần phải thay thế thịt để cứu thế giới khỏi các hiện tượng khí hậu thảm khốc sắp tới do khí nhà kính gây ra.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2021 với Technology Review, ông Gates nói rằng tất cả các quốc gia giàu có cần chuyển sang loại bỏ hoàn toàn những con bò đang sống và còn thở.
Ông Gates nói với người phỏng vấn, “Tất cả các nước giàu nên chuyển sang sử dụng 100% thịt bò tổng hợp. Quý vị có thể quen với sự khác biệt về hương vị, và tôi khẳng định rằng họ sẽ làm cho thịt bò ngày càng có hương vị ngon hơn.”
Ông nói: “Cuối cùng, giá tiền chênh lệch khi chọn sản phẩm xanh [so với sản phẩm truyền thống] là vừa phải nên quý vị có thể thay đổi [thói quen của] mọi người hoặc sử dụng quy định để chuyển đổi hoàn toàn nhu cầu. Vì vậy, đối với thịt ở các quốc gia có thu nhập trung bình trở lên, tôi nghĩ điều này là khả thi.”
Tuy nhiên, việc chăn nuôi bò thịt tạo thành một phần nhỏ lượng khí thải mà nhiều nhà bảo vệ môi trường cho rằng đã có tác động tiêu cực đến hành tinh. Theo Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), chỉ 2% tổng lượng khí thải nhà kính ở Hoa Kỳ đến từ hoạt động chăn nuôi bò thịt, trong khi sản xuất năng lượng và vận tải tạo ra 54% lượng khí thải.
Chính sách của chính phủ cũng là một yếu tố góp phần làm nguồn cung ứng thịt bò suy giảm. Theo ông Tupper, một đề nghị của USDA sẽ bắt buộc đeo thẻ điện tử lên tai gia súc và bò rừng khi vượt qua ranh giới các tiểu bang đang gây ra những chi phí không cần thiết và mang tính trừng phạt đối với các chủ trang trại ở Mỹ, đồng thời khiến giá thịt bò tăng thêm.
“Chúng ta đã có khả năng theo dõi bệnh hiệu quả trên mỗi con bò,” ông Tupper cho biết. “Đây là một hành vi lạm quyền của chính phủ nhằm loại bỏ những nhà sản xuất nhỏ và khuyến khích các nhà sản xuất lớn.
Ông nói thêm: “Chúng tôi cần sự giúp đỡ, chứ không phải là thêm trở ngại.”
Tuy nhiên, bất chấp những trở ngại gần đây, vẫn còn chỗ cho sự lạc quan, theo ông Tupper, người cho rằng nhu cầu thịt bò đang ổn định bất chấp giá cao kỷ lục.
“Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy đàn bò được gây dựng lại trong vòng hai đến ba năm tới,” ông Tupper cho biết. “Mọi người vẫn muốn thịt bò và khi giá tiếp tục tăng, lợi nhuận kinh tế sẽ tiếp tục là một động lực lớn.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times