Thiểm Tây lũ lụt hoành hành, quê hương của táo tàu chịu ảnh hưởng nặng nề
Mưa liên tục trong hơn 10 ngày qua đã khiến nước ở hạ lưu sông Lạc tăng vọt. Dân làng ở huyện Đại Lệ, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc nói với phóng viên của Epoch Times rằng, những trận xả lũ ồ ạt đã khiến hai con đập ở thị trấn Triệu Độ bị phá hủy, việc trồng táo tàu và chăn nuôi gia súc của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Còn theo báo cáo của giới truyền thông Đại lục, thì kể từ ngày 30/8, huyện Đại Lệ, Vị Nam đã trải qua những trận mưa xối xả. Các sông Vị, sông Lạc trong khu vực đã liên tiếp xuất hiện những trận lũ vượt qua mức cảnh báo. Nước tràn bờ đê khiến hai con đập bị phá hủy, nước sông chảy ngược vào thành phố. Đã có khoảng 175,000 mẫu đất nông nghiệp bị ngập lụt và 25,126 người phải di tản và tái định cư.
Huyện Đại Lệ có 108 ngôi làng bị ảnh hưởng, vụ thu hoạch mùa thu bị thiệt hại nghiêm trọng.
Một số dân làng nói với phóng viên của Epoch Times rằng, tình hình thiên tai ở thị trấn Triệu Độ, làng Thạch Tào, làng Lỗ An, làng Bình Dân, làng Vũ Lâm và những nơi khác còn nghiêm trọng hơn.
Bất ngờ nhận được thông báo di tản, dân làng hốt hoảng bỏ nhà đi
Huyện Đại Lệ nằm ở phía đông của bình nguyên Quan Trung, Thiểm Tây, là khu vực hợp lưu của sông Hoàng, sông Lạc và sông Vị. Ông Tân Minh (hóa danh) – một người dân ở làng Tân Tứ, thị trấn Triệu Độ, cho biết: Những năm trước, nước sông Mẹ (sông Hoàng) có dâng lên nhưng vẫn ổn, năm nay vì để bảo vệ Cam Túc và Hà Nam, lượng lũ xả ra quá lớn khiến đê ở huyện Đại Lệ không chịu nổi và đã vỡ.
Ông Minh nói: “Cả làng bị ngập hoàn toàn, nước sâu khoảng 2m, nhà cửa, đồ đạc đều bị ngâm trong nước”.
Ông Minh kể lại rằng, mưa bắt đầu vào khoảng ngày 1/10, do hệ thống thoát nước kém nên đã khiến nước tích tụ ở một số nơi, nhưng vào lúc đó không có vấn đề gì lớn.
Đến ngày 8/10, bọn họ phát hiện nước sông chảy xiết hơn. Tầm 6 giờ sáng ngày 9/10, lúc dân làng còn đang thu hoạch táo ngoài đồng thì bất ngờ nhận được thông báo của thôn rằng phải di tản ngay.
“Mọi người đều rất vội vã và hoảng loạn, không có thời gian để về nhà lấy đồ, không mang theo được cái gì cả”, ông Minh cho biết vào thời điểm đó, mọi người đều nghĩ rằng họ có thể quay trở lại vào ngày mai, và sẽ không có vấn đề gì lớn.
“Thế nước chảy đến nhanh vô cùng”, ông Minh nói. Khi ông di tản khỏi làng vào lúc 8 giờ thì thấy nước đã dâng đến đường nhựa, hơn chục phút sau thì nước đã cao đến một gang tay.
Ông Tiết Phi (hóa danh) – một nông dân ở thị trấn Triệu Độ, nói với phóng viên rằng: “Nước lên rất nhanh, thời gian di tản lại tương đối ngắn. Gia súc, lợn đều chết hết, những người nông dân bị tổn thất cực kỳ lớn”.
“Gia đình tôi có hơn 100 con bò trị giá hàng triệu nhân dân tệ, tất cả đều mất sạch rồi, nhà cửa cũng vậy.”
Vụ táo tàu: Tâm huyết của cả một đời đều không còn nữa
Táo tàu là đặc sản của huyện Đại Lệ, đã từng được chọn là sản phẩm nông nghiệp mới chất lượng cao nổi tiếng toàn quốc. “Táo tàu Đại Lệ” là một sản phẩm nông nghiệp chỉ dẫn địa lý. Hầu hết dân làng địa phương đều dựa vào việc trồng táo để kiếm sống.
“Táo tàu của huyện Đại Lệ là loại tốt nhất trong cả nước, với sản lượng nhiều nhất”, ông Minh nói, “Những cây táo tàu gần như đều bị nhấn chìm hoàn toàn, nhà kính cũng bị ngâm trong nước. Một số nhà kính bằng nhựa thì bị lũ ép lên cây táo mà đổ sập hết”.
Gia đình ông Minh đã trồng 20 mẫu táo tàu, không có cây nào sống sót, toàn bộ số cây bị ngâm trong nước đều đã hỏng. Ông cho biết: “Để xây dựng một nhà kính tốn hàng trăm nghìn nhân dân tệ. Năm nay tôi đã lỗ 4-5 triệu nhân dân tệ, tâm huyết của cả một đời kinh doanh đều không còn nữa rồi”.
Nghề cá tại địa phương này cũng bị thiệt hại khá lớn. Ông Trần Dĩnh (hóa danh) ở thị trấn Triêu Ấp, huyện Đại Lệ là người đứng đầu một doanh nghiệp, khi được phóng viên của Epoch Times hỏi về thảm họa, ông nói: “Chúng tôi phải tuân thủ một số chính sách của chính phủ, có rất nhiều thứ chúng tôi không thể nói với giới truyền thông. Bạn có thể tìm chính phủ để nói chuyện”.
Tuy nhiên, ông có cho biết: “Lúc đầu chúng tôi cũng để ý đến con đập, nhưng đột nhiên nước chảy rất lớn. Chúng tôi nguyên ban đầu là tự cứu lấy tài sản, nhưng thực sự cứu không nổi nữa, nên đành di tản”.
“Chúng tôi không biết gì cả, cũng không biết thượng nguồn xả lũ ở đâu, thiệt hại thì nặng nề”. Ông tiết lộ rằng ông sở hữu một ao cá, hàng chục nghìn con cá đã bị lũ cuốn trôi, gần một triệu nhân dân tệ đã bị mất trắng.
Chính quyền thị trấn không phân phát vật tư quyên góp
Sau thảm họa, người dân các nơi đã liên tục gửi vật tư cứu trợ đến vùng thiên tai, chính quyền ở địa phương yêu cầu quản lý và phân phối tập trung, nhưng một lượng lớn vật tư đã dừng tại chính quyền thị trấn mà chưa được phân phối.
“Chúng tôi hy vọng rằng những món đồ quyên góp từ bên ngoài sẽ được trực tiếp gửi đến cho thôn, gửi đến thôn trưởng”. Ông Minh cho biết có 10 ngôi làng ở thị trấn Triệu Độ đã bị ảnh hưởng bởi thảm họa này. Làng Tân Tư có hơn 2,000 người, sau khi di tản, một số người đã đến lánh nạn tại nhà người thân bạn bè, một số người khác thì ở các khu tái định cư.
Các khu tái định cư được bố trí ở những nơi không bị ngập lụt như sân trường học. Do quá trình di tản gấp rút nên dân làng đều chỉ mặc một quần một áo, mấy ngày nay nhiệt độ xuống thấp, ban đêm 5-6 độ, ban ngày chỉ khoảng 10 độ.
Ông Minh nói: “Chúng tôi thiếu mền, quần áo bông và các nhu yếu phẩm”. Vào ngày 13/10, đã có hơn 100 người dân trong làng được bổ sung vào khu tái định cư chỗ ông, nhưng chính quyền chỉ cấp cho 40 chiếc mền, ban đêm ngủ cũng khó khăn. Điều kiện của các khu tái định cư khác nhau, có nơi thậm chí không có giường, chỉ có thể ngủ dưới đất.
Ông Minh cho biết mặc dù mọi người đã di tản được nhưng họ rất lo lắng cho ngôi nhà của họ. “Nếu ngôi nhà bị sập, thảm họa lần này sẽ quá lớn rồi”.
Xả lũ hay nước tràn bờ đê? Chính quyền và người dân có ý kiến khác nhau
Dân làng và các quan chức có ý kiến khác nhau về lý do khiến đoạn Tử Dương của đê sản xuất ở thị trấn Triêu Ấp, huyện Đại Lệ bị sập.
Trang Cnwest đưa tin rằng, Quý Vạn Tài – một chuyên gia từ Sở Tài nguyên nước tỉnh Thiểm Tây, cho biết những trận mưa xối xả đã khiến mực nước ở lưu vực sông Hoàng, sông Lạc, sông Vị dâng cao. Ba dòng nước hội tụ nhưng hệ thống thoát nước không tốt, cuối cùng đã khiến lũ tràn bờ đê và đổ ra huyện Đại Lệ.
Phóng viên của Epoch Times đã tìm kiếm trên mạng xã hội và thấy không ít dân làng ở các khu vực thiên tai như huyện Đại Lệ và thị trấn Triệu Độ đã đăng các bài viết nói rằng: “Thượng nguồn bảo vệ Cam Túc, hạ nguồn bảo vệ Hà Nam, nên Thiểm Tây đã mở cửa xả lũ lần thứ hai, lũ tràn qua Đại Lệ và khiến đập bị vỡ.”
Phóng viên của Epoch Times đã gọi điện đến Văn phòng chỉ huy phòng chống lụt bão của huyện Đại Lệ, nhân viên cho biết lần này họ không xả lũ, nguyên nhân thì giới truyền thông đều đã nói rõ. Phóng viên tiếp tục gọi cho Sở Phòng chống lụt bão thành phố Vị Nam, một nhân viên nữ đã từ chối bình luận, chỉ nói rằng bộ phận tuyên truyền đã trả lời rồi, đồng thời cung cấp số điện thoại di động của một giám đốc họ Nhậm, nhưng phóng viên không gọi được.
Theo báo cáo, tính đến 22 giờ ngày 9/10, đã có tổng cộng 239,000 người ở Đại Lệ, Vị Nam bị ảnh hưởng, và 491,000 mẫu đất nông nghiệp đã bị ngập lụt. Lũ lụt đã làm hư hại đường xá, hệ thống thủy lợi, điện lực và các cơ sở hạ tầng khác. Thống kê sơ bộ cho thấy thiệt hại kinh tế của thảm họa lần này là 461 triệu nhân dân tệ.
Cho đến thời điểm đăng bài báo này, vẫn chưa thấy số liệu cập nhật mới hơn về tình hình thiên tai. Vì chính quyền ĐCSTQ luôn che giấu các thảm họa, nên tình hình thực tế không được thế giới bên ngoài biết đến.
Trước đó vào tháng 8, Thiểm Tây đã phải hứng chịu một trận lũ lụt, theo báo cáo đã có 775,000 người tại 8 thành phố chịu ảnh hưởng, và thiệt hại kinh tế vào khoảng 4 tỷ nhân dân tệ.
Đặc biệt là từ ngày 22 đến ngày 27/7, 5 quận và huyện trong đó có Lạc Nam ở thành phố Thượng Lộc đã bị ảnh hưởng nặng nề, khoảng 137,500 người ở 61 làng (trấn) đã bị ảnh hưởng, thiệt hại về kinh tế là khoảng 2.9 tỷ nhân dân tệ.
https://www.youtube.com/watch?v=sKJ3LtyEo8M
Do Hồng Ninh, Lâm Tông Văn thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: