Thiên tượng hiếm thấy tiết lộ vận mệnh của Triều đại đỏ?
Câu chuyện của chúng ta hôm nay sẽ bắt đầu từ một hiện tượng thiên văn siêu hiếm gặp.
Lông vũ trắng từ trên trời rơi xuống – là phúc hay họa?
Vào ngày 20/12/2022, bầu trời ở thành phố Thái Châu, tỉnh Chiết Giang đổ mưa lông vũ trắng. Theo tin tức từ Mạng lưới tài chính Trung Quốc, “Một số lượng lớn lông vũ đã liên tiếp rơi xuống, giống như những cơn mưa tuyết vậy”. Người chứng kiến và quay đoạn video cho biết: “Thật sự rất kỳ lạ. Toàn là lông chim từ trên trời rơi xuống, bao nhiêu con chim mới có thể tạo thành như vậy? Toàn bộ đều là lông chim. Thật là một hiện tượng kỳ lạ!”.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng video về sự việc đã được đăng tải trên Douyin (ứng dụng TikTok dành riêng cho người Trung Quốc) và được nhiều phương tiện truyền thông tự đăng lại.
(Bấm vào đây để xem Video)
Mặc dù quý vị có thể chưa bao giờ nghe nói về trời rơi lông vũ trắng. Tuy nhiên, trong sử sách thật sự đã ghi lại hai lần xảy ra sự kiện hy hữu này.
“Hán Thư” ghi lại rằng trong những năm Thiên Hán thời Hán Vũ Đế từng có hai lần mưa lông vũ trắng. Vào thời điểm đó, Hán Vũ Đế có rất nhiều tham vọng, dưới trướng cũng có nhiều lương thần danh tướng, liền muốn một lần tiêu diệt Hung Nô để chấm dứt vĩnh viễn hậu hoạn, vậy nên đã tiêu tốn rất nhiều nhân lực vật lực cho cuộc viễn chinh phía Bắc. Đáng tiếc trời không chiều lòng người, Hung Nô không tiêu diệt được, ngược lại mất đi mấy vị đại tướng, dân chúng cũng vì thế mà oán trách rất nhiều. Trong hai năm có hiện tượng lông vũ trắng từ trên trời rơi xuống thì đều xảy ra hạn hán nghiêm trọng, dân chúng lầm than, kéo theo đó là các cuộc nổi loạn quy mô lớn của nông dân. Có thể nói là “Ngoại hoạn chưa trừ, nội phiền lại lên”.
Về sau, Kinh Phòng, một học giả chuyên nghiên cứu “Kinh Dịch” vào thời Hán Chiêu Đế đã nhận xét rằng, cơn mưa lông vũ trắng là ứng với “quân đức bất thông, nghịch vu thiên hạ”, chính là nói Quân Vương có chỗ thất đức.
Tuy nhiên, Hán Vũ Đế dù sao cũng là một vị minh quân, sau đó ông đã tự vấn xét lại bản thân, hạ chiếu (Luân đài chiếu) hướng đến thần dân công khai chỉnh lại sai lầm, nói mình đã từng nhất thời hồ đồ (Trẫm chi bất minh). Ông một lần nữa điều chỉnh lại phương hướng trị quốc, quay về quỹ đạo phát triển kinh tế. Đời sau đánh giá rằng chính nhờ điều này mà vận mệnh của nhà Tây Hán mới kéo dài hàng chục năm, tránh khỏi kết cục giống như triều Tần bại vong nhanh chóng.
Đến thời Tùy Văn Đế, còn có trận mưa lông vũ lớn hơn, “Tùy Thư” nói “giống như đuôi ngựa, có cái dài hai thước, còn lại dài sáu, bảy tấc”. Năm đó cũng là một năm hạn hán nghiêm trọng, và một cuộc nổi loạn lớn đã xảy ra. Tuy nhiên, Tùy Văn Đế dường như không quan tâm, tiếp tục muốn sao làm vậy. Sang năm thứ hai, ông đã chiêu mộ 10 vạn người để xây dựng Vạn Lý Trường Thành và đào Đại Vận Hà. Trên thực tế, Tùy Văn Đế trước kia hùng tài đại lược, nhưng trong những năm cuối đời, ông có xu hướng ngoan cố ngang ngược, hình luật hà khắc, giết công thần lập quốc, cũng không màng đến dân chúng. “Tùy Thư” nhận xét rằng mặc dù triều đại nhà Tùy diệt vong trong tay của Tùy Dương Đế, nhưng mầm của tai họa kỳ thực đã được gieo từ thời Tùy Văn Đế cha ông.
Như vậy xem ra, nếu lấy lịch sử làm gương, vậy trời rơi mưa lông vũ có thể là một lời cảnh báo cho những người nắm quyền, nhắc nhở họ rằng đã đến lúc phải chú trọng đức hạnh và sửa đổi hành vi của mình.
Tuy nhiên, thiên tượng này làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi vào năm 2022 không chỉ bởi vì bản thân sự kỳ lạ của nó. Bởi vì hai chữ “vũ” (羽) và “bạch” (白) hợp lại chính là chữ “Tập” (習), Chiết Giang cũng là nơi sinh ra nhà lãnh đạo đương nhiệm tối cao của Trung Quốc Tập Cận Bình. Do đó, lời tiên tri trong cuốn “Thiết Bản Đồ” được lưu truyền bí mật trong dân gian lại một lần nữa được bàn tán sôi nổi, vì bức dự ngôn cuối cùng trong cuốn sách cũng có liên quan đến chiếc lông vũ màu trắng.
“Thiết Bản Đồ” dự báo về vận mệnh đương triều?
“Thiết Bản Đồ” thực ra không phải được khắc trên một tấm sắt mà là một cuốn sách bình thường. Không có cách nào để xác minh cuốn sách bắt đầu lưu hành từ bao giờ, mọi người chỉ biết rằng những bức tranh trong cuốn sách đều là vận mệnh cuối cùng của các triều đại, mỗi lời tiên tri đều đã được chứng thực chắc như đinh đóng cột, vì vậy nó mới được gọi là “Thiết Bản Đồ”.
Vậy bức tranh tiên tri cuối cùng là gì? Chỉ thấy trong tranh có hai ngọn núi. Phía trên thung lũng giữa hai ngọn núi có bốn con chim đen lần lượt bay qua; có một con chim màu trắng đâm vào lưng chừng ngọn núi bên phải, máu bắn tung tóe lên vách đá và đang rơi xuống núi. Phía dưới bức tranh có viết một hàng chữ “bạch vũ mao điểu nhi tràng tử tại sơn giá biên” (con chim lông trắng đâm vào sườn núi này rồi chết).
Vào những năm 1980, có một cao nhân từng nói rằng vận mệnh của triều đại hiện tại ứng với bốn chữ “Giang Hồ Tập Ngũ” (江湖习五). Lúc đó không ai hiểu điều này có nghĩa là gì, nhưng bây giờ xem ra vừa nhìn là đã rõ, bởi vì ba chữ “Giang Hồ Tập” tình cờ là họ của ba thế hệ lãnh đạo gần đây nhất của Trung Cộng. Còn chữ “Ngũ” (五) thì sao, có người nói là năm đời, cũng có người nói phải chăng là ám chỉ chữ “vô” (无), sau Tập là sẽ không còn nữa?
Một số người giải đoán rằng “4 con chim đen + 1 con chim trắng” trong “Thiết Bản Đồ” phải chăng đại diện cho năm thế hệ lãnh đạo của Trung Cộng? Con chim trắng “đâm chết” đó phải chăng tượng trưng cho chiếc lông trắng, cũng chính là chữ “Tập”?
Hứa Phụ tiên đoán sự diệt vong của nhà Tần
Tất nhiên, là lời tiên tri, trước khi chuyện chưa xảy ra, quý vị có thể giải thích chúng theo các cách khác nhau. Kỳ thực trong lịch sử cũng có rất nhiều lời tiên tri mà trước khi sự kiện xảy ra, mọi người đều không tin là thật.
Năm đó Tần Thủy Hoàng thôn tính sáu nước, thống nhất thiên hạ, một thời thôn phệ núi sông, ai có thể nghĩ rằng nhà Tần sẽ bị diệt vong chỉ sau hai đời? Ngày đó Tần Thủy Hoàng du ngoạn thiên hạ, rất oai phong lẫm liệt, trong số bách tính đang đứng xem bên đường có một nam tử trung niên nói “tôi cũng muốn được như ông ấy”, mọi người đều chế giễu người này vì đã quá mơ mộng hão huyền. Tuy nhiên, mười năm sau, giấc mộng của người này đã thành hiện thực. Người đàn ông trung niên này chính là Hán Cao Tổ Lưu Bang.
Tuy nhiên, lại đã có một tiểu cô nương sớm nhìn thấu tất cả chuyện này. Cô chính là nữ nhân xem tướng đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc được ghi danh sử sách, Hứa Phụ.
Vào năm Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ, Hứa Phụ đã được sinh ra trong nhà của Hứa Vọng, huyện lệnh của Ôn Thành. Đứa trẻ này rất đặc biệt, khi sinh ra đã cầm trong tay một miếng ngọc bội xinh đẹp, trên miếng ngọc phảng phất có hình Bát quái, hơn nữa chỉ mới một trăm ngày đã biết nói chuyện. Tần Thủy Hoàng sau khi nghe tin cho rằng đó là điềm lành, liền tặng cho Hứa Vọng hai ngàn lượng vàng, yêu cầu ông nuôi dạy con gái mình cho tốt.
Khi Hứa Phụ lớn lên đã được minh sư chỉ điểm, tuổi còn nhỏ đã trở thành một thầy xem tướng nổi tiếng, lời ra khỏi miệng, không câu nào không chuẩn. Tần Thủy Hoàng sau khi nghe được, liền ban chiếu cho Hứa Phụ vào cung trò chuyện. Không ngờ tiểu cô nương không chịu đi. Phụ thân Hứa Vọng rất tức giận, nói “Hài tử, ngươi sao lại vong ân phụ nghĩa như vậy? Hoàng Thượng đối xử tốt với ngươi như vậy, ngươi lại không muốn báo đáp.” Ai ngờ đứa nhỏ thở dài một tiếng, nói “Tần triều số đã tận, thiên hạ chẳng mấy chốc sẽ đại loạn, nếu con đi, làm thế nào nói với Hoàng Thượng đây?” Hứa Vọng kinh ngạc đến thất sắc, vội vàng nói rằng, “Hài tử, ngươi ăn nói hồ đồ, từ bây giờ đừng xem tướng cho người khác nữa.”
Nháy mắt vài năm đã trôi qua, quả nhiên đúng như lời Hứa Phụ dự đoán, thiên hạ đại loạn. Vào ngày Lưu Bang tấn công Hàm Dương, đi qua Ôn Thành, ở ngoài cổng thành đã tự xưng tên họ, nói muốn gặp Hứa Phụ. Hứa Phụ từ trên đỉnh thành nhìn ông ấy một cái liền nói với Hứa Vọng rằng, “phía dưới chính là Chân Long Thiên Tử, xin phụ thân mở cửa thành đầu hàng.”
Hứa Vọng rất tin lời con gái, đã ngoan ngoãn dâng thành. Sau này khi Lưu Bang đoạt được thiên hạ cũng không quên Hứa Phụ, phong nàng làm Minh Thư Đình Hầu. Vào thời Đại Hán, Hứa Phụ không chỉ được phong hầu, Hán Văn Đế Lưu Hằng thậm chí còn nhận nàng là mẹ nuôi của mình. Chuyện này rốt cuộc là như thế nào?
Khi đó, dưới trướng Lưu Bang có một tướng sĩ tên là Ngụy Vương Báo. Ngụy có một tiểu thiếp tên là Bạc Cơ. Một ngày nọ, khi Hứa Phụ nhìn thấy Bạc Cơ, liền nói rằng cô ấy “sẽ sinh ra Thiên tử”. Ngụy Vương Báo nghe tin này thì rất vui mừng, tự hỏi sau này mình phải chăng sẽ là Hoàng Đế? Ý vừa động thì tâm phản nghịch liền nổi lên. Kết quả là sự tình bại lộ, Ngụy Vương Báo rất nhanh đã bị giết. Vậy Hứa Phụ phải chăng nhìn nhầm? Thực tế là không phải.
Bạc Cơ là người nhà của tội nhân, bị đưa vào hậu cung làm cung nữ, về sau nàng được Lưu Bang sủng ái, sinh ra Lưu Hằng, cũng chính là Hán Văn Đế sau này. Lưu Bang có bảy người con trai và một vị Hoàng Hậu là Lã Hậu. Theo lẽ thường, sẽ không đến phiên Lưu Hằng làm Hoàng Đế. Tuy nhiên, Lưu Hằng đã sống sót sau cuộc tranh giành quyền lực giữa Lã Thái Hậu, các Hoàng tử và Đại thần, cuối cùng lên ngôi một cách thần kỳ, ứng nghiệm cho câu nói năm đó của Hứa Phụ.
Tuy nhiên, Hứa Phụ cũng không màng danh lợi, đến năm 50 tuổi thì bà từ quan lui về ở ẩn, chuyên tâm nghiên cứu tướng số, viết sách, trở thành nhân vật trụ cột trong việc kế thừa thuật tướng số của Trung Quốc cổ đại.
Joséphine, cô sẽ là Hoàng Hậu của nước Pháp
Nữ tướng sĩ sinh ra đã có dị tượng, nói đâu trúng đó như Hứa Phụ vẫn không chỉ có một. Marie-Anne Lenormand cũng là một trong những nữ thầy tướng nổi tiếng nhất trong lịch sử Pháp quốc vì tiên đoán được số mệnh Hoàng Hậu Joséphine của Napoléon.
Vào năm 1772, Marie được sinh ra trong một gia đình bình dân ở gần Paris. Cô sinh ra với mái tóc đen dài và cái miệng đầy răng, bị mọi người coi là “quái vật”, yêu cầu cha mẹ Marie đuổi cô đi. Cha mẹ cô không còn lựa chọn nào khác ngoài việc gửi cô đến một tu viện.
Marie từ nhỏ đã có thể dự đoán một số việc nhỏ xung quanh mình, và những gì cô bé nói đều rất chính xác. Đến năm 7 tuổi, khi viện trưởng của tu viện sắp từ chức, cô bé đã dự đoán chuẩn xác tên của người kế vị. Điều này khiến những người lớn đều nhìn cô bé với ánh mắt khác. Danh tiếng của nhà tiên tri nhỏ tuổi Marie lan rộng, rất nhiều người nổi tiếng đã đến thăm cô bé. Sau khi lớn lên, Marie đã mở một tiệm bói toán ở Paris.
Người ta kể rằng khi Joséphine còn chưa quen biết Napoléon, cô đã từng cùng bạn của mình đến gặp Marie để hỏi chuyện tình duyên. Marie không mấy quan tâm đến người bạn đó, nhưng lại quay đầu sang nói với Joséphine rằng số phận của nước Pháp sẽ sớm nằm trong tay cô. Joséphine nghe xong thì trố mắt không nói lên lời. Lúc đó cô vừa mới góa chồng, còn đang nuôi hai người con, không biết tương lai sẽ đi về đâu, vận mệnh nước Pháp làm sao có thể liên quan đến mình?!
Sau đó, Marie bê ra một bát đựng chất lỏng kỳ lạ, nắm lấy tay Joséphine, nhanh chóng dùng kim đâm vào một đầu ngón tay và nhỏ một giọt máu lên trên. Giọt máu này không phân tán, hơn nữa còn không ngừng thay đổi hình dạng trong bát, cuối cùng ngưng tụ thành hình chiếc vương miện. Marie nói với ngữ giọng chắc chắn, “Cô sẽ trở thành Hoàng Hậu”.
Joséphine rời đi trong trạng thái tinh thần hoảng hốt, không để ý đến một người đàn ông ăn mặc thời thượng ở cửa, người đàn ông này chính là Napoléon.
Khi Napoléon đi đến trước mặt Marie, Marie lập tức nói: “Đức vua của tôi, ngài đã đến! Ngài sắp kết hôn rồi, không lâu nữa ngài sẽ gặp được cô dâu của mình. Ngài sẽ trở thành Đế Vương, nổi tiếng khắp thiên hạ và sống một cuộc sống xa hoa. Nhưng đây chỉ là trước khi ngài 40 tuổi, khi 40 tuổi, ngài sẽ quên đi người yêu mà ông trời đã an bài cho ngài, và đây sẽ là khởi đầu cho nửa sau cuộc đời bi thảm của ngài. Ngài sẽ chết trong đau đớn, hơn nữa tất cả bạn bè và người thân của ngài sẽ tuyên bố rằng họ chưa bao giờ quen biết ngài!”
Napoléon Bonaparte lúc bấy giờ là một sĩ quan pháo binh, căn bản là không tin vào lời tiên tri của Marie, trong một thời gian dài ông luôn nghĩ: “Làm sao mình có thể tin được lời nói nhảm nhí của bà bói đó, làm sao bà ấy có thể giúp mình?”
Và lịch sử sau đó thì ai cũng biết. Joséphine gặp Napoléon trong một bữa tiệc, và hai người yêu nhau. Joséphine thực sự đã trở thành Hoàng hậu nước Pháp. Tuy nhiên, cuối cùng tình yêu giữa hai người không có kết thúc tốt đẹp, và Napoléon đã qua đời trên một hòn đảo hoang.
Nhà tiên tri người Anh: Tôi sẽ chết đói trong cung điện Hoàng gia
Ở Anh quốc đối diện với Pháp quốc bên kia sông cũng có một thầy bói gặp được Quốc vương nhờ lời tiên tri, đồng thời trở thành bạn của nhà vua, nhưng ông ấy lại vì thế mà bị chết đói. Ông ấy là Robert Nixon, sống vào thế kỷ thứ 15.
Nixon sinh ra ở nông thôn, từ nhỏ đã nói một số câu kỳ quái, nhưng dần dần mọi người phát hiện ra rằng, những gì cậu bé nói có thể thành hiện thực trong một tương lai không xa. Một ngày nọ, khi Nixon đang chăn bò thì đột nhiên lẩm bẩm, bắt đầu lặp đi lặp lại hai cái tên Richard và Henry. Cuối cùng Nixon nói: “Bây giờ Henry đã vượt qua con mương đó, Henry đã giành chiến thắng rồi!” Mọi người không hề ngạc nhiên, biết rằng Nixon lại đang nói lời tiên tri rồi.
Lúc đó vua Richard III của Anh quốc đang quyết chiến với Henry VII, người sau này đã cướp ngôi của ông. Cuối cùng Henry đã giành chiến thắng và lập nên triều đại Tudor. Khi Henry nghe tin Nixon dự đoán được chiến thắng của mình, ông đã đặc biệt mời Nixon đến cung điện để nói chuyện. Mọi người đều mừng cho Nixon, nhưng Nixon nói với vẻ mặt cay đắng rằng mình sẽ chết đói trong cung điện, nhưng vì lệnh của Quốc vương khó có thể không tuân theo, bởi vậy Nixon vẫn đi.
Sau khi đến đó, cả hai trò chuyện rất hợp nhau. Henry luôn giữ Nixon ở trong cung điện. Nixon đã nói về rất nhiều sự việc trong tương lai, chẳng hạn như Nội chiến Anh, Chiến tranh Anh-Pháp, v.v. Tất cả những điều này đều được ghi lại cẩn thận, nhiều năm sau, chúng đều đã ứng nghiệm.
Khi Henry định rời London vài ngày để đi săn, Nixon đã ôm chặt ông, nói rằng sẽ không bao giờ gặp lại được ông nữa. Henry cười nói đừng lo lắng, sẽ không để ông đói đâu. Henry dặn một người hầu chăm sóc cho Nixon thật tốt rồi rời đi.
Tuy nhiên, sau khi Quốc vương rời đi, những người hầu trong cung điện bắt đầu giở trò chọc ghẹo Nixon. Để tránh cho ông bị thương, một người hầu cận đã nhốt ông trong căn phòng bí mật của nhà vua, gửi cho ông bốn bữa ăn một ngày với rượu ngon và thịt.
Không ngờ vài ngày sau, người hầu này có việc rời đi, nhưng lại quên lệnh cho gia nhân tiếp tục đưa cơm cho Nixon. Khi trở lại vào ba ngày sau, Nixon đáng thương đã lặng lẽ qua đời trong căn phòng bí mật.
Có người nói Nixon ngốc quá, sao không về quê để tránh khỏi chết đói. Cũng có người nói rằng Nixon là một nhà tiên tri thực sự, ông biết rằng thiên mệnh là không thể tránh khỏi, dù là việc lớn như biến thiên của lịch sử, thay triều đổi đại, hay là việc nhỏ như sinh mệnh của một người dân. Đối mặt với vận mệnh lớn lao, chúng ta có thể làm chủ được bao nhiêu?
Lý Mai biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ