Thiên cổ anh hùng – Vua Nghiêu, Thuấn, Vũ (P.7): Đại Vũ trị thủy sông Trường Giang
Trị thủy hệ thống sông miền Nam
Hệ thống sông ngòi ở miền Nam dày đặc, với hai con sông lớn là sông Trường Giang (Đại Giang) và sông Hoài, trong đó Trường Giang có số nhánh sông nhiều nhất.
Theo kế hoạch, việc trị thủy ở đoạn Từ Châu gồm Từ Châu, Dương Châu và một phần Dự Châu. Từ Châu phía Đông bắt đầu từ biển lớn, phía Nam đến bờ Bắc của sông Hoài, phía Bắc đến núi Thái Sơn. Hệ thống sông ngòi gồm có sông Hoàng Hà, sông Hoài và sông Nghi; có các núi gồm Mông Sơn, Vũ Sơn. Hướng Đông trị thủy sông Tứ, sông Nghi Mông, hướng Nam trị thủy sông Hoài, từ núi Đồng Bách bắt đầu khai thông sông Hoài, chảy về phía Đông hợp với sông Tứ, sông Nghi rồi chảy về phía Đông nhập vào biển lớn. Ở núi Nghi Mông, núi Vũ Sơn đã có thể trồng trọt được.
Lấy vợ Đồ Sơn
Vũ năm 30 tuổi vẫn chưa lấy vợ, Vũ nói: “Nếu ta lấy vợ, ắt ứng với điềm lạ vậy”.
Vũ trước khi lên đường trị thủy sông Hoài thì có một con cáo trắng chín đuôi đến thăm Vũ, nói: “Nhà tôi ở nước Đồ Sơn nằm cạnh núi Đồ Sơn ở phương Nam. Quốc vương của nước Đồ Sơn đó có hai cô con gái rất xinh đẹp, tài đức vẹn toàn muốn đem gả cho Sùng Bá”. Vũ lấy lý do khác biệt giống loài để từ chối.
Cáo chín đuôi nói: “Hiện tại tôi dùng hình tượng cáo trắng chín đuôi này đến gặp ngài, là vì hôm qua ngài có nói rằng ngài lấy vợ thì nhất định có điềm lạ, nên tôi mới cho ngài một điềm lạ, cũng là mang đến cho ngài một điềm lành. Ngài muốn tôi là thân người thì có gì khó đâu?” Vừa nói xong nó lắc mình, trong nháy mắt liền hóa thành một ông già tóc trắng, tiên phong đạo cốt, khí khái phi phàm.
Đại Vũ thấy ông già phi phàm, rất có lai lịch, bèn nghĩ: “Màu trắng là y phục của mình; chín đuôi là số dương, ứng với bậc vương giả”. Vì vậy, Đại Vũ đồng ý cuộc hôn nhân này, Vũ đến nước Đồ Sơn thành thân với hai con gái của Vua nước Đồ Sơn là Nữ Kiều và Nữ Du.
Đến ngày thứ tư, Đại Vũ từ biệt Nữ Kiều và Nữ Du, rồi lên đường đi trị thủy sông Dĩnh và sông Hoài. Sử sách chép rằng: “Vũ kết hôn với con gái Vua nước Đồ Sơn, vì không muốn chuyện riêng ảnh hưởng việc công, nên ông nghỉ bốn ngày từ ngày Tân đến ngày Giáp, rồi lại tiếp tục trị thủy”. Về sau đã trở thành phong tục, các thế hệ sau ở các vùng Cửu Giang, Đương Đồ và Giang Hoài thường chọn các ngày Tân, Nhâm, Quý, Giáp để thành hôn.
Hàng phục Vu Chi Kỳ
Vào thời đó, ở núi Đồng Bách sông Hoài có một con thủy quái thần thông quảng đại tên là Vu Chi Kỳ, sách “Cổ nhạc độc kinh” ghi chép: “Nó giống như một con vượn có mắt vàng kim, răng trắng như tuyết, nhanh như chớp”. Khi Đại Vũ trị thủy sông Hoài, Vu Chi Kỳ tác oai tác quái can nhiễu việc trị thủy, Vũ đã hàng phục và nhốt nó trong giếng Hoài, đây là câu chuyện “Vũ Vương nhốt thuồng luồng” nổi tiếng.
Chuyện kể rằng ngàn năm sau, vào thời nhà Đường, ở Sở Châu có một ngư dân đang câu cá trên sông Hoài, bỗng nhiên câu phải một sợi xích sắt dài vô tận. Thứ sử Lý Dương nghe được tin này bèn triệu tập dân phu đến kéo xích sắt. Khi dây sắt kéo đến cùng, thì một con khỉ xanh bất ngờ nhảy ra khiến mọi người ai cũng kinh hãi, con khỉ xanh cầm lấy xích sắt rồi nhảy lại xuống nước.
Ba lần đi qua nhà
Vũ tiếp tục trị thủy sông Hoài. Bước đầu tiên là nạo vét lòng sông Hoài, bước thứ hai là đục núi Đồ Sơn và mạn Bắc núi Kinh Sơn. Ban đầu hai ngọn núi liên kết với nhau, sau khi đục mở ra, sông Hoài chảy qua giữa hai ngọn núi. Bước thứ ba là đục núi Giáp Thạch cho sông Hoài chảy qua, bước thứ tư là trị thủy các nhánh sông.
Một ngày nọ, Đại Vũ lại theo sông Hoài mà đi lên để kiểm tra công trình ở các nơi, đi đến chỗ đục núi Đồ Sơn và Kinh Sơn. Lúc đó, nước Đồ Sơn đã từ Giang Nam chuyển về nguyên quán. Bất ngờ nghe tin Đại Vũ đến, cả nước hân hoan chào đón. Đại Vũ chào hỏi một lượt, nhưng ông không về thăm lại nhà, mà lập tức quay lại công trường, sau đó lại theo sông Hoài mà tiếp tục đi.
Đại Vũ lại đi về phía Tây, sau đó trị thủy sông Dĩnh, sông Nhữ rồi đến sông Nghi.
Đến lúc này, lũ lụt ở Từ Châu và Dự Châu gần như đã hết. Sau khi trị thủy, nơi đây trở thành một vùng đất màu mỡ, sản vật phong phú.
Một hôm, khi Đại Vũ trị thủy Dương Châu trên đường đi qua Đồ Sơn, đi ngang qua cửa nhà, nghe thấy bên trong có tiếng khóc oa oa của trẻ nhỏ, nhưng Đại Vũ vẫn không thể vào thăm nhà.
Lại có lần, có người từ Đồ Sơn đến nói với Đại Vũ rằng: “Phu nhân nghe tin Sùng Bá (chỉ Đại Vũ) trị thủy sẽ đi ngang qua nhà, có thể gặp mặt, nên đã rất vui mừng, bà đang ôm con trai đứng trên một tảng đá lớn ngoài cửa trông mong”. Nhưng Vũ vẫn không thể bớt được thời gian về thăm vợ con. Ở đầu phía Đông Đồ Sơn có một hòn Vọng Phu, đó chính là tảng đá mà Nữ Kiều đã đứng ngóng trông Đại Vũ trở về. Đây là câu chuyện cảm động lòng người, Đại Vũ ba lần qua nhà nhưng không vào nhà.
Mở thông đường Hoàn Viên
Ở Dự Châu, giữa núi Thái Thất và núi Thiếu Thất có một con đường hẹp gọi là Hoàn Viên. Nếu mở thông được con đường này thì không những có thể xả lũ, mà sau khi xả lũ xong còn có thể trở thành một đường đi thuận tiện từ kinh đô đến Tung Sơn. Vì thế, Vũ quyết định mở thông con đường hẹp này.
Khi đục con đường này, đá ở đây rất cứng, rất khó đục. Đại Vũ nói: “Để ta đục!” Ông cầm rìu Khai Sơn trong tay, lại lấy theo một chiếc trống rồi dặn dò mọi người: “Khi ta đục núi, mọi người không được lên núi quấy rầy. Khi nào làm xong, ta sẽ đánh trống, nghe thấy tiếng trống thì có thể lên núi”.
Đại Vũ nói xong, chuẩn bị đi lên núi thì nhận được tin hai vị phu nhân từ Đồ Sơn đến. Đại Vũ ngạc nhiên: “Tại sao sớm không đến, muộn không đến, mà vừa lúc ta sắp lên núi lại cùng nhau đến công trường?” Lúc đó Nữ Du đang mang thai sắp đến tháng thứ 10. Hai vị phu nhân đến, nhưng Đại Vũ không có thời gian nấn ná, liên tục vẫy tay với hai vị phu nhân, nói: “Không còn thời gian nữa, không còn thời gian nữa, giờ ta phải lên núi, các nàng ở dưới núi đợi ta, xong việc ta sẽ trở lại”.
Hai vị phu nhân hỏi: “Khi nào thì hoàn thành?”
Đại Vũ chỉ vào chiếc trống trong tay và nói: “Khi nghe tiếng trống của ta vang lên, thì là xong việc rồi”. Sau đó, ông mang trống và rìu Khai Sơn nhanh chóng lên núi.
Hai vị phu nhân đành đợi ở dưới núi. Gần tới giữa trưa, thì nghe thấy có tiếng trống từ trên núi, hai phu nhân liền nói: “Công trình đã xong, chúng ta lên núi gặp chàng nhé”. Nói xong, Nữ Kiều dìu Nữ Du lên núi. Không ngờ, lên đến núi thì không thấy Vũ đâu, mà chỉ thấy ở đó một con rồng vàng đang cầm rìu Khai Sơn toàn tâm toàn ý tạc núi. Đằng sau có một cái trống, thỉnh thoảng đuôi của nó đập vào trống phát ra tiếng động thùng thùng. Nữ Kiều nhìn thấy đã kéo Nữ Du chạy xuống núi.
Vũ biết rằng hình dạng thật đã bị họ phát hiện, liền khôi phục lại hình người, rồi vội vã xuống núi để giải thích cho hai vị phu nhân. Nào ngờ Nữ Du đã biến thành một tảng đá lớn bên đường, Vũ nói với hóa thạch: “Nàng không muốn gặp ta nên biến thành hòn đá, nhưng con của ta thì phải trả nó lại cho ta”. Nói chưa dứt lời, đột nhiên nghe thấy một âm thanh, tảng hóa thạch đó đột nhiên nứt ra, rồi một bé trai từ trong chui ra. Vì cậu bé do hòn đá sinh ra nên Vũ đặt cho tên là Khải.
Có tư liệu viết rằng Vũ hóa thành gấu vàng (黄熊), như đã đề cập trước đó, trên thực tế Vũ ở đây hóa thành không phải là gấu vàng, là hoàng năng (黄能), là chữ năng (能) dưới có ba chấm, âm đọc là Long, nói một cách chính xác là Hoàng Long. Khi đục Long Môn, cũng có thuyết rằng Vũ biến thành Hoàng Long (rồng vàng).
Đường Hoàn Viên đã được khai thông, lộ trình từ sông Lạc đến Tung Sơn được rút ngắn rất nhiều, về sau trở thành đại lộ Bắc Nam.
Trị thủy Dương Châu và Kinh Châu
Dương Châu nằm về phía Nam của sông Hoài, trải rộng về phía Nam đến biển lớn. Đây là vùng đất trũng ẩm ướt. Hồ Hồng Trạch, hồ Cao Bưu, Thái Hồ (Chấn Trạch), hồ Bành Lễ và vịnh Hàng Châu thảy đều thuộc Dương Châu. Nơi đây có sông Tùng, sông Tiền Đường, sông Phổ Dương, v.v… Vũ dẫn hệ thống sông này vào biển Hoàng Hải, khiến cho khu vực Chấn Trạch cũng được ổn định.
Tiếp theo, Vũ trị thủy Kinh Châu. Từ núi Kinh ở Hồ Bắc đến mạn Nam núi Hành Sơn ở Hồ Nam đều thuộc về Kinh Châu, hệ thống sông ngòi ở đây dày đặc. Vũ từ hồ Bành Lễ trị thủy về phía Tây đến hồ Động Đình và trị thủy các nhánh sông của nó, gồm chín sông: Nguyên (沅), Tiệm, Nguyên (元), Thần, Tự, Dậu, Lễ, Tư, Tương để chúng đổ vào hồ Động Đình. Ở phía Bắc sông Trường Giang, đầu tiên Vũ dẫn dòng qua núi Kinh Sơn để lưu thông sông Thư Thủy và sông Chương Thủy; đi qua giữa Chung Tường và Kinh Môn để dẫn vào Phương Sơn, khơi thông sông Tiềm Thủy và sông Hán Thủy, dẫn sông Hán Thủy chảy vào sông Trường Giang; lại dẫn dòng từ núi Đồng Bách đến núi Bồi Vỹ thuộc An Lục ở hạ du sông Vĩ, trị thủy đầm Vân Bạch; dẫn từ núi Kê Công đến núi Đại Biệt, khơi thông sông Hoàn Thủy, sông Nhiếp, sông Cử Thủy, sông Ba Thủy, sông Hy Thủy. Rất nhiều nhánh sông phụ của sông Trường Giang phần lớn đã có kênh sông dẫn nước cố định. Đầm Vân Trạch và đầm Mộng Trạch cũng đã được trị thủy xong, đất đai ở đây đã có thể canh tác được.
Sau khi trị thủy Kinh Châu, Vũ lại lên phía Bắc đến Dự Châu để trị thủy ở trung du sông Hán Thủy. Ở phía Bắc núi Đồng Bách trị thủy núi Ngoại Phương và núi Hùng Nhĩ, giữa hai ngọn núi này là sông Y Thủy và sông Lạc Thủy. Từ núi Hùng Nhĩ, bắt đầu dẫn nước sông Lạc Thủy chảy về phía Đông Bắc rồi đổ vào sông Động Thủy, sau đó chảy về phía Đông đến Yển Sư hợp với sông Y Thủy, rồi tiếp tục chảy về phía Đông qua Củng Nghĩa và nhập vào Hoàng Hà.
Vũ xẻ Tam Hiệp
Tiếp theo, Vũ trị thủy Lương Châu. Lương Châu phía Đông tiếp giáp với Kinh Châu, phía Tây Bắc tiếp giáp với Ung Châu, bao trọn vùng đất ngày nay là toàn bộ tỉnh Tứ Xuyên, phần phía Tây Hồ Bắc và Thiểm Tây, phần phía Nam Cam Túc, có diện tích khoảng 1.48 triệu km2. Lương Châu nằm ở thượng nguồn sông Trường Giang, sông ngòi dày đặc, tứ bề có núi non bao bọc, đường thủy không thông suốt nên nước bị tắc nghẽn lại ở đây. Ở Lương Châu chủ yếu là trị thủy sông Mẫn Giang, sông Hắc Thủy, nạo vét sông Đà và khai thông Tam Hiệp.
Đại Vũ đục thông hẻm núi Hoàng Ngư và hẻm núi Ba Sơn, dẫn nước từ sông Mẫn nhập vào sông Trường Giang. Lượng nước của sông Mẫn rất lớn, để giảm bớt thế nước của sông Mẫn, Đại Vũ đã đào một kênh sông ở phía Đông của sông Mẫn, gọi là sông Đà. Như thế nước sông Mẫn sẽ được dẫn vào sông Trường Giang một cách thuận lợi.
Việc đục thông Tam Hiệp là công trình quan trọng trong việc trị thủy Lương Châu. Tam Hiệp của dãy núi Vu Sơn kéo dài 700 dặm, núi kề núi, đỉnh san sát, đá núi cứng một cách dị thường. Đại Vũ thỉnh cầu phu nhân Vân Hoa giúp đỡ, phu nhân Vân Hoa thi triển thần thông, dùng sấm sét đánh. Những tảng đá cứng dần trở nên lơi lỏng, mọi người rất nhanh chóng đã khai thông Tam Hiệp ở dãy núi Vu Sơn, nước lũ từ Ba Thục ào ào chảy ra, cuối cùng chảy vào biển lớn.
Trước khi Đại Vũ trị thủy, dòng chảy chính của sông Trường Giang không chảy qua Tam Hiệp như hiện nay, mà chảy qua sông Sầm Thủy ở Nam Giang cổ đại. Nhà địa lý học Hồ Vị thời nhà Thanh giới thiệu trong Vũ Cống Thùy Chỉ rằng: Trước khi Đại Vũ trị thủy đục thông Tam Hiệp, sông Di Thủy đầu ra từ sông huyện Ngư Phục, Tứ Xuyên, từ Phùng Tiết chảy qua sông Nghi Đô Giang nhập vào sông Trường Giang. Đây là dòng chảy chính của sông Trường Giang thời cổ đại. Thủy Kính Chú Sớ ghi chép: “Sông Giang lại đi suốt phía Nam sông Đoạn Giang của vua Vũ. Ở phía Bắc hẻm có thôn Thất Cốc. Ở khoảng giữa hai dãy núi có nước trong sâu, tụ lại thành đầm mà không chảy đi. Các bậc kỳ cựu truyền lại rằng: xưa là con sông nhỏ, gặp khi vua Vũ đi trị thủy, không đủ để tiêu nước, vua Vũ bèn mở cửa hẻm ngày nay, thế nước dồn vào đây, con sông ấy bèn bị đứt, nay người ta gọi sông ấy là Đoạn Giang”. Chính là nói Vũ Đoạn Giang khi xưa là nhánh chính của sông Trường Giang. Khi Đại Vũ trị thủy, sông Nam Giang quá hẹp không đáp ứng nhu cầu thoát nước, nên Đại Vũ đã mở dòng chảy hiện tại. Vì vậy, dòng sông trước đây có tên là Nam Giang đã ngừng chảy và được gọi là Vũ Đoạn Giang, tức là Đoạn Giang Hiệp hay Đoạn Giang Sơn được nhắc đến trong “Đông Hồ Huyền Chí”.
Đại Vũ đục Vu Sơn dẫn nước sông Giang chảy về hướng Đông, sau lại khiến sông Trường Giang chảy về Đông qua Ngũ Hồ (là năm hồ lớn gồm hồ Động Đình, hồ Bà Dương, Thái Hồ, hồ Hồng Trạch và hồ Sào ở trung du và hạ du sông Trường Giang), nước ở Tam Hiệp từ đây được khơi thông. Dòng chảy chính của Trường Giang chuyển sang dòng chảy như hiện nay.
Điều khiến các nhà địa chất quan tâm là sông Trường Giang ở đoạn qua Tây Lăng Hiệp đã cắt vào đúng trục lõi của nếp lồi Hoàng Lăng. Nói cách khác, trước khi hình thành dòng chảy ở Tam Hiệp, ở đây có lẽ đã có những ngọn núi nhô cao chặn dòng nước chảy về phía Đông.
Truyền thuyết kể rằng, khi Đại Vũ trị thủy, đến đoạn xẻ Tam Hiệp có Thần Ngưu trợ giúp. Lúc đó Tam Hiệp không phải là dòng sông, mà chỉ có con sông nhỏ hiện nay gọi là Đoạn Giang ở phía Nam, không đủ để xả lũ nên Vũ đục xẻ Tam Hiệp. Nữ thần Vu Sơn đã mời Thổ Tinh giúp đỡ, Thổ Tinh biến thành một con bò lớn (Hoàng Ngưu) giúp Vũ mở Tam Hiệp. Để tưởng nhớ công của Hoàng Ngưu giúp Đại Vũ khai Tam Hiệp, người thời đó đã lập miếu Hoàng Ngưu ở dưới vách núi Hoàng Ngưu. Vào thời Tam Quốc, Thừa tướng nước Thục là Gia Cát Lượng đã cho trùng tu miếu Hoàng Ngưu và dựng bia đá. Trên bia có khắc dòng chữ “Hoàng Ngưu Miếu Ký”. Vào thời Bắc Tống, khi Âu Dương Tu nhậm chức huyện lệnh huyện Di Lăng, ông đổi tên “miếu Hoàng Ngưu” thành “miếu Hoàng Lăng”.
Tiếp sau đó, Đại Vũ trị lý nước đọng ở các hồ đầm lớn và các vùng trũng thấp, Thần núi Hành Sơn kiến nghị Đại Vũ cầu cúng Thiên Đế ban cho tức thổ, vậy nên Đại Vũ bái cầu Thượng Đế ban cho tức thổ để xử lý nước tù đọng ở các vùng này. Đồng thời, đào thêm một số hồ men theo dòng Trường Giang để điều tiết nước sông Trường Giang, khi nước lên cao có thể xả và trữ nước để dùng cho tưới tiêu vào mùa nước cạn. Những hồ nước dọc sông Trường Giang này khiến cho vùng trung du và hạ du sông Trường Giang hiếm khi bị chuyển dòng và xảy ra lũ lớn.
Lập bia trên đỉnh núi Cẩu Lũ
Một ngày nọ, Vũ đi đến qua Hành Sơn, trèo lên đỉnh núi cao nhất, chuẩn bị một con vật để cúng tế, cung kính dâng lễ. Lúc này bảy tám công trình trong số mười công trình trị thủy đã được hoàn thành, ngày trị thủy thành công đã sắp tới. Ông quyết định khắc đá lập bia để kỷ niệm. Sau khi xem xét các nơi, cuối cùng ông chọn đặt tấm bia trên đỉnh núi Cẩu Lũ. Trước đây, nó được gọi là “bia Cẩu Lũ”, cũng được gọi là bia Vũ Vương.
Đỉnh núi Cẩu Lũ là một trong 72 đỉnh của núi Hành Sơn, bia Cẩu Lũ được lập trên một tảng đá tự nhiên, tương truyền rằng nơi dựng bia chính là vị trí mực nước lúc bấy giờ. Bia cao bảy thước, rộng năm thước, dày một thước, trên bia khắc bảy mươi bảy chữ, giống như con nòng nọc, lại giống như chữ điểu triện. Đây được xem là bia đá cổ nhất ở Trung Quốc.
Ở nơi này, Đại Vũ nhận được thẻ vàng ngọc điệp do Luy Tổ để lại, hình dạng giống với thẻ ngọc mà Hoàng Đế cất giữ ở núi Uyển Ủy. Sau khi trị thủy thành công, chúng vẫn được lưu trữ ở đây. Sách “Tương Trung Ký” ghi chép: “Núi Cẩu Lũ có ngọc điệp, Vũ chiểu theo những gì viết ở trên đó để trị thủy”. “Ngô Việt Xuân Thu” ghi chép: “Vũ leo lên Hành Sơn, sứ giả của Mộng Thương Thủy đưa tới một cuốn sách thẻ vàng chữ ngọc, Vũ đắc được điều cốt yếu của việc trị thủy, và khắc lên chỗ cao của núi đá”.
Học giả hiện đại, tiên sinh Mã Hạ Sơn, sau hơn 20 năm miệt mài nghiên cứu về các ký tự thời nhà Hạ, đã giải mã được các chữ của bia Cẩu Lũ như sau:
“Thừa đế trủng nhiên, dực phụ ung vệ. Tai hàng thỉ phát, tự hoàn vãng hành. Tam hà phi dũng. Bắc quá ký nhi điện, tự nhược vong điểu. Túc nhạc lộc đình, sưởng dật dậu kỳ, thủy lư phất trường, vãng cầu vĩnh định. Hoa nhạc thái hành. Sùng sở sự bầu, lao dư Thần nhân, sưởng mạn cát tỷ. Nam độc diễn xương, y tắc thực bị, vạn bang giai ninh, cương vô dạng mãng”.
Giải thích “Cẩu Lũ bia”:
“Thụ lệnh của Hoàng đế ban cho quyền trợ giúp Thuấn Đế trị lý sông Ung và sông Vệ. Lũ lụt ập đến, ta lập lời thề rồi lên đường, vất vả bôn ba giữa sông Hằng và sông Tự. Ba con sông gây hồng thủy tràn lan, từ phía Bắc – Ký Châu tế tự tỏ lòng thành kính với tổ tiên và Thần linh, mải miết trị thủy mà quên mất quê hương đất tổ. Ngoài lúc trị thủy cũng thường trú ở đình viện trên núi cao, dùng rượu cúng bái thiên địa, cầu nước sông tiêu thoát đừng tràn ngập khắp nơi, nước đến bậc thềm thì không dâng lên nữa, mong lũ lụt được bình ổn. Từ núi Hoa Nhạc đến núi Hằng Sơn rồi đến núi Thái Sơn, Hành Sơn, lòng thành kính tôn sùng nghe những người tài trí chỉ bảo việc khai thông nước sông, từ đó lũ lụt giảm bớt, ngoài việc trị thủy thì lúc bình thường có dư thời gian cũng dành để hương khói thờ phụng Thần linh, dùng rượu thơm để thiết đãi dâng lên các vị Thần. Thần linh tỏ rõ: chuyển dời đại cát. Kênh mương ở phía Nam đã thông thuận, cây cối phong phú, ăn no mặc ấm, vạn bang an định, từ biên cương đến Trung Nguyên sẽ không còn lũ lụt”.
“Cẩu Lũ bia” đã ghi lại rằng Đại Vũ được lệnh của Đế Thuấn xuất phát từ Ký Châu bôn ba bốn phương, theo núi đốn cây để dẫn nước vào sông Hoàng Hà, ba lần đi qua nhà mà không vào. Sau 13 năm nỗ lực, nước lũ cuối cùng đã được trị dứt. Nội dung của bia Cẩu Lũ về đại thể là giống với những ghi chép trong chương “Vũ Cống” của Kinh Thư, và rất phù hợp với nội dung ghi chép về Đại Vũ trị thủy trong chương “Hạ Bản kỷ” của Sử Ký.
Năm Hán Vũ Đế thứ hai (127 TCN), Vũ Đế đã xây dựng điện Vũ Vương ở trên đỉnh Cẩu Lũ, được hậu thế truyền đời tu bổ. Vào năm Đồng Trị thứ 9 thời nhà Thanh (năm 1878), điện Vũ Vương được trùng tu thành miếu, có diện tích hơn 1,000 mét vuông.
Chữ khắc trên bia Cẩu Lũ đề cập đến việc cúng tế Thần linh và Trời Đất. Đại Vũ đến nơi nào trị thủy đều phải cúng tế Sơn Thần, khi cúng tế các vị Sơn Thần khác nhau thì cũng dùng những tế phẩm khác nhau, điều này được trình bày chi tiết trong “Sơn Hải Kinh”.
Dựng trụ sắt ở sông Hắc Thủy
Tiếp theo là đến trị thủy sông Hắc Thủy. Sông Hắc Thủy là nhánh sông lớn nhất ở thượng du sông Mân Giang, lượng nước rất lớn, dưới nước có nhiều giao long, thế nước hung dữ. Vốn là ở dưới đáy nước có một huyệt đạo rất lớn dẫn thẳng ra Nam Hải, giao long và nhiều loài động vật lớn khác thường qua đó ra vào sông Hắc Thủy. Hơn nữa, mỗi khi thủy triều ở Nam Hải lên xuống cũng tương thông với sông Hắc Thủy, khiến tình trạng lũ lụt trên sông Hắc Thủy càng thêm trầm trọng. Đại Vũ ra lệnh cho người dân trục xuất giao long và những quái vật khác để chúng theo huyệt đạo đó về Nam Hải, biết đặc tính của giao long sợ sắt, nên ông đã dùng hàng trăm vạn cân sắt đúc thành một cột sắt lớn đặt ở chỗ huyệt đạo dưới đáy sông Hắc Thủy để chặn đường giao long và những con vật khác. Sau khi trụ sắt được đặt xuống, sông Hắc Thủy đã yên ắng.
Sau khi toàn vùng Lương Châu được trị thủy, núi Vấn (Mân) và núi Ba Trủng đều đã có thể trồng trọt được, các con đường trên Thái Sơn và Mông Sơn đã được sửa chữa.
Lúc này, việc trị thủy về cơ bản đã hoàn tất, các sông đều đã được dẫn ra biển.
Vũ lại tuần xét tình huống thủy thổ ở các nước hải ngoại, ở đó ông đã gặp nhiều trải nghiệm kỳ lạ, đã ra tay trừ một số quái thú hại người, ở phương Bắc trừ Nữ Bạt. Đến đây, việc trị lý thủy thổ ở cả trong và ngoài nước đã hoàn tất. Bá Ích đã đem địa lý núi sông, thảo mộc, chim muông và dã thú, những phong tục kỳ lạ cùng những giai thoại mà ông mắt thấy tai nghe khi đi theo Đại Vũ trị thủy ghi chép lại, đồng thời vẽ thành tranh, trở thành tư liệu trọng yếu cho tác phẩm “Sơn Hải Kinh”.
Theo “Sở Bạch Thư” ghi chép: “Ngu Ly (Vũ và Tiết) trị sửa đại địa, ‘dĩ ti đổ nhưỡng’ quy hoạch cửu châu, sửa trị ổn thỏa hiện tượng hỗn loạn ‘núi gò không khơi thông’ của đại địa. Sau đó khiến núi sông tứ hải, điều hòa trăm khí, để khai thông dòng chảy, khai mở núi gò, lấp đất những nơi đọng nước”. Đó là nói Đại Vũ dùng khí âm dương của núi sông tứ hải để mở núi dẫn nước, giữa hồng thủy mang mang, đắp bịt san đất, sáng tạo ra đại địa có trật tự có thể sinh sống.
Lũ lụt bình ổn, vạn dân trong thiên hạ thảy đều có được đất đai để an cư lạc nghiệp.
“Thi Kinh” ca ngợi: “Hồng thủy mang mang, Vũ phô hạ thổ phương” (Hồng thủy mênh mông, Vũ trị sửa thủy thổ tứ phương).
“Tả truyện” nói: “Mỹ tai Vũ công! Minh Đức viễn hí. Vi Vũ, ngô kỳ ngư hồ!” (Công lao của Vũ tốt đẹp thay! Đức sáng tỏa khắp nơi xa xôi. Nếu không có Vũ thì ta đã là cá rồi).
“Sử ký” cũng nói: “Đại Vũ bình hoạt thủy thổ, công tề thiên địa”. (Đại Vũ bình ổn thủy thổ, công sánh ngang Trời Đất).
Vũ có công trị thủy, được phong cho đất Hà Nam, quốc hiệu Hạ, được ban họ Tự Thị.
Trị thủy thành công, Vũ cáo lên Đế Nghiêu và Đế Thuấn rằng: “Thiên hạ danh sơn, kinh ngũ thiên tam bách thất thập sơn, lục vạn tứ thiên ngũ thập lục lý, cư địa dã. Ngôn kỳ ngũ tang, cái kỳ dư tiểu sơn thậm chúng, bất túc ký vân. Đại địa chi Đông Tây nhị vạn bát thiên lý, Nam Bắc nhị vạn lục thiên lý, xuất thủy chi sơn giả bát thiên lý, thụ thủy giả bát thiên lý, xuất đồng chi sơn tứ bách lục thập thất, xuất thiết chi sơn tam thiên lục bách cửu thập. Thử thiên địa chi sở phân nhưỡng thụ cốc dã, qua mâu chi sở phát dã, đao sát chi sở khởi dã, năng giả hữu dư, chuyết giả bất túc”.
Tạm dịch: Đại Vũ tấu: “Danh sơn khắp thiên hạ có tổng cộng 5,370, đất ở được có khoảng 64,056 dặm (khoảng 32,028 km). Những danh sơn này được phân bố ở năm vùng núi ở phía Đông, Tây, Nam, Bắc và trung tâm. Bởi vậy, điều tra ghi chép chỉnh lý lại, đặt tên là “Ngũ tạng sơn kinh”. Ngoài ra, khắp thiên hạ còn có rất nhiều ngọn núi lớn nhỏ khác nhau, không ghi chép chi tiết. Có 5,370 danh sơn khắp thiên hạ. Tuy nhiên, chỉ có 447 ngọn núi được ghi lại trong “Ngũ tạng sơn kinh”. Nhiều ngọn núi đã được điều tra, nhưng chúng không được ghi lại trong 26 cuốn kinh về núi”.
Đại địa (đại lục địa nối liền ba châu lục: châu Á, châu Phi và châu Âu) chạy từ Đông sang Tây là khoảng 14,000 km đường chim bay (tính từ núi Vô Cao ở điểm cực Đông – ngày nay là dãy núi Ou cao 1,200 mét so với mực nước biển ở phía Đông Nam thành phố Morioka, Nhật Bản, đến điểm cực Tây – ngày nay là cao nguyên Adrar Plateau cao 600 mét so với mực nước biển ở Mauritania thuộc khu vực phía Tây châu Phi, khoảng cách chim bay là khoảng 14000km); từ Nam đến Bắc, khoảng cách chim bay là 26,000 dặm (từ điểm cực Nam – nay là dãy núi Drakensberg cao 3,000 mét so với mực nước biển ở miền Nam Nam Phi, đến núi Vô Phùng ở điểm cực Bắc – nay là dãy núi Belanga, cao hơn 200 mét so với mực nước biển ở miền Bắc nước Nga, khoảng cách chim bay khoảng 13,000km). Núi có sông suối chảy ra, khoảng cách chim bay là 8.000 dặm (khoảng 4,000km), địa phương có sông chảy qua, khoảng cách chim bay 8,000 dặm (khoảng 4,000km); núi có mỏ đồng có tổng cộng 467 núi, núi có mỏ sắt có tổng cộng 3,690 núi.
Đây là cơ sở cho việc trồng trọt canh tác, kiến lập quốc gia, phân chia lãnh thổ; cũng là nguyên nhân sinh ra “can qua” (vì tranh chấp lợi ích dẫn đến chiến tranh) và là căn nguyên “đao sát” (phát động chiến tranh). Do sự phân bố tài nguyên thiên nhiên và của cải vật chất không đồng đều, khiến bách tính trong thiên hạ phân hoá giàu nghèo. Vì vậy, người có tài cán luôn giàu có dư giả, người vụng dại thì nghèo nàn thiếu thốn.
Qua đoạn văn tự này có thể thấy, trước trận đại hồng thủy, khắp thiên hạ có nhiều quốc gia và mật độ dân số rất cao. Vì đất canh tác có hạn, mỗi quốc gia đều vì lợi ích của mình mà phát động chiến tranh xâm lược để cướp đoạt lãnh thổ và tài nguyên của nước khác.
Vũ “sống ở ngoài mười ba năm”, “ba lần đi qua nhà mà không vào”, làm việc vất vả, tay cầm công cụ, xung phong đi đầu, dãi gió dầm mưa, người trông tiều tuỵ, bắp đùi không còn bao nhiêu thịt, lông trên bắp chân đều sạch bóng. Bởi vì quanh năm suốt tháng ngâm mình trong nước, móng chân đều tróc ra hết. Đế Nghiêu rất cảm động, ban cho ông một cây đàn cầm khảm ngọc dao và một thanh bảo kiếm.
Đại Vũ trị thủy, “đục mở chín núi, thông thoát chín hồ, khơi tháo chín sông, định ra chín châu”, về diện tích rộng lớn và mức độ to lớn công trình là trước nay chưa từng có. Phía Tây từ sông Hắc Thủy đến cửa sông Trường Giang ở phía Đông; phía Bắc từ Hà Bắc và Sơn Đông, phía Nam đến trung và hạ du sông Trường Giang, gần như bao hàm đại bộ phận lãnh thổ Trung Quốc. Từ sông Hắc Thủy đến cửa sông Trường Giang với khoảng cách đường chim bay là 2,600km, mà ông chỉ đi bộ vẻn vẹn trong một tuần. Nếu không có sự trợ giúp của Thần linh thì đây là điều không thể vào thời điểm đó, chưa nói đến sự can nhiễu của nhiều loại yêu ma quái thú. Trong khi trị thủy được sự trợ giúp của chúng Thần, ông quả là Thánh Thiên Tử được bách linh trợ giúp. Trải qua mười ba năm nỗ lực, khiến “nước lớn đổ về Đông” nhập vào biển lớn, sự hùng vĩ của công trình đã chấn động cổ kim.
Thảm họa do trận đại hồng thủy mang đến cho nhân loại là khủng khiếp, nhưng cũng là để làm nền cho ba vị Thánh quân Nghiêu, Thuấn, Vũ khai sáng kỷ nguyên mới, đem liên minh lỏng lẻo của một vạn nước san sát nhau nhưng mạnh ai nấy làm, kiến lập thành một thiên hạ thống nhất vạn quốc, vạn bang, khai sáng tân vũ, tạo ra một bước chuyển để rồi cuối cùng xác lập một thiên hạ thống nhất với tên gọi Cửu Châu.
Khắp chốn mừng vui
Sau khi trị thủy thành công, Đại Vũ dự định đích thân đến Côn Luân để tế cáo lên Thiên Đế, bái tạ Tây Vương Mẫu. Lúc này, Tây Vương Mẫu phái sứ giả tới đón tiếp Đại Vũ. Ở núi Côn Luân, Tây Vương Mẫu phụng lệnh Thiên Đế mở tiệc tiếp đãi Đại Vũ cùng chúng Thần, Đại Vũ trị thủy đã nhiều lần được chúng Thần tham gia hiệp trợ, vì vậy lần này có thể nói là quần Tiên đại hội tụ, cộng đồng chúc mừng trị thủy thành công. Tây Vương Mẫu nói, trị thủy đại thành công, là ý chỉ của Thiên Đế, bản thân cũng là phụng theo ý chỉ của Thiên Đế mà làm, là dựa vào uy lực vĩ đại của Thiên Đế. Từ đó về sau, trời trong, đất hòa, vũ trụ trên dưới, cùng hưởng phúc thái bình.
Vì để ca ngợi công lao trị thủy của Đại Vũ, Nghiêu Đế đã truyền cho Thuấn tặng Vũ một miếng ngọc khuê màu đen tượng trưng cho màu của nước, để tuyên bố với thiên hạ việc trị thủy thành công. Thượng thư – Vũ Cống viết: “Vũ được ban ngọc khuê nguyên, tuyên cáo thành công”, Sớ viết: “Công lao trị thủy, đem lại lợi ích khắp bốn biển đều là công của Vũ. Nguyên là màu của trời, trời gọi là nguyên, do đó ngọc khuê sắc nguyên là để tỏ rõ công lao của Vũ. Thiên hạ từ đó thái bình, yên định”.
“Thần Châu” không chỉ là tên gọi của một vùng đất, mà tên gọi đó còn có những yếu tố nội tại, có nội hàm sâu dày về hệ thống tư tưởng, văn hóa, đạo đức, khác hẳn với những nơi khác. Nơi đây được mệnh danh là quê hương của các vị Thần, do các vị Thần tạo ra cho con người. Nơi đây có nền văn hóa Thần truyền; có quy phạm đạo đức, hành vi Thần đặt định cho con người. “Trung Quốc” là trung tâm của thế giới, cũng là thể hiện sự an bài của Thần.
(Còn tiếp)
Bài viết đăng lại từ Chánh Kiến Việt ngữ
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ